Chúng tôi phải đối phó cùng lúc thiên tai và dịch bệnh

Tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị

Tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị

Những ngày này tôi cập nhật từng giờ về diễn biến khó lường của Covid-19 trên địa bàn để kịp thời đưa ra kế hoạch phù hợp cho năm học mới 2021-2022. Gần một năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đối diện cùng lúc hai khó khăn lớn, đó là ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt và sạt lở núi gây ra vào những tháng cuối năm 2020 và dịch bệnh Covid-19.

1. Trước ngày khai giảng, tôi gọi điện lên hỏi thăm thầy cô Trường mầm non, Trường tiểu học và THCS Hướng Việt, thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Không những tôi, rất nhiều người trong và ngoài nước dành sự quan tâm đặc biệt đến ngôi trường này trong thời gian qua.

Trường vừa được sửa chữa khang trang. Thầy trò của trường đang khẩn trương chuẩn bị năm học mới.

Sáng 6/9, các học sinh đa số con em người dân tộc thiểu số Vân Kiều sẽ đến lớp học, tiết đầu tiên sau khi nghe thầy cô giáo đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước, các em được học về cách phòng, chống Covid-19 tại lớp, chứ không tổ chức khai giảng chung toàn trường.

Còn nhớ, ngày 27/10/2020, tôi có mặt trong đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo huyện Hướng Hóa, là những người đầu tiên đến được các trường: Trường mầm non, Trường tiểu học -THCS Hướng Việt sau lũ lớn.

Trường học tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa ngập bùn non sau trận lũ tháng 10/2020.

Trường học tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa ngập bùn non sau trận lũ tháng 10/2020.

Hôm ấy, đường Hồ Chí Minh nhánh tây theo hướng Khe Sanh ra xã Hướng Việt của huyện miền núi Hướng Hóa vẫn còn ách tắc vì núi sạt lở vùi lấp nhiều đoạn, chúng tôi phải đi vòng ra địa phận tỉnh Quảng Bình từ hướng bắc, lên gặp đường Hồ Chí Minh nhánh tây, sau đó quay vào hướng nam qua xã Hướng Lập để đến được xã Hướng Việt.

Vừa đặt chân xuống sân Trường mầm non, tiểu học THCS Hướng Việt, tôi ôm lấy cô hiệu trưởng mầm non rồi không cầm được nước mắt. Bởi vì cảm kích trước lòng dũng cảm của thầy cô giáo.

Lũ rút, Trường mầm non, Trường tiểu học - THCS Hướng Việt tan hoang ngoài sức tưởng tượng.

Dòng nước từ trên núi cao, cách đến hàng cây số vẫn tiếp tục chảy xuyên qua khu tập thể ra khuôn viên của trường. Bùn, đất, cây cối lũ kéo về làm ngập dâng cao đến 1m gây lầy lội khắp sân trường, nhà tập thể, lớp học. Tất cả phương tiện phục vụ dạy học, đồ dùng sinh hoạt của thầy, cô giáo đều bị cuốn phăng.

Trường tiểu học và THCS xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa ngập bùn đất do lũ đẩy về.

Trường tiểu học và THCS xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa ngập bùn đất do lũ đẩy về.

Đây là các trường bị thiệt hại nặng nhất miền trung do mưa lớn hàng tuần gây lũ quét và sạt lở núi vào tháng 10/2020 gây ra.

Những lớp bùn đất, cây rừng trôi về phủ gần 1m giữa sân trường bây giờ đã được làm sạch bằng cách dùng xe múc dọn dẹp. Ở sân trường, cây, hoa được thầy cô và học sinh trồng sau lũ nay đã lên xanh.

Ngôi nhà ở tập thể vừa được xây dựng sau lũ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tám thầy cô giáo miền xuôi lên dạy học tại Hướng Việt từ nay đã có nhà tập thể kiên cố để ở được an toàn trước nguy cơ mưa lũ và sạt lở núi rình rập.

Gần một năm nay, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đối mặt cùng lúc hai khó khăn lớn, đó là ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt và bây giờ là Covid-19.

2. Mấy tháng qua, tỉnh Quảng Trị không có ca Covid-19 ngoài cộng đồng nên tôi chỉ đạo ngành chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới 2021-2022, tận dụng “thời gian vàng” để dạy học tại trường.

Học sinh tiểu học đến trường được hai hôm thì bất ngờ, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh lại có dấu hiệu phức tạp, các khu cách ly tập trung của tỉnh xuất hiện tình trạng ca bệnh lây nhiễm chéo.

Tận dụng thời gian vàng, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thành phố Đông Hà đến trường khi chưa xuất hiện ca Covid-19 cộng đồng.

Tận dụng thời gian vàng, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thành phố Đông Hà đến trường khi chưa xuất hiện ca Covid-19 cộng đồng.

Tại thành phố Đông Hà có các ca bệnh Covd-19 ở cộng đồng nên tỉnh Quảng Trị đã áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố Đông Hà từ 17 giờ ngày 29/8.

Trong lúc năm học mới chuẩn bị bắt đầu, niềm vui đến kèm theo bao lo lắng về dịch bệnh thể hiện trên gương mặt nhiều thầy cô và phụ huynh, học sinh.

Trước tình hình này, tôi bàn với Ban Giám đốc sở thay đổi kế hoạch năm học mới, quyết định các trường trên toàn tỉnh bắt đầu năm học mới từ ngày 6/9.

Riêng thành phố Đông Hà không tập trung học sinh các cấp, không tổ chức khai giảng, chuyển sang dạy học trực tuyến.

Với các giáo viên ở thành phố Đông Hà, nơi đang áp dụng Chỉ thị 15, đến dạy học tại các huyện, thị, nhà trường cần đánh giá mức độ an toàn cao nhất. Các giáo viên sinh sống trong khu vực đang phong tỏa ở thành phố Đông Hà thì phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Các huyện, thị khác tình hình dịch bệnh ổn định hơn, chưa phải thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cao điểm phòng, chống dịch nên các nhà trường được phép tổ chức khai giảng trực tiếp tại lớp học vào ngày 6/9, chứ không khai giảng chung toàn trường.

Ở tiết học đầu tiên của ngày 6/9, giáo viên chủ nhiệm đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước gửi thầy cô giáo và học sinh nhân năm học mới. Sau đó, các em được học tiết học về kiến thức phòng, chống Covid-19, các tiết học tiếp theo diễn ra theo lịch của nhà trường.

Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh cần linh hoạt ứng phó với diễn biến của dịch bệnh để kịp thời đánh giá mức độ an toàn và quyết định học trực tiếp hoặc trực tuyến theo kế hoạch phù hợp cho các cấp.

Các cơ sở giáo dục chủ động tận dụng thời gian vàng để triển khai hoạt động dạy học trực tiếp và hoạt động giáo dục khác hiệu quả, đúng tiến độ năm học.

Tôi nghĩ rằng, mọi sự điều chỉnh linh hoạt của ngành là để thích ứng với thực tế, đó là dịch bệnh và hướng đến những năng động, mới mẽ. Chúng tôi điều chỉnh nhưng không thay đổi mục tiêu đào tạo, nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học.

Trước thực tiễn này, trách nhiệm của thầy cô giáo không thay đổi mà còn có thể nói nặng hơn vì trái tim người thầy luôn nặng trĩu trước sự lo âu của học sinh và phụ huynh.

Để an tâm dạy và học trước tình hình dịch bệnh, tôi cũng đề nghị tỉnh tạo điều kiện ưu tiên tiêm vaccine sớm cho giáo viên và học sinh.

Hiện nay, giáo viên, học sinh và các phụ huynh trong tỉnh Quảng Trị có tâm tư nguyện vọng rất muốn được ưu tiên tiêm sớm vaccine phòng Covid-19.

Nếu tiêm đủ hai mũi kèm theo thực hiện tốt các biện pháp chống dịch được cơ quan chuyên môn khuyến cáo thì việc dạy và học trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp được an toàn hơn.

Xây dựng Nhà đa chức năng cho trường học của tỉnh Quảng Trị.

Xây dựng Nhà đa chức năng cho trường học của tỉnh Quảng Trị.

3. Bước vào năm học mới này, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị chọn chủ đề “Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục” để hành động. Theo tôi, đến giờ này, các trường trên địa bàn đã xây dựng hai phương án cho năm học mới linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn như sự chỉ dạo của lãnh đạo ngành.

Một nội dung quan trọng nữa của giáo dục Quảng Trị, đó là chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Bởi vì, sau gần hai năm xuất hiện Covid-19, nhiều trường phải dạy học trực tuyến, về khía cạnh tích cực, hai năm qua là cơ hội “diễn tập” để đẩy mạnh, nâng cao năng lực quản lý, dạy và học trên môi trường số.

Tôi trao đổi với anh em trong Ban Giám đốc, quyết tâm triển khai tốt Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, giai đoạn 2019- 2025; Đề án phát triển trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn.

Cố gắng giai đoạn 2021- 2025, hoàn thành, đưa vào sử dụng 381 nhà ở tập thể công vụ cho giáo viên vùng khó khăn. Từ các nguồn lực đầu tư này, cơ sở vật chất, trường lớp ở địa bàn vùng khó Quảng Trị sẽ có sự thay đổi đáng kể.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: LÂM QUANG HUY
Trình bày: BÔNG MAI
Hình minh họa: Thiết kế dựa trên chất liệu của Freepik