MỞ RỘNG CƠ SỞ TÍNH

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Là một trong những khoản thu quan trọng của ngân sách Nhà nước, thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển, mọi người dân trong nước và người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam không phân biệt nghề nghiệp và địa vị xã hội là đối tượng nộp thuế của sắc thuế này. Đây là sắc thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các khoản thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh, và là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân nhằm góp phần vào sự phát triển của đất nước. Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế khi không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp vừa đủ để nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Trong điều kiện giảm dần các loại thuế xuất nhập khẩu do yêu cầu tự do hóa thương mại, thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở thành sắc thuế đóng vai trò chủ đạo trong cải cách công tác thu ngân sách Nhà nước, đồng thời là thước đo chất lượng phát triển của nền kinh tế.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra các yêu cầu, định hướng cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập cá nhân, trong đó có yêu cầu về mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế; điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.

Năm 2009, Luật Thuế thu nhập cá nhân chính thức có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng giai đoạn, Quốc hội đã ban hành Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân áp dụng từ 1/7/2013 và Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (trong đó có Luật thuế thu nhập cá nhân) áp dụng từ 1/1/2015.

Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi ban hành (năm 2007) đến nay, Luật thuế thu nhập cá nhân đã được rà soát sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014 theo các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 1/7/2013); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế số 71/2014/QH13 (áp dụng từ 1/1/2015).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Nhờ đó, đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư; bảo đảm huy động một cách hợp lý thu nhập dân cư; khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có tính đến các bước đi phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và thông lệ quốc tế, nhờ đó đã động viên kịp thời các nguồn lực cho ngân sách nhà nước giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội.

Về cơ bản, việc thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn vừa qua đã đạt được các mục tiêu khi ban hành Luật (bao gồm cả những lần sửa đổi, bổ sung).

Khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đề ra định hướng: “Chính sách tài chính quốc gia phải động viên hợp lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; phân phối các lợi ích ngày càng công bằng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế....”.

Trên cơ sở đó, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý...; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện…”.

Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Chiến lược này cũng đã đặt ra các yêu cầu, định hướng cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập cá nhân, trong đó có yêu cầu về mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế; điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.

Với quan điểm đúng đắn đó, quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập cá nhân đã được thực hiện theo đúng các chủ trương, định hướng cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí được xác định trong các văn kiện, nghị quyết nêu trên của Đảng và Nhà nước, đồng thời đã bám sát các mục tiêu cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Qua đó, đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn phát triển đất nước cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bám sát các mục tiêu, định hướng được xác định trong các chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của đất nước.

Ngay sau Luật thuế thu nhập cá nhân và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân được ban hành, Chính phủ và Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện. Nhờ đó, đã hình thành được hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức thực hiện Luật một cách thuận lợi.

Chủ động kiểm soát, phân phối thu nhập

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân còn nhằm mục tiêu tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế-xã hội.

Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng” và “khả năng nộp thuế”.

Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng” và “khả năng nộp thuế”.

Theo nguyên tắc “lợi ích” thì mọi người trong xã hội đều được hưởng những thành quả phát triển của đất được về thể chế luật pháp, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục… đồng thời cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mình cho xã hội thông qua việc nộp thuế.

Nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế” thể hiện ở chỗ: Người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp chưa phải nộp thuế.

Trong thời gian qua, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp cũng có xu hướng ngày càng tăng.

Như vậy, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần bảo đảm tính hợp lý, công bằng, hiệu quả của hệ thống chính sách thuế và hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư; đồng thời Nhà nước cũng nắm được thông tin về thu nhập của cá nhân góp phần phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh, từ chuyển nhượng bất động sản và một số khoản thu nhập khác đã thực hiện đóng góp một phần thu nhập của mình vào ngân sách nhà nước.

Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần bảo đảm tính hợp lý, công bằng, hiệu quả của hệ thống chính sách thuế và hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư; đồng thời Nhà nước cũng nắm được thông tin về thu nhập của cá nhân góp phần phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Qua đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, có thể thấy chính sách thuế đối với thuế thu nhập cá nhân đã thể hiện và phát huy được vai trò là công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách điều tiết, phân phối lại thu nhập, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các cá nhân trong xã hội, hướng tới công bằng xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Việc áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 mức thuế suất từ 5% đến 35% và thuế suất toàn phần đối với hộ kinh doanh là phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong thời gian qua, góp phần điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định rằng: việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực tế thời gian qua, các thị trường tài chính-tiền tệ, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ… đã có sự phát triển mạnh mẽ. Sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh, có thêm nhiều nguồn thu nhập khác nhau: Thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ đầu tư tài chính…

Việc thực hiện, hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ điều tiết thu nhập, bảo đảm công bằng xã hội; qua đó góp phần giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, giữa tăng trưởng với công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Rõ ràng, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đã tạo thói quen cho người dân về thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Cùng với việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền chính sách thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua nhiều đối tượng nộp thuế đã ý thức trách nhiệm của cá nhân về nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Công tác quản lý thu thuế của cơ quan thuế từng bước được cải tiến tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cụ thể như: Có quy trình quản lý thuế thống nhất, có sổ tay nghiệp vụ quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm nâng cao trách nhiệm trước pháp luật của người nộp thuế. Cơ quan thuế làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, thanh tra thuế.

Để thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế đã xây dựng chế độ cấp mã số thuế để quản lý người nộp thuế. Mã số thuế được gắn liền với các tờ khai thuế nên cơ quan thuế sẽ có thông tin về người nộp thuế trên cơ sở đó hỗ trợ cho việc kiểm soát, đối chiếu thu nhập của các cá nhân. Việc tạm khấu trừ thuế 10% đối với cá nhân có thu nhập từ nhiều nơi là một biện pháp quản lý có hiệu quả bảo đảm chính sách điều tiết công bằng.

Ngày xuất bản: 25/2/2023
Chỉ đạo: NGỌC THANH-VIỆT ANH
Thực hiện: SÔNG TRÀ
Trình bày: KHÁNH GIANG-MINH ĐỨC
Ảnh: Báo Nhân Dân