Chiếu sáng đô thị

Cần tầm nhìn bền vững và đồng bộ

Công nghệ chiếu sáng hiện đại tạo ấn tượng cho nhiều công trình ở thành phố Đà Nẵng về đêm. Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Công nghệ chiếu sáng hiện đại tạo ấn tượng cho nhiều công trình ở thành phố Đà Nẵng về đêm. Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Chiếu sáng đô thị không chỉ có ý nghĩa đẩy lùi bóng tối trong không gian công cộng, bảo đảm an toàn hơn cho mọi cư dân, mà còn đóng vai trò làm đẹp và góp phần định vị bản sắc riêng cho đô thị. Tuy nhiên, thực tế đời sống đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần sớm điều chỉnh để cải thiện căn bản, bền vững và đồng bộ chất lượng chiếu sáng đô thị ở nước ta.

Bắt đầu từ công nghệ

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam hiện có 888 đô thị. Việc áp dụng công nghệ chiếu sáng LED cũng như các thiết bị điều khiển thông minh đã góp phần tạo nên các đô thị văn minh, hiện đại, an ninh và an toàn về ban đêm.

Trong hoạt động quản lý nhà nước về chiếu sáng đô thị, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiến tới hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.

Ngày 17/6/2010, Quốc hội ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Luật có quy định rõ: Trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng thuộc về Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND các cấp.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 về Quản lý chiếu sáng đô thị, đặt ra các yêu cầu chung về thiết kế, xây dựng, duy trì chiếu sáng đô thị; sự cần thiết phải quy hoạch chiếu sáng đô thị cũng như các nguyên tắc cơ bản vể tổ chức, quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác hệ thống chiếu sáng đô thị.

Theo Nghị định này, trách nhiệm của chính quyền đô thị là phải ban hành quy định cụ thể về chiếu sáng đô thị tại địa phương và làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân tham gia tổ chức chiếu sáng tại đô thị.

Một góc TP Hồ Chí Minh trong đêm. Ảnh: NGUYỄN TẤN TUẤN

Một góc TP Hồ Chí Minh trong đêm. Ảnh: NGUYỄN TẤN TUẤN

Ngày 11/10/2010, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1874/QĐ-TTg Phê duyệt Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025. Nội dung của Định hướng có ghi rõ: “Phát triển chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị; từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng chiếu sáng đô thị; đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới, tái tạo trong chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tạo dựng hình ảnh đô thị Việt Nam có bản sắc, văn minh, hiện đại”.

Dịch vụ chiếu sáng đô thị có liên quan trực tiếp đến chất lượng sống của cư dân đô thị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước… Vì vậy, dịch vụ này là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách của nhà nước, được xác định theo theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Theo đó, việc cung cấp dịch vụ này được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng. 

Một số dịch vụ công ích có tính đặc thù, đặc biệt đối các dịch vụ mang tính hệ thống/mạng lưới, như thu gom, vận chuyển thoát nước và xử lý nước thải, chiếu sáng công cộng… cần phải được quản lý, khai thác, vận hành thống nhất, đồng bộ chứ không thể cắt khúc hay phân chia để quản lý theo đơn vị hành chính cơ sở. Tuy nhiên, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nêu trên không tính đến các yếu tố này, dẫn đến nhiều khó khăn trong thực tế quản lý và vận hành chiếu sáng công cộng đô thị ở nước ta.

Một thực tế khác là kinh phí đầu tư hằng năm cho lĩnh vực này ở hầu hết các đô thị còn hạn chế, không khuyến khích đơn vị chiếu sáng triển khai, áp dụng công nghệ mới có hiệu suất cao. Một số đô thị đã có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong đầu tư phát triển lĩnh vực chiếu sáng đô thị nhưng chưa hiệu quả, chưa đồng bộ, thiếu tính thẩm mỹ, thiếu kiểm soát, thậm chí dẫn tới nguy cơ ô nhiễm ánh sáng.

Đà Nẵng-Thành phố ánh sáng. Ảnh: DUY LINH

Đà Nẵng-Thành phố ánh sáng. Ảnh: DUY LINH

Hiện tại, mới chỉ có ba đô thị trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đã lập quy hoạch chiếu sáng. Phần lớn các đô thị còn lại không có kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn mà chỉ có kế hoạch hằng năm triển khai thực hiện các công trình chiếu sáng công cộng, giải quyết được yêu cầu sử dụng tạm thời, chưa mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững.

Riêng về quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị, mới chỉ có bốn thành phố trực thuộc trung ương giao việc này cho doanh nghiệp chuyên ngành (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng); 59 tỉnh, thành phố còn lại giao việc này cho các công ty cổ phần công trình đô thị hoặc công ty cổ phần môi trường đô thị.

Mặt khác, cho đến nay, chưa xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị phục vụ cho công tác quản lý, đầu tư, xây dựng mới, đặc biệt phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Công nghệ chiếu sáng LED đã được chứng minh là đóng góp to lớn vào việc tiết kiệm điện năng, góp phần giảm phát thải nhưng cho đến nay, ở nhiều đô thị, công tác đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp và thay thế hệ thống đèn chiếu sáng truyền thống vẫn còn chậm.

Khi thành phố lên đèn. Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Khi thành phố lên đèn. Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Để từng bước vượt qua các khó khăn, thách thức nêu trên, cần đổi mới và hoàn thiện nội dung quy hoạch chiếu sáng trong quy hoạch đô thị và quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chiếu sáng. Đồng thời, đã đến lúc cần điều chỉnh Định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025, bổ sung nhiều nội dung có liên quan việc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chiếu sáng thông minh. Nghị định 32/2019/NĐ-CP cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung, có tính đến yếu tố đặc thù của một số lĩnh vực dịch vụ công ích.

Song song với đó, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến chiếu sáng LED (thiết kế, xây dựng, sản xuất vật tư, thiết bị, kiểm soát, kiểm tra, vận hành, khai thác…). Đồng thời đẩy nhanh công tác dán nhãn năng lượng theo lộ trình, như trong Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg, ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Ưu tiên sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển chiếu sáng LED, chiếu sáng thông minh trong các khu vực công cộng. Ưu tiên sử dụng đèn chiếu sáng LED trong các công trình xây dựng mới, cũng như các chương trình nâng cấp, cải tạo hệ thống chiếu sáng.

Một góc đô thị mới Hà Nội về đêm. Ảnh: DUY LINH

Một góc đô thị mới Hà Nội về đêm. Ảnh: DUY LINH

Trong xu thế phát triển đô thị thông minh, bền vững, chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm chi phí điện năng, giảm phát thải, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Quản lý chiếu sáng đô thị Việt Nam trong thời đại mà công nghệ chiếu sáng thay đổi nhanh chóng, ngày càng hiện đại đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có trách nhiệm. Từ đó, mới tạo nên đột phá, góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. 

"Tiếp tục nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, bảo đảm 100% số các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo tại các đô thị (bao gồm: xây mới, cải tạo, nâng cấp) sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; trong đó phấn đấu từ 30% đến 50% các công trình sử dụng đèn năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn; Xây dựng các trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng cho các đô thị loại III và loại IV và Hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện chiếu sáng tại các đô thị”.

Quyết định số 1874/QĐ-TTg Phê duyệt Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025.

Cần luật hóa nhiều quy chuẩn

Trong cuộc sống hiện đại, điện năng được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng riêng chiếu sáng vẫn chiếm một tỷ lệ lớn. Trong cuốn sách nổi tiếng về Diode phát quang, tức đèn LED, tiêu đề Light-Emitting Diodes (Cambridge University Press, Vương quốc Anh, 2006), tác giả, Giáo sư E. Fred Schubert, đưa ra con số rất đáng chú ý: trước khi có đèn LED, 25% - 28% điện năng do các nhà máy điện phát ra được dành cho chiếu sáng.

Dựa vào kết quả nghiên cứu này, có thể đưa ra một vài con số để bạn đọc tiện hình dung: Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2022, tổng điện năng thương mại của nước ta đạt 251 tỷ kWh. Giả sử tại thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ chiếc đèn LED nào, điện năng dành cho chiếu sáng sẽ là khoảng 62,75 tỷ kWh.

Và nếu tính giá tiền điện trung bình là 1.500 đồng/kWh thì năm 2022, cả nước đã tiêu tốn khoảng 94.000 tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ USD, cho chiếu sáng. Đây là con số rất lớn vì nó tương đương với 1,5% GDP của nước ta.

Đêm Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Đêm Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Theo tính toán, đến thời điểm này, Việt Nam đã “LED” hóa được khoảng 50% các loại hình chiếu sáng. Nói như thế tức là mỗi năm, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD. Và nếu áp dụng công nghệ chiếu sáng thông minh, chúng ta có thể tiết kiệm được 75% điện năng so công nghệ chiếu sáng cổ điển.

Người Việt Nam mình, đặc biệt là lớp trẻ, luôn thích và chủ động tìm đến cái mới nên công nghệ chiếu sáng thông minh đã được ứng dụng rất nhanh. Không ít công viên và nhà riêng đã được trang bị bộ đèn năng lượng mặt trời đóng ngắt tự động.

Vài năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng trung tâm điều khiển chiếu sáng cho khu vực chiếu sáng đường, có thể kiểm soát chế độ chiếu sáng của từng con phố, từng bóng đèn... Tuy nhiên, tất cả những thí dụ kể trên mới ở mức tự phát, thử nghiệm, chứ chưa thành những điều kiện bắt buộc.

Theo tìm hiểu của cá nhân tôi, các quy chuẩn chiếu sáng ở Việt Nam còn thiếu quy định về chỉ tiêu năng lượng, tức là bao nhiêu watt điện trên một mét vuông chiếu sáng hay mét dài một đoạn đường. Thiết nghĩ, khi luật hóa quy định chỉ tiêu này, các chủ công trình chiếu sáng sẽ buộc phải trang bị đèn LED có hiệu suất phát quang cao và áp dụng công nghệ chiếu sáng thông minh. Như vậy, công nghệ này mới có thể nhanh chóng được phổ biến
TS Lê Hải Hưng, thành viên Ban Khoa học công nghệ, Hội Chiếu sáng Việt Nam, nguyên giảng viên Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cùng với đó, một vấn đề rất đáng được quan tâm trong quá trình thay thế thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng hơn lại chính là xử lý rác thải từ các thiết bị chiếu sáng cũ. Nếu không cẩn trọng, việc xử lý nguồn rác thải này vô hình trung lại dẫn đến ô nhiễm môi trường, góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính.

Chiếu sáng và làm đẹp khu vực cầu Nhật Tân, Hà Nội về đêm bằng hệ thống đèn LED. Ảnh: DUY LINH

Chiếu sáng và làm đẹp khu vực cầu Nhật Tân, Hà Nội về đêm bằng hệ thống đèn LED. Ảnh: DUY LINH

Trừ đèn sợi đốt, còn tất cả các loại đèn truyền thống khác, như đèn huỳnh quang, đèn huỳnh quang compact (chiếu sáng trong nhà) đến các loại đèn chiếu sáng đường, như Metal Halide, HPS… mà mọi người thường gọi chung là đèn cao áp, đều chứa thủy ngân, một nguyên tố vô cùng độc hại với sức khỏe của con người và vật nuôi nếu tiếp xúc trực tiếp.

Chúng ta thường không khó bắt gặp hàng loạt đèn ống huỳnh quang nằm lăn lóc ở bãi rác thậm chí đã bị đập vỡ trong các thùng đựng rác công cộng ở cả thành thị và nông thôn.

Nhiều công nhân môi trường, khi thu gom đèn ống còn chủ động đập vỡ vụn cho gọn hay những ngư dân đập vỡ các bóng đèn cao áp mà không hề  biết rằng, chúng có chứa hơi thủy ngân. Trong trường hợp này, chính những người thu gom đã bị nhiễm độc do hít phải hơi thủy ngân hoặc đã vô tình gây nhiễm độc môi trường, do làm thủy ngân thâm nhập vào môi trường, nguồn nước sinh hoạt.

Từ thực tế, phải thẳng thắn nói với nhau: Chúng ta chưa làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền cũng như hoạt động thu gom, tiêu hủy các sản phẩm chiếu sáng cũ chứa nhiều thủy ngân. 

Xóa khoảng tối trong ngõ, hẻm

Trong quá trình phát triển đô thị, ngoài hệ thống chiếu sáng công cộng do nhà nước đầu tư và quản lý tập trung, vẫn đang tồn tại hệ thống chiếu sáng ngõ, hẻm do người dân tự thực hiện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, do những nơi này chưa được đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng.

Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có hơn 14 triệu người sinh sống với mật độ dân số trung bình là 4.292 người/km2, trong đó, có tới khoảng 85% số cư dân ở trong các ngõ, hẻm. Thành phố hiện có khoảng 200.000 bộ đèn chiếu sáng ngõ, hẻm, bao gồm nhiều loại khác nhau, như đèn compact, đèn sợi đốt...

Các đèn chiếu sáng ngõ, hẻm được đấu nối trực tiếp vào lưới điện của ngành điện; điện năng tiêu thụ riêng cho hệ thống đèn này được tính khoán dựa trên công suất đèn và thời gian tắt mở đèn, chứ không qua hệ thống đo đếm điện năng của thành phố.

Hình ảnh đèn chiếu sáng do người dân tự lắp đặt như vậy vẫn phổ biến ở nhiều ngõ, hẻm tại TP Hồ Chí Mình. Ảnh: SAPULICO

Hình ảnh đèn chiếu sáng do người dân tự lắp đặt như vậy vẫn phổ biến ở nhiều ngõ, hẻm tại TP Hồ Chí Mình. Ảnh: SAPULICO

Hầu hết các đèn này không bảo đảm về chất lượng kỹ thuật chiếu sáng, có nơi dư sáng, ngược lại, nhiều nơi vẫn thiếu sáng. Các đèn trong ngõ, hẻm hiện hữu thường không phù hợp để chiếu sáng công cộng, tắt mở theo lối thủ công, không bảo đảm khoảng cách và cao độ, cũng không được tính toán chọn công suất và độ rọi phù hợp với từng khu vực cụ thể.

Vì vậy, hiệu suất chiếu sáng nhìn chung không đạt yêu cầu, dẫn đến tiêu thụ điện cao hơn mức cần thiết, làm ảnh hưởng đến nguồn điện chung, đặc biệt là các giờ cao điểm, gây áp lực quá tải trạm điện cơ sở.

Việc chuyển đổi mô hình hệ thống chiếu sáng ngõ, hẻm sang hệ thống chính quy là xu thế tất yếu, bảo đảm an toàn, an ninh và công bằng trong sử dụng tiện ích xã hội cho người dân đang cư trú trong các ngõ, hẻm.

Ngày 4/2/2021, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030.

Hệ thống đèn chiếu sáng ngõ, hẻm sau khi được chính quy hóa. Ảnh: SAPULICO

Hệ thống đèn chiếu sáng ngõ, hẻm sau khi được chính quy hóa. Ảnh: SAPULICO

Chương trình nhằm quy hoạch, định hướng lại việc phát triển và quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố, trong đó, có việc dần chuyển hệ thống chiếu sáng ngõ, hẻm sang chính quy, theo quy chuẩn hệ thống chiếu sáng công cộng, với lộ trình thay thế 20% mỗi năm. Việc chiếu sáng ngõ, hẻm đang từng bước được cải thiện đồng bộ với hệ thống tủ, thiết bị đóng cắt, đèn LED công suất nhỏ (nhỏ hơn 40W), …

Theo tính toán ban đầu, hiệu quả tiết kiệm điện năng và giảm phát thải khí CO2 là hết sức rõ rệt nếu thành phố triển khai thành công chương trình này.

Công suất tiêu thụ điện sẽ giảm từ 11.000kW xuống 4.400kW, giảm lượng điện tiêu thụ trong năm từ 48.180.000kW/h xuống 17.666.000kWh, đặc biệt giảm lượng phát thải khí CO2 từ 26.995.254kg xuống 9.898.259,8kg. Như vậy, có thể thấy, phương án chuyển đổi sẽ có lượng điện tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng khoảng 36,67% so thực tế chiếu sáng ngõ, hẻm hiện nay.

Khi ánh sáng kể chuyện...

Và chiếu sáng đã không còn chỉ là đẩy lùi khoảng tối trong không gian. Việc sử dụng công nghệ chiếu sáng để làm đẹp, tạo điểm nhấn về đêm, đặc biệt cho các công trình di sản văn hóa-kiến trúc ở nước ta ngày càng trở nên phổ biến.

Không chỉ hướng đến mục đích cảnh quan, ấn tượng từ các công trình này có ý nghĩa thu hút sự chú ý của khách tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong tổng thể kinh tế đêm-một lĩnh vực đang được hầu hết các đô thị quan tâm.

Đền Ngọc Sơn và Cầu Thê Húc lung linh trong đêm Hà Nội. Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Đền Ngọc Sơn và Cầu Thê Húc lung linh trong đêm Hà Nội. Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Ở trung tâm TP Hà Nội, hiện không chỉ có khu vực phố cổ, phố đi bộ vào cuối tuần là điểm nhấn về du lịch, kinh tế đêm, mà một số khu di tích và công trình di sản lịch sử văn hóa cũng đã và đang tiến hành thể nghiệm một số sản phẩm du lịch đêm đặc trưng.

Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long có tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long. Chương trình diễn ra trong một giờ rưỡi đồng hồ, với các hoạt động phù hợp không gian riêng có ở nơi đây, như thăm Cấm thành, thưởng thức điệu múa Hoàng cung, tự tay lấy nước từ giếng Vua, thưởng thức trà sen dưới tán cây bồ đề, thăm khu Khảo cổ tại số 18 Hoàng Diệu... và không thể thiếu trải nghiệm chụp ảnh check-in “sống ảo” trên con đường giăng đầy đèn lồng.

Gần đây nhất, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tọa lạc tại tòa nhà có lịch sử xây dựng được gần 100 năm, cũng tiến hành thử nghiệm mô hình tour đêm với chủ đề Hồn quê làng Việt. Chương trình nhằm nhân lên giá trị của công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương, kết hợp giới thiệu đến du khách chọn lọc một số cổ vật/bảo vật hiện được lưu giữ tại Bảo tàng.

Tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long. Nguồn: hoangthanhthanglong.com

Thành cổ Quảng Trị được chiếu sáng về đêm. Nguồn: Hội Chiếu sáng Việt Nam

Tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long. Nguồn: hoangthanhthanglong.com

Thành cổ Quảng Trị được chiếu sáng về đêm. Nguồn: Hội Chiếu sáng Việt Nam

Tỉnh Quảng Trị cũng là địa phương nhanh nhạy trong việc áp dụng công nghệ chiếu sáng tạo điểm nhấn cảnh quan về đêm cho một khu, công trình mang ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng của địa phương và cả nước.

Đầu năm 2022, tỉnh đã hoàn thành lắp đặt chiếu sáng mỹ thuật tại hai Di tích quốc gia đặc biệt: Thành cổ Quảng Trị (tại TP Quảng Trị) và Đôi bờ Hiền Lương thuộc hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, bên cạnh đó là hai công trình chiếu sáng tổng thể tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Để một mũi tên “chiếu sáng” bắn trúng nhiều đích trong mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch và nâng cao vị thế mọi mặt của địa phương có di sản, việc chiếu sáng các công trình này rõ ràng không đơn thuần chỉ là làm cho chúng sáng lên về đêm. Đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc trưng kiến trúc, mặt bằng công trình với các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho việc lắp đặt thiết bị...

Điều cần đặc biệt lưu tâm trong quá trình nghiên cứu và thi công hệ thống chiếu sáng ở những công trình đặc biệt này là việc đặt để thiết bị chiếu sáng ở nơi không ai nhìn thấy, tạo cảm giác cho khách thăm đang chứng kiến ánh sáng tự nhiên chiếu rọi vào công trình, chứ không phải ánh sáng nhân tạo.

Bên cạnh đó, tác động của ánh sáng từ việc chiếu sáng nhân tạo đến tuổi thọ của các công trình di sản, nhất là những công trình có nhiều trăm năm tuổi, là điều mà thế giới quan tâm từ lâu. Các công trình này trước đây được xây dựng với mục đích sử dụng trong ánh sáng ban ngày, đặc biệt là các thiết kế và hạng mục kiến trúc ngoại thất.

Chiếu sáng cho di sản Lâu đài Monte (Castel del Monte), Italy. Nguồn: dz-e.com

Chiếu sáng cho di sản Lâu đài Monte (Castel del Monte), Italy. Nguồn: dz-e.com

Trong khi đó, việc chiếu sáng về đêm còn cần phải được tính toán cả tác động tới sức khỏe con người và hệ thực-động vật tự nhiên trong khu vực di sản, vốn đóng vai trò quan trọng trong cấu thành sự toàn vẹn của cảnh quan chung. Đây là một vấn đề cần sớm được ghi nhận và tiến tới phòng ngừa từ sớm.

Thực tế ở nước ta, không phải chỉ có một số khu vực, công trình di sản được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới như khu Phố cổ Hội An, Hoàng Thành Thăng Long, Quần thể di tích cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, mà hàng nghìn di tích kiến trúc-lịch sử và văn hóa nhiều trăm năm tuổi khác cũng thường được bao quanh, tồn tại hài hòa trong một cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, phong phú. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, mức độ ảnh hưởng của chiếu sáng đến tuổi thọ của di sản kiến trúc nói riêng, của toàn bộ cảnh quan khu vực di sản nói chung vẫn là vấn đề chưa được nghiên cứu tập trung.

Hợp phần thiết yếu của một
thành phố thông minh

Xây dựng thành phố/đô thị thông minh là trào lưu trên thế giới và Việt Nam đang bước đầu tiếp cận. Trong đó, tất cả các tiện ích, hiệu quả của chiếu sáng được tích hợp và thể hiện qua công nghệ chiếu sáng thông minh-một phần thiết yếu trong kiến tạo một thành phố/đô thị thông minh.

Singapore về đêm. Nguồn: nighttours.com.sg

Singapore về đêm. Nguồn: nighttours.com.sg

Đến năm 2018, dựa trên nhiều tiêu chí, công ty nghiên cứu thị trường Juniper Research đã chọn ra năm thành phố/đô thị thông minh nhất thế giới: Singapore, Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh), San Francisco (Mỹ) và Oslo (Na Uy).

Để đưa ra kết luận như vậy, các nhà nghiên cứu tại Juniper đã xếp hạng các thành phố theo một loạt yếu tố, trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng các công nghệ lưới điện thông minh, chiếu sáng thông minh, việc sử dụng công nghệ thông tin để cải thiện giao thông, các điểm truy cập wifi, độ phổ cập của smartphone và các ứng dụng.

Ông Steffen Sorrell, chuyên viên phân tích cao cấp tại Juniper Research cho biết: “Chúng tôi ứng dụng nhiều thước đo khác nhau để đánh giá về giao thông cũng như năng lượng mà chúng tôi tin rằng, đây là những yếu tố quan trọng nhất của các thành phố thông minh”.

Nhiều nơi khác trên thế giới tuy chưa có đủ điều kiện nền tảng để trở thành thành phố/ đô thị thông minh nhưng đã tập trung chọn lĩnh vực chiếu sáng công cộng thông minh để đầu tư, tạo tiền đề cho các lĩnh vực khác cùng phát triển theo hướng áp dụng công nghệ thông minh.

Việt Nam cũng đang có dự án xây dựng thành phố thông minh, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, mỗi thành phố thường chỉ chọn một dự án làm thí điểm: Hà Nội có Dự án Thành phố thông minh nằm trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (huyện Đông Anh), TP Hồ Chí Minh có dự án Khu công nghệ phần mềm thuộc Khu đô thị Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh-Trung tâm điều hành hệ thống thành phố thông minh trong tương lai.

Đêm bên sông Sài Gòn. Ảnh: NGUYỄN TẤN TUẤN

Phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thành phố thông minh-TP Bến Tre. Nguồn: Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông

Đêm bên sông Sài Gòn. Ảnh: NGUYỄN TẤN TUẤN

Phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thành phố thông minh-TP Bến Tre. Nguồn: Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông

Chiếu sáng thông minh bao gồm các bộ điều khiển tự động, các bộ đèn hiệu suất cao được thiết kế để tiết kiệm năng lượng. Một thí dụ điển hình là đèn chiếu sáng LED thông minh đa chức năng, được điều khiển bằng điện thoại thông minh và bộ điều khiển wifi cho phép kết nối hàng loạt bóng đèn, điều chỉnh cường độ chiếu sáng, thay đổi mầu sắc, có thể cài đặt thêm ứng dụng, như chơi nhạc, báo thức.

Hơn thế nữa, hệ thống chiếu sáng LED được kết nối không chỉ cung cấp ánh sáng mà còn trở thành điểm thu thập thông tin dữ liệu về môi trường chung quanh, như lưu lượng của phương tiện giao thông, chất lượng không khí, đám đông và rủi ro bảo mật, mức tiêu thụ năng lượng, chất thải và nhiều nội dung quan trọng khác. Việc triển khai các hệ thống này không chỉ bảo đảm cung cấp chất lượng ánh sáng tốt hơn, an toàn giao thông được cải thiện mà còn tiết kiệm điện năng, giảm thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Từ tháng 9/2014, Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã tiến hành thay mới 225.000 bộ đèn đường LED, từng bước thực hiện chiến lược “thông minh hóa” Madrid.

Còn Eindhoven (Hà Lan) được biết đến là thành phố có hệ thống chiếu sáng thông minh bền vững, tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm đồng thời mang tính nghệ thuật. Hệ thống đèn LED chiếu sáng được vi tính hóa, mỗi đèn đường mang theo một “bộ óc riêng”, có thể bật hoặc tắt tùy thuộc vào mật độ giao thông thực tế.

Gần TP Eindhoven, Hà Lan có một con đường đạp xe dài 600m, được thiết kế chiếu sáng với cảm hứng từ bức tranh Đêm đầy sao của danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh. Nguồn: holland.com

Gần TP Eindhoven, Hà Lan có một con đường đạp xe dài 600m, được thiết kế chiếu sáng với cảm hứng từ bức tranh Đêm đầy sao của danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh. Nguồn: holland.com

Năm 2015, Szczecin, một thành phố nhỏ của Ba Lan cũng “LED hóa” đèn chiếu sáng công cộng, một nửa số này được vận hành từ xa bằng một phần mềm quản lý chiếu sáng thông minh.

Quảng Ninh khoác tấm áo ánh sáng. Ảnh: DUY LINH

Quảng Ninh khoác tấm áo ánh sáng. Ảnh: DUY LINH

Ngày xuất bản: 17/4/2023
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, ĐÀO MAI TRANG, NGUYỄN HỒNG TIẾN, LÊ HẢI HƯNG, PHAN HỒNG KHÔI, HUỲNH TRÍ DŨNG
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG