Ðổi mới ở vùng quê lịch sử

Bằng những cách làm đúng hướng, đầu tư hiệu quả, sau 10 năm hợp nhất về Hà Nội, huyện Mê Linh có những bước tiến vững chắc từ nội lực. Giáo dục - đào tạo, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển cả về lượng và chất, các tiềm năng, thế mạnh từng bước được phát huy để thúc đẩy phát triển kinh tế…

Mô hình trồng bưởi ghép trên cây cảnh mang lại thu nhập cao cho người dân xã Kim Hoa, huyện Mê Linh. Ảnh: Ðăng Anh
Mô hình trồng bưởi ghép trên cây cảnh mang lại thu nhập cao cho người dân xã Kim Hoa, huyện Mê Linh. Ảnh: Ðăng Anh

Ðổi thay rõ nét

Chỉ còn ít ngày nữa là bắt đầu năm học 2018 - 2019, hàng trăm em nhỏ trên địa bàn xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh sẽ được học trong Trường mầm non Thanh Lâm B mới được xây dựng khang trang. Cùng với Trường mầm non Thanh Lâm A đã hoàn thành năm 2015, Trường mầm non Thanh Lâm B được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách nhà nước sẽ giúp xóa bỏ điểm trường lẻ, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước thời điểm hợp nhất về Hà Nội, các em nhỏ nơi đây phải học tạm tại Nhà văn hóa thôn Phú Nhi (xã Thanh Lâm) và trong chùa Thanh Vân. Không chỉ học trong điều kiện cơ sở vật chất chật chội, sơ sài, các em nhỏ còn chịu thiệt thòi vì không được học bán trú. Nhớ lại những ngày khó khăn ấy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mê Linh Bùi Văn Công cho biết, hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đều thiếu phòng học và trang, thiết bị dạy học. Toàn huyện ngày đó còn 200 phòng học tạm, bán kiên cố. Tình trạng học sinh phải học hai ca/ngày rất phổ biến. Ðội ngũ giáo viên (nhất là ở cấp mầm non) còn thiếu, giáo viên có trình độ trên chuẩn chỉ đạt khoảng 46%...

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giáo dục - đào tạo, sau hợp nhất, thành phố Hà Nội đã chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục cho huyện Mê Linh. Nhờ đó trong những năm gần đây, huyện đã xây mới, cải tạo và nâng cấp 71 trường học các cấp, xóa bỏ 224 phòng học xuống cấp. Ðến nay, toàn huyện đã giải quyết triệt để các phòng học tạm với tổng kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị lên tới 1.642 tỷ đồng, trong đó ngân sách của thành phố, của huyện là hơn 1.371 tỷ đồng; đã có 46 trường trong tổng số 75 trường của huyện đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 61,3%). Các trường học cơ bản đã đủ phòng để thực hiện việc dạy hai buổi/ngày.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Ðoàn Văn Trọng, sự phát triển của ngành giáo dục huyện cả về lượng và chất là một trong nhiều minh chứng cụ thể, đầy sức thuyết phục sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Diện mạo huyện ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Sau khi sáp nhập vào Hà Nội, nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn đã được đầu tư, có ý nghĩa quan trọng như: trụ sở làm việc của huyện; đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh; tuyến đường 35; quốc lộ 23B; đường hành lang đê tả sông Hồng… và nhiều tuyến đường khác về các xã trên địa bàn, tạo kết nối thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Nhờ mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả, trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của huyện luôn giữ nhịp bình quân 10,2%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ. 10 năm qua, huyện đã thành lập mới hơn 1.300 doanh nghiệp, hơn 6.400 hộ kinh doanh, 82 hợp tác xã; góp phần quan trọng trong việc tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. Tốc độ phát triển công nghiệp bình quân tăng 10,8%/năm. Quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 2,88 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng 33,8% so năm 2008.

"Những ngày đầu mới sáp nhập về Hà Nội, huyện gặp nhiều khó khăn, lúng túng, bởi đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu. Nhận thức rõ hạn chế này, huyện đã tập trung nâng cao chất lượng cán bộ từ công tác đào tạo, bồi dưỡng đến quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm để lựa chọn những người hết lòng vì công việc", Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Ðể nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Mê Linh đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa. Huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh trồng rau, trồng hoa… Hiện, Mê Linh là huyện có diện tích trồng hoa lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 1.400 ha; đồng thời mở rộng được hơn 12 ha hoa hồng ở xã Văn Khê cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Huyện cung cấp 20% lượng hoa và 25% lượng rau cho thành phố; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,2 lần so năm 2008; đã có 12 xã trong tổng số 16 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới, bên cạnh việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh đã có, Mê Linh đang tập trung vào hai tiêu chí khó khăn là số trường học đạt chuẩn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Không dễ để thực hiện ngay, nhưng với kết quả và kinh nghiệm 10 năm đã qua, nhất là với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, chắc chắn huyện Mê Linh sẽ cán đích trong thời gian không xa.