Hai lần tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí có lúc nguy hiểm đến tính mạng, nhưng Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh, giảng viên Học viện Hậu cần, luôn cảm thấy may mắn khi được thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Đối với chị, mỗi nhiệm vụ được giao, mỗi vùng đất chị đặt chân đến đều để lại những kỷ niệm sâu sắc. Và hơn hết, càng đi, chị càng thấy tự hào về dân tộc Việt Nam!

Từ Cộng hòa Trung Phi đến Abyei

Phóng viên: Chị đã có hai lần thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở châu Phi, xin chị chia sẻ về công việc chính của mình trong hai nhiệm kỳ đó?

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Có thể nói, tôi khá may mắn khi được tham gia công việc tổ chức đào tạo và huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong cả hai lần thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Lần thứ nhất ở Trung Phi, nhiệm vụ chính là làm huấn luyện tại phòng đào tạo quân sự của phái bộ. Lần thứ hai là làm sĩ quan tham mưu huấn luyện cao cấp của toàn bộ phái bộ ở Abyei; cụ thể là tôi tham gia huấn luyện cả lực lượng quân sự, dân sự và cảnh sát. Công việc nhiều hơn, trách nhiệm cũng nhiều hơn.

Hai lần làm nhiệm vụ ở hai địa bàn khác nhau nhưng công việc chuyên môn giống nhau, lại xuất thân là giảng viên cho nên tôi cũng có nhiều điều kiện thuận lợi khi công tác tại đây. Trước khi đi Abyei, do có khoảng thời gian làm nhiệm vụ ở trung tâm huấn luyện của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nên tôi khá thành thục trong việc liên lạc, tổ chức hoặc kết nối các giảng viên và học viên, triển khai được quy trình phù hợp giúp các học viên dễ nắm bắt và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ.

Phóng viên: Nhiệm vụ giống nhau nhưng được thực hiện ở hai địa bàn khác nhau, có lẽ trải nghiệm của chị tại Cộng hòa Trung Phi và Abyei có những nét khác biệt?

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Tất nhiên là rất khác nhau. Tôi có thể kể một thí dụ đơn giản, đó là về tôn giáo. Cộng hòa Trung Phi là thuộc địa trước đây của Pháp, tỷ lệ người dân theo đạo Thiên chúa cao. Còn Abyei lại là khu vực có nhiều người dân theo Hồi giáo. Người Hồi giáo không ăn thịt lợn, trong khi đối với người Việt Nam, thịt lợn gần như là một món ăn thường nhật trong mâm cơm của mỗi gia đình.

Khi thực hiện nhiệm vụ ở nơi mà hầu như mọi người không ăn thịt lợn, đương nhiên Liên hợp quốc luôn tôn trọng nguyên tắc tôn giáo của người dân địa phương. Vì vậy ở Abyei rất khó kiếm được thịt lợn và sẽ phải thay thế bằng các thực phẩm khác. Tuy nhiên, có những món ăn không thể chế biến được nếu thiếu thịt lợn như bánh chưng chẳng hạn. Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế đều muốn được gói bánh chưng để có thể mang lại một chút cảm giác như đang được ở quê nhà, đồng thời cũng là để giới thiệu với bạn bè quốc tế về món ăn cổ truyền của dân tộc. Nhưng nếu thiếu nguyên liệu là thịt lợn thì sẽ rất khó để có được một chiếc bánh chưng chuẩn vị Tết. Còn ở Trung Phi thì ngược lại, rất dễ tìm mua thịt lợn.

Ngoài ra, khi đến Abyei làm nhiệm vụ, tôi được ở trong khu quân sự cho nên độ an toàn rất cao. Còn tại Trung Phi, tôi ở ngay trong khu nhà dân nên luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập như bị bắt cóc, thậm chí có thể nguy hiểm đến cả tính mạng bất cứ lúc nào.

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ về kỷ niệm đón Tết khi đang làm nhiệm vụ quốc tế. (Video: THANH TRÀ)

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ về kỷ niệm đón Tết khi đang làm nhiệm vụ quốc tế. (Video: THANH TRÀ)

Phóng viên: Chị mới hoàn thành nhiệm vụ ở Abyei vào tháng 10/2024. Những trải nghiệm nào trong nhiệm kỳ vừa qua khiến chị không thể quên?

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Abyei là khu vực mà Việt Nam đã cử đơn vị thứ hai sang thực hiện nhiệm vụ của Liên hợp quốc với số lượng khá đông - khoảng 200 sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp. Tôi có điều kiện tham gia thực hiện hoạt động hỗ trợ người dân địa phương, cho nên khi làm nhiệm vụ ở đây, tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó, kỷ niệm để lại cho tôi nhiều suy nghĩ nhất là vào dịp 20/11, đội công binh tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho học sinh và giáo viên ở một trường cấp 2, cấp 3 tại Abyei.

Theo hình dung ban đầu của tôi, ngôi trường ấy hẳn cũng khang trang, nhưng khi đến nơi, tôi thật sự bất ngờ vì nó quá đơn sơ. Cả trường chỉ có mấy khu nhà gạch là nơi ở của hiệu trưởng và giáo viên. Khu học sinh và các lớp học gần như những ngôi nhà xây dở, không có điện, không có cửa và trang thiết bị đơn giản. Trong khi đó, thời tiết ở Abyei thì vô cùng nóng nực và khô, nhiệt độ mùa hè có khi lên đến 50 độ C, độ ẩm chỉ đạt 20-23%. Chứng kiến các em học sinh phải học tập trong môi trường như thế, tôi chợt nghĩ về hình ảnh của các em nhỏ ở vùng xa xôi của Tổ quốc hàng chục năm về trước. Tôi cảm thấy thương và ao ước đến ngày xung đột kết thúc, lúc đó giáo viên và học sinh ở Abyei sẽ có cơ hội được thụ hưởng môi trường dạy và học phù hợp giống như hầu hết giáo viên và học sinh tại Việt Nam hiện nay.

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh và các em nhỏ tại bệnh viện Abyei. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh và các em nhỏ tại bệnh viện Abyei. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cũng trong những lần tham gia hoạt động hỗ trợ người dân, tôi chứng kiến cảnh người mẹ sinh con trong vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Em bé vừa sinh ra chỉ được quấn trong một cái khăn đơn giản rồi trao cho mẹ. Trẻ sơ sinh không được tiêm phòng và cũng không loại sữa nào thay thế sữa mẹ. Nếu người mẹ không sớm có sữa ngay sau khi sinh, em bé mới chào đời cũng không có gì để ăn.

Ở bệnh viện, có những em bé mắc một số bệnh rất đơn giản như viêm tai giữa, nhưng bố mẹ các em cũng không có tiền để khám chữa bệnh cho con. Có nhiều em bé được đưa đến viện dã chiến của công binh cứ khóc suốt vì bị viêm quá nặng, đi đến đâu... ruồi nhặng bay theo đến đó. Có không ít hoàn cảnh mà chỉ nhìn thôi đã thấy thương tâm...

Trong quá trình hỗ trợ người dân sở tại, đội công binh Việt Nam luôn cố gắng mở những đợt khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn cho nên vẫn còn nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ, chưa được khám và chữa bệnh kịp thời. Các chiến sĩ của đội công binh số 1, sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước, cũng tích cực vận động quyên góp quần áo cũ, đồ dùng học tập… và chuyển nhờ cùng với hàng của đội công binh số 2 để tặng cho những em nhỏ ở Abiey.

Khám và cấp thuốc cho giáo viên và học sinh trường cấp 2, 3 Abyei. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Khám và cấp thuốc cho giáo viên và học sinh trường cấp 2, 3 Abyei. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Dù ở khu vực nào, phụ nữ và trẻ em sống ở đất nước có chiến tranh luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhiều em còn quá nhỏ, không có khả năng tự bảo vệ bản thân, chỉ trông chờ vào bố mẹ. Những em bé có hoàn cảnh bố mẹ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh thì phải sống nhờ ở nhà thờ. Trong những nhà thờ nuôi trẻ mồ côi, có một nhà thờ mà các em sống ở đó do bộ đội công binh Việt Nam chăm nuôi. Có lần lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam sang thăm, thấy những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đó, các thủ trưởng đã góp tiền để xây bếp mới với mong muốn các em được ăn uống trong môi trường vệ sinh sạch sẽ hơn. 

Từ châu Phi, nhìn về Tổ quốc

Phóng viên: Từ châu Phi, quá trình tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo cùng với đội công binh Việt Nam đã gợi cho chị những suy nghĩ, cảm xúc như thế nào khi nhớ về Tổ quốc?

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Tôi thấy may mắn khi lần thứ hai làm nhiệm vụ quốc tế được tham gia cùng đội công binh Việt Nam hỗ trợ nhân đạo cho những người dân chung quanh khu vực đóng quân. Những trải nghiệm ở đây để lại cho tôi nhiều bài học!. Tôi sinh ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Trước đây, tôi được nghe ông bà, bố mẹ kể về chiến tranh, về cảnh sống thiếu thốn và khổ cực, nhưng chẳng thể hình dung hết được. Những trải nghiệm ở Abyei giúp tôi hiểu hơn về những khó khăn mà các thế hệ đi trước của đất nước mình, dân tộc mình đã phải trải qua.

Ở các quốc gia, khu vực đang xảy ra chiến tranh, xung đột, người dân không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm rình rập vì súng đạn mà còn phải đối mặt với đói khổ. Tôi từng chứng kiến cảnh một gia đình gần 10 người nhưng ăn một bữa chỉ có một nhúm gạo, còn lại phải ăn khoai, sắn hoặc là đi săn, bắt được con gì ăn con đấy.

Những trải nghiệm ở Abyei giúp tôi hiểu hơn về những khó khăn mà các thế hệ đi trước của đất nước mình, dân tộc mình đã phải trải qua.

- Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh

Chiến tranh cũng khiến việc canh tác của người dân trở nên khó khăn. Có những vườn sắn bị giẫm nát hết vì một cuộc giao tranh. Khan hiếm thực phẩm ở đây không chỉ do đất đai cằn cỗi mà còn do rất nhiều yếu tố khác tác động. Những trải nghiệm ở Abiey như đưa tôi quay lại một giai đoạn lịch sử của đất nước mình. Và có sống ở đây mới thấm, thấu và tự hào về các thế hệ cha anh đi trước đã kiên cường vượt qua khó khăn để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền hòa bình của dân tộc Việt Nam. Dù sống trong cảnh mưa bom bão đạn hay cảnh mùa màng bị tàn phá nhưng các thế hệ đi trước không chịu khuất phục, vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa tăng gia sản xuất để bảo đảm lương thực, thực phẩm chi viện cho các chiến trường.

Tinh thần bất khuất đó của người dân Việt Nam cũng được người dân đang sống trong khu vực chiến tranh rất ngưỡng mộ. Mỗi lần tôi gặp ông thị trưởng của khu vực nơi tôi làm nhiệm vụ, ông đều nhắc đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ với một sự ngưỡng mộ sâu sắc. Các cuộc kháng chiến và chiến thắng của dân tộc Việt Nam đã trở thành bài học trong những cuốn sách lịch sử của các nước ở châu Phi. Mỗi lần nhắc tới Việt Nam, họ đều biết Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đã tự giành lấy độc lập, và đến nay đã trở thành một đất nước có tốc độ phát triển nhanh. Họ khao khát quốc gia của họ cũng sẽ có một ngày không còn chiến tranh nữa và sẽ phát triển được như Việt Nam.

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ về những tình cảm ấm áp người dân châu Phi dành cho đội ngũ "Mũ nồi xanh" của Việt Nam. (Video: THANH TRÀ)

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ về những tình cảm ấm áp người dân châu Phi dành cho đội ngũ "Mũ nồi xanh" của Việt Nam. (Video: THANH TRÀ)

Phóng viên: Như chị vừa chia sẻ, người dân ở nước bạn khá hiểu về đất nước và con người Việt Nam. Để có được điều đó chắc hẳn không thể thiếu sự đóng góp của những chiến sĩ mũ nồi xanh, thưa chị?

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Mỗi người lính làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình không chỉ giúp đỡ người dân nước bạn mà còn là những tuyên truyền viên về lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các cuộc kháng chiến. Không những thế, chúng tôi còn tuyên truyền để người dân nước bạn thấy được giá trị của tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lòng quả cảm của người dân Việt Nam ở trong thời bình. Hình ảnh những người lính bộ đội Cụ Hồ quả cảm không chỉ có trong chiến tranh mà còn xuất hiện trong rất nhiều hoạt động giúp đỡ người dân khi gặp lũ lụt, thiên tai và trong công cuộc xây dựng kinh tế...

Ở nước bạn, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam cũng tham gia các hoạt động khám chữa bệnh, hỗ trợ người dân trồng cây lương thực, thu hoạch, đóng thuyền, làm đường giao thông… Tất cả những việc làm thiết thực đó khiến người dân có thiện cảm, quý mến và không muốn chia tay các chiến sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Vào mỗi lần chuyển quân, người dân nước bạn thường có một câu hỏi dành cho các chiến sĩ là: "Sau khi rời đi rồi, bạn có quay lại nữa không?". Các bạn còn nói rằng Việt Nam như là dân tộc thứ 10 của đất nước họ. Chính vì thế, các cuộc chia tay đều rất bịn rịn và khó quên.

Nụ cười rạng rỡ của Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh bên thiếu nhi tại Abyei. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nụ cười rạng rỡ của Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh bên thiếu nhi tại Abyei. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phóng viên: Là một người phụ nữ, một giảng viên được sống và làm việc tại một đất nước hòa bình và đang trên đà phát triển mạnh mẽ, làm thế nào để chị vượt qua môi trường khắc nghiệt của nước bạn để hoàn thành nhiệm vụ?

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Khi sống trong hoàn cảnh khó khăn đó, tất cả các sĩ quan, dù là nam giới hay phụ nữ đều gặp những vất vả như nhau, đều phải cố gắng và nỗ lực như nhau.

Trước khi lên đường, chúng tôi được tham gia nhiều khóa huấn luyện, vì đây là một nhiệm vụ tương đối độc lập. Khi ở nước ngoài, làm việc cùng sĩ quan của các nước khác, có những tình huống không thể báo báo cáo ngay với tổ chức để xin ý kiến chỉ đạo mà phải tự đưa ra các quyết định để giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Chẳng hạn khi đang đi trên đường mà gặp một cuộc xung đột bắn súng, ngay lúc đó bản thân phải tự quyết định sẽ làm gì chứ không thể chờ để báo cáo tổ chức rồi mới hành động… Các sĩ quan dù là nam giới hay phụ nữ đều phải được huấn luyện và đào tạo bài bản, kỹ lưỡng trước khi nhận nhiệm vụ. Do vậy, các đồng chí làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình không có cảm giác bỡ ngỡ hay không thể thích nghi được với môi trường mới.

Tất nhiên, phụ nữ cũng có những khó khăn riêng. Đối với người phụ nữ khi nhận nhiệm vụ và phải xa gia đình một năm để đến đất nước xa xôi, điều họ quan tâm trước tiên không phải là lo làm sao để tồn tại, để sống tốt hoặc có thể phù hợp với môi trường, điều kiện, hoàn cảnh vất vả ở địa bàn đó, mà là phải làm sao để sắp xếp một hậu phương vững chắc để an tâm công tác.

Tôi rất may mắn vì chồng tôi rất hiểu và sẵn sàng hỗ trợ vợ mọi lúc, mọi nơi. Tôi cũng được hỗ trợ rất nhiều từ phía gia đình hai bên nội ngoại. Khi tôi thực hiện nhiệm vụ ở Abyei, các con của tôi cũng lớn hơn, các cháu hiểu được công việc của bố mẹ và sẵn sàng giúp đỡ bố khi mẹ vắng nhà.

Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng những người lính mũ nồi xanh vẫn luôn tạo ra một môi trường đời sống tinh thần phong phú. (Ảnh: Nhân vật cung cấp )

Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng những người lính mũ nồi xanh vẫn luôn tạo ra một môi trường đời sống tinh thần phong phú. (Ảnh: Nhân vật cung cấp )

Phóng viên: Khi sống và rèn luyện trong điều kiện khó khăn, con người thường có xu hướng trưởng thành nhanh hơn. Bản thân chị, sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chị thấy mình có sự thay đổi như thế nào khi được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt?

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Sau mỗi lần công tác, tôi thấy mình có thêm nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu hơn về cuộc sống, về con người, về văn hóa của quốc gia mà mình đã tham gia làm nhiệm vụ. Tất cả những điều đó đều giúp ích rất nhiều cho công việc và cuộc sống của tôi.

Sự thay đổi, đôi khi thể hiện ngay từ tư tưởng, tâm thế, sự tự tin và trong mỗi hành động. Thí dụ khi nhận nhiệm vụ lần một tại Trung Phi, tháng đầu tiên xa nhà, hầu như đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ con. Đến khi thực hiện nhiệm vụ lần hai, tôi hầu như không còn những cảm giác như thế nữa. Thay vào đó, trước khi lên đường, tôi bắt đầu nghĩ xem sang đến nơi, nếu gặp các em nhỏ, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thì tôi sẽ chuẩn bị những hành trang như thế nào để giúp đỡ họ một cách hiệu quả hơn.

Mỗi lần trở về nước, tôi cảm thấy lưu luyến và mong muốn chiến sĩ sẽ thay thế vị trí của mình có thể làm tốt hơn nữa. Kết thúc mỗi một nhiệm kỳ, kinh nghiệm của tôi trong đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho các bạn chuẩn bị đi thực hiện nhiệm vụ cũng được nâng lên rõ rệt. Tôi có thêm kinh nghiệm để chia sẻ với các chiến sĩ về đất nước, con người, văn hóa nơi mà các bạn sẽ đến, giúp các bạn dễ hình dung và chuẩn bị tốt tâm thế, sớm thích nghi với môi trường làm việc mới.

Ngày trở về giảng đường

Phóng viên: Trở về từ tháng 10, đến hiện tại, chị đã bắt nhịp được với công việc giảng dạy chưa? Chị có kế hoạch trở lại giảng đường của Học viện Hậu cần như thế nào?

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Tôi có chút hẫng hụt trong thời gian đầu trở về nước. Ở nước bạn, tôi không trực tiếp đứng lớp mà đào tạo và liên lạc cùng các giảng viên. Khi trở về đơn vị hiện tại, tôi cần làm quen để trở lại với những công việc cũ như tập đứng lớp. Mong rằng sau Tết Nguyên đán sắp tới, tôi sẽ được chính thức nhận lớp và quay lại với công việc giảng dạy của mình.

Sau hai lần thực hiện nhiệm vụ tại châu Phi, tôi nhận thấy ngoại ngữ vô cùng quan trọng. Sau khi được đứng lớp trở lại, tôi sẽ mang những câu chuyện, những bài học thực tế của mình để giúp các em sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của ngoại ngữ khi làm nhiệm vụ ở một quốc gia khác. Tôi hy vọng những câu chuyện, những bài học thực tế của mình sẽ trở thành nguồn cảm hứng để các em có thể học ngoại ngữ tốt hơn. Ngoài ra, từ những kinh nghiệm thực chiến, tôi tin mình sẽ có thể hỗ trợ tốt hơn cho các em trong công tác hướng nghiệp.

Đối với tôi, tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế cũng là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ hòa bình của thế giới cũng là bảo vệ hòa bình của Việt Nam.

- Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh

Hiện nay, có một số chiến sĩ là cựu học viên của tôi đang tham gia thực hiện nhiệm vụ ở các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đối với tôi, tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế cũng là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ hòa bình của thế giới cũng là bảo vệ hòa bình của Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn chị về buổi trò chuyện. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, kính chúc chị nhiều sức khỏe và thành công!

Ngày xuất bản: 18/12/2024
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN - HỒNG VÂN
Nội dung: THANH TRÀ - HOÀNG HÀ
Trình bày: PHÚC HUY
Ảnh: SƠN TÙNG, nhân vật cung cấp; Video: THANH TRÀ