Trong năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội nước ta. Ứng phó với đại dịch, nhiều chính sách an sinh xã hội “chưa từng có tiền lệ” đã được ban hành, khẩn trương đi vào cuộc sống, giúp người dân và doanh nghiệp bớt phần khó khăn.

Gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành số tiền 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.033 tỷ đồng); hơn 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với (kinh phí 58.449 tỷ đồng).

Nổi bật nhất là các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68), Nghị quyết số 116/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Nghị quyết 116).

Qua 2 năm đương đầu với đại dịch, khoảng 70 chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp của Chính phủ, các, bộ, ngành, địa phương được triển khai. Đáng quan tâm là 3 gói hỗ trợ an sinh lớn theo Nghị quyết 42/NĐ-CP năm 2020 của Chính phủ (tổng kinh phí khoảng 62 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 (tổng kinh phí là 26 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 (với tổng kinh phí 38 nghìn tỷ đồng).

Số liệu công bố ngày 31/12/2021 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày cho thấy, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là hơn 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng (gồm 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, hơn 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác).

Riêng tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5.438 tỷ đồng (tương đương 32,7% kế hoạch dự toán). Nhóm chính sách này hỗ trợ cho 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với 11.238.000 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền tạm tính tương đương gần 4.322 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 58/63 tỉnh, thành phố. Qua đó, hỗ trợ 844 đơn vị sử dụng lao động và 160.005 người lao động, tổng kinh phí 1.112,4 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ bằng tiền hỗ trợ khoảng 25,8 nghìn tỷ đồng cho hơn 18 triệu đối tượng. Theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước, ngân sách nhà nước đã chi 14.902 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho hơn 11,25 triệu đối tượng.

Nghị quyết 68 cũng trợ giúp hơn 14,91 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ, với tổng kinh phí 19.600 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết,…

Riêng gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 116 đã cơ bản hoàn thành. Kinh phí hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước tới nay-khoảng 30 nghìn tỷ đồng-đã tới tay người lao động vào thời điểm cuối cùng của năm 2021.

363.6000 đơn vị sử dụng lao động đã được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Con số này tương ứng 9,676 triệu lao động, với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả trực tiếp cho 12.941.196 lao động với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh thăm và tặng quà trẻ mồ côi. (Ảnh: Khánh Trình)
Người dân trên địa bàn quận 5, TP Hồ Chí Minh, nhận hỗ trợ đợt 3. (Ảnh: Quý Hiền)

Nhiều chính sách nổi bật tri ân người có công

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 vừa qua.

Văn bản quan trọng này mở rộng phạm vi điều chỉnh việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng. Bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi như: người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng được tiến hành theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.

Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được quy định một cách thống nhất, rõ ràng trong Pháp lệnh mới. Trong đó, xác định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; xác định chế độ trợ cấp mai táng khi người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và con đẻ bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá. Quy định mức trợ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, góp phần chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày càng tốt hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các đại diện tiêu biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. (Ảnh: Trần Hải)

Tiếp đó, ngày 24/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Từ đó, nâng cao các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công so với trước.

Chính sách rất kịp thời và đầy tính nhân văn bổ sung thêm khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Cụ thể, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong năm 2021 là 1,624 triệu đồng, tăng hơn so với mức chuẩn trợ cấp hằng tháng là 1,318 triệu đồng áp dụng từ năm 2015.

Đặc biệt, mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, tương đương 4,872 triệu đồng. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến Ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.

Cả nước hiện có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% dân số, được hưởng chính sách ưu đãi. Trong số này, gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng.
Trong năm 2021, cơ quan chức năng đã công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 611 liệt sĩ, cấp đổi lại hơn 10.000 Bằng Tổ quốc ghi công.

Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên cả nước đã cơ bản hoàn thành. Gần 393.707 hộ gia đình người có công được hỗ trợ, kinh phí thực hiện hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động hơn 130 tỷ đồng để xây mới hơn và sửa chữa khoảng 1.000 nhà tình nghĩa. Khoảng 1.000 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 2 tỷ đồng cũng được dành tặng người có công. 3.830 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Điểm nhấn về chính sách bảo hiểm xã hội

Số người tham gia bảo hiểm xã hội vào cuối năm 2021 ước đạt hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Lĩnh vực bảo hiểm xã hội cũng ghi nhận những thành công bước đầu trong quá trình chuyển đổi số.

Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của hơn 98 triệu dân đã hình thành, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, được liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Một trong những điểm mới của năm là hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội lần đầu tiên được ký giữa Việt Nam và một quốc gia khác. Ngày 14/12/2021, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội. Qua đó, giúp quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hai nước được bảo vệ, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội.
Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động-việc làm. Hiệp định này hướng tới tránh việc đóng 2 lần bảo hiểm xã hội với người lao động. Đồng thời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được 2 quốc gia công nhận lẫn nhau.

Thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét người lao động hưởng chế độ lương hưu.

Chăm lo các đối tượng yếu thế trong đại dịch

Để hỗ trợ một số đối tượng yếu thế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 68 đã đến với 24.400 người lao động mang thai và 376.385 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động.

Hơn 707 nghìn đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 473 tỷ đồng. Gần 52,9 nghìn trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung 1 triệu đồng/người.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng hành 46 địa phương phố hỗ trợ gần 14,7 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em. Trong số này, 2.840 trẻ mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 được hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi em. Cùng với đó, 481 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 19 cũng được hỗ trơ 1 triệu đồng/trẻ.

Chính phủ quyết định xuất cấp hơn 158,1 nghìn tấn gạo để hỗ trợ cho hơn 2,7 triệu hộ dân với gần 10,5 triệu nhân khẩu vào các dịp: Tết Nguyên đán, thiếu đói giáp hạt, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã xuất cấp gần 142 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho hơn 9,46 triệu người (khoảng 2,4 triệu hộ) thiếu đói do đại dịch Covid-19.

Năm 2021, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 18,5 nghìn tỷ đồng thực hiện trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Hơn 356 tỷ đồng được dành thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người khuyết tật.

Cả nước có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật (chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên). Trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em. Gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2021, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam

Đến nay, cả nước có gần 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Khoảng 100 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề. 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật.

Phục hồi và phát triển thị trường lao động gắn với bảo đảm an sinh xã hội

Trong năm 2021, thị trường lao động nước ta phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ tính đến hết quý III, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tác động sâu sắc đến đời sống của người lao động, khiến khoảng 2,2 triệu người lao động đang làm việc ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trở về địa phương.

So với quý III, số lao động có việc làm trong quý IV/2021 đã có dấu hiệu phục hồi sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sự phục hồi này chủ yếu do số lao động phi chính thức tăng, cho thấy sự phục hồi chưa bền vững.

Trước những tác động khó lượng của đại dịch tới thị trường lao động trong nước, tháng 12 vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động.

1. Phục hồi thị trường lao động nhưng vẫn phải tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân, người lao động lên trên hết.
2. Gắn chặt việc phục hồi và phát triển thị trường lao động với các yêu cầu về phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội của cả nước và từng địa phương.
3. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có tính trọng tâm, trọng điểm, tác động chủ yếu vào địa bàn và ngành nghề có cung cầu lớn; chú trọng tới an sinh của người lao động trong thị trường lao động để ổn định và phát triển lâu dài thị trường lao động.
4. Bảo đảm bổ sung và hỗ trợ cho thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chương trình nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động. Tiến tới xây dựng và hình thành thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Item 1 of 4

Để chương trình phát huy hiệu quả trong thực tế, thời gian tới, cần hướng tới thực hiện đúng tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập cần được triển khai hiệu quả. Từ đó, tạo tâm lý yên tâm, không dời khỏi nơi làm việc về quê hương, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động.


Ngày xuất bản: 31/12/2021
Chỉ đạo sản xuất: Ngọc Thanh
Tổ chức sản xuất: Xuân Bách
Nội dung: Ngân Anh
Trình bày: Phương Nam, Phan Anh
Ảnh: Trần Hải, Duy Linh, Thành Đạt, Báo Nhân Dân