BƯỚC CHUYỂN ĐỔI QUAN TRỌNG CỦA QUẢN LÝ THUẾ TRONG THỜI ĐẠI SỐ HÓA

Những kết quả chuyển đổi số của ngành Thuế thời gian qua đã góp phần vào thành công chung trong hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tài chính, hướng tới việc phát triển nền tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch và toàn diện. Nhân dịp đầu xuân năm mới, Báo Nhân Dân đã có buổi trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí Tổng cục trưởng, đến hết quý 3 năm 2023, công tác thu Ngân sách Nhà nước của cơ quan thuế vẫn gặp vô vàn khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, tổng thu ngân sách đến hết năm 2023 vẫn hoàn thành theo dự toán. Đồng chí đánh giá như thế nào về nỗ lực của ngành Thuế trong năm vừa qua?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành: Chúng ta đều nhìn thấy những khó khăn, thách thách thức trong nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước năm 2023, vì vậy, ngay khi kết thúc năm ngân sách 2022, Tổng cục Thuế triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý thu, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước năm 2023.

Nếu năm 2022 công tác thu ngân sách đã cán đích ngoạn mục chỉ sau hơn 10 tháng thì năm 2023, thách thức lại đổ dồn về cuối năm vì thực tế thu cách mục tiêu nhiệm vụ còn khá xa.

Tính đến hết quý III năm 2023, tổng thu Ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý mới đạt 1,05 triệu tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán pháp lệnh, chỉ bằng 95,1% so cùng kỳ. Trong khi đó, tình hình nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, do đó có nhiều khoản thu, sắc thuế tỏ ra “hụt hơi” sau 9 tháng.

Tuy vậy, có nhiều chính sách mới đã phát huy tác dụng khiến nền kinh tế đã dần hồi phục, qua đó giúp cho thu Ngân sách Nhà nước về đích. Như thế, chúng ta đều thấy khi và chỉ khi nền kinh tế ổn định hồi phục và tăng trưởng, chúng ta mới duy trì song song được sức sống của nền kinh tế và sức thu của Ngân sách Nhà nước.

Khi và chỉ khi nền kinh tế ổn định hồi phục và tăng trưởng, chúng ta mới duy trì song song được sức sống của nền kinh tế và sức thu của Ngân sách Nhà nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành

Năm 2023, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, khai thác tăng thu Ngân sách Nhà nước, chống thất thu thuế thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chặt chẽ công tác đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; đôn đốc các đơn vị thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào Ngân sách Nhà nước; triển khai quyết liệt công tác thu nợ và cưỡng chế nợ, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.

Trong những tháng cuối năm, ngành Thuế tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, chống thất thu và tăng cường thu nợ đọng thuế; rà soát kỹ các nguồn thu còn tiềm năng nhưng còn vướng mắc về thủ tục để tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời; đôn đốc thu vào ngân sách đối với những khoản thu từ đất đai, các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản,....

Với những nỗ lực của cơ quan thuế, thu Ngân sách Nhà nước năm 2023 do cơ quan thuế quản lý đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu được giao.

Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn trao Cờ thi đua của Bộ Tài chính cho Tổng cục Thuế tại Hội nghị “Tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế năm 2024”, 21/12/2023.

Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn trao Cờ thi đua của Bộ Tài chính cho Tổng cục Thuế tại Hội nghị “Tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế năm 2024”, 21/12/2023.

Phóng viên: Thưa đồng chí, hoàn thuế Giá trị gia tăng là nội dung được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, và Tổng cục Thuế cũng đã có rất nhiều giải pháp và văn bản đốc thúc cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế. Theo đồng chí, đâu là khó khăn của cơ quan thuế trong việc hoàn thuế Giá trị gia tăng và giải pháp căn cơ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế là gì?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành: Có thể nói, trong bối cảnh công tác thu Ngân sách Nhà nước vẫn gặp vô vàn khó khăn, sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là ngành Thuế đã tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước năm 2023 của ngành Tài chính.

Bước sang năm 2024, nhiệm vụ của toàn ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi toàn ngành thuế cần tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao phó. Đặc biệt là công tác “chi Ngân sách Nhà nước” thông qua hoàn thuế.

Toàn ngành thuế cần tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao phó. Đặc biệt là công tác “chi Ngân sách Nhà nước” thông qua hoàn thuế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành

Việc đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế Giá trị gia tăng vừa phải bảo đảm kịp thời, đúng quy định, hỗ trợ doanh nghiệp quay vòng vốn, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh nhưng vừa phải kiểm soát chặt chẽ phòng, chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát Ngân sách Nhà nước. Yêu cầu đó đòi hỏi ngành Thuế phải rất tỉnh táo và khéo léo mềm dẻo đấu tranh cũng như cương quyết đối chất với nhiều bộ hồ sơ hoàn thuế.

Trên thực tế, chúng ta đã thấy không ít trường hợp lợi dụng kẽ hở hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của nhà nước, và cũng không ít cán bộ thuế đã phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị khi hoàn thuế không đúng cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chúc mừng và biểu dương những người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020-2022.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chúc mừng và biểu dương những người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020-2022.

Tôi cho rằng, để giải quyết căn cơ các khó khăn trong công tác hoàn thuế Giá trị gia tăng thời gian qua, chúng ta cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế Giá trị gia tăng, pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về hóa đơn điện tử, pháp luật chuyên ngành có liên quan như Luật doanh nghiệp để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử để gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước.

Các cơ chế, chính sách quản lý thuế cũng cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, của cán bộ thuế trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế Giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó là công tác khai thác dư địa thuế mới, theo số liệu quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2022, chúng tôi tính toán sơ bộ có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax – QDMTT).

Theo đó, nếu Việt Nam áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 cho các Tập đoàn đầu tư vào Việt Nam thì chúng ta có thể thu thêm thuế bổ sung ước tính khoảng trên 14.600 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Theo nguyên tắc áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu, các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng các quy định của Thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn chung phù hợp.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng nhưng nếu không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thu thuế và thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng).

Chính vì thế, trước bối cảnh các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam đã có kế hoạch áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu để giành quyền thu thuế và các quốc gia nhận vốn đầu tư tương tự như Việt Nam đã và đang nghiên cứu chính sách ứng phó, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thông qua việc ban hành văn bản quy định việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Từ 1/1/2024, Việt Nam đã áp thuế tối thiểu toàn cầu, đây cũng là một phương thức chống xói mòn cơ sở thuế.

"Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thông qua việc ban hành văn bản quy định việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Từ 1/1/2024, Việt Nam đã áp thuế tối thiểu toàn cầu, đây cũng là một phương thức chống xói mòn cơ sở thuế".

- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành -

Phóng viên: Trên cương vị là người đứng đầu ngành Thuế, đồng chí đánh giá thế nào về những kết quả chuyển đổi số mà ngành Thuế đã đạt được trong năm qua và đâu là những điểm cần lưu ý trong thời gian tới?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành: Những năm qua, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển nền tài chính số; phát triển các nền tảng hệ thống, cơ sở dữ liệu; nền tảng ứng dụng, dịch vụ số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng;…

Trong những thành công chung về chuyển đổi số của Bộ Tài chính đã được ghi nhận, ngành Thuế được đánh giá là một trong các đơn vị đi đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý thuế. Việc chuyển đổi số trong ngành Thuế đã thực sự mang lại hiệu quả cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.

Việc chuyển đổi số trong ngành Thuế đã thực sự mang lại hiệu quả cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành

Chúng tôi đã đẩy mạnh triển khai và đưa vào sử dụng hàng loạt các ứng dụng hữu ích tạo điều kiện thuận lợi cho Người nộp thuế và quản lý của cơ quan thuế như: ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile); từ tháng 8/2023, hoàn thành triển khai tích hợp eTax Mobile, iCaNhan xác thực bằng VneID.

Chúng tôi cũng đã triển khai Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh qua Sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế, tra cứu thông tin; triển khai Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới để hỗ trợ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.

Chúng tôi còn thực hiện tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thủ tục đăng ký thuế lần đầu và thay đổi thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Mới đây nhất, ngành Thuế tiếp tục triển khai Ứng dụng quản lý thuế tập trung – TMS, thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đang triển khai phân tán; quản lý tất cả các sắc thuế, phí, lệ phí và đáp ứng được toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ; áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu thế quản lý thuế của các nước trên thế giới.

Đáng chú ý, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân AI trong việc truy vết, xác định chuỗi liên kết mua bán của doanh nghiệp theo thông tin về mặt hàng trên dữ liệu hóa đơn của doanh nghiệp đã góp phần giúp cơ quan thuế xác định các doanh nghiệp có hành vi gian lận, chiếm đoạt hoàn thuế Giá trị gia tăng. Việc áp dụng AI cũng giúp hỗ trợ cơ quan thuế phân loại nhanh các hồ sơ hoàn thuế (hoàn trước kiểm tra sau) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Những kết quả chuyển đổi số của ngành Thuế đạt được nói trên đã góp phần vào thành công chung trong hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tài chính, hướng tới việc phát triển nền tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch và toàn diện.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các dịch vụ thuế điện tử với mục tiêu “Lấy người nộp thuế là trung tâm phục vụ”; hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh chóng, thuận tiện. Trong đó chúng tôi sẽ mở rộng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu về thuế trên nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế và quản lý tuân thủ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cam kết ngành Thuế tiếp tục mục tiêu “Lấy Người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, trở thành đối tác tin cậy của người nộp thuế tại Hội nghị biểu dương Người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020-2022.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cam kết ngành Thuế tiếp tục mục tiêu “Lấy Người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, trở thành đối tác tin cậy của người nộp thuế tại Hội nghị biểu dương Người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020-2022.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống theo hướng dịch vụ, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển hạ tầng IoT (Internet vạn vật) và các công nghệ số mới trong việc xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế; triển khai định danh số để bảo đảm xác định chính xác người truy cập dữ liệu...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng cục trưởng!

Ngày xuất bản: 14/2/2024
Chỉ đạo: KIM PHƯƠNG BÌNH
Thực hiện: SÔNG TRÀ-KHÁNH BÁCH
Trình bày: MINH ĐỨC
Ảnh: Báo Nhân Dân, Bộ Tài chính