Câu chuyện dấn thân làm nghề của phóng viên trẻ

Phóng viên tác nghiệp giữa tâm dịch. Ảnh: DUY LINH; đồ họa: ĐĂNG PHI

Phóng viên tác nghiệp giữa tâm dịch. Ảnh: DUY LINH; đồ họa: ĐĂNG PHI

Trong suốt hành trình 71 năm của báo Đảng, lớp lớp những phóng viên đã nối tiếp nhau hành nghề bằng ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt. Những câu chuyện mà các phóng viên thế hệ ngày nay kể lại thấm đẫm tâm tư, trăn trở của họ trong quá trình dấn thân tác nghiệp.

Nhà báo Dương Minh Anh mặc đồ bảo hộ, ôm hũ tro cốt của người tử vong vì Covid-19

Nhà báo Dương Minh Anh mặc đồ bảo hộ, ôm hũ tro cốt của người tử vong vì Covid-19

Nhà báo Dương Minh Anh:

Khi điện thoại là phương tiện duy nhất để tác nghiệp giữa tâm dịch

Trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, vì cần tác nghiệp song song với bảo vệ bản thân nên hành trang làm nghề của tôi chỉ có chiếc điện thoại. Trong bộ đồ xanh bảo hộ, việc treo chiếc điện thoại trên cổ giúp tôi rảnh rang tay, chân len lỏi vào các con hẻm, khu vực bị giãn cách.

Tôi nhớ nhất là ngày đưa hũ cốt một cụ ông người Hoa về nhà. Vì khi ấy tuy quân đội đã vào cuộc nhưng do số lượng xác chết nhiều, lại ùn tắc các lò thiêu, đường xá bị căng dây nên số gia đình “mất liên lạc” và mòn mỏi chờ cốt người thân về rất lớn. Tại phường 1 quận 6, chỉ trong ba tháng dịch đã có 113 người chết vì Covid-19. Còn trên bình diện cả quận, vào tháng 8/2021 có khoảng hơn 1.100 hũ cốt an vị tại hội trường Ban Chỉ huy Quân sự quận 6. Con số này đến khoảng tháng 10/2021 là hơn 1.500. Vì vậy việc các phường tự cho xe và cán bộ quân sự đến quận nhận tro cốt của dân trong phường và mang về cho thân nhân họ là bình thường.

Hôm ấy, tôi mặc bộ đồ bảo hộ, tay mang hũ cốt ngồi trên thùng sau xe bán tải. Để hỏi và phỏng vấn cán bộ quân sự, tôi chỉ còn cách mở ghi âm liên tục bằng điện thoại.

Ngặt nhất là khi chụp hình, trong sự vướng víu khó chịu, việc tìm góc chụp là khó, nhất là chụp bằng điện thoại. Mà phải làm sao vừa tác nghiệp, vừa không để làm đau thêm người đã khuất, làm đau thêm thân nhân họ, tôi buộc phải mang các hũ cốt, tranh thủ chuyện trò và đưa điện thoại nhờ chính những người thân của họ chụp lại cho tôi.

Đến khi trở về đến nơi tập kết, sát khuẩn kỹ và chui ra khỏi bộ đồ bảo hộ, thì tôi mới nghe lại băng ghi âm, rồi tự gõ từng đoạn ngắn trên điện thoại, sau đó ghép thành đoạn bài báo dài, gửi cho tòa soạn ở Hà Nội.

Các hình ảnh tang thương, tôi giữ riêng cho mình, chỉ gửi tất cả hình ảnh mang tính báo chí, gạn bớt sự riêng tư, qua điện thoại đến tòa soạn.

Có khi được yêu cầu, những đoạn clip ngắn quay vội cũng được gửi, rời rạc… Vậy nhưng khi báo lên bài, tôi không còn nhận ra vì sản phẩm hoàn hảo, lại có tính “nóng sốt” đến độ những nhân vật tham gia chuyển tro cốt cùng tôi cũng phải ngạc nhiên.

Trở lại chuyện mang hũ tro của cụ ông người Hoa về nhà tại phường 1, quận 6. Xe vừa đến nhà, tôi mang tro của cụ vào, thì đã thấy trên bàn thờ có hai hũ tro khác vừa được đưa về cách đấy ít ngày. Gia đình này có 4 người, thì đã 3 người mất ngay trong tuần thứ hai của đợt giãn cách xã hội, mất vì Covid-19 trong khu cách ly.

Rồi ngay khi vừa quay trở ra, chúng tôi lại phải chứng kiến cảnh test mũi tử thi chết 2-3 ngày. Vì cần xác định “chết do Covid-19” nên mỗi xác chết (tại nhà trong khu phong tỏa) đều cần được ngoáy mũi để đủ thủ tục khâm liệm, hỏa táng. Do nhân lực mỏng và ít ai dám trực tiếp làm, nên phường 1 cử Chỉ huy trưởng Quân sự phường làm. Người đàn ông tên Bình đảm nhiệm việc này đã làm việc ấy 3 lần trong cùng 1 ngày, trước mắt tôi. Những hình ảnh ấy chắc sẽ không bao giờ chúng tôi công bố, cũng như Thành phố này muốn quên đi quá khứ đau buồn tận cùng trong những ngày kinh hoàng nhất!

Cũng may là những người làm báo như chúng tôi, như tôi kịp thích ứng, xoay trở để có thể tác nghiệp, làm báo đa phương tiện trong tâm dịch. Và cũng qua đại dịch, các nhà báo cũng buộc phải tác nghiệp nhanh, hiệu quả, xử lý các khoảnh khắc một cách dứt khoát và an toàn. Rồi một phần lớn nhờ các tòa soạn 4.0 và hệ thống thông tin liên lạc không bị gián đọan, các sản phẩm phóng sự mang đầy hơi thở cuộc sống của Báo Nhân Dân điện tử ra đời rất nhanh, được bạn đọc trong tâm dịch đón nhận và thổn thức nhận ra “có hình bóng mình trong đó”.

Người phụ nữ mang bầu đã được nahf báo Minh Anh và nhóm thiện nguyện vượt tâm dịch đưa về quê an toàn.

Nhà báo Dương Minh Anh thắp nén nhang tưởng nhớ những nạn nhân tử vong vì Covid-19.

Người phụ nữ mang bầu đã được nahf báo Minh Anh và nhóm thiện nguyện vượt tâm dịch đưa về quê an toàn.

Nhà báo Dương Minh Anh thắp nén nhang tưởng nhớ những nạn nhân tử vong vì Covid-19.

Có những tin, bài thay vì đến tận nơi mới có thể ghi hình, thì khi đại dịch tràn đến, chúng tôi vẫn có thể nhờ bất kỳ người dân nào bên trong hàng rào cách ly, ghi hình rồi gửi ra cho nhà báo đứng bên ngoài rào kẽm gai. Công tác cung cấp thông tin cũng vì thế mà được các cấp chính quyền, cơ sở y tế ưu tiên hơn cho phóng viên báo Đảng. Mỗi khi chúng tôi cần nội dung gì, tác nghiệp địa bàn nào, hầu hết chính quyền các địa phương đều cho lực lượng chức năng hỗ trợ, giúp đỡ…

Những ngày giãn cách quả thật đáng sợ. Báo chí, công văn, văn thư chất đống ở các ủy ban vì khi ấy, chính quyền tập trung tất cả cho khâu phân phối lương thực, thực phẩm, thuốc… Vì vậy, sản phẩm báo điện tử, nhất là các báo của Đảng đến với bạn đọc như món ăn tin thần quý giá và đầy tin cậy. Các luồng thông tin, các con số liên quan đến dịch bệnh khi ấy lan tràn trên mạng xã hội. Thế nhưng bạn đọc trong tâm dịch vẫn tìm đến thông tin trên báo Đảng với sự tin cậy lâu dài. Thế nên khi chúng tôi xuống từng khu phong tỏa, bà con rất vui vì “không ngờ các nhà báo dám xuống đây”.

Trong một lần, tôi tham gia đưa một mẹ bầu sắp đến ngày sinh “thoát” khỏi thành phố để về quê sinh nở. Nơi cô ấy trọ bị giăng dây tứ phía, trong tay cô ấy có 1 con nhỏ, trong bụng có 1 thai nhi và người chồng thì đã nằm trong hũ tro vì “là F1 bị lây nhiễm chéo trong khu cách ly thành F0 rồi chết do Covid-19”.

Xe chúng tôi đã phải trình giấy tờ và khai báo đến 12-15 app với hàng chục điểm kiểm tra; bị các cán bộ địa phương dọa “đưa đi cách ly bắt buộc”. Thế nhưng khi biết tôi là phóng viên báo Đảng, các địa phương đều thông cảm và tạo ưu tiên riêng, cũng là giúp đồng hương của họ về quê an toàn.

Làm báo trong những ngày ấy vô cùng khốn khó, đói kém và thiếu thốn mọi thứ. Chỉ có niềm tin, sức mạnh nội tâm và tấm lòng giữa người với người mới giúp chúng tôi đứng vững, tác nghiệp chỉ bằng chiếc điện thoại. Có khi trao đổi lại với bộ phận biên tập qua điện thoại về một câu, chữ, mà mất đến 10-20 phút do sóng chập chờn trên xe di chuyển liên tục.Và rồi khi đưa mẹ bầu vào khu cách ly của y tế và quân sự một địa phương lập ra, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 180km, chúng tôi mới thở phào vì biết cô ấy sẽ sống.

Có người hỏi tôi vì sao không chuyên tâm làm báo mà trong đại dịch, lại làm nhiều việc không liên quan nghề nghiệp. Tôi thì thấy như vầy, nghề báo là phải mang hơi thở cuộc sống lên mặt báo; làm báo Đảng càng phải mang những điều tốt đẹp, cái nhân văn đến bạn đọc.

Thế nên trong tâm dịch nếu không “ship cốt”, không “giải phóng mẹ bầu khỏi vùng nguy hiểm”, không “vận chuyển thực phẩm đến các khu phong tỏa” thì làm sao chúng tôi có chất liệu thực tế để làm nghề”.

Và trên hết, nếu phóng viên báo Đảng không làm những việc ấy, thì làm sao xứng đáng với danh hiệu người đảng viên của Đảng.


Nhà báo Anh Thơ

Trong hành trình đồng hành vơi nhân dân

Tôi nhớ mãi lời khuyên của cố Nhà báo Hữu Thọ khi tôi trở thành phóng viên báo Đảng: “Báo Nhân Dân là tiếng nói của nhân dân. Cháu làm ở Ban Bạn đọc thì càng phải thấm nhuần điều đó”. Gần 25 năm qua, tôi luôn cố gắng thực hiện lời căn dặn ấy, dù việc nói lên “tiếng nói của nhân dân", bảo vệ lẽ phải, sự công bằng nhiều khi gặp không ít khó khăn, trở ngại. 

Công việc của phóng viên làm việc ở một ban được coi là gần dân nhất đã mang đến cho tôi nhiều thử thách và những trải nghiệm khó quên.

Tôi luôn suy nghĩ rằng, khi người dân phải tìm đến tòa soạn báo cũng là “bước đường cùng" rồi, mình không nói lên tiếng nói của những người yếu thế thì ai nói đây!?

Còn nhớ, cách đây 18 năm, khi tôi viết bài phản ánh về quyết định cho thôi việc hơn 500 cán bộ, công nhân trái quy định của ban lãnh đạo Công ty Giầy Thăng Long (bài “Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, người lao động chịu thiệt, nhà nước gánh hậu quả"- Báo Nhân Dân ngày 8/11/2004).

Sau khi báo phát hành, trước sức ép của dư luận, ban lãnh đạo công ty đã buộc phải tổ chức một cuộc họp với người lao động để công khai xin lỗi tập thể về quyết định sai trái này và cam kết hoàn trả tiền lương theo đúng quy định, đồng thời bố trí việc làm cho những người có nguyện vọng trở lại làm việc. Trong số những người trở lại làm việc có chị Nguyễn Thị Hợi.

Chị Hợi có hai bằng đại học, đã làm việc tại công ty được 23 năm, từng giữ chức quản đốc phân xưởng, phó chủ tịch công đoàn công ty. Mấy năm sau, chị Hợi được nghỉ hưởng chế độ hưu trí, rồi về bán sách ở hiệu sách Lâm, phố Nguyễn Xí, Hà Nội.

Một buổi chiều tôi nhận được điện thoại của chị Hợi hẹn gặp. Chị cầm đến tặng tôi cuốn sách “Thế giới phẳng” của nhà báo Thomas Friedman mới phát hành. Chị nói: “Dù lâu không gặp nhưng chị vẫn nhớ ơn em, vì không có em thì chị không có… sổ hưu.”. Một thời gian sau, chị cùng gia đình chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn nhắn tin hoặc gửi lời thăm tôi.

Đối với tôi, sự ghi nhận, tin tưởng, yêu mến của bạn đọc chính là “giải thưởng báo chí” danh giá nhất, mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc nhất cho người làm báo.

Năm 2018, giảng viên Lê Thị Hồng, công tác tại Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương đã đến tòa soạn phản ánh việc chị không được lãnh đạo nhà trường phân công công việc đúng với chuyên môn, không được hưởng các chế độ, chính sách đúng với quy định… Sau một thời gian xác minh, tôi đã có đầy đủ tài liệu để chứng minh hàng loạt sai phạm như: luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm cán bộ trái với chuyên ngành được đào tạo; sắp xếp vị trí việc làm, thực hiện chế độ chính sách không đúng chức danh nghề nghiệp; chuyển ngạch viên chức không qua hội đồng xét tuyển; không tổ chức hội thảo nhưng vẫn quyết toán kinh phí từ ngân sách…

Ngày 30/6/2018, Báo Nhân Dân đăng bài “Chuyện không bình thường ở Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương”. Sau khi báo đăng, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc và kết luận những sai phạm đúng như những gì báo nêu. Giảng viên Lê Thị Hồng sau đó được sắp xếp lại vị trí việc làm đúng với chuyên môn, được hưởng các chế độ đúng với các quy định.

Chị đã viết thư cảm ơn Báo Nhân Dân với những dòng tâm sự xúc động: “Vào thời điểm đó, tôi đã mất niềm tin vào công lý và nản chí trong cuộc đấu tranh với những sai trái, bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải. Sau hơn một tháng kể từ ngày báo đăng bài viết trên, cầm trên tay Kết luận số 682/KL-BGDĐT (6-8-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi vô cùng xúc động. Những vấn đề bài báo phản ánh đã được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sáng tỏ và kết luận rõ ràng; những vấn đề tôi phản ánh đã được cơ quan chức năng khẳng định là đúng”.

Những bức thư cảm ơn của người dân

Những bức thư cảm ơn của người dân

“Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Báo Đảng vì đã cho tôi một điểm tựa để tôi biết trên đời luôn có những tấm lòng và những con người luôn tôn trọng sự thật và đồng hành... Cùng với sứ mệnh quan trọng của Đảng và Nhà nước giao phó, các anh chị đã giúp những người dân chúng tôi có thêm niềm tin vào công lý và sự công bằng.
(Trích thư gửi Báo Nhân Dân của giảng viên Lê Thị Hồng)

Có những việc của người dân, mình làm không chỉ vì nhiệm vụ của phóng viên mà là sự tri ân, là trách nhiệm với người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Tháng 6/2016, ông Trần Quốc Bảo, trú tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh gửi thư phản ánh trường hợp cụ Trần Đình Bé, tham gia cách mạng, chiến đấu và hy sinh từ năm 1945, thân nhân của cụ Bé đã gửi đơn, hồ sơ đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.

Khi tìm hiểu, tôi nhận thấy những thông tin về trường hợp hy sinh của cụ Trần Đình Bé khá rõ ràng trong cuốn lịch sử “Nghệ Tĩnh kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954”, của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh, xuất bản năm 1989, được lưu giữ tại nhà văn hóa Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng).

Sau khi có đầy đủ căn cứ, tôi đã viết bài: “Vướng mắc trong xét công nhận người có công”, đăng báo Nhân Dân ngày 23/6/2016, trong đó nêu trường hợp cụ Trần Đình Bé hy sinh hơn 70 năm nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Ngay sau đó, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã rất tích cực vào cuộc giải quyết.

Ngày 1/9/2016, cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể của huyện Hương Sơn đã long trọng tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Trần Đình Bé, trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ. Sau sự kiện này, ông Trần Quốc Bảo đã thay mặt gia đình, dòng họ viết thư cảm ơn Báo Nhân Dân.

PV làm việc tại gia đình vợ liệt sĩ cô đơn Nguyễn Thị Thái, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

PV làm việc tại gia đình vợ liệt sĩ cô đơn Nguyễn Thị Thái, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Nhưng có lẽ việc làm ý nghĩa nhất trong suốt gần 25 năm làm báo của tôi là việc chứng minh được với các cơ quan chức năng: 99 ngôi mộ liệt sĩ đã an táng tại NTLS huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cách đây hơn 10 năm chính là hài cốt các liệt sĩ K20 (bài “Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ” Báo Nhân Dân ngày 11 và 12-10-2020).

Ngày 4/1/2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp Viện Pháp y quốc gia và chính quyền tỉnh Gia Lai tiến hành khai quật, lấy mẫu sinh phẩm để xác định danh tính 99 hài cốt liệt sĩ K20. Vậy là, sau hơn 10 năm “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng nhưng không có kết quả, bằng sự vào cuộc của Báo Nhân Dân, thân nhân các liệt sĩ K20 đã có cơ sở để hy vọng một ngày gần đây danh tính các liệt sĩ sẽ được xác định đầy đủ thông tin.

Bác Đỗ Hữu Hà, em trai liệt sĩ Đỗ Hữu Hưng đã xúc động chia sẻ. “Khi đọc được bài báo “Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ” đăng trên Báo Nhân Dân, tôi đã rất xúc động và thầm cảm ơn báo Đảng. Vậy là tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi bao năm qua của các thân nhân liệt sĩ hy sinh tại Viện K20 đã có sự đồng cảm, chia sẻ, vào cuộc của báo Đảng... Hôm nay đứng giữa nghĩa trang này, chứng kiến sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang tổ chức khai quật, lấy mẫu HCLS K20 để xác định danh tính, tôi đã có thêm niềm tin và hy vọng về một kết thúc có hậu rồi”. Sau đó, bác Đỗ Hữu Hà còn viết một bức thư xúc động cảm ơn Báo Nhân Dân (đã được trích đăng trong số kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Báo, ngày 11/3/2021).

Tác giả nhận giải B Giải BCQG năm 2020 với tác phẩm “Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ”

Tác giả nhận giải B Giải BCQG năm 2020 với tác phẩm “Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ”

Tuy nhiên, trong hành trình đồng hành cùng nhân dân, cũng có một số việc do trình độ, kinh nghiệm còn hạn chế, tôi đã không thể giúp được người dân có được kết quả như mong muốn.

Chuyện xảy ra đã gần 24 năm rồi nhưng tôi vẫn không thể nào quên. Khi ấy tôi còn là cô phóng viên trẻ măng mới chân ướt chân ráo về tòa soạn. Tôi vẫn nhớ gương mặt đau khổ, già nua của người phụ nữ đã luống tuổi trong buổi sáng hôm ấy tại khuôn viên cơ quan. Chị kể trong lúc nước mắt không ngừng rơi. Rằng, con trai chị rất hiền, chưa bao giờ dám gây gổ với ai, chỉ mới đi làm thuê cho chủ tàu cát được ít ngày. Rồi bỗng nhiên xảy ra án mạng chết người do mẫu thuẫn giữa hai chủ tàu. Họ có nhiều tiền để chạy án, còn mẹ con chị thì không. Thế là bao nhiêu tội lỗi đổ hết cho con trai chị…

Chị đưa cho tôi bức thư của một người tù. Tôi chăm chú nghe và mở thư ra xem. Bức thư cho biết, người tù là một thanh niên mới 20 tuổi, đang phải thi hành bản án gần 21 năm tù về tội “giết người". Cậu ấy kể rằng, cuộc ẩu đả của hai nhóm nhân viên làm thuê cho hai chủ tầu diễn ra vào buổi tối và nguyên nhân là do tranh chấp khu vực hút cát. Cậu ấy có tham gia trong nhóm đánh nạn nhân nhưng không phải là người khởi sự và cũng không phải là người gây ra án mạng. Nhưng khi khởi tố vụ án thì chỉ có mình cậu ấy phải chịu tội nặng nhất. Tất cả những người tham gia đều tìm cách đổ tội cho cậu ấy. Người chủ tàu cũng hứa hẹn với cậu ấy là sẽ chu cấp một khoản tiền hỗ trợ cho gia đình… Cuối cùng, người tù trẻ khẩn cầu các cơ quan chức năng điều tra, xét xử lại để không phải chịu án oan.

Bằng linh cảm của phụ nữ tôi tin những lời nói của người mẹ nghèo, chân chất, thật thà và tôi cũng tin bản án có những vấn đề chưa được làm rõ, có dấu hiệu thiếu khách quan, bỏ lọt tội. Tuy nhiên, tôi loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, bản án thì đã được thi hành. Cuối cùng, tôi chọn giải pháp làm công văn chuyển bức thư người tù đến các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng rồi, vụ việc cũng rơi vào im lặng.

Có lẽ suốt cuộc đời tôi không thể nào quên một sự thật đau lòng mà tôi được chứng kiến nhưng lại không thể làm đến cùng trách nhiệm của một người làm báo. Đó là việc chị Nguyễn Thị Phượng, giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) gửi thư nhờ báo Đảng làm rõ trách nhiệm của bác sĩ Nguyễn Trọng V, Bệnh viện Hà Tây (trước đây), người đã mổ cho chị và do sai sót đã để lại hậu quả: chị bị hỏng một quả thận bên trái, mất toàn bộ bộ phận sinh sản, cắt bỏ 50cm ruột và một phần cơ bụng, mất sức lao động, mắt mờ còn 1/10.

Nhận được thư chị, Trưởng ban Bạn đọc Đinh Văn Luyện cử tôi cùng đi xác minh. Hôm đó, chị lên lớp giảng bài. Chúng tôi chờ chị ở phòng thầy hiệu trưởng. Khi biết chúng tôi là phóng viên Báo Nhân Dân muốn gặp chị, chị đã òa khóc. Chị mới 39 tuổi, nhưng trông thật già nua, thân hình tiều tụy.

Trong nước mắt, chị kể: Năm 1987, bác sĩ Nguyễn Trọng V sau khi mổ đẻ cho chị đã để quên miếng gạc trong bụng. Chị đau bụng vật vã, ba ngày sau được mổ lại lần hai để lấy gạc ra. Nhưng lần này, bác sĩ V lại để quên trong ổ bụng một dụng cụ bằng kim loại dài 18cm, đường kính 6mm, nặng 30 gam. Sau hai tháng dụng cụ đó nằm trong ổ bụng, chị phải chịu những cơn đau chết đi sống lại, sức khỏe suy kiệt. Thật may mắn cho chị khi Bệnh viện 103 đã phát hiện và mổ cấp cứu lấy dụng cụ đó ra. Hậu quả là chị phải cắt bỏ 50cm ruột và một phần cơ bụng.

Bác sĩ V còn có sai sót là khi thắt mạch máu đã thắt nhầm vào ống niệu quản, làm hỏng quả thận bên trái của chị. Hậu quả là thế nhưng chị không được bồi thường gì. Tai hại hơn, 11 năm qua, bác sĩ V vẫn được cầm dao mổ, và gần đây lại cắt nhầm quả thận của một bệnh nhân nữ khi mổ u nang buồng chứng…

Câu chuyện của chị khiến chúng tôi rất xúc động. Trưởng Ban Đinh Văn Luyện rút ra một chiếc phong bì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn, ân cần đặt vào tay chị: “Đây là chút tiền nhỏ, chúng tôi biếu chị, mong chị nhận…”.

Trở về cơ quan, tôi cứ ám ảnh mãi khuôn mặt đầm đìa nước mắt của chị Phượng, tiếng nấc nghẹn ngào của thầy hiệu trưởng và day dứt khôn nguôi một câu hỏi: Phải làm gì để đồng hành, chia sẻ, bênh vực, mang lại lẽ phải, công bằng cho những người dân lương thiện?

Phóng viên THND tác nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới - Ảnh Duy Linh

Phóng viên THND tác nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới - Ảnh Duy Linh


Trên đảo Song Tử Tây năm 2017

Trên đảo Song Tử Tây năm 2017

Với một nhân vật ở biên giới Pa Vây Sủ (Phong Thổ, Lai Châu)

Với một nhân vật ở biên giới Pa Vây Sủ (Phong Thổ, Lai Châu)

Nhà báo Lưu Mai:

Những chuyến đi của tôi

Tháng 8 năm 2009, về nước được hai tháng thì tôi được nhận vào Báo Nhân Dân. Cuối năm đó, tôi có chuyến công tác đầu tiên lên huyện miền núi Mường Nhé (Điện Biên). Chuyến đi ba phần công việc, bảy phần tò mò, hành trang của tôi như một tờ giấy trắng. 

10 giờ tối, xe chúng tôi vẫn đang ở giữa địa phận Mường Chà, cách nhà khách huyện Mường Nhé độ 30 cây số. Trời lạnh, mấy đứa trẻ rủ nhau dừng lại, gom mấy cành củi chung quanh đốt lửa đun một ấm cà phê dã chiến.

Hành động đơn giản ở vùng biên giới bỗng khiến cho hai anh công an xã đi tuần chú ý. Họ tiến lại, hỏi han giấy tờ. Sau khi đưa giấy giới thiệu, tôi vẫn thấy cả hai nhìn nhau ngơ ngác. Nói chuyện qua lại, thì tôi hiểu cả hai anh người Mông nên đều không đọc rành tiếng Việt.

PV Vũ Lâm cùng tài xế và chiếc xe năm 2014 sau khi đã sửa chữa xong

PV Vũ Lâm cùng tài xế và chiếc xe năm 2014 sau khi đã sửa chữa xong

Nhìn tờ giấy giới thiệu của báo khác với loại họ vẫn biết, họ yêu cầu chúng tôi quay trở về ngay lập tức. Mọi chuyện cũng được giải quyết nhanh chóng sau khi tôi gọi điện “cầu cứu” đại diện của báo Nhân Dân tại Điện Biên khi đó là chú Hoàng Văn Thành (lúc đó đang là Tổng biên tập báo Điện Biên).  

Bài học giấy tờ với tấm chiếu mới là tôi bắt đầu như thế. Sau này thì những kỷ niệm giấy tờ tương tự chỉ có nhiều hơn, chẳng bao giờ vì mình thêm tuổi mà bớt đi. Nhất là những chuyến lên biên giới, khi ngồi với các nhân vật, giấy tờ nhiều khi thành… vô nghĩa.

Cho tới giờ, tôi vẫn lưu giữ đủ những tờ giấy giới thiệu từ ngày chưa có thẻ nhà báo, tới những tờ công văn mình đã làm. Như chuyến đi biên giới năm 2019, suốt sáu tháng, qua hơn 20 đồn biên phòng, đi gần 40 cột mốc chẵn lẻ, số lượng giấy tờ của tôi đã đủ đóng hẳn vào một cái hộp to.

May mắn là, ở Nhân Dân, tôi có một môi trường được tạo điều kiện hết mức để có thể đi và tìm hiểu, cũng như mục đích làm nghề của tôi được tôn trọng. Thế nên, thêm bài học thì chỉ thấy vui chứ không phải là chuyện phiền hà.

Năm 2015, chúng tôi làm loạt bài nhân 50 năm hoàn thành con đường Hạnh Phúc ở Hà Giang. Đó không phải đề tài quá lạ, thế nên khi bắt tay vào việc, tôi nghĩ không có gì quá khó. Các nhân vật đã có sẵn, được phía địa phương lẫn các đồng nghiệp đi trước giới thiệu rồi, những tưởng chỉ cần gặp họ trò chuyện là xong. Thế nhưng tới lúc bắt tay vào việc, thì chúng tôi cũng phải mất tới gần hai tháng trời để kiểm chứng lại thông tin.

Có một chi tiết rất nhiều người biết về đường Hạnh Phúc, là để mở con đường qua Mã Pì Lèng, đã có một đội cảm tử (còn gọi là đội Cơ dũng) treo mình lên vách đá 11 tháng. Nhưng thời điểm đi làm, chúng tôi đã lục hết tất cả tư liệu ở bảo tàng Hà Giang, không có một văn bản chính thức nào về đội cảm tử đó, chỉ có 1 dòng duy nhất trong một báo cáo ngắn.

PV Lưu Mai lên nhà giàn DK1 cuối năm 2019 bằng ròng rọc.

PV Lưu Mai lên nhà giàn DK1 cuối năm 2019 bằng ròng rọc.

Cho đến hôm gặp mặt chính thức TNXP nhân 50 năm hoàn thành đường Hạnh Phúc, có 2 nhân vật nhận mình là thành viên đội cảm tử năm ấy. Cả 2 kể rất chi tiết, từ việc mình xung phong, đến lúc treo mình trên đá. Ngay cả trong cuộc gặp mặt, người phụ trách khách mời cũng khẳng định như đinh đóng cột.

Chẳng có gì để nghi ngờ. Rất nhiều câu nói có thể giật tít - điều mà các phóng viên luôn mong ước. Ngay lúc ngồi nói chuyện với nhân vật tôi đã hình dung sẽ viết gì, tít ra sao, vì có nhân vật quá tốt mà.

Nhưng khi nói chuyện với một cựu TXNP khác, ông vô tình kể: vào năm đó, ông cùng 2 người kia nổ mìn mở đường cách Mã Pì Lèng 4 cây số - tức là vào thời điểm ấy, họ ở trong đội mở đường, không phải đội Cơ dũng chính thức. Mà cùng 1 thời điểm thì khó có thể 2 vai trò.

Chiếc xe lao xuống vực của chúng tôi năm 2013

Chiếc xe lao xuống vực của chúng tôi năm 2013

Tôi và cô bạn đi cùng tá hỏa, lại đi gặp lại các nhân chứng khác, hỏi từ đầu,  mất thêm 1 tuần nữa. Cuối cùng, chúng tôi có thể tìm ra 5/17 cái tên còn có thông tin - trong đó 2 người đã mất, và có thể khẳng định không có 2 bác ấy TNPX nọ trong đội Cơ dũng.

Để chắc chắn, chúng tôi đã tìm lên Cao Bằng để gặp lại người đội trưởng đội Cơ dũng năm đó. Rất tiếc, ông đã lẫn sau 1 cơn tai biến, cũng chỉ bập bẹ được vài từ. Nhưng những chứng thực từ các đồng đội của C Cao Bằng cũng đã đủ để khớp với thông tin chúng tôi tìm được.

Việc lật lại nghi ngờ về đội Cơ dũng, còn giúp tôi tìm ra người đội trưởng tưởng như đã bị lãng quên trong các cuộc vinh danh.

Trong kỳ viết về đội Cơ dũng, tôi ko nhắc đến 2 bác nọ, không nói gì về việc “nhận vơ” kia. Nhưng tôi ghi rõ 5 cái tên đã tìm được và vẫn nhắc về 2 bác ở những phần khác, đúng với những gì bạn bè năm đó kể. Báo ra, tôi có gửi biếu hai bác một bản, hai bác cũng không nói lại gì nữa. 

PV Hữu Hưng tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Olympic Bắc Kinh 2022;

PV Hữu Hưng tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Olympic Bắc Kinh 2022;

PV Vi Sa tại thảo nguyên Loại Ô Tề, khu tự trị Tây Tạng;

PV Vi Sa tại thảo nguyên Loại Ô Tề, khu tự trị Tây Tạng;

PV Hữu Hưng dẫn hiện trường về Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022;

PV Hữu Hưng dẫn hiện trường về Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022;

Nhà báo Đỗ Hữu Hưng và Đỗ Vi Sa:

Thường trú nước ngoài, chuyện bây giờ mới kể

Thường trú nước ngoài là một công việc khá đặc thù, khi phải sống và làm việc tại một địa bàn xa lạ, có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán với Việt Nam. Ngoài những khó khăn, trở ngại mà bất kỳ phóng viên thường trú nước ngoài nào đều phải vượt qua, được tác nghiệp tại một môi trường hoàn toàn mới, khám phá những vùng đất mới với nền văn hóa độc đáo cũng là những trải nghiệm khó quên đối với chúng tôi, những phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.

Nhiều khó khăn với “zero-covid”

Hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó lan rộng ra toàn thế giới, gây ra những thiệt hại to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như giao lưu, trao đổi giữa các quốc gia. Hơn ai hết, những phóng viên thường trú tại Trung Quốc là những người thấm thía nhất những tác động của đại dịch đối với cuộc sống và công việc, nhất là việc đi lại, tác nghiệp của phóng viên, ngay từ khi dịch mới bùng phát. Đến thời điểm hiện nay, khi mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã mở cửa với bên ngoài, để thích nghi an toàn và linh hoạt với Covid-19, thì Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách “zero-covid”, hạn chế tối đa việc trao đổi với bên ngoài, duy trì chính sách cách ly nghiêm ngặt, để hướng tới mục tiêu không còn ca bệnh Covid-19.

Để có thể tới Thủ đô Bắc Kinh bắt đầu nhiệm kỳ thường trú là cả một quá trình gian nan và nhiều yếu tố “bất định”, khi mà giữa hai nước chỉ có duy nhất một chuyến bay giữa thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Châu với tần suất mỗi tuần một chuyến. Mua được tấm vé cho bản thân và gia đình đã khó, lại vẫn nơm nớp lo âu vì chuyến bay có thể bị hủy bất cứ lúc nào nếu chuyến trước đó có ca dương tính với Covid-19.

Phỏng vấn một tình nguyện viên của Olympic Bắc Kinh 2022.

Phỏng vấn một tình nguyện viên của Olympic Bắc Kinh 2022.

Nếu như trước kia, chặng đường Hà Nội đến Bắc Kinh chỉ cần hơn 3 giờ đồng hồ cho một chuyến bay thẳng, thì nay phải trải qua 3 chuyến bay (Hà Nội – TP Hồ Chí Minh – Quảng Châu – Bắc Kinh), với thời gian khoảng một tháng, trong đó thời gian cách ly tập trung lên tới 22 ngày với nhiều yêu cầu khắt khe như mỗi ngày đều phải lấy mẫu xét nghiệm, khai báo sức khỏe…

Những khó khăn khi tác nghiệp trong điều kiện “zero-covid” là điều mà mỗi phóng viên thường trú tại Trung Quốc đều cảm nhận sâu sắc. Ngay tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh - Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 mà Trung Quốc đăng cai tổ chức, thay vì được tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, tương tác và phỏng vấn các vận động viên, các phóng viên nước ngoài được ban tổ chức bố trí tác nghiệp tại trung tâm báo chí với yêu cầu xét nghiệm Covid-19 và khai báo y tế hằng ngày. Nếu đăng ký tham gia các sự kiện như lễ khai mạc, bế mạc hoặc các trận thi đấu thì phải xét nghiệm nhiều lần và tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian dài.

Không chỉ Olympic mùa đông 2022, mà các sự kiện trên khắp địa bàn Trung Quốc đều hạn chế tổ chức, hoặc nếu tổ chức thì yêu cầu phòng dịch cũng đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, Thủ đô Bắc Kinh đặt công tác phòng dịch ở cấp độ cao hơn các tỉnh, thành phố khác, nếu một địa phương có ca dương tính với Covid-19 thì người đang ở đó không được đến Bắc Kinh trong vòng 14 ngày. Điều này gây không ít khó khăn cho phóng viên khi tác nghiệp ngoài Bắc Kinh.

Các phóng viên trẻ của Báo Nhân Dân không ngại khó, ngại khổ khi đi tác nghiệp.

Các phóng viên trẻ của Báo Nhân Dân không ngại khó, ngại khổ khi đi tác nghiệp.

Item 1 of 3

Các phóng viên trẻ của Báo Nhân Dân không ngại khó, ngại khổ khi đi tác nghiệp.

Các phóng viên trẻ của Báo Nhân Dân không ngại khó, ngại khổ khi đi tác nghiệp.

Kỷ niệm tác nghiệp trên độ cao 4.500 mét

Chuyến tác nghiệp tại cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, nóc nhà thế giới với độ cao trung bình 4.500 mét so với mực nước biển, có lẽ là kỷ niệm khó quên nhất đối với phóng viên thường trú tại Trung Quốc.

Tại tỉnh Thanh Hải, không khí nơi đây khá loãng, hồ nhiều nước nhưng lượng bốc hơi thấp tạo ra sự hanh khô, nhiệt độ trong ngày chênh lệch lên tới 15-20 độ. Có người nhanh chóng gặp phải phản ứng cao nguyên, có người sẽ có cảm giác khó thở, thậm chí hụt hơi nếu hoạt động mạnh.

Cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng

Cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng

Đoàn phóng viên quốc tế có mặt tại huyện Tạp Đa, châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thu, ở độ cao trung bình gần 4.500 mét. Tại đây, nhiều phóng viên đã cần tới sự trợ giúp từ các bình dưỡng khí. Có người thậm chí phải vào xe để sử dụng ống thở, có người tối nghỉ trong khách sạn phải bật máy cung cấp oxy cả đêm. Việc tác nghiệp tại độ cao này không hề dễ dàng đối với các phóng viên, khi phải liên tục di chuyển, ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn trong điều kiện không khí loãng và thiếu oxy.

Giảm dần độ cao xuống đến huyện Nang Khiêm, giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hải với khu tự trị Tây Tạng. Sang tới huyện Loại Ô Tề thuộc địa phận Tây Tạng, khí hậu có sự thay đổi rõ rệt do độ ẩm được cải thiện, lác đác có vài cây cao mọc trên vách núi so với cao nguyên Thanh Hải chỉ một vài loại cây bụi. Tuy vậy, phản ứng cao nguyên vẫn ảnh hưởng khá rõ rệt. Cảm giác tác nghiệp trong cơn đau đầu chóng mặt, bước chân nhẹ tênh mất tri giác là câu chuyện chung giữa các phóng viên sau một ngày làm việc.

Do tỉnh Thanh Hải ghi nhận một ca nhiễm Covid-19 trong nước, lịch trình dự kiến 22 ngày buộc phải tạm dừng sau 12 ngày tại Xương Đô, một thành phố nhỏ xinh đẹp với kiến trúc đặc trưng của phật giáo Tây Tạng. Đoàn phóng viên Việt Nam và quốc tế rời Tây Tạng từ sân bay Bangda. Đi hết gần 150km đường đèo núi tuyết với độ cao tăng dần từ 3.200 lên 4.200 mét, băng qua thảo nguyên Bangda nằm trong thung lũng giữa những đỉnh núi.

Sân bay Bangda đã để lại những ấn tượngkhó quên, không chỉ bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, ý chí của con người khi xây dựng lên nó, mà còn bởi không ít người đã lần đầu tiên trong đời phải “uống” từng ngụm oxy trong phòng y tế sân bay.


Ngày xuất bản: 11/3/2022
Nội dung: THẢO LÊ, MINH ANH, ANH THƠ, LƯU MAI, HỮU HƯNG, VI SA
Trình bày: ĐĂNG PHI, DUY LONG
Ảnh: DUY LINH, THÀNH ĐẠT, TRỊNH DŨNG, MINH DUY