RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH
MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH,
MỨC THUẾ SUẤT

Là một trong những khoản thu quan trọng của ngân sách Nhà nước, thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển, mọi người dân trong nước và người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam không phân biệt nghề nghiệp và địa vị xã hội là đối tượng nộp thuế của sắc thuế này. Đây là sắc thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các khoản thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh, và là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân nhằm góp phần vào sự phát triển của đất nước. Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế khi không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp vừa đủ để nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Trong điều kiện giảm dần các loại thuế xuất nhập khẩu do yêu cầu tự do hóa thương mại, thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở thành sắc thuế đóng vai trò chủ đạo trong cải cách công tác thu ngân sách Nhà nước, đồng thời là thước đo chất lượng phát triển của nền kinh tế.

Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được khấu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Quy định về giảm trừ gia cảnh
tại Việt Nam và một số nước

Ngày 02/6/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020).

Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thời gian qua có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn; cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...

Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, hầu hết pháp luật thuế thu nhập cá nhân của các nước đều có quy định về mức giảm trừ gia cảnh theo các hình thức và cách thức khác nhau.

Về phân loại, các khoản giảm trừ thu nhập cá nhân các nước áp dụng được chia thành ba nhóm sau: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc, như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ...; và các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (ví dụ, giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục…).

Phương thức quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cũng rất khác nhau giữa các quốc gia. Có quốc gia quy định một mức cứng tương tự như Việt Nam (thí dụ, Trung Quốc, Argentina...), nhưng có quốc gia quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) thu nhập và khống chế mức giảm trừ tối đa (thí dụ, Thái Lan, Hàn Quốc...).

Quy mô của các khoản giảm trừ được các nước thiết kế chủ yếu dựa vào quan điểm của từng nước trong chính sách động viên về thuế thu nhập cá nhân và thường không dựa vào một công thức cụ thể nào. Mức giảm trừ bản thân người nộp thuế phổ biến mà các nước áp dụng bằng khoảng 0,5 lần đến 1 lần GDP bình quân đầu người theo ngang giá sức mua.

Ngoài ra, đối với các nước đang phát triển, qua tham khảo về những thay đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân ở các nước này trong thời gian qua cho thấy, tần suất điều chỉnh các khoản giảm trừ ít thường xuyên hơn so với các nước phát triển. Luật thuế các nước này nhìn chung cũng không quy định cứng tần suất bao lâu sẽ thực hiện điều chỉnh nên thực tế thường được ổn định trong một thời gian nhất định.

Đồng thời, khác với nhiều nước phát triển, phần lớn các nước đang phát triển không quy định nguyên tắc điều chỉnh mức giảm trừ mà việc điều chỉnh thường được thực hiện thông qua sửa luật thuế thu nhập cá nhân (thí dụ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia).

Với thực tế đó, định hướng sửa đổi, bổ sung sẽ theo hướng thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân để triển khai chính sách phân phối lại, bảo đảm công bằng xã hội.

Áp dụng thuế thu nhập cá nhân
cần bảo đảm phù hợp với
hoàn cảnh sống của người nộp thuế

Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cần bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế-xã hội chung (được xem là tính công bằng theo chiều ngang) và theo đó việc quy định về giảm trừ gia cảnh là một thành tố quan trọng trong chính sách thuế thu nhập cá nhân của hầu hết các quốc gia.

Về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế bảo đảm nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.

Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau.

Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế thu nhập cá nhân đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, bảo đảm cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Do nhu cầu sống của cá nhân người nộp thuế rất khác nhau nên việc đưa ra mức giảm trừ thường ít có sự đồng thuận do xung đột về lợi ích cũng như quan điểm. Mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò cùa chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc thực hiện các chức năng của nó (bảo đảm công bằng xã hội và điều tiết thu nhập), gây ra nhiều khó khăn cho các lần cải cách tiếp theo và vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

BẢNG MINH HỌA VỀ CÁC MỨC ĐÓNG THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN/THÁNG
với trường hợp không có người phụ thuộc

BẢNG MINH HỌA VỀ CÁC MỨC ĐÓNG THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN/THÁNG
với trường hợp có 1 người phụ thuộc

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) là 4,2 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 9,184 triệu đồng/tháng/người.

Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo thành thị nông thôn 2010-2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2010-2021. Đơn vị tính: 1000 đồng

Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo thành thị nông thôn 2010-2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2010-2021. Đơn vị tính: 1000 đồng

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo vùng và nhóm thu nhập năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2021. Đơn vị tính: 1000 đồng

Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo vùng và nhóm thu nhập năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2021. Đơn vị tính: 1000 đồng

Theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) dự kiến xem xét đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội trong giai đoạn 2023-2025.

Nếu dự kiến đến 2026, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới.

Như vậy, việc điều chỉnh mức mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc sẽ phản ánh kịp thời những sự thay đổi về chi phí sinh hoạt của người nộp thuế tại thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và người nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân trong một số năm đầu. Số giảm thu ngân sách Nhà nước có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.

Nghiên cứu giảm số bậc thuế
từ 7 xuống 5

Bộ Tài chính cũng cho biết, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, bảo đảm điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.

Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.

Cùng với việc thu hẹp dần số lượng thuế suất, có thể xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế cho phù hợp.

Cùng với việc thu hẹp dần số lượng thuế suất, có thể xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế cho phù hợp với những thay đổi gần đây về mức sống dân cư, đồng thời khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực trên thế giới ngày càng gay gắt, đặc biệt là giữa các nước đang phát triển.

Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới cho rằng việc cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc là phù hợp với xu thế thế giới để cải thiện quản lý và tuân thủ thuế.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh cơ cấu biểu thuế có thể sẽ có những ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Do đó, việc sửa đổi Biểu thuế thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội, thu nhập và mức sống của người dân và với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với các nước có điều kiện tương đồng, vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động, khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Việc sửa đổi biểu thuế thu nhập cá nhân bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội, thu nhập và mức sống của người dân và với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với các nước có điều kiện tương đồng và quan hệ đầu tư, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động. Qua đó, khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực trên thế giới ngày càng gay gắt. Việc thu hẹp số lượng bậc thuế sẽ góp phần đơn giản hóa công tác quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho việc kê khai, tính thuế và phù hợp với xu hướng cải cách thuế thu nhập cá nhân trên thế giới.

Ngày xuất bản: 28/2/2023
Chỉ đạo: NGỌC THANH-VIỆT ANH
Thực hiện: SÔNG TRÀ
Trình bày: KHÁNH GIANG-MINH ĐỨC
Ảnh: Báo Nhân Dân