RÀ SOÁT VÀ ĐỊNH HƯỚNG

HOÀN THIỆN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Là một trong những khoản thu quan trọng của ngân sách Nhà nước, thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển, mọi người dân trong nước và người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam không phân biệt nghề nghiệp và địa vị xã hội là đối tượng nộp thuế của sắc thuế này. Đây là sắc thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các khoản thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh, và là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân nhằm góp phần vào sự phát triển của đất nước. Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế khi không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp vừa đủ để nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Trong điều kiện giảm dần các loại thuế xuất nhập khẩu do yêu cầu tự do hóa thương mại, thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở thành sắc thuế đóng vai trò chủ đạo trong cải cách công tác thu ngân sách Nhà nước, đồng thời là thước đo chất lượng phát triển của nền kinh tế.

Với sự phát triển của kinh tế-xã hội và các hình thức kinh doanh mới kéo theo sự đa dạng nguồn gốc thu nhập của cá nhân, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cho phù hợp, bảo đảm tính công bằng và gắn với mục tiêu, yêu cầu mở rộng cơ sở thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

RÀ SOÁT CÁC ĐIỀU KHOẢN
CỦA LUẬT THUẾ CÁ NHÂN 2007

Bộ Tài chính mới đây cho biết, trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và từ thực tiễn công tác tổ chức thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân được ban hành trong những giai đoạn sau đó, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát toàn bộ các điều, khoản của Luật (gồm 35 điều), trên cơ sở đó đánh giá mức độ phù hợp, tính khả thi và hiệu quả thực tế của Luật thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, đã chỉ ra một số vấn đề vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân giai đoạn vừa qua.

Qua kết quả rà soát, có 13 điều của Luật thuế thu nhập cá nhân không phát sinh vướng mắc và vẫn kế thừa thực hiện (Điều 1, Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 16, Điều 17, Điều 20, Điều 26, Điều 27, Điều 30, Điều 32, Điều 33 và Điều 35); có 22 điều cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.

Các nội dung chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế; thu nhập miễn thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh và các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác.

Đồng thời với nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung, cần thiết phải kết cấu lại một số điều để tạo thuận lợi cho người nộp thuế dễ theo dõi trong quá trình thực hiện trên cơ sở kết quả đánh giá, rà soát, tham khảo kinh nghiệm các nước.

Bộ Tài chính cho biết, kết quả rà soát cụ thể như sau: Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật thuế thu nhập cá nhân nhằm mở rộng cơ sở thuế thông qua việc bổ sung một số khoản thu nhập mới phát sinh trong quá trình thực hiện, mở rộng phạm vi điều chỉnh của một số khoản thu nhập đang chịu thuế, qua rà soát, về cơ bản các quy định về nội dung, phạm vi xác định các khoản thu nhập chịu thuế của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân nhìn chung phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế thời gian qua.

Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế-xã hội và các hình thức kinh doanh mới kéo theo sự đa dạng nguồn gốc thu nhập của cá nhân, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cho phù hợp, bảo đảm tính công bằng và gắn với mục tiêu, yêu cầu mở rộng cơ sở thuế.

Cần nghiên cứu, bổ sung quy định cho phù hợp, bảo đảm tính công bằng và gắn với mục tiêu, yêu cầu mở rộng cơ sở thuế.

Bên cạnh đó, bổ sung tại Luật thuế thu nhập cá nhân quy định về nhóm thu nhập khác thuộc diện chịu thuế và giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế; hoặc bổ sung quy định cụ thể các khoản thu nhập khác (như thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, sim-số điện thoại...) là thu nhập chịu thuế.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết về cơ bản là phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế xã hội và các hình thức hoạt động trong đời sống dân cư, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế nói chung. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội và các hình thức hoạt động kinh doanh mới đã phát sinh một số khoản thu nhập khác của cá nhân ngoài các loại thu nhập chịu thuế đã được quy định nêu trên và thường là các khoản thu nhập khác có tính chất đặc thù, như thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản, quyền tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại, biển số xe,...

Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, quyền tài sản này cũng có bản chất giống với một số khoản thu nhập không thường xuyên (thu nhập vãng lai) đang thuộc diện chịu thuế hiện nay như thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại...

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc không đánh thuế đối với các khoản thu nhập nêu trên là chưa bảo đảm tính công bằng giữa các cá nhân có phát sinh thu nhập, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách để chuyển từ việc phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo mức thuế suất thông thường là 20%) sang áp dụng quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện nay (không phải nộp thuế).

Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và các văn kiện của Đảng thời gian gần đây cũng như Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội đã đặt ra chủ trương đẩy mạnh các biện pháp khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế. Theo đó cần nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế để mang tính bao quát hơn cũng như cần xem xét bổ sung quy định cụ thể về thu nhập chịu thuế đối với các khoản thu nhập có tính chất đặc thù nêu trên.

Cần nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế để mang tính bao quát hơn cũng như cần xem xét bổ sung quy định cụ thể về thu nhập chịu thuế đối với các khoản thu nhập có tính chất đặc thù.

KINH NGHIỆM CÁC NƯỚC
VỀ CÁC LOẠI HÌNH
THU NHẬP CHỊU THUẾ

Qua rà soát kinh nghiệm của các nước quy định về các loại hình thu nhập chịu thuế thường bao gồm: Thu nhập từ việc làm (tiền lương, tiền công, các khoản thưởng và thu nhập khác do lao động); thu nhập từ tác quyền; thu nhập từ tiền lãi; thu nhập từ cổ tức; thu nhập từ kinh doanh cá nhân; thu nhập từ tiền lương hưu; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản; thu nhập từ cho thuê tài sản và thu nhập khác (thừa kế, quà tặng, tiền bản quyền...).

Ở Thái Lan, thu nhập chịu thuế được chia thành 8 loại. Ảnh minh họa: Reuters

Ở Thái Lan, thu nhập chịu thuế được chia thành 8 loại. Ảnh minh họa: Reuters

Chẳng hạn như ở Thái Lan, thu nhập chịu thuế bao hàm cả thu nhập bằng tiền và hiện vật. Bất kỳ lợi ích nào do người sử dụng lao động hoặc những người khác cung cấp, chẳng hạn như nhà cho thuê miễn phí hoặc số thuế do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động cũng được coi là thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập cá nhân.

Thu nhập chịu thuế được chia thành 8 loại như sau: thu nhập từ cung cấp dịch vụ cá nhân cho người sử dụng lao động; từ tiền lương, tiền công; từ chuyển giao bản quyền, chuyển quyền thương mại và sở hữu trí tuệ; từ cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng ở Thái Lan, thu nhập từ đầu tư vốn; từ cho thuê tài sản, bất động sản, hợp đồng mua bán, cho thuê; từ nghề nghiệp tự do; từ xây dựng và các công việc khác theo hợp đồng và từ kinh doanh, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, vận tải và các hoạt động khác.

Ở Trung Quốc, thu nhập chịu thuế được chia thành 9 loại. Ảnh minh họa: Reuters

Ở Trung Quốc, thu nhập chịu thuế được chia thành 9 loại. Ảnh minh họa: Reuters

Trung Quốc, Luật thuế thu nhập cá nhân quy định 9 loại thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm: thu nhập từ việc làm (tiền lương, tiền công); từ việc cung cấp các dịch vụ cá nhân như thiết kế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn luật pháp, kế toán…; thù lao của tác giả; từ bản quyền; từ kinh doanh; từ lãi suất, cổ tức và phân phối lợi nhuận; từ cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện, tàu thủy và các tài sản khác; từ chuyển quyền sở hữu tài sản (chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản); thu nhập bất thường khác.

Ở Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế được chia thành 5 loại. Ảnh minh họa: Reuters

Ở Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế được chia thành 5 loại. Ảnh minh họa: Reuters

Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm: thu nhập từ tiền công, tiền lương lao động; từ kinh doanh (bao gồm lợi nhuận từ thương mại, giao dịch bất động sản, cho thuê, mua bán quyền sử dụng và các thu nhập khác tạo ra từ các giao dịch thông thường); từ cổ tức (cả từ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước); tiền lãi; từ lương hưu; từ các thu nhập khác (giải thưởng bằng tiền hoặc hiện vật, tiền thưởng do trúng sổ xố, trò chơi cá cược, phí người sử dụng từ bản quyền, quyền sử dụng các sản phẩm trí tuệ, thu nhập từ chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, đánh cá, quyền sở hữu công nghiệp, bí mật công nghiệp, thông tin cá nhân, thương hiệu và quyền khai thác nước dưới lòng đất…).

Các nước cũng thường có quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm tính bao quát đối với các khoản thu nhập khác (hay thu nhập có tính chất bất thường) của cá nhân. 

Chính vì vậy, định hướng sửa đổi, bổ sung lần này sẽ là phạm vi xác định các khoản thu nhập chịu thuế của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân nhìn chung phù hợp với thực tiễn Việt Nam thời gian qua và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, với sự đa dạng nguồn gốc thu nhập của cá nhân gắn với mục tiêu, yêu cầu mở rộng cơ sở thuế, cần rà soát bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế) hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác (thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại, ...) là thu nhập chịu thuế.

Định hướng sửa đổi, bổ sung lần này sẽ là phạm vi xác định các khoản thu nhập chịu thuế của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

ĐẨY MẠNH CÁC BIỆN PHÁP
KHAI THÁC DƯ ĐỊA THU,
MỞ RỘNG CƠ SỞ THUẾ

Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính khẳng định: Theo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và các văn kiện của Đảng thời gian gần đây cũng như Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội đã đặt ra chủ trương đẩy mạnh các biện pháp khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế.

Việc mở rộng cơ sở thuế bảo đảm điều tiết thuế đối với các nguồn thu nhập của cá nhân, bảo đảm bao quát nguồn thu đối với các hoạt động kinh tế mới phát sinh. Chính vì vậy, cần nghiên cứu để bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ; bổ sung quy định cụ thể đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh...

Riêng về bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ theo hướng áp dụng thuế suất cao hơn đối với việc giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn để có mức độ điều tiết hợp lý và hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Trong thực tế thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản trong thời gian qua đã phát sinh tình trạng cá nhân thực hiện hoạt động chuyển nhượng bất động sản nhưng kê khai giá chuyển nhượng trong hồ sơ khai thuế thấp hơn nhiều so với giá thực tế mua bán nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế của nhà nước.

Bộ Tài chính cho biết, đã có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để điều tiết thuế cao hơn khi chuyển nhượng đối với các trường hợp đầu cơ sở hữu ba, bốn... bất động sản trong thời gian ngắn gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, một số quốc gia đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại bất động sản. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.

Tại Đức, có hai sắc thuế chính để hạn chế đầu cơ bất động sản là thuế chuyển nhượng bất động sản và thuế thu nhập. Thuế thu nhập từ bất động sản áp dụng mức thuế suất từ 14% đến 42%.

Cá nhân mua bán bất động sản sẽ được miễn thuế thu nhập khi bất động sản được sở hữu trên 10 năm hoặc bất động sản không được xem là tài sản với mục đích kinh doanh (tức là nếu cá nhân sở hữu bất động sản này có hoạt động giao dịch bán bất động sản 3 lần trong vòng 5 năm thì tài sản được cá nhân này sở hữu là bất động sản kinh doanh).

Tại Mỹ, chính sách chống đầu cơ bất động sản tùy thuộc vào luật pháp riêng tại từng tiểu bang.

Tại thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California quy định, nếu một người mua nhiều bất động sản và bán trong thời gian dưới 5 năm thì sẽ chịu mức thuế chuyển nhượng nhà là 24% nếu bán trong năm đầu tiên sau khi mua nhà, ở mức 22% nếu bán trong thời gian từ 1-2 năm, ở mức 20% nếu bán trong thời gian từ 2-3 năm, ở mức 18% nếu bán trong thời gian 3-4 năm và đến mức 14% nếu bất động sản được chuyển giao cho người khác từ 4-5 năm kể từ khi mua.

Tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán; sau 2 năm thì mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%.

Tại Malaysia, thuế thu nhập bất động sản từ việc thanh lý tài sản (theo luật có hiệu lực năm 2014) theo tỷ lệ và thời gian nắm giữ sau: 30% trong thời gian nắm giữ lên đến 3 năm; 20% cho thời gian nắm giữ trên 3-4 năm; 15% cho thời gian nắm giữ trên 4-5 năm.

Trên cơ sở đó, định hướng sửa đổi, bổ sung sẽ theo định hướng mà Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã đưa ra và Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3.

Theo đó, sẽ quy định "mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất...”. “Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản”. 

Để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ theo hướng áp dụng thuế suất cao hơn đối với việc giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn.

Mức thuế suất cụ thể cũng cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản. Đồng thời, việc áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như sự đồng bộ, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản. Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý để có được các thông tin liên quan đến thời gian nắm giữ bất động sản.

Đồng thời, cần rà soát để sửa đổi quy định về giá chuyển nhượng bất động sản để tính thuế thu nhập cá nhân, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới.

Như thế, quy định chính sách thuế điều tiết đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản hợp lý sẽ góp phần hạn chế đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Việc sửa đổi quy định về xác định giá chuyển nhượng bất động sản nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên thị trường, từ đó bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước về bất động sản.

Ngoài ra, còn có những bổ sung quy định cụ thể đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh. Tăng mức thuế suất đối với một số khoản thu nhập từ hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số, thu nhập từ trúng thưởng.

Mở rộng phạm vi thu nhập từ thừa kế, quà tặng theo hướng bao quát cả tiền và hiện vật (hiện chỉ áp dụng thu thuế đối với khoản thừa kế, quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng).

Sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế thu nhập cá nhân nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ cho người nộp thuế, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong thực hiện..

Ngày xuất bản: 27/2/2023
Chỉ đạo: NGỌC THANH-VIỆT ANH
Thực hiện: SÔNG TRÀ
Trình bày: KHÁNH GIANG-MINH ĐỨC
Ảnh: Báo Nhân Dân