
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1954-1959), để đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, quân đội ta đã xác định phương hướng xây dựng một lục quân cách mạng, chính quy và tương đối hiện đại. Trong đó có bộ binh, pháo binh và một số binh chủng bảo đảm; đồng thời đặt cơ sở đầu tiên cho các binh chủng, quân chủng khác như: Thiết giáp, Không quân, Hải quân.
Để chuẩn bị cho bước phát triển mới của Quân đội, từ giữa năm 1955, nhiều cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ các đơn vị trong toàn quân về tập trung học văn hóa tại Trường văn hóa Quân đội. Sau khi hoàn thành chương trình học văn hóa, lần lượt hai đoàn cán bộ, chiến sĩ đầu tiên được lựa chọn lên đường ra nước ngoài học tập về Binh chủng Thiết giáp. Đoàn thứ nhất gồm 54 đồng chí (có 48 đồng chí là đảng viên) học về chỉ huy và kỹ thuật xe tăng. Đoàn thứ hai, 147 đồng chí học chuyên sâu vào từng chức trách các chiến sĩ trên xe tăng. Số cán bộ, chiến sĩ được cử đi học nêu trên đủ để thành lập một khung cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật theo biên chế của một trung đoàn xe tăng.
Sang năm 1959, tình hình cách mạng có nhiều chuyến biến tích cực trên cả hai miền Nam - Bắc. Ở miền Bắc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được xây dựng và trưởng thành lên một bước mới với sự chuyển biến về chất trong sức mạnh chiến đấu; đặt nền móng cho Quân đội xây dựng chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Tháng 5/1959, Tổng Quân ủy quán triệt Nghị quyết 15 bàn việc xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới, chỉ rõ: “Xây dựng Quân đội ta thành một quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại, có số lượng thích hợp và chất lượng chiến đấu cao, được trang bị và huấn luyện chu đáo; kết hợp khoa học quân sự hiện đại, nguyên tắc tác chiến của quân đội gồm nhiều binh chủng hợp thành với kinh nghiệm tác chiến trong cuộc chiến tranh vừa qua để định ra nội dung huấn luyện bộ đội phù hợp với yêu cầu tác chiến mới”[1].
Ngày 5/10/1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập trung đoàn xe tăng đầu tiên mang phiên hiệu Trung đoàn xe tăng 202 trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh.
Nghị quyết 15 ra đời đã chỉ ra phương hướng xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang trên cả hai miền Nam - Bắc, tạo điều kiện cho Quân đội ta có thêm thời gian, chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và chỉ thị của Tổng Quân ủy, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại, tăng cường sức mạnh và trình độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội, ngày 5/10/1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập trung đoàn xe tăng đầu tiên mang phiên hiệu Trung đoàn xe tăng 202 trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Trung đoàn được biên chế thành 3 tiểu đoàn xe tăng chiến đấu, 1 đại đội sửa chữa, 1 đại đội công binh, 1 đại đội vệ binh, 1 đại đội huấn luyện, 1 đại đội thông tin và các cơ quan: tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Thiếu tá Đào Huy Vũ làm Trung đoàn trưởng; Thiếu tá Đặng Quang Long làm Chính ủy. Sự ra đời của Trung đoàn xe tăng 202 đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội ta trong quá trình xây dựng một lục quân cách mạng, chính quy, hiện đại.
Lực lượng xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch năm 1972. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Lực lượng xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch năm 1972. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Ngày 22/6/1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 100/QĐ-QP thành lập Trung đoàn Xe tăng 203 và Quyết định số 101/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Thiết giáp (theo Quyết định số 102/QĐ-QP đổi thành Binh chủng Tăng - Thiết giáp). Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp là lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng và quản lý các đơn vị xe tăng, thiết giáp dự bị của Bộ và làm tham mưu cho Bộ về Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Sự ra đời của Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã khẳng định sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chủ trương đúng đắn của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Sự ra đời của Bình chủng Tăng - Thiết giáp cũng giúp tăng cường sức mạnh, giúp quân đội ta có đủ khả năng làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.
Sự ra đời của Bình chủng Tăng - Thiết giáp cũng giúp tăng cường sức mạnh, giúp quân đội ta có đủ khả năng làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.
Ngay sau khi thành lập, để thực nghiệm cách đánh của xe tăng trong điều kiện Việt Nam, Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập chiến thuật với bộ binh và các đơn vị khác trên các loại địa hình rừng núi, trung du, đồng bằng. Đồng thời với việc xây dựng lực lượng và huấn luyện, Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ngày 5/8/1967, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp đã chỉ đạo Trung đoàn xe tăng 203 thành lập Tiểu đoàn xe tăng 198 (thiếu 1 đại đội), trang bị 22 xe tăng PT-76, hành quân vượt chặng đường 1.350 km vào chiến trường miền Nam.
Lần đầu tiên trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (từ ngày 20/1 đến ngày 15/7/1968), ta sử dụng Tiểu đoàn tăng 198 (2 đại đội) tham gia đánh trận then chốt tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Tiếp đó, với sự tham gia của 3 tiểu đoàn tăng (88 xe) trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (từ ngày 30/1 đến ngày 23/3/1971), ta đã sử dụng xe tăng chi viện cho bộ binh tiến công địch trong mọi điều kiện thời tiết giành thắng lợi kết thúc trận đánh nhanh gọn.
Bộ đội phối hợp với dân quân chống lầy cho xe tăng trên đường chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, cuối năm 1971. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội phối hợp với dân quân chống lầy cho xe tăng trên đường chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, cuối năm 1971. (Ảnh: TTXVN)
Trên chiến trường miền Nam, đến năm 1965, Binh chủng Tăng - Thiết giáp chưa đủ điều kiện để đưa xe vào chiến trường. Trong điều kiện đó, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định: “Xe chưa xung trận thì người xung trận trước”, nhằm xây dựng bộ đội thiết giáp tại chỗ theo tinh thần “lấy xe địch đánh địch”. Sau khi ổn định tổ chức của Đoàn Cơ giới Miền J16, Bộ Chỉ huy Miền một mặt điều phần lớn cán bộ của đoàn xuống các đơn vị để có điều kiện cọ xát với thực tế chiến trường. Mặt khác, chỉ đạo cơ quan đoàn bộ nghiên cứu tổ chức một số trận đánh để đoạt xe tăng địch làm phương tiện huấn luyện vừa tự trang bị cho đơn vị. Theo đó, Đoàn cơ giới Miền J16 đã ra quân tập kích vào khu để xe tăng địch tại Liên trường võ bị Thủ Đức.
Liên tiếp trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, các đại đội của Đoàn cơ giới Miền J16 đã sát cánh cùng với đơn vị bạn bẻ gãy các cuộc càn lớn nhất của Mỹ - ngụy. Tiêu biểu là trận Gò Đậu (Bình Dương), được xem như trận đánh đạt được hiệu quả nhất. Kết thúc trận đánh, ta đã diệt hàng trăm tên địch, thu và phá hủy hơn 80 xe M41, Ml13 cùng nhiều xe quân sự và phương tiện chiến tranh khác. Với trận Gò Đậu, lần đầu tiên bộ đội tăng thiết giáp Quân Giải phóng phối hợp với bộ đội địa phương tập kích vào một trung đoàn thiết giáp địch ngay trong thị xã cách Sài Gòn 30 km. Trận đánh được coi như lễ ra mắt của Quân giải phóng trước nhân dân Bình Dương. Đây là lần đầu tiên bộ đội tăng - thiết giáp vào tận hậu cứ địch để đoạt xe địch làm phương tiện huấn luyện.
Liên tiếp trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, các đại đội của Đoàn cơ giới Miền J16 đã sát cánh cùng với đơn vị bạn bẻ gãy các cuộc càn lớn nhất của Mỹ - ngụy.
Sau khi đoạt được chiếc xe tăng Mỹ M41-A1 đầu tiên, đưa về căn cứ Long Nguyên, Đoàn J16 đã tổ chức trọng thể lễ gia nhập Quân Giải phóng miền Nam cho cả kíp xe. Có chiếc xe M41-A1 "làm vốn", Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho Đoàn đặc công cơ giới J16, vừa bảo vệ, vừa luân phiên tập huấn cho bộ đội về thực hành sử dụng xe tăng M41-A1 cho thành thạo. Một số cán bộ cốt cán của Đoàn J16 (từng được đào tạo ở Trung Quốc, Liên Xô), nay được chỉ định soạn thảo giáo án để huấn luyện cho bộ đội, tổ giáo viên do đồng chí Vũ Đức Hùng phụ trách.
Trên cơ sở phương tiện và lực lượng hiện có, ngày 19/7/1971, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập Phòng Cơ giới Miền (M26) trực thuộc Cục Hậu cần Miền, có nhiệm vụ bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho lực lượng cơ giới Miền ở B2. Cùng thời điểm trên, số cán bộ, chiến sĩ biệt phái đi các đơn vị đã trở về căn cứ Bộ Tư lệnh Miền; đồng thời, việc thu gom xe tăng, trang thiết bị, phụ tùng đạt kết quả khá khả quan. Trong khi đó, yêu cầu về tăng cường khả năng chiến đấu hợp đồng binh chủng ngày một lớn. Chính vào thời điểm đó, hai đồng chí cán bộ tiền trạm Hồ Hồng Thái, Nguyễn Thắng của Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp đã vào tới chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, cùng sở chỉ huy tiền phương cơ giới xúc tiến công tác chuẩn bị thành lập Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tháng 10/1971, Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp Miền đã hình thành được khung cán bộ cùng các cơ quan: đoàn bộ, tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Tuy nhiên, do quân số của Bộ Tư lệnh chưa đủ và lực lượng bảo đảm kỹ thuật của binh chủng vẫn nằm trong đội hình của Cục Hậu cần Miền, nên phải cử cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm kỹ thuật của đoàn. Từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, ta tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng tăng - thiết giáp, bố trí lại lực lượng trên các chiến trường. Tháng 2/1972, Bộ quyết định thành lập thêm hai tiểu đoàn tăng: Tiểu đoàn 177A bổ sung cho miền Đông Nam Bộ và Tiểu đoàn 177B trang bị hỗn hợp tăng - thiết giáp bổ sung cho Quân khu 5.
Để đáp ứng yêu cầu về tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân trong điều kiện mới, ngày 12/5/1972, Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam Hoàng Văn Thái (Mười Khang) ký Quyết định số 39/M chuyển Phòng cơ giới Miền (M26) thuộc Cục Tham mưu Miền thành Đoàn Cơ giới trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền. Đoàn Cơ giới mang phiên hiệu Đoàn 26 tương đương cấp sư đoàn của tăng thiết giáp trên chiến trường B2 được tổ chức thành một trong những binh chủng của Quân Giải phóng miền Nam.
Xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)
Xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên khắp các mặt trận Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bộ đội Tăng - Thiết giáp đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm ở các chiến dịch trước, từng bước được hoàn thiện và phát triển lên một bước mới cả về quy mô lực lượng, địa bàn tác chiến. Đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng tăng - thiết giáp được thể hiện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Binh chủng Tăng - Thiết giáp tập trung với số lượng lớn (502 xe), chiếm gần 80% tổng số xe tăng, xe thiết giáp trên toàn chiến trường với nhiều chủng loại tăng - thiết giáp.
Đây cũng là lần đầu tiên ta sử dụng toàn bộ một trung đoàn tăng (Trung đoàn tăng 273) tập trung cho một trận đánh then chốt tiêu diệt và đánh chiếm mục tiêu trọng yếu của chiến dịch - thị xã Buôn Ma Thuột (chiến dịch Tây Nguyên) tạo nên ưu thế tuyệt đối về xe tăng, xe thiết giáp (ta có 63 xe các loại, địch có 13 xe M113). Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã sử dụng 398 xe tăng, xe thiết giáp để đánh trận then chốt quyết định[2]. Với sự tập trung cao độ, lực lượng tăng - thiết giáp trên các hướng chiến dịch được sử dụng từng tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn làm lực lượng đột kích cùng bộ binh tiến công đánh chiếm lần lượt các mục tiêu, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện.

Sau ngày đất nước thống nhất, Binh chủng Tăng - Thiết giáp tiếp tục xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia, với lực lượng huy động cao nhất và quy mô sử dụng rộng rãi nhất so với thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Các cán bộ, chiến sĩ của binh chủng đã đánh 733 trận lớn, nhỏ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao[3]. Tiếp đó, Binh chủng tập trung xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cùng sự đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu của các đơn vị bạn; sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Tăng - Thiết giáp binh chủng chiến đấu, lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, xây dựng và trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng, viết nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.
Ngày 5/10/1959 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Tăng - Thiết giáp.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Trần Quốc Dũng
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: TTXVN, Báo QĐND, Thành Đạt