Trong dòng chảy lịch sử, nghề làm sách, sau này phát triển thành ngành Xuất bản, đã xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, từ triều Lý, cùng sự ra đời của làm giấy và khắc ván in gỗ. Trải qua nhiều thăng trầm, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, sau 70 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia ngày 10/10/1952, ngành Xuất bản, In và Phát hành đang có bước chuyển mình mạnh.

Ngành Xuất bản cách mạng Việt Nam (bao gồm cả 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành) ra đời trong những ngày cách mạng trứng nước, đã từng bước trưởng thành và vươn lên, trở thành nền xuất bản độc lập, tự chủ, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng. Chặng đường phát triển của Xuất bản cách mạng Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn như sau:

Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945

Đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam trải qua những biến động xã hội sâu sắc do tác động quá trình khai phá thuộc địa của chủ nghĩa tư bản – thực dân Pháp, cùng các cuộc vận động canh tân trong nước và các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, cùng với trào lưu tư tưởng tiến bộ, yêu nước, một khuynh hướng xuất bản mới, nhân văn, tiến bộ, cách mạng đã ra đời với mốc son là các tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các bậc tiền bối cách mạng, tiêu biểu nhất là tác phẩm “Đường Kách mệnh” xuất bản tại Quảng Châu – Trung Quốc năm 1927, tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu sự chín muồi trong tư tưởng Người về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào cách mạng Việt Nam, chỉ ra con đường nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập.

Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi nhớ đến những tác phẩm đi vào lịch sử như: “Ngục Công Tum” của Lê Văn Hiến năm 1938; Tập sách “Dân chúng” với các cuốn “Vượt ngục” của Văn Tân tức Cực Kim Sơn năm 1938, “Tự chỉ trích” của Trí Cường tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ năm 1939, “Lịch sử nước ta” của Nguyễn Ái Quốc năm 1941.

Để rồi từ đây, theo dấu chân đầy gian khó và hy sinh của những nhà cách mạng, đã lần lượt xuất hiện những cơ sở xuất bản cách mạng đầu tiên như: Xưởng in Lê Văn Tân, Xưởng in Rạng Đông, Hiệu sách Đồng Xuân ở Hà Nội, Nhà xuất bản Tân Thanh, Hiệu sách Hương Giang ở Huế, Nhà xuất bản Tư tưởng mới, Hiệu sách Việt Quang ở Đà Nẵng, Nhà sách Tân Văn hóa ở Sài Gòn và rất nhiều xưởng in, nhà sách theo khuynh hướng tiến bộ khác trên cả nước. Tất cả mở đầu cho việc hình thành một nền xuất bản mới - Xuất bản cách mạng.

Sách kháng chiến được trưng bày tại triển lãm trong khuôn khổ Hội thảo "Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” tổ chức ngày 28/9. Ảnh: Đại đoàn kết.

Sách kháng chiến được trưng bày tại triển lãm trong khuôn khổ Hội thảo "Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” tổ chức ngày 28/9. Ảnh: Đại đoàn kết.

Thời kỳ từ 1945 đến năm 1975

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Đảng định hướng rõ mục tiêu xây dựng nền văn hóa mới với tính chất; dân tộc, khoa học, đại chúng và xác định rõ việc xây dựng nền văn hóa mới phải đi liền với đánh đổ nền văn hóa nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Từ định hướng quan trọng đó các bộ phận xuất bản, in ấn, phát hành được kiện toàn và dần đi vào hoạt động ổn định.

Ngay trong những ngày đầu lập nước năm 1945, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc nhưng Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm công tác xuất bản, cho thành lập liên tiếp 3 nhà xuất bản cách mạng đầu tiên là Nhà xuất bản Lao động (11/1945), Nhà xuất bản Sự thật nay là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Nhà xuất bản Văn hoá Cứu quốc (12/1945). Ngoài ra, Nhà in Tiến Bộ được thành lập năm 1945, Nhà xuất bản Quân du kích thành lập năm 1947, Nhà xuất bản Vệ quốc quân thành lập thành lập năm 1948. Các xưởng in Quân đội, Xưởng ấn I (tách từ Nhà in Tiến Bộ) cũng được hình thành trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn tại ATK Việt Bắc trong giai đoạn từ năm 1948-1951.

Năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn quyết định, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đòi hỏi về sách báo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in quốc gia. Lần đầu tiên ngành Xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trên cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước. Đây là mốc son thứ hai đánh dấu một giai đoạn mới, ngành Xuất bản cách mạng non trẻ giờ đây đã tạo dựng được nền móng để lớn mạnh và phát triển. Ngày 10/10 giờ đây đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, toàn ngành đã xuất bản được 31 nghìn tên sách với 529 triệu bản sách, minh chứng cho sự lớn mạnh của ngành, khẳng định những đóng góp to lớn, quan trọng của ngành vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và cũng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ làm công tác xuất bản, in và phát hành đã theo tiếng gọi non sông lên đường ra trận, anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.

Thời kỳ từ 1975 đến 1986

Năm 1975, miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành xuất bản, một binh chủng quan trọng trên mặt trận văn hóa-tư tưởng đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa.

Thông qua các xuất bản phẩm, ngành đã làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục và cung cấp tri thức cho xã hội trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh; trong cuộc đấu tranh lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, khẳng định chân lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ này, toàn ngành nâng cao năng lực hoạt động, xuất bản được 22 nghìn tên sách với 533 triệu bản sách, từ đó đặt nền tảng vững chắc cho một giai đoạn đổi mới sâu sắc và toàn diện của những năm tiếp theo.

Thời kỳ từ 1986 đến nay

Bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế do Đảng phát động, sau những lúng túng ban đầu, Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam đã phát triển ổn định, có nhiều nỗ lực vươn lên, đạt được những thành tựu ghi nhận, khẳng định vị thế, vai trò là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới.

Từ quốc gia thiếu sách vào những năm 80-90 với năng lực sản xuất vào khoảng trên 2.000 đầu sách/năm, khoảng 50 triệu bản sách, đến năm 2004 cả nước đã xuất bản được trên 18 nghìn tên sách, 240 triệu bản sách, gấp 9 lần về tên sách, 5 lần về bản sách, đưa mức bình quân sách/người từ 0,8 bản lên 3,1 bản.

Từ 2005 đến nay, ngành Xuất bản bước vào giai đoạn mới giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để từng bước vươn lên thành ngành kinh tế - công nghệ, có bước phát triển mạnh mẽ, theo xu thế hiện đại, khi mỗi năm xuất bản gần 40 nghìn xuất bản phẩm với 460 triệu bản. Ngành in vươn lên trở thành ngành công nghiệp theo hướng quy mô, hiện đại với doanh thu đạt sát mốc 1.000 tỷ đồng, qua đó đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có ngành xuất bản, ngành in hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Cũng từ đó nhiều bộ sách lớn, giá trị vượt thời gian đã được xuất bản như: “Tổng tập văn học Việt Nam thế kỷ XX”; “Từ điển bách khoa Việt Nam”; Các tác phẩm văn học được Giải thưởng Hồ Chí Minh; “Tủ sách 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”; hay gần đây nhất là công trình “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH”, một công trình lý luận đặc biệt giá trị tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng có của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, nhằm đáp ứng đòi hỏi mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã không ngừng đổi mới. Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành mở rộng chức năng xuất bản, phát hành sách điện tử, nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, nhiều cơ sở in quy mô, hiện đại ngang tầm khu vực được xây dựng, tạo dựng diện mạo mới cho ngành Xuất bản, In và Phát hành.

Đây cũng là thời kỳ mà bên cạnh những nhà xuất bản giàu truyền thống là sự xuất hiện và lớn mạnh của công ty phát hành sách, nhà sách uy tín; những công ty in quy mô và hiện đại sánh ngang tầm khu vực. Đặc biệt 5 năm trở lại đây, những tín hiệu mới của nền xuất bản hiện đại ngày càng rõ nét. Những mô hình mang tính tổ hợp xuất bản, in, phát hành, sự xuất hiện xuất bản, phát hành điện tử là những nét mới minh chứng cho quá trình hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa và hội nhập của ngành xuất bản.

Cùng với phong trào phát triển văn hóa đọc, mô hình phố sách, đường sách đã được đầu tư xây dựng và được phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Phố sách Hà Nội; đường sách thành phố Hồ Chí Minh; đường sách Vũng Tàu; không gian sách đường Hai Bà Trưng, thành phố Huế. Mô hình Đường sách mới được phát triển và nhân rộng trong những năm gần đây ở các thành phố lớn.

Có thể khẳng định, Ngành xuất bản, in và phát hành đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những thành tựu của ngành Xuất bản, In và Phát hành, hai trong số những điểm sáng lớn nhất và cũng là điều mà những người trong ngành tự hào nhất, là Ngày Sách Việt Nam và Giải thưởng Sách Quốc gia.

Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Đảng và Nhà nước ta xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là phải “Xây dựng lại phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”.

Kể từ đó, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn; góp phần nâng cao dân trí, xây dựng một xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Ngày Sách Việt Nam đã phát huy được giá trị tích cực của sách trong đời sống cộng đồng; đồng thời, phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện trường học, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Em bé say sưa đọc sách tại Hội sách Hà Nội 2022.

Em bé say sưa đọc sách tại Hội sách Hà Nội 2022.

Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây. Ngoài những ý nghĩa tốt đẹp nêu trên, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam còn là dịp để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách; các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia, tác động đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân. Trong khi đó, tỷ lệ người đọc sách ở nước ta chưa cao, vì vậy, việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc là dịp để khơi dậy tình yêu sách, thúc đẩy việc đọc sách, tiếp nhận tri thức và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa, phát triển kinh tế đất nước.
- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên -

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, rất nhiều hoạt động quảng bá sách, quảng bá văn hóa đọc đã được thực hiện dưới nhiều hình thức đổi mới và sáng tạo, thu hút ngày càng đông đảo người đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ, góp phần vào việc hình thành thói quen đọc sách.

Cùng với Ngày Sách Việt Nam, Giải thưởng Sách Quốc gia đến nay sau 5 năm tổ chức đã trở thành giải thưởng uy tín, mang tầm Quốc gia, được đông đảo bạn đọc và những người làm trong ngành xuất bản, in và phát hành quan tâm.

Năm 2005, Hội Xuất bản Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ chính thức tổ chức Giải thưởng Sách Việt Nam, để hằng năm tuyển chọn và trao giải thưởng cho những tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Giải thưởng do Hội Xuất bản Việt Nam trực tiếp quản lý và thực hiện.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5600/VPCP-KGVX ngày 6/7/2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1127/QĐ-BTTTT ngày 10/7/2017 phê duyệt Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia. Giải do Bộ Thông tin và truyền thông quản lý và Hội Xuất bản Việt Nam là cơ quan trực tiếp thực hiện. Giải thưởng Sách quốc gia kế thừa, phát triển và nâng tầm Giải thưởng Sách Việt Nam.

Với tiêu chí trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng; khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập, trong 5 năm qua, đã có 139 xuất bản phẩm được trao giải, trong đó có 14 giải A, 55 giải B và 70 giải C.

Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia 2022: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí
Đây được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Vào năm 1802, Vua Gia Long giao cho vị Binh Bộ Thượng thư phải viết cuốn này trong thời hạn 3 năm. Bộ sách có giá trị khẳng định chủ quyền đất nước, bờ cõi từ bắc chí nam, là một dải đất thống nhất, khẳng định tinh thần, ý chí độc lập của nhân dân Việt Nam. Bộ sách cũng là tài liệu quý của triều Nguyễn cũng như các nhà sử học của các thế hệ tiếp theo có thêm tư liệu viết sử.

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Item 1 of 3

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia 2022. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Năm nay, Giải thưởng Sách Quốc gia đã trao giải cho cho 26 cuốn sách và bộ sách, trong đó có 1 giải A, 9 giải B và 16 giải C. Các cuốn sách được đề xuất trao giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.

Hướng đi mới trong thời kỳ
Cách mạng công nghiệp 4.0

Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số đã và đang là xu thế chính yếu tác động đến mọi lĩnh vực trong đó có xuất bản. Là một trong những hướng phát triển tiếp theo của ngành, chuyển đổi số hiện nay đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các thành phần trong ngành xuất bản, từ cấp quản lý cho đến các đơn vị và cả người đọc.

Ngành xuất bản đã có được những điều kiện thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số như hạ tầng Internet phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia với nhiều cơ chế, chính sách cụ thể nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực xuất bản, tính đến hết năm 2021, đã có 12 đơn vị đủ điều kiện và được cấp xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Một số đơn vị như nhà xuất bản Xây dựng, nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã liên kết với các công ty công nghệ có năng lực, trình độ công nghệ cao xây dựng các phần mềm, hệ điều hành xuất bản điện tử hiện đại áp dụng vào hầu hết các khâu trong quy trình xuất bản, sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại không chỉ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của đơn vị mà còn mở ra cơ hội hợp tác, chia sẻ nền tảng cho nhiều đơn vị trong ngành.

Thử nghiệm các xuất bản phẩm điện tử tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.

Thử nghiệm các xuất bản phẩm điện tử tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.

Số lượng xuất bản phẩm điện tử đã có sự tăng trưởng trong những năm gần đây. Nếu như năm 2015, một số nhà xuất bản mới bắt đấu thực hiện thử nghiệm khoảng hơn 1.000 đầu sách, hình thức đơn giản thì trong 3 năm vừa qua (từ năm 2019 đến 2021), mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, số lượng xuất bản phẩm đã đạt hơn 2.000 đầu sách mỗi năm. Năm 2021, đã xuất bản được 2.300 đầu sách với hơn 25 triệu lượt truy cập, tăng 16 lần so với năm 2020.

Bạn đọc xếp hàng chờ thanh toán tiền tại Hội sách chào hè 2022 của Nhã Nam.

Bạn đọc xếp hàng chờ thanh toán tiền tại Hội sách chào hè 2022 của Nhã Nam.

Trong lĩnh vực in xuất bản phẩm, việc đầu tư hiện đại hóa ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Quá trình cổ phần hóa, nhu cầu tăng trưởng của các ngành kinh tế cùng tiềm lực của các thành phần kinh tế đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp in mạnh dạn mở rộng và hiện đại hóa quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng những đơn hàng có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp in tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các quy trình sản xuất và quản lý, đầu tư thiết bị in hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. In kỹ thuật số phát triển nhanh với các thiết bị in khổ lớn, tốc độ cao, đáp ứng thị trường in thương mại và in sản phẩm cá nhân hóa.

Thử nghiệm các xuất bản phẩm điện tử tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.

Thử nghiệm các xuất bản phẩm điện tử tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.

Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong ba năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử tiếp tục gia tăng về số lượng, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng ấn tượng như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Cổ Phần Đầu Tư Và Phát Triển Giải Pháp Công Nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet… cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

70 năm đối với cuộc đời con người là một chặng đường rất dài. Nhưng đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành, đó chỉ là một phần của con đường, được xây dựng từ đóng góp của rất nhiều thế hệ. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng trong 70 năm qua, sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức đã liên tục được gìn giữ, phát huy và ngày càng vững chắc hơn trên con đường lan tỏa ánh sáng của tri thức đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày xuất bản: 10/10/2022
Chỉ đạo nội dung: NGỌC THANH
Tổ chức sản xuất: HỒNG VÂN
Nội dung: TUYẾT LOAN – LỮ MAI
Trình bày: DIỆU THU