Bài 2: Đưa F1 trở lại nhà máy: Lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động

Trong thực tế, số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức rất cao khiến cho hầu hết các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau rơi vào trạng thái “lao đao” vì thiếu nhân lực. Việc triển khai cho nhóm đối tượng F1 đi làm trở lại được nhiều chủ cơ sở sản xuất kinh doanh coi là “chìa khóa” để giải quyết bài toán khan hiếm lao động hiện nay.

Khủng hoảng thiếu nhân lực

Đã hơn 1 tháng kể từ sau Tết Nguyên đán, mặc dù đã liên tục thông báo tuyển người nhưng công ty may Hoàng Sơn (khu công nghiệp Thanh Trì, Hà Nội) vẫn p “đỏ mắt” tìm nhân công. Ngay khi đang “khát” nguồn lao động mới bổ sung, Hoàng Sơn lại ngay lập tức vấp phải “bài toán khó” khi nhóm công nhân cũ cũng bị dịch Covid-19 càn quét.

 Giám đốc Công ty, ông Lê Văn Sơn, cho hay: “Theo thiết kế ban đầu, công ty chúng tôi sẽ có 500 công nhân làm việc đồng thời nhưng hiện tại nguồn nhân lực lại quá ít. Nếu như 2 năm trước Covid-19, chúng tôi có thể đạt trung bình 200 nhân công thì càng về các giai đoạn gần đây càng giảm dần”.

Cụ thể, tính tới thời điểm tháng 3, có tới hơn 30% công nhân buộc phải cách ly tại nhà do thuộc diện F0. Nhà xưởng rộng mênh mông chỉ “sáng đèn” một nửa với chưa đầy 80 người làm việc".

Đây cũng là thực trạng chung của 3 doanh nghiệp may mặc khác tại nhu công nghiệp Thanh Trì bao gồm Khanh Vĩnh Phong Phú, May Thanh Trì và Van Laack Asia.

Tại Bắc Giang, ông Lê Thanh Hưng, Công ty cổ phần May xuất khẩu H.P (huyện Hiệp Hòa) cho biết: Công ty H.P có quy mô 7.300 công nhân nhưng vào giai đoạn cao điểm cách đây 2 tuần đã có tới 60% nhân sự buộc phải nghỉ do thuộc diện F0. 

“Mỗi tổ sản xuất được bố trí 50 người, nhưng có những tổ chỉ còn lại vài công nhân”, ông Hưng chia sẻ. 

Tình hình thực tế cũng không khả quan hơn đối với các doanh nghiệp may mặc cả nước. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt Vĩnh Phúc sau Tết Nguyên đán phải đón làn sóng “khủng hoảng thiếu” khi có đến 50% người lao động phải nghỉ làm do là F0 và F1. 

Thậm chí, Công ty May 10 cơ sở Thái Bình trong giai đoạn cao điểm có tới 70% số công nhân phải tạm nghỉ. Ở mức thấp hơn, Công ty May 10 tại Hà Nội cũng đang duy trì mức nghỉ 30%. 

“Tỷ lệ cụ thể phụ thuộc vào từng địa phương nhưng thực tế từ sau Tết Nguyên đán, số ca mới đã tăng rất nhanh với biến chủng Omicron mới. Tính trung bình toàn May 10, có tới 40-50% số lao động bị mắc. Chúng tôi cũng dự đoán nhanh nhất tới cuối tháng 3 tới đây tình hình mới tốt dần lên được”, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 thông tin. 

Đáng ngại hơn, hầu hết các công ty trong ngành may đều rất khó tuyển lực lượng lao động mới bổ sung do tâm lý e dè dịch cũng như mức lương chỉ dao động quanh mốc 8-10 triệu đồng không thực sự hấp dẫn người lao động.

Ông Bạch Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết: Công ty May 10 tại Hà Nội cũng đang duy trì mức nghỉ 30% vì Covid-19.

Ông Bạch Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết: Công ty May 10 tại Hà Nội cũng đang duy trì mức nghỉ 30% vì Covid-19.

Không chỉ trong lĩnh vực may mặc, tình trạng “hụt hơi” nhân công do ảnh hưởng của dịch cũng tác động xấu đến các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh thuộc các nhóm ngành nghề khác. 

Ông Dương Ngọc Hiếu, Giám đốc phụ trách khối dự án Công ty cổ phần đầu tư Thành Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), cho hay: Công ty của ông hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải. Trong đợt cao điểm dịch vừa qua, đã có tới 70-80% nhân công của ông bị nhiễm Covid-19. Trong khi đó, Công ty Taxi G7 cũng “mất” từ 35-40% tài xế do thuộc diện F0 và F1.

Khủng hoảng nhân lực là câu chuyện “khó có lời giải” của ngành dệt may mùa Covid-19 nếu vẫn áp dụng nguyên các biện pháp phòng, chống dịch như trước kia
Công nhân F1 đi làm lại vẫn phải đảm bảo 5K ngay cả khi… ăn trưa. (ẢNH: SƠN BÁCH)

Doanh nghiệp đứt gãy chuỗi sản xuất

“Cạn” nhân lực do Covid-19, trong khi nguồn lao động mới lại không được bổ sung, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy. 

Trong lĩnh vực vận tải, ông Dương Ngọc Hiếu (Công ty Cổ phần đầu tư Thành Mỹ) than thở: “Thành Mỹ có khoảng 400 người lao động cả trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, việc quá nhiều người thuộc diện F0 đã khiến chúng tôi lao đao. Đối với vận tải vốn là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và hồi phục sau cùng, dòng chảy hàng hóa đang rất chậm chạp nay lại càng khó khăn hơn”, ông Hiếu nói. 

Đại diện công ty này phân tích thêm: Khi có quá nhiều nhân sự F0, về bản chất các chi phí trực tiếp vẫn giữ nguyên, trong khi không có người làm dẫn đến tình trạng công việc ùn ứ, ảnh hưởng rất nhiều tới doanh thu. 

“Không chỉ ảnh hưởng, thậm chí còn vô cùng nghiêm trọng” tới hoạt động kinh doanh”, đó là cách ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Taxi G7 (Hà Nội) nhận định. Theo ông Quân, số lượng các ca mắc quá lớn khiến cho tâm lý khách hàng bị ảnh hưởng và đưa ra cân nhắc khi sử dụng dịch vụ taxi. Bên cạnh đó, tỷ lệ tài xế của hãng bị mắc cũng chiếm tới 35-40%.

Với diễn biến vẫn hết sức phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt trong 3 tuần gần đây, G7 đã bị sụt giảm từ 60-70% lượng khách".
(Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Taxi G7 (Hà Nội)

Trong khi đó, nỗi lo lớn nhất đối với ngành may mặc là nguy cơ đứt gãy, gián đoạn chuỗi sản xuất. Lấy thí dụ cụ thể, ông Thanh Hưng (Công ty cổ phần may xuất khẩu H.P) giải thích: “Ở điều kiện bình thường, một xưởng sản xuất của chúng tôi có 50 công nhân đảm trách các khâu khác nhau. Nhưng do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên có xưởng chỉ còn sót lại 2-3 người. Nếu để kiêm nhiệm chắc chắn sẽ không bảo đảm được năng suất”. 

Thiếu nhân sự do Covid-19 gây ra nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng trong dài hạn.

Thiếu nhân sự do Covid-19 gây ra nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng trong dài hạn.

Với đặc thù sản phẩm xuất khẩu yêu cầu rất chặt chẽ cả về chất lượng lẫn thời hạn bàn giao, H.P đã buộc phải “ghép” các nhóm bị ảnh hưởng lại để “cứu” đơn hàng. 

“Quy định không cho phép tăng số giờ làm thêm cho công nhân trong khi áp lực từ đối tác không giảm. Tình hình rất căng thẳng”, ông Hưng nhận định.

Cùng chung lo ngại về thực trạng đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp may mặc đều “phục hồi tốt về đơn hàng nhưng lại bị… hẫng vì Covid-19”. 

Cụ thể, ngay từ cuối năm 2021, Công ty May 10 đã tiến hành ký kết hợp đồng và lên kế hoạch cho năm mới. Tuy nhiên, thực tế dịch bùng phát khó lường khiến cho đơn vị này không kịp trở tay. Phía May 10 đã buộc phải làm việc lại với từng khách hàng để điều chỉnh kế hoạch. 

“Thực sự rất khó khăn. Khi nhu cầu của khách hàng không được đáp ứng, họ sẽ chuyển sang nơi sản xuất mới. Với tình hình dịch bệnh cả nước, nguy cơ trước mắt là họ sẽ lựa chọn các đối tác nước ngoài. Như vậy chúng ta sẽ rất thiệt”, ông Thăng phân tích thêm.

Phân xưởng của công ty may Hoàng Sơn chỉ “sáng đèn” 1 nửa. Việc giảm sút năng suất lao động là hệ quả nhãn tiền của dịch Covid-19.

Phân xưởng của công ty may Hoàng Sơn chỉ “sáng đèn” 1 nửa. Việc giảm sút năng suất lao động là hệ quả nhãn tiền của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tác động dễ nhận thấy nhất là việc sụt giảm năng suất lao động khi kế hoạch sản xuất bị thay đổi quá nhiều. Ông Thăng dẫn chứng: Nếu như trong 2 năm 2020-2021, số lượng các F phải nghỉ để theo dõi tại nhà đã nhiều thì bước sang năm nay tình trạng thiếu hụt lại càng nghiêm trọng hơn. Điều này dẫn đến việc May 10 phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất trực tiếp. 

“Có những lúc chúng tôi phải điều chỉnh từ 20 chuyền xuống còn 10-12 chuyền khiến năng suất giảm rất nhiều. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận bỏ chi phí ra đền bù”, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết. 

Ông Lê Văn Sơn (Công ty may Hoàng Sơn) thậm chí còn dùng từ “loải ngoải” để chỉ tình trạng sản xuất cầm chừng hiện tại. Theo ông Sơn, nghịch lý nằm ở chỗ, hiện tại, các công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc “không lo thiếu đơn hàng” nhưng lại bị rơi vào trạng thái quá neo người.

Hầu hết đều “loải ngoải”. Có những đơn hàng xuất khẩu lớn nhưng chúng tôi không dám nhận hoặc có nhận cũng phải chia ra cho các công ty đối tác cùng làm để bảo đảm tiến độ”.
(Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty may Hoàng Sơn)

Đưa F1 trở lại nhà máy: Lời giải cho bài toán khó

Trước đợt khủng hoảng nhân lực cục bộ do ảnh hưởng bởi dịch, nhiều doanh nghiệp, địa phương điển hình như Bắc Giang, Long An, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tìm cách đưa F1 trở lại nhà máy. Đây cũng được coi như lời giải cho bài toán đang khiến nhiều ông chủ “lao đao”. 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, đầu tháng 3, Bắc Giang trở thành địa phương đầu tiên của cả nước cho phép công nhân F1 được đi làm bình thường. Cụ thể, theo thông báo số 96/TB-UBND tỉnh Bắc Giang ngày 2/3, “các đối tượng là F1 đi làm việc, học tập bình thường nhưng phải tuân thủ nguyên tắc 5K”. 

Chỉ 5 ngày sau, Công ty TNHH sản xuất Sanwa Việt Nam (khu công nghiệp Việt Yên) đã chính thức áp dụng để đưa F1 trở lại công xưởng. Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay: “Từ ngày 7/3, công ty chúng tôi đã cho công nhân là F1 đi làm bình thường trên nguyên tắc tuân thủ 5K”. 

Theo ông Giang, trong quá trình triển khai, phía Sanwa không gặp phải quá nhiều khó khăn do hiện nay “công nhân đã hiểu rõ thế nào là tiếp xúc gần, nguy cơ ra sao”. 

“Để bảo đảm an toàn, Sanwa vẫn đang tổ chức test PCR định kỳ cho cán bộ, công nhân vào thứ tư hằng tuần. Mặt khác, cán bộ nhân viên trong ngày đi làm nếu phát sinh các triệu chứng như ho, sốt, rát họng, sổ mũi… chúng tôi cũng sẽ cho test nhanh ngay lập tức”.

Các F1 của công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (Bắc Giang) đã được đi làm lại từ ngày 7/3. (ẢNH: SƠN BÁCH)

Các F1 của công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (Bắc Giang) đã được đi làm lại từ ngày 7/3. (ẢNH: SƠN BÁCH)

Hiện tại, Sanwa Việt Nam có hơn 300 công nhân. Toàn bộ chi phí test đều do doanh nghiệp chi trả. 

Cũng đang áp dụng mô hình tương tự, công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam với quy mô hơn 8.000 nhân sự đã chính thức cho F1 đi làm trực tiếp được hơn 1 tuần.

Hiện nay tại Bắc Giang, số trường hợp F0 trở nặng rất ít. Với xu hướng mở cửa hiện nay, mọi người cũng đã thích ứng dần, do đó khi các F1 quay trở lại làm việc, đa số công nhân đều không có ý kiến gì”.
(Ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam)

“Hơn nữa, các trường hợp là F1 cũng mong muốn được đi làm sớm để giảm bớt áp lực về kinh tế. Khi đưa họ trở lại công ty, chúng tôi yêu cầu xét nghiệm âm tính trước khi đi làm đồng thời vẫn áp dụng chặt chẽ nguyên tắc 5K”, ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch Công đoàn công ty nói tiếp. 

Sau một tuần triển khai, theo thống kê nhanh, Crystal Martin không xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh. “Số trường hợp F0 rất ít”. 

Công nhân F1 đi làm lại vẫn phải đảm bảo 5K ngay cả khi… ăn trưa. (ẢNH: SƠN BÁCH)

Công nhân F1 đi làm lại vẫn phải đảm bảo 5K ngay cả khi… ăn trưa. (ẢNH: SƠN BÁCH)

Tiếp sau Bắc Giang, Long An là địa phương thứ hai đưa ra lựa chọn tương tự, thậm chí, tỉnh miền Tây Nam Bộ còn mạnh dạn cho phép các F0 không có triệu chứng có thể quay lại làm việc. Quyết định của tỉnh Long An dựa trên đề xuất ngày 5/3 trước đó của Bộ Y tế.

Là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai, Công ty TNHH Hòa Thành (huyện Bến Lức) đã bố trí phòng riêng, khu vực ăn uống, vệ sinh riêng để hỗ trợ cho 2 người lao động thuộc nhóm F0 tự nguyện đi làm. 

Một cán bộ của Công ty TNHH MTV Hòa Thành (Bến Lức, Long An) mắc Covid-19, tự nguyện đi làm được doanh nghiệp bố trí nơi làm việc riêng.

Một cán bộ của Công ty TNHH MTV Hòa Thành (Bến Lức, Long An) mắc Covid-19, tự nguyện đi làm được doanh nghiệp bố trí nơi làm việc riêng.

Ông Võ Thanh Tú - Giám đốc doanh nghiệp - đánh giá: “Việc Long An ban hành quy định tạm thời cho F0 và F1 tự nguyện đi làm đã giúp cho doanh nghiệp linh hoạt nguồn lao động đang thiếu hụt. Nếu như chỉ áp dụng quy định cách ly trước đây sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh”. 

Mặc dù chưa xuất hiện trường hợp công nhân là F0, nhưng ông Hoàng Khắc Vân - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cheng Da Việt Nam (huyện Đức Hòa) cũng rất ủng hộ cách làm mới của tỉnh Long An. Theo ông Vân, việc Long An quy định tạm thời cho F0, F1 không có triệu chứng được tham gia làm việc để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và cấp bách “là rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”. 

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị khu công nghiệp Phú An Thạnh (Bến Lức, Long An) Trần Văn Ngọc cho biết, khu công nghiệp Phú An Thạnh có 60 doanh nghiệp, với gần 6.000 công nhân đang hoạt động. 

“Quy định tạm thời của UBND tỉnh Long An cho F0 và F1 đi làm là một sự đột phá trong trạng thái ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’”, ông Ngọc đánh giá.

Đánh giá về cách làm mới tại Long An, ông Nguyễn Văn Quí, Chủ tịch Liên đoàn lao động Long An cho hay: Quy định tạm thời của Ủy ban nhân dân tình sẽ giúp các đơn vị “chủ động, sáng tạo, thích ứng tốt với nguồn lao động F0, F1 tự nguyện làm việc để hoàn thành các hợp đồng cho đối tác đúng thời hạn quy định”. 

“Bên cạnh đó, chính sách cũng sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập”, ông Quí bổ sung thêm. 

Đứng trên phương diện quản lý nhà nước, ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bến Lức nhận định: “Trường hợp một khâu nào đó của đơn vị Nhà nước, hay doanh nghiệp bị gián đoạn do công nhân F0, F1 bị cách ly, công việc bị đình đốn ngay. Do đó, văn bản tỉnh ban hành rất kịp thời và huyện tiếp cận, thực hiện triển khai đúng theo quy định. Hiện rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ và đồng cảm với quy định tạm thời của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An”. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa thông tin: Mục tiêu của văn bản này là để giải quyết cấp bách vấn đề thiếu hụt nguồn cung lao động cũng như giải quyết tất cả công việc trong cơ quan hành chính nhà nước không để ách tắc, bị động đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

Qua triển khai nội dung văn bản các trường hợp F0, F1 không triệu chứng được đi làm, theo thăm dò dư luận và ý kiến từ các doanh nghiệp, tất cả đều đồng thuận rất cao. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để có sự điều chỉnh phù hợp, vì đây là quy định thí điểm thực hiện trong giai đoạn hiện nay”.
(Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa)

Tại Đà Nẵng, một công ty dệt may (xin giấu tên) với 4.000 lao động tại miền trung cũng đã chủ động trưng dụng một số lao động F0 không có biểu hiện đi làm ở khu tách biệt. Những lao động này đều vận hành điều khiển máy móc kỹ thuật cao rất khó thay thế. Môi trường làm việc của họ cũng hầu như không có sự tiếp xúc với bên ngoài. 

“Đối với các chuyền may tiếp xúc gần nhau và phạm vi tiếp xúc lớn, chúng tôi không thể bố trí cho F0 đi làm đại trà được vì còn liên quan đến các quy định của pháp luật”, lãnh đạo công ty nói. 

Mới đây nhất, ngày 14/3, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra quyết định sẽ cho các F1 tại doanh nghiệp có độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 hơn 80% có thể được đi làm ngay và phải tuân thủ các biện pháp theo nguyên tắc 5K cũng như phải được xét nghiệm 2 lần/tháng.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Hòa Thành, tỉnh Long An được bố trí làm việc an toàn trong việc phòng, chống dịch.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Hòa Thành, tỉnh Long An được bố trí làm việc an toàn trong việc phòng, chống dịch.

Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HBA) cũng  đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép công nhân là F1 có kết quả xét nghiệm âm tính được đi làm. 

Theo lãnh đạo HBA, đặc điểm hiện nay biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh và cũng qua khỏi nhanh, ít có trường hợp chuyển nặng. Tuy nhiên, nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần một công nhân ở nhà trọ là F0 thì có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1… Nhà máy cũng không có công nhân đi làm. 

Từ đó, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2 mét. 

Ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Giày Thiên Lộc tại quận 12 thông tin: Hiện có khoảng 100/2.500 lao động tại công ty này thuộc diện F0. Hiện Thiên Lộc đã áp dụng quy định chung của thành phố đối với F1 vẫn đi làm bình thường, F0 được cách ly điều trị tại nhà trong thời gian 7 ngày. Sau thời gian điều trị, nếu F0 test âm tính sẽ đi lại trở lại. Trong trường hợp người lao động không có điều kiện tự test kiểm tra, công ty sẽ hỗ trợ test nhanh. 

Rõ ràng, từ bài học thực tế tại Bắc Giang, Long An và thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy việc đưa F1 trở lại nhà máy trên tinh thần giữ nguyên các biện pháp phòng, chống dịch sẽ là một giải pháp căn cơ, mở khóa cho bài toán thiếu hụt lao động sản xuất trực tiếp hiện nay.

Lợi thế vì đã từng thực hiện 3 tại chỗ

Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc công ty Trang Thiện chuyên về nhuộm tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh việc các doanh nghiệp trước đây đã từng áp dụng “3 tại chỗ” sẽ có nhiều thuận lợi nếu triển khai đưa F0 không triệu chứng và F1 đi làm trở lại bình thường.

“Điểm thuận lợi nhất là các doanh nghiệp đã có ‘kinh nghiệm’ cách ly trước đó. Ngoài ra, khu vực sản xuất mới dành cho F0, F1 không triệu chứng có thể được ‘tận dụng’ từ chính các khu vực y tế trước đây các đơn vị đã có sẵn. Bên cạnh đó, trải qua hơn 2 năm sống chung với Covid-19, ý thức của người dân cũng như người lao động cũng đã được tăng cao. Có rất nhiều cơ sở để triển khai đề xuất, cả về hạ tầng lẫn kiến thức phòng, chống dịch”, ông Thiện cho hay.

Những địa phương đã triển khai đưa F1 trở lại làm việc
Infogram

Ngày xuất bản: 19/3/2022
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH, HỒNG VÂN
Nội dung: SƠN BÁCH, THANH PHONG, QUÝ HIỀN
Ảnh: SƠN BÁCH, THÀNH ĐẠT
Trình bày: ĐĂNG PHI