"Ðôi chân" của con

NDO - Từng rất "chán mình" do những thiệt thòi, nhưng giờ đây thầy giáo Chu Quang Ðức đã tự tin trên bục giảng và phía trước là tương lai tốt đẹp. Ðó cũng chính là niềm vui đối với đại gia đình và bè bạn của "người giáo viên tí hon" ấy. Song, đằng sau thành công và nụ cười của anh là sự hy sinh, gắng gỏi bền bỉ của một người cha nhân từ...
Công cha.
Công cha.

Chỉ một ước mơ...

Người cha ấy là thương binh Chu Quang Chiến (khu 1, thôn Thượng, xã Ðại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) hiện vẫn là "đôi chân" của con. Từ năm 2009, anh Ðức, con trai ông Chiến tốt nghiệp Trường ÐH Sư phạm Hà Nội II, được nhận vào giảng dạy tại trường THPT Mê Linh, cách nhà chừng bốn cây số thì ông vẫn đều đặn đưa con đi dạy học. Ông bế con từ chiếc xe lăn ở nhà, đặt ngồi vào xe máy rồi mình ngồi sau "kẹp" con, đến trường, ông lại bế con vào lớp đặt vào xe lăn có sẵn tại đó, đi ra nhìn con một hồi rồi về. Ðó là một hình ảnh hết sức cảm động. "Bao giờ Ðức cần tôi đón thì sẽ nhắn tin hoặc gọi về nhà, ở trường có cần gì thì học sinh đã lớn sẽ giúp được nên không còn quá khó khăn. Quan trọng là Ðức đã chủ động được mọi chuyện", ông Chiến chia sẻ.

Cựu chiến binh Chu Quang Chiến sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1970, tham gia mở đường mòn Hồ Chí Minh, đến cuối năm 1979 thì xuất ngũ. Trong những năm chiến đấu gian khổ, ông chỉ bị thương nhẹ ngoài da nên an tâm về sống bên gia đình. Năm 1984, cậu con thứ ba kháu khỉnh là Chu Quang Ðức ra đời, hay ăn chóng lớn, nhiều "phát ngôn" rất thông minh, ông Chiến nghĩ ắt hẳn sau này con sẽ học rất giỏi. Nhưng kém may thay, bốn năm sau anh Ðức phát bệnh lạ, tay chân, cơ thể cứ teo lại, bước đi run rẩy, gia đình đã đưa con đi khắp nơi chữa trị nhưng không khỏi, và phải đến năm 2000 mới tìm ra bệnh là bị nhiễm chất độc da cam, do bố truyền sang. Kể về những gian khó đó, ông Chiến ngậm ngùi: "Là người cha thấy con cứ yếu ngặt nghẹo như thế mà không chữa được, tôi cũng phát hoảng, thấy bi quan vô cùng. Cả hai vợ chồng tôi đều khóc thương con và đã tính là có thể bán mọi thứ đi để chữa trị. Nhưng mọi phương án đều thất bại, đành phải chấp nhận dồn sức cho các con ăn học. Năm 1991, vợ chồng tôi sinh con thứ tư, nghĩ là chỉ sinh thêm một đứa để có em chơi với thằng Ðức ngồi liệt ở nhà. Thật may là cháu thứ tư đã không mắc bệnh, nó cũng vừa tốt nghiệp đại học".

Nếu nói việc cho con cái ăn học là "trồng cây", thì có lẽ ông Chiến là người trồng gian nan nhất. Sống với một chút ít chế độ bệnh binh, ông Chiến phải cùng với vợ làm ruộng, chăn nuôi, làm thuê ngược xuôi để có tiền trang trải cho sinh hoạt của sáu người. Với đứa con thiệt thòi nhất, Chu Quang Ðức, ông cũng quyết cho ăn học tử tế. Từng rất "chán" mình, nhưng được sự động viên và tình yêu của cha mẹ, Ðức đã nỗ lực vươn lên, học hành rất khá. Khi học ở trường gần nhà, ông Chiến cõng con đến lớp, khi phải học trường xa, ông dùng xe đạp, rồi xe máy chở, suốt 12 năm học ở quê nhà ông đằng đẵng chăm chút "cõng" con đến gần cái chữ, với một niềm mong ước cho con có tương lai.

Rồi khi Ðức đỗ vào Trường ÐH Sư phạm II, ông Chiến giao "giang sơn" cho vợ rồi khăn gói đi theo con, chăm cho con từng bữa ăn giấc ngủ để con yên tâm học. Trường ở mãi Xuân Hòa, bố con thuê một phòng trọ giá rẻ, hằng ngày ông đưa con đến giảng đường học, rồi đi làm xe ôm, cửu vạn, phu hồ, cuối buổi đón con về phòng trọ rồi tiếp tục... bán sức. Tuy Ðức nhẹ cân, nhưng cha già cõng con cũng oằn cả lưng vì leo cầu thang lên giảng đường tầng bốn. Nhiều người biết hoàn cảnh của hai bố con, nên bán cho cái gì thường lấy giá "hữu nghị"! Ông Chiến cho biết: "Năm đầu chưa quen, sống chơ vơ ở đó thật là khổ cực. Thằng Ðức cũng định bỏ dở đấy, nhưng nó còn chưa dám nói điều đó. Nó thấy tôi khổ quá. Nó nhìn vào ánh mắt tôi và nhận thấy ở đó có sự quyết tâm, rằng tôi sẽ không đồng ý cho nó nghỉ học. Tôi có sự kiên định của người lính, đã quyết tâm điều gì là phải làm cho bằng được".

Nụ cười của nghị lực

Sau bốn năm bền bỉ, bao nhiêu nước mắt của người cha hết mực yêu con đã lặn vào trong để có một ngày, nó lại trào ra trên khóe mắt hai vợ chồng ông Chiến, khi biết tin con trai được nhận bằng tốt nghiệp loại ưu. Và niềm vui sướng của gia đình thật sự như vỡ òa, khi "cái cây" mà họ vun trồng và hy vọng đã đơm hoa kết trái, được nhận vào một trường trung học có tiếng để giảng dạy.

Ở trường THPT Mê Linh, Ðức dạy môn tin học và còn nhận dạy học thêm môn toán ở nhà. Anh lấy kết quả của học sinh, danh sách học sinh đỗ vào đại học làm niềm vui. Vượt qua bao khó khăn để sống tự tin, lạc quan, có công ăn việc làm ổn định, được nhiều người ngưỡng mộ, Ðức nói rằng anh là người may mắn vì có sự yêu thương của gia đình, đặc biệt là công lao của người cha. "Nếu không có bố thì em chẳng được như ngày hôm nay đâu. Ðến bây giờ, em vẫn phải dựa vào bố thì công việc mới thuận được. Em đi làm được, con cái của bố mẹ cũng đã thành đạt, kinh tế không còn khó khăn như trước. Giờ em chỉ ước bố mẹ có sức khỏe, để mãi là chỗ dựa tinh thần, nâng đỡ cho em. Và em cũng sẽ trả ơn bố mẹ bằng cách là sống và làm việc thật tốt", Ðức quả quyết.

Tổng cộng đến nay đã 19 năm người cha nhân từ "cõng" con đi về phía tương lai, với biết bao gập ghềnh mệt mỏi, và sẽ còn tiếp tục làm việc đó. Anh Ðức đã gần 30 tuổi, mục tiêu của ông Chiến là con có người yêu, tổ ấm riêng, ông cũng chờ đợi đứa con của vợ chồng Ðức sinh ra khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ khác, như thế mới là trọn vẹn. Người vợ của con trai ông sẽ giúp ông chia sẻ những nhọc nhằn, giúp chồng trong công việc, bởi vợ chồng ông rồi cũng sẽ đến lúc chẳng thể đưa con đi dạy được. Gánh nặng này sẽ đặt lên vai ai?!

* Ông Chiến ngậm ngùi: "Là người cha thấy con cứ yếu ngặt nghẹo như thế mà không chữa được, tôi cũng phát hoảng, thấy bi quan vô cùng. Cả hai vợ chồng tôi đều khóc thương con và đã tính là có thể bán mọi thứ đi để chữa trị. Nhưng mọi phương án đều thất bại, đành phải chấp nhận dồn sức cho các con ăn học...". 

* Vượt qua bao khó khăn để sống tự tin, lạc quan, có công ăn việc làm ổn định, được nhiều người ngưỡng mộ, Ðức hiểu rằng anh là người may mắn vì có sự yêu thương của gia đình, đặc biệt là công lao của người cha.

* Kể về con mà đôi mắt già nua, nhăn nheo của ông Chiến cứ sáng lên với nụ cười thật tươi. Khi tôi ngỏ ý muốn chụp một bức ảnh hai bố con cùng các học trò, ông ghé sát vào xe lăn của con. Rồi ông nhìn vào những con chữ nhảy nhót trên trang sách của con trai. Hình như ông đang mơ đến một cô gái dịu dàng, với khuôn mặt phúc hậu, đẩy chiếc xe lăn này, sánh đôi cùng con trai ông đi đến hết cuộc đời...