Chiến công và những bài học từ cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968 tại Huế

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền nam trong Tổng tiến công Mậu Thân, năm 1968. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền nam trong Tổng tiến công Mậu Thân, năm 1968. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng
(Bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, 14/01/2008)

Tại cuộc Hội thảo khoa học "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968" do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 10/1/2008 tại TP Huế, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, có bài tham luận. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài tham luận.

Thời gian cứ trôi qua, những gì thuộc về quá khứ có thể bị mờ dần hoặc lãng quên theo tháng năm, nhưng với Dân tộc ta, với Quân đội ta và với những người đã trải qua những mùa chiến dịch, những trận chiến ác liệt trên chiến trường mà đối thủ là đế quốc Mỹ - kẻ mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc, thì cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là ký ức lịch sử không thể nào quên được. Sự kiện lịch sử này, ngay từ những ngày đầu cuộc tiến công nổ ra, đã được các báo chí trong nước và ngoài nước dồn dập đưa tin, bình luận.

Và cả đến khi cuộc chiến kết thúc cho đến hiện nay, dư âm về cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 vẫn không lắng đọng, không phai mờ. Nhiều cuộc hội thảo của các chính khách, các nhà khoa học, các nhà quân sự trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, còn đưa ra bàn luận về sự kiện lịch sử này.

Năm 1973, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng lần thứ 21 đã đánh giá về chiến cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cũng có một số cuộc hội thảo vào các năm 1986, 1988... Ban Bí thư Trung ương Ðảng vừa qua đã ra thông báo về việc tổ chức kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 và giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo khoa học về sự kiện này.

Việc hội thảo là cần thiết, là để hiểu thêm, rõ thêm, sâu sắc, đầy đủ hơn giá trị của mốc son lịch sử chói lọi đó trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Hội thảo làm rõ những sự thật của những sự kiện, rút ra những bài học có giá trị thực tiễn - lý luận về vận dụng đường lối, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng. Những bài học đó mãi mãi sáng ngời đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời đại Hồ Chí Minh.

Tôi không trình bày lại những diễn biến cụ thể của cuộc chiến đấu lúc đó. Các báo cáo tổng kết trước đây đã nói tương đối đầy đủ. Ở đây, tôi đi vào những bài học về chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cao nhất ở một hướng chiến trường trọng điểm của cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa diễn ra trong cùng thời gian với cuộc tiến công trên toàn miền nam.

Những suy nghĩ, những xét đoán cũng như việc xử trí qua các tình huống từ khi chuẩn bị đến khi mở màn để tìm ra cái cốt lõi nhất của sự chỉ đạo đảm bảo và tạo nên chiến thắng, cũng như những khuyết điểm thuộc về quá trình chỉ đạo, chỉ huy chiến trường cũng cần làm rõ.

Qua đó, khẳng định chiến thắng vẻ vang, đồng thời cũng chỉ rõ những yêu cầu đề ra, những băn khoăn còn đọng lại. Những vấn đề nêu ra trên đây thì hội thảo lần này nên đi sâu hơn nữa để phân tích, đánh giá, làm sáng tỏ hơn, có sức thuyết phục hơn.

I- Cục diện địch-ta ở chiến trường miền Nam và Trị Thiên-Huế 1967, chủ trương và diễn biến tổng quát của cuộc Tổng tiến công và Nổi dậy trên chiến trường Trị Thiên-Huế

Lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công Mâu Thân, năm 1968. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công Mâu Thân, năm 1968. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

1- Về địch

Sau các mùa khô 1965-1966, 1966-1967, quân Mỹ liên tiếp thất bại nặng nề ở chiến trường miền nam và trong cuộc chiến tranh phá hoại ở miền bắc, đã leo thang chiến tranh đến đỉnh cao (tính đến tháng 12/1967, Mỹ đã huy động vào chiến trường miền nam 40% số sư đoàn bộ binh của cả nước; số phi vụ đánh ra miền bắc tăng gấp năm lần so với năm 1966, riêng máy bay B52 tăng từ 60 lần phi vụ năm 1966 lên 800 lần năm 1967).

Thất bại ở chiến trường Việt Nam khiến nội bộ nước Mỹ có những xáo động chính trị, nhiều cuộc biểu tình của nhân dân Mỹ đòi nhà cầm quyền chấm dứt chiến tranh Việt Nam, rút quân Mỹ về nước. Một thời cơ mà ta cần khai thác triệt để nhằm làm chuyển biến cục diện chiến tranh...

2- Về ta

Chiến trường Trị Thiên-Huế năm 1965 về trước là phân khu Bắc trực thuộc Quân khu 5. Năm 1966, Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu và Quân khu Trị Thiên-Huế trực thuộc Trung ương và Bộ Quốc phòng. Từ một khu đệm không đánh lớn, giờ đây, Trị Thiên-Huế đã chuyển thành một mặt trận tiến công địch, cùng với Mặt trận Ðường 9-bắc Quảng Trị hợp thành một hướng chiến trường quan trọng, một chiến trường tiêu diệt sinh lực địch, thu hút địch, nhất là đối với quân viễn chinh Mỹ; có khả năng phối hợp tác chiến với các chiến trường khác để đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên một bước mới.

Năm 1966, lực lượng địch ở Trị Thiên-Huế khoảng 10 vạn. Sau khi thành lập, Khu ủy và Quân khu ủy chủ trương: Ðẩy mạnh tiến công địch, xây dựng và củng cố bàn đạp vững chắc trên vùng rừng núi, đưa chiến tranh xuống đồng bằng, chiếm lĩnh vùng giáp ranh, xây dựng cơ sở vùng ven để chuẩn bị đánh thẳng vào đô thị, phát động Ðảng bộ, quân và dân trong Quân khu tạo ra một khí thế tiến công toàn diện quân địch. Thực hiện chủ trương trên, từ giữa năm 1966 đến năm 1967, khí thế cách mạng tiến công địch rộng khắp đã thu được những kết quả.

Mùa xuân năm 1967, Khu ủy - Quân khu ủy quyết định sang xuân 1968, chuyển cuộc chiến tranh vào thành phố, tiến công địch liên tục, cả quân sự, chính trị, binh vận... tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mỹ, ngụy, chiếm lĩnh vùng nông thôn xung yếu, làm rối loạn thành phố và hệ thống phòng ngự của địch, phối hợp với các chiến trường tiến lên Tổng công kích-tổng khởi nghĩa giành toàn thắng.

Phương châm của Quân khu là: "Biến căn cứ, những trung tâm đầu não địch trong thành phố thành chiến trường, đưa chiến tranh vào trong nhà địch". Lực lượng chủ lực của Quân khu lúc này, tính đến tháng 8/1967, có hai trung đoàn bộ binh, mười tiểu đoàn bộ binh độc lập và bộ đội đặc công.

Các chiến sĩ giải phóng quân chuẩn bị tiến vào Huế (1968). (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ giải phóng quân chuẩn bị tiến vào Huế (1968). (Ảnh: TTXVN)

3- Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị

Với sự phát triển mới của tình hình trên các chiến trường, Mỹ đang lúng túng cả về quân sự và chính trị, tháng 5/1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương: "Gấp rút chuẩn bị mọi mặt, kịp thời nắm lấy thời cơ để giành thắng lợi, buộc Mỹ phải chịu thua về quân sự".

Tháng 12/1967, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết: Ðộng viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp Tổng công kích-tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định; kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị và tiến công ngoại giao, trong đó, cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang trên các chiến trường lớn và sự nổi dậy của nhân dân ở các đô thị lớn là hai mũi tiến công chính.

Bộ Chính trị thông qua phương án Tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược, đặc biệt quan trọng là Ðường 9-Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch; thực hành một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã trên toàn miền nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng đô thị và nông thôn, mở đầu cho Tổng công kích-tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn-Nam Bộ, Trị Thiên-Huế; trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn.

Như vậy, chiến trường Trị Thiên-Huế là một chiến trường trọng điểm của toàn miền. Nhiệm vụ của chiến trường Trị Thiên-Huế là: Lợi dụng điều kiện thuận lợi mà Mặt trận Ðường 9 tạo nên, thực hành công kích-khởi nghĩa đánh chiếm cho được thành phố Huế, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, chủ yếu là Sư đoàn Bộ binh 1 của ngụy, thiết lập chính quyền cách mạng, làm chủ toàn bộ nông thôn, quận, tỉnh, thành phố; phối hợp với Mặt trận Ðường 9 tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, đánh quân ứng chiến cơ động, đánh tê liệt hậu cứ, cắt giao thông, làm cho quân Mỹ mất khả năng ứng cứu quân ngụy.

Chiến trường Trị Thiên-Huế là một chiến trường trọng điểm của toàn miền. Phương châm chỉ đạo: Công kích và khởi nghĩa để làm chủ thành phố, nhưng phải coi trọng đánh quân địch vòng ngoài; phân hóa quân đội Mỹ ngăn chúng không can thiệp, lúc nào đó mở đường cho một giải pháp (cuộc dàn xếp giữa Mỹ và ta qua trung gian là Mặt trận Liên minh-Dân tộc-Dân chủ và Hòa bình).

Sau đó, có sách lược kìm chế chúng, cô lập chúng trong chiến đấu, sẵn sàng đánh phản kích làm cho địch tổn thất, ta giữ vững và phát triển thắng lợi. Phương châm chỉ đạo: Công kích và khởi nghĩa để làm chủ thành phố, nhưng phải coi trọng đánh quân địch vòng ngoài; phân hóa quân đội Mỹ ngăn chúng không can thiệp, lúc nào đó mở đường cho một giải pháp (cuộc dàn xếp giữa Mỹ và ta qua trung gian là Mặt trận Liên minh-Dân tộc-Dân chủ và Hòa bình).

Chấp hành lệnh của Trung ương, Quân khu đã lập kế hoạch chia ba bước; dự kiến bốn tình huống. Ngày 25-12-1967, Trung ương cử cán bộ vào truyền đạt làm rõ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị: "Tổng khởi nghĩa là một quá trình công kích và khởi nghĩa nhiều lần".

4- Diễn biến và kết quả cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 của toàn miền và Trị Thiên-Huế

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của BCH T.Ư Ðảng đánh giá: "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân (1968) đánh vào cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn và các thành thị, vây hãm địch nhiều ngày ở Khe Sanh, đồng thời đánh địch khắp các vùng nông thôn tạm bị chiếm, đã giáng một đòn bất ngờ rất lớn, làm cho quân Mỹ-ngụy hoang mang, dao động mạnh. Cuộc tổng tiến công chiến lược ấy đã giành được những thắng lợi rất to lớn buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược quân sự của chúng.

- Ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng thêm hàng triệu đồng bào, và trên cơ sở đó làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

- Ta đã làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ; buộc Chính phủ Mỹ phải nhận rằng không thể dùng lực lượng quân đội viễn chinh Mỹ để thắng trong chiến tranh ở Việt Nam.

- Ta đã kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, buộc chúng phải chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền bắc và nhận họp Hội nghị bốn bên ở Pa-ri".

Nghị quyết 21 còn khẳng định: "Mặc dầu có khuyết điểm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) vẫn giữ một vị trí rất to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng".

Nghị quyết 21 còn khẳng định: "Mặc dầu có khuyết điểm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) vẫn giữ một vị trí rất to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng".

Trong ba thành phố là trọng điểm tiến công của đòn chiến lược Xuân Mậu Thân thì Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được mục tiêu cao và giành được thắng lợi lớn. Ðặc biệt, hoạt động nổi dậy của quần chúng có tổ chức và tham gia lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong thành phố thể hiện rõ hơn và đạt mức độ cao hơn các nơi khác. Với 26 ngày đêm chiếm giữ thành phố, thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế là nguồn cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta trên khắp chiến trường và gây thôi động mạnh đối với bọn đầu sỏ Mỹ-ngụy.

5- Một số nhận định của các nhà khoa học và báo chí nước ngoài đánh giá về Tết Mậu Thân 1968.

Nhà báo Bớt-sét (Australia): Cuộc tiến công dịp Tết Mậu Thân ấy là một trong những chiến công lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật chiến tranh. Trước hết, nó đã có công làm xẹp lòng tự phụ của các tướng lĩnh Mỹ, nhất là của Tổng tư lệnh quân Mỹ ở Sài Gòn, Tướng William Westmoreland.

Thời báo New York (Mỹ): "Cuộc tiến công Tết của lực lượng cộng sản là đỉnh cao nhất của hoạt động quân sự trong cuộc chiến tranh thứ hai ở Ðông Dương và chắc hẳn là trận duy nhất trong cuộc chiến tranh đó mà người ta sẽ nhớ lâu. Một cuộc tiến công bất ngờ, cùng một lúc vào hầu hết các thành phố to và nhỏ, vào căn cứ quân sự lớn ở miền nam Việt Nam là rất táo bạo trong nhận thức và đã được thực hiện một cách khiến mọi người phải sửng sốt".

Ðối với Huế: "Cuộc tiến công vào Huế được coi như một trận tiến công nặng nề nhất ngoài sức tưởng tượng, nên đã gây ra nhiều xúc động, làm cho các cấp chính quyền địa phương càng dao động mãnh liệt khi thấy đa số những nhân vật đầu não chính quyền bị địch giết" (đài Mỹ).

Rô-bớt Oét-sơ-man - Tư lệnh quân Mỹ ở Vùng 1 chiến thuật đã buồn bã thừa nhận: "Thành phố Huế đang có đánh nhau, quân Cộng sản gây khó khăn vô cùng nguy hiểm cho Mỹ. Quân Mỹ ở trong thành đã kiệt sức, lính thủy đánh bộ cần tiếp viện, nhưng việc chuyển quân quanh Huế gặp khó khăn và rất nguy hiểm. Máy bay lên thẳng đã xuất trận 446 lượt chiếc ở Huế, đã có 60 chiếc bị bắn hỏng. Trong khi đó, quân Cộng sản vẫn kiểm soát được khu thành, họ có công sự, bố phòng mà lực lượng đồng minh Mỹ-ngụy không đủ khả năng chiếm lại được vị trí chủ chốt dọc thành".

Một tác giả Mỹ viết: "Cố đô Huế là một thành phố duy nhất mà người cộng sản đã chiếm giữ tương đối lâu dài đủ để bắt đầu thay đổi hệ thống chính trị đối với người Việt Nam. Huế là trái tim của người Việt Nam, giống như Tokyo trái tim của Nhật Bản".

Hãng Reuters nhận xét ngày 27/2/1968: "Mặc dù Tỉnh trưởng Thừa Thiên có tổ chức lại và động viên đám công chức địa phương, vẫn chỉ có 150 công chức trong số 3.000 người đến làm việc".

Báo Granma, Cuba: "Hiện nay, có một cái tên đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, đó là thành phố Huế, kinh đô cũ của nước Việt Nam xưa. Ngày nay, Huế đang đi vào lịch sử của các thành phố anh hùng như Stalingrad. Huế là một trang sử hiển hách trong cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Huế sẽ là một vầng dương trong lịch sử với những dấu vết anh hùng bất tử của những chiến công hiện nay".

Lính ngụy bị quân Giải phóng bắt trong trận tiến công giải phóng thành phố Huế đầu Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: TTXVN)

Lính ngụy bị quân Giải phóng bắt trong trận tiến công giải phóng thành phố Huế đầu Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: TTXVN)

Bác Hồ: Sau thắng lợi Huế, Bác gửi thư khen: "Bác rất vui mừng vừa qua Huế đã đánh giỏi, thu được nhiều thắng lợi to lớn. Bác biểu dương chiến tranh nhân dân ở Huế trong Tết Mậu Thân. Bác khen 11 cô gái sông Hương (tháng 2/1968) và Bác có mấy câu thơ:

"Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.

Bác khen các cháu dân quân gái

Ðánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương".

Ngày 31/8/1968, Bác còn gửi thư đến đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng cách mạng thành phố Huế và Bác tặng danh hiệu: "Tiến công-nổi dậy-anh dũng-kiên cường".

Sự đánh giá của Bộ Chính trị, những ý kiến của dư luận quốc tế và của sĩ quan, binh lính Mỹ-ngụy cũng chính là sự thừa nhận những thắng lợi oanh liệt của quân và dân Huế.

Chủ trương tiến công thẳng vào thành phố Huế với phương thức công kích và khởi nghĩa là một chủ trương chiến lược đúng đắn, táo bạo, có sự vận dụng kinh nghiệm Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, các cuộc đồng khởi của Trà Bồng, Bến Tre...

Những kinh nghiệm ấy được vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới. Sự chỉ đạo nhạy bén của Khu ủy - Quân khu ủy và tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời của quân và dân Trị Thiên-Huế, cả quân sự, chính trị, cả thành phố và các vùng nông thôn suốt 26 ngày đêm là những nhân tố quyết định đem lại thắng lợi to lớn, ghi một trang sử oanh liệt chống kẻ thù xâm lược, làm phong phú đường lối quân sự, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Ðảng, của Hồ Chí Minh ở thế kỷ 20...

II- Những ưu điểm, khuyết điểm và Bài học về chỉ đạo, chỉ huy

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn, ra Nghị quyết về Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn, ra Nghị quyết về Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Tháng 3/1986, đồng chí Trần Văn Quang, nguyên Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên-Huế, đã phát biểu trong Hội nghị khoa học tổng kết chiến dịch đợt 3 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở chiến trường Trị Thiên-Huế do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức. Tôi thấy đồng chí Trần Văn Quang đã nói rất đầy đủ, sâu sắc từ đợt mở đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch, với một tinh thần tự phê bình rất cao, thẳng thắn, chân thành của một người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất được trên giao nhiệm vụ ở một địa bàn chiến lược quan trọng và là một hướng chiến trường trọng điểm của chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968.

Từ trong bài phát biểu này, chúng ta có thể rút ra được những bài học rất có giá trị về sự chỉ đạo chiến lược, chiến dịch đối với một cuộc Tổng tiến công có ý nghĩa lịch sử độc đáo. Trong cuộc Tổng tiến công đó, lần đầu tiên, lực lượng vũ trang và nhân dân ta tiến công và nổi dậy với khí thế "xung thiên", với quy mô lớn chưa từng có ở cả thành thị và nông thôn, đặc biệt là thành thị.

Trong cuộc Tổng tiến công đó, lần đầu tiên, lực lượng vũ trang và nhân dân ta tiến công và nổi dậy với khí thế "xung thiên", với quy mô lớn chưa từng có ở cả thành thị và nông thôn, đặc biệt là thành thị.

Năm 1966-1967, phong trào cách mạng ở Trị Thiên-Huế có bước chuyển biến mới: tiến công địch có hiệu quả, xây dựng cơ sở chính trị có tiến bộ. Những trận thắng địch ở La Vang, Từ Hạ (ngày 5/5/1967) trong một đêm, với một lực lượng ít, ta đã đánh chiếm sở chỉ huy của hai trung đoàn ngụy và một phần thị xã Quảng Trị. Tiếp đến, ta giành thắng lợi trong các trận Long Thọ, Hương Giang và nhiều cuộc tiến công quân sự, chính trị khác. Thế trận vùng rừng núi, giáp ranh được củng cố.

Vùng giải phóng ở nông thôn được mở rộng, nhiều "căn cứ lõm" ở đồng bằng hình thành làm bàn đạp để bộ đội chủ lực của Quân khu, tỉnh bám trụ và tiến công địch. Mối liên hệ, phối hợp giữa vùng rừng núi, giáp ranh, đồng bằng đã chặt chẽ và thuận lợi hơn. Các trận chiến đấu diễn ra trong lòng địch ngày một tăng, quần chúng nông thôn ngày càng ngả về ta và ủng hộ ta bằng nhiều hình thức. Ðó là điều kiện mới để Khu ủy và Quân khu đề ra chủ trương: "Không chỉ đánh địch ngoài vùng nông thôn mà đưa chiến tranh vào thành phố, đánh trong nhà địch, đánh vào sào huyệt, vào đầu não chúng...".

Ðược lệnh của Bộ giao - ở phần một đã nói, Quân khu có mấy điểm nhấn mạnh trong nhiệm vụ mà Bộ giao cho chiến trường Trị Thiên-Huế:

- Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa-giải phóng Huế;

- Tiến công toàn diện, công kích-khởi nghĩa, khởi nghĩa là chính;

- Dùng lực lượng tại chỗ; Huế vừa phải tự giải phóng, vừa phải thu hút địch ra để chiến trường chính hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo, chỉ huy chiến trường lo lắng khả năng hoàn thành nhiệm vụ khó, vì lực lượng quân sự của Quân khu ít; bản thân Quân khu không có lực lượng dự bị, thời gian gấp...

Nhưng bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy Quân khu mừng và tin tưởng toàn chiến trường cùng hoạt động, thời gian thống nhất, cùng đồng loạt công kích và khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Ðứng trước yêu cầu và thời cơ mới, Quân khu đã tích cực triển khai, tin ở bản thân mình (tức là tin ở lực lượng vũ trang Quân khu, tin ở nhân dân địa phương, tin ở phong trào quần chúng và tin ở các chiến trường bạn).

Tuy có những khó khăn, nhưng Quân khu đã tìm cách khắc phục. Quyết tâm của Quân khu cụ thể hóa bằng các kế hoạch như: kế hoạch công kích, kế hoạch khởi nghĩa, kế hoạch xây dựng chính quyền, kế hoạch xây dựng và phát triển lực lượng rất cụ thể, sát với thực tế địa phương, trong đó có những sáng tạo, không máy móc, rập khuôn như chỉ thị của trên công kích - khởi nghĩa - khởi nghĩa là chính.

Quân khu hiểu rõ tiến công và nổi dậy của quần chúng phải phối hợp, kết hợp chặt chẽ, đưa khởi nghĩa lên vị trí quan trọng, tức là tổ chức lực lượng vũ trang, lập chính quyền cách mạng. Nhưng tiến công quân sự phải đánh đòn mở đầu hạ gục lực lượng vũ trang chính của địch, cơ quan chỉ huy, bọn ác ôn, cô lập các đơn vị bảo an dân vệ, làm chủ tình hình lúc đầu, khi đó quần chúng mới nổi dậy.

Khi địch còn mạnh, đòn quân sự của ta chưa đánh gục được chúng thì lực lượng chính trị nổi dậy sớm sẽ bị tổn thất. Quan điểm của Quân khu như vậy là đúng. Và tình hình đã diễn ra cũng đúng như vậy. Khi toàn miền nam đồng loạt tiến công, chiến trường Trị Thiên-Huế cũng đồng loạt tiến công.

Quân ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu của địch trong thành phố, ba ngày sau, lực lượng quần chúng mới nổi dậy và trong những ngày đầu đã giải phóng 296 thôn, 53 vạn/80 vạn quần chúng được phát động...

Thời gian tiến công và nổi dậy được một tuần (từ ngày 1 đến ngày 7/2), ta làm chủ được hầu hết thành phố Huế. Từ ngày 2 đến ngày 20/2, địch còn lại một số vị trí trong thành phố, phối hợp với lực lượng bên ngoài phản kích rất quyết liệt. Quân tăng viện của chúng mỗi ngày một nhiều.

Lực lượng của Mỹ đã lên bốn sư đoàn. Ta thương vong ngày một tăng, các chiến trường bạn, nhất là Sài Gòn, Ðà Nẵng, Ðường 9 hoạt động chưa mạnh như kế hoạch. Bộ chỉ thị phải tiếp tục chiếm giữ Huế, tổ chức đánh phản kích, mở rộng nông thôn, chuẩn bị phối hợp cùng Ðường 9...

Rồi tiếp đến các chỉ thị sau của Bộ: giữ Huế cũng vì lợi ích của Huế và vì lợi ích của toàn chiến trường miền nam. Trước tình hình đó, xử trí của Quân khu là: kiên quyết đánh địch, giữ vững các mục tiêu đã chiếm trong thành nội, kéo địch về phía mình để hỗ trợ các chiến trường bạn.

Ðó là tính kỷ luật cao của một hướng chiến trường trọng điểm nằm trong đội hình chung của chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền nam; tiến hay dừng, trụ lại hay rút ra ngoài do Bộ chỉ huy tối cao quyết định, không một hướng nào được tự ý thay đổi. Tình huống này chính là sự thử thách, là thước đo về bản lĩnh, về tính kiên định, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp ở các hướng chiến trường.

Ðó là một ưu điểm nổi bật. Nhưng đúng như đồng chí Trần Văn Quang nói, khuyết điểm là ở chỗ: "Ðáng lẽ ra lúc đó một mặt chấp hành lệnh của Bộ, mặt khác phải chấn chỉnh lại lực lượng, bố trí lại đội hình, suy nghĩ các biện pháp mới, vừa đánh địch, vừa chuẩn bị đối phó khi địch chiếm lại thành phố và nông thôn. Nhưng chúng tôi đã không làm được như thế mà chỉ đánh địch phản kích tại chỗ, cố giữ một số điểm tiêu biểu trong thành phố...".

Một câu hỏi nữa đặt ra là: Lúc bấy giờ, tại sao không rút một bộ phận lực lượng ra vùng nông thôn, tổ chức tiến công địch ở vòng ngoài? Lực lượng Bộ tăng cường cho Huế ta dồn cả vào trong nội đô lại càng khó khăn thêm, lúc này chủ yếu là chống đỡ, không tiến công được.

Rõ ràng, ở mặt này, ta thiếu sự nhạy bén trong đánh giá tình hình, ngay từ khi làm phương án cũng có sự chủ quan, đánh giá thấp địch. Từ bên trên đến cán bộ, chiến sĩ, ai cũng nghĩ rằng chiến dịch này nhất định toàn thắng, giành thắng lợi quyết định, có nghĩa là miền nam được giải phóng.

Ðại hội Thi đua của Quân khu trước khi xuất quân cũng nêu khẩu hiệu: "Tiến công-nổi dậy-quyết chiến-quyết thắng-giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân".

Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam càng làm nức lòng và có sức thôi thúc mạnh mẽ quân và dân toàn miền, quân và dân ta trên cả nước. Có lẽ các anh trong Khu ủy - Quân khu ủy cũng như chúng tôi, các cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cho đến những du kích, những cơ sở trong thôn, ấp, ai ai cũng phấn khởi và sẵn sàng bước vào cuộc quyết chiến này và cho là trận quyết chiến cuối cùng, nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Với tinh thần, quyết tâm rất cao như vậy, lãnh đạo của chúng ta tuy có dự liệu khả năng bất trắc, song vẫn thiên về mặt thuận nhiều hơn, từ đó đã giảm nhẹ sự suy nghĩ những kế sách đối phó khi tình hình không thuận, cuộc chiến kéo dài, các hướng chiến trường khó khăn, ta bị động, lúng túng.

Tổng tiến công và nổi dậy 1968. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Tổng tiến công và nổi dậy 1968. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Sau khi rút khỏi Huế, lại tiếp đến Tổng công kích-tổng khởi nghĩa (đợt 2 vào tháng 5/1968). Lúc này, ở khu vực Trị Thiên-Huế cũng như trên toàn Miền, địch đã ổn định được tình hình, lực lượng của chúng đã được tăng cường hơn trước. Số lượng địch ở khu vực Huế đã tăng lên 140.000 tên với 60 tiểu đoàn, trong đó có nhiều tiểu đoàn tinh nhuệ của Mỹ. Ðịch vẫn giữ Ðường 9.

Mặt khác, chúng liên tục truy quét từ chiến trường rừng núi, đẩy ta ra khỏi vùng giáp ranh, càn quét vùng đồng bằng nông thôn một cách khốc liệt, lập ấp chiến lược, lập thêm đồn bốt. Bọn ác ôn ngóc đầu dậy thẳng tay tàn sát nhân dân, tàn sát lực lượng cách mạng ở cơ sở. Trong khi đó, lực lượng của ta chưa được củng cố, thế trận từ đồng bằng tới vùng giáp ranh và lên vùng rừng núi chưa được xây dựng lại; bộ đội bị thương, bị sốt rét, thiếu đói, thiếu đạn v.v..., sức chiến đấu suy giảm...

Nhưng lệnh của trên là tiếp tục thực hiện đợt 2 và đợt 3, tức là tiếp tục Tổng công kích-tổng khởi nghĩa, Quân khu chấp hành nhưng thực hiện thì ít hiệu quả. Tư tưởng của bộ đội, của nhân dân, của cán bộ chính trị ở cơ sở nông thôn, rồi trong nội bộ Ðảng cũng phát sinh những lủng củng, v.v...

Tôi trích ý kiến của đồng chí Trần Văn Quang tự kiểm điểm sau khi rút khỏi Huế: " ...Ðáng lẽ chúng tôi phải bình tĩnh đánh giá lại tình hình, xác định lại nhiệm vụ và phương châm hành động, không phải tiếp tục Tổng công kích-tổng khởi nghĩa, mà phải tiêu hao, tiêu diệt bộ phận địch, giữ gìn và xây dựng lại cơ sở, xây dựng lại thế ba vùng liên hoàn có lợi cho ta, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đấu tranh hợp pháp với nửa hợp pháp ở vùng địch kiểm soát.

Tóm lại, nhiều việc phải làm lại từ đầu cho phù hợp với tình hình so sánh lực lượng và âm mưu, thủ đoạn của địch lúc đó, thì chúng tôi lại để thời gian, công sức, lực lượng có hạn vào việc tổ chức một số trận tiến công địch và tiếp tục Tổng công kích-tổng khởi nghĩa trong khi điều kiện không còn nữa. Ðịch và ta ở mặt trận Trị Thiên-Huế đã thay đổi, nhu cầu cách mạng và chiến tranh cách mạng ở địa phương là phải chuyển cách hành động.

Chúng tôi đã không sáng suốt, không kịp thời đề ra nhiệm vụ, phương châm, biện pháp phù hợp với tình hình, không có can đảm để phản ánh, mà lại chấp hành mệnh lệnh một cách thụ động, làm cho tình hình càng khó khăn thêm". Ðây là một bài học rất quan trọng cho mỗi chúng ta, nhất là chỉ huy quân sự ở những tình huống phức tạp nhất.

Trong những tình huống đó, người lãnh đạo, người chỉ huy phải căn cứ vào cái gì là trước hết để kịp thời đề ra chủ trương nhằm bảo đảm chắc thắng và hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất của ta; phải có gan chịu trách nhiệm với những quyết định đưa ra, những mệnh lệnh chỉ đạo, chỉ huy của mình. Khi không còn điều kiện mà ta cứ chấp hành lệnh một cách thụ động, cuối cùng là không thắng mà lại tổn thất lớn.

Quân giải phóng truy kích địch trong trận tiến công ngày 2/1/1968 tại khu vực Bà Chiêm, Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Quân giải phóng truy kích địch trong trận tiến công ngày 2/1/1968 tại khu vực Bà Chiêm, Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Ðề nghị cần rút kinh nghiệm làm rõ hơn một số vấn đề:

1- Ðánh giá về địch-ta đã chính xác chưa? Ðánh giá về khả năng của Mỹ, về những mâu thuẫn nội bộ của chúng cũng như mâu thuẫn giữa Mỹ và ngụy, về sức ép của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, có phải Mỹ đã tính tới bỏ cuộc ở Việt Nam? Nếu đánh giá chưa thật chính xác, dẫn đến đề ra yêu cầu vượt quá khả năng thực tế.

2- Về mối quan hệ giữa tổng tiến công quân sự và đòn nổi dậy của quần chúng trong Tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Tổng công kích-tổng khởi nghĩa tiến hành đồng thời, gắn bó với nhau, trong đó đòn tiến công quân sự (tổng công kích) giữ vị trí quyết định hay cả Tổng công kích-tổng khởi nghĩa đều có vị trí ngang nhau, trong điều kiện chiến tranh, lực lượng quân sự của địch bao gồm cả lực lượng Mỹ và ngụy còn rất mạnh. Bối cảnh chiến lược Mậu Thân 1968 không giống như bối cảnh chiến lược của Khởi nghĩa tháng Tám 1945, hoặc Ðồng khởi ở Trà Bồng năm 1959, ở Bến Tre năm 1960?

3- Về Tổng khởi nghĩa là một quá trình. Ở Trị Thiên chưa được bàn kỹ ý kiến này nhưng khi động viên, chuẩn bị tư tưởng tôi cũng được Quân khu phổ biến:

- Giai đoạn Tổng công kích-tổng khởi nghĩa là một quá trình diễn ra liên tục, giành đi giật lại giữa ta và địch, không phải là một âm mưu, mà là một cuộc cách mạng, quần chúng phải nổi dậy, phải vận dụng nhiều hình thức, nhiều cách đánh, kết hợp toàn diện các mũi, các hướng, tạo sức mạnh tổng hợp mới giành được thắng lợi, có thể là năm tháng với vài ba chiến dịch cũng có thể là một năm với nhiều chiến dịch liên tục. Do đó, phải chuẩn bị cả về tư tưởng, tổ chức, vật chất để bảo đảm thắng lợi hoàn toàn. Lực lượng vũ trang phải là ngòi nổ mạnh đóng vai trò trực tiếp quyết định. Vai trò đấu tranh chính trị phải rất quan trọng, thúc đẩy quần chúng nổi dậy, như "sóng trào biển nổi", tạo điều kiện thuận lợi cho quân sự dứt điểm.

Lời dạy của Lê-nin: "Không được đùa với khởi nghĩa..." đã được hiểu thế nào? Hoàn cảnh nào thì nó diễn ra trong vài ba chiến dịch hoặc kéo dài hàng năm với nhiều chiến dịch liên tục? Chỉ đạo của Bộ có thể hiện tinh thần này không? Những điều ấy cắt nghĩa chưa rõ.

Tôi nghĩ rằng: Tổng công kích và nổi dậy, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân là một cao trào tiến công quân sự và tiến công chính trị diễn ra khi so sánh lực lượng thực tế giữa ta và địch trên toàn chiến trường nghiêng về ta, ta nắm được thế chủ động chiến trường, có ưu thế chính trị-tinh thần, tổ chức và bảo đảm không ngừng phát huy được ưu thế đó; địch thì lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng bị khoét sâu. Tổng công kích-tổng khởi nghĩa có thể diễn ra bằng một đòn hay mấy đòn chiến dịch liên tiếp, đi đến chiến dịch cuối cùng giành toàn thắng, đạt được toàn diện các mục tiêu quân sự và chính trị. Vì vậy, Tổng công kích và nổi dậy, giành chính quyền về tay nhân dân thường diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn, không thể kéo dài hàng năm.

Vào lúc 6 giờ 15 phút ngày 31/1/1968, lá cờ của Liên minh các lực lượng dân chủ và Hoà bình Việt Nam được kéo lên cột cờ tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN)

Vào lúc 6 giờ 15 phút ngày 31/1/1968, lá cờ của Liên minh các lực lượng dân chủ và Hoà bình Việt Nam được kéo lên cột cờ tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN)

Những tổn thất lớn, những khó khăn mới sau Mậu Thân 1968 là do đánh giá chưa sát thực tế: Ðề ra yêu cầu giành thắng lợi hoàn toàn, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, dẫn đến cứ kéo dài thời gian chiến dịch, chắp nối thêm các bước và nhấn mạnh Tổng công kích-tổng khởi nghĩa là một quá trình theo suy luận chủ quan.

Những tổn thất lớn, những khó khăn mới sau Mậu Thân 1968 là do đánh giá chưa sát thực tế: Ðề ra yêu cầu giành thắng lợi hoàn toàn, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, dẫn đến cứ kéo dài thời gian chiến dịch, chắp nối thêm các bước và nhấn mạnh Tổng công kích-tổng khởi nghĩa là một quá trình theo suy luận chủ quan.

Thực tế chỉ nên đặt ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là một cuộc tập kích chiến lược nhằm tiến công trên cả ba chiến trường: đô thị, nông thôn, rừng núi, lấy chiến trường đô thị là chính, tiêu diệt cả sinh lực, phương tiện chiến tranh của quân Mỹ và quân ngụy, vừa tiêu diệt địch, vừa giành quyền làm chủ, đẩy tới một bước suy sụp mới của quân địch nhằm đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, làm lung lay và đẩy lùi một bước ý chí tiến hành chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ, ngụy phải chịu ngồi vào bàn đàm phán, trên cơ sở thắng lợi chiến lược ấy tiếp tục "đánh cho Mỹ cút", tạo điều kiện "đánh cho ngụy nhào", giành toàn thắng.

Ðề ra khẩu hiệu "trung lập hóa" quân Mỹ, trên thực tế khi quân Mỹ đang còn trên đất ta nửa triệu quân, dù chúng đã vấp phải thất bại nặng nề sau hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967, nhưng khả năng này rất ít.

Ðảng đã khẳng định cuộc Tổng công kích-tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 là một thắng lợi rất lớn của quân dân miền nam và của cả nước. Thơ chúc Tết của Bác Hồ năm 1969 có câu mở đầu: "Năm qua thắng lợi vẻ vang". Như vậy, dù ta có tổn thất, một số yêu cầu đề ra không đạt, nhưng không thể đánh giá thấp thắng lợi.

Cục diện chiến tranh ở Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, ý chí xâm lược của Mỹ đã bị lung lay, buộc chúng phải điều chỉnh chiến lược, từ chiến lược "chiến tranh cục bộ" sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt vô điều kiện ném bom miền bắc một thời gian dài, chịu ngồi vào bàn Hội nghị bốn bên.

Nhưng việc rút ra bài học thì phải trao đổi, bàn bạc sâu hơn nữa, tìm cho ra những kinh nghiệm cốt lõi nhất trong vấn đề chỉ đạo tiến hành một cuộc Tổng công kích-tổng khởi nghĩa đồng loạt với quy mô rộng lớn, lần đầu tiên diễn ra ở thành thị, nông thôn, miền núi, lấy chiến trường đô thị làm chiến trường chính, đánh vào sào huyệt địch, các căn cứ, các binh chủng mạnh nhất của cả Mỹ lẫn ngụy ở miền nam. Những bài học đó làm phong phú đường lối quân sự của Ðảng ta, bổ sung vào kho tàng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng của một nước nhỏ chống lại kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần.

Những bài học đó còn có ý nghĩa thực tiễn cho chúng ta hiện nay, trong giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ðó là: trong chủ trương chiến lược yêu cầu cơ bản đầu tiên là phải đánh giá đúng tình hình thực tiễn, đánh giá đúng so sánh lực lượng, khả năng và xu thế phát triển cả mặt tích cực và mặt tiêu cực, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và nguy cơ, thách thức, phải biết vừa tranh thủ giành thắng lợi từng bước, vừa chuẩn bị tiến lên vững chắc trên con đường cách mạng lâu dài, gian khổ, nắm vững ngọn cờ cách mạng và khoa học, kinh tế và văn hóa, xã hội, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và mức sống của nhân dân lao động, dân tộc và quốc tế, hội nhập kinh tế và giữ vững độc lập tự chủ, v.v...

Phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm làm rõ nguyên nhân bên trong của những diễn biến trước mắt, bài học mà chúng ta phải luôn cảnh giác với chính mình là bệnh thành tích, chủ quan tự mãn, làm che khuất những sai lầm, khuyết điểm, không thấy hết sự thật, hoặc thấy sự thật nhưng không đủ can đảm báo cáo và đề xuất ý kiến của mình lên cấp trên. Không đủ bản lĩnh để chủ động xử lý tình huống một cách sáng tạo, quyết đoán. Không dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử mà máy móc chấp hành một cách thụ động các chủ trương, biện pháp đề ra không sát với tình hình thực tiễn và tất nhiên hậu quả đó nhân dân phải hứng chịu.

Muốn làm được điều này, mấu chốt là phải lắng nghe ý kiến quần chúng nhân dân, ý kiến của cán bộ, đảng viên, những người trực tiếp hành động thực tiễn. Ðó là cơ sở, là chỗ dựa để cấp lãnh đạo có quyết định đúng, làm chuyển biến tình hình. Nếu được như vậy, cuộc kỷ niệm 40 năm Mậu Thân 1968 thực sự có ý nghĩa.

Ðảng đã khẳng định cuộc Tổng công kích-tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 là một thắng lợi rất lớn của quân dân miền nam và của cả nước. Thơ chúc Tết của Bác Hồ năm 1969 có câu mở đầu: "Năm qua thắng lợi vẻ vang". Như vậy, dù ta có tổn thất, một số yêu cầu đề ra không đạt, nhưng không thể đánh giá thấp thắng lợi.

Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam