Ðào tạo nhân lực khai thác tài nguyên biển

ND - Chiến lược Biển Việt Nam đến 2020 đã khẳng định vai trò quan trọng của biển đối với  sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Ðiều này càng cho thấy nhu cầu cấp thiết của công tác đào tạo nguồn nhân lực (NNL) cho khai thác biển.

Hiện các quốc gia có biển đều hướng ra biển và đẩy mạnh công cuộc khai thác biển, phát triển kinh tế biển. Việt Nam là quốc gia có 3.260 km bờ biển, với diện tích vùng đặc quyền kinh tế khoảng một triệu km2. Tài nguyên biển của nước ta hết sức phong phú và đa dạng; vùng biển nước ta mang ý nghĩa sống còn đối với nền an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tiến ra biển là xu thế tất yếu của nước ta để tìm kiếm và bảo đảm  các nhu cầu về năng lượng, lương thực, thực phẩm.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu cung ứng nhân lực biển, cả về số lượng và chất lượng trên thế giới ngày càng trở nên bức thiết. Thực tế cho thấy, chúng ta tụt hậu so với các nước khu vực và trên thế giới về đào tạo NNL khai thác biển. Thượng tướng, Chuẩn Ðô đốc Lê Văn Ðạo, Phó Tư lệnh Hải quân nhận định, để bảo vệ an ninh và khai thác được tài nguyên khu vực Biển Ðông, chúng ta cần một đội ngũ những người có trình độ và năng lực về mọi phương diện.

TS Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Biển Việt Nam cho rằng: "Một trong những vấn đề rất quan trọng trong thực hiện chiến lược biển là đào tạo NNL".

TS Vũ Văn Triệu, Trưởng Ðại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN) dẫn chứng: Hiện lao động trong độ tuổi ở các vùng ven biển có khoảng gần 13 triệu người, chiếm 35,4% số lao động cả nước. Bốn triệu lao động nghề cá mà hầu hết tham gia vào khai thác hải sản tại các vùng ven biển đều chưa được đào tạo bài bản.

Theo dẫn chứng của PGS, TSKH Lê Ðức Toàn, Phó Chủ tịch Hội KHKT Biển Việt Nam, kết quả nghiên cứu đề tài khoa học do Trường đại học Hàng hải Việt Nam hoàn thành năm 2007 cho thấy, số lượng sĩ quan hàng hải sẽ bị thiếu hụt vào năm 2010 là khoảng hơn 800 người. Cùng với đó là sự thiếu hụt đội ngũ thủy thủ lành nghề. Thuyền trưởng Nguyễn Công Hệ: Hệ thống đào tạo NNL hàng hải của ta còn nặng về lý thuyết, ít thực tiễn, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ khá yếu.

PGS, TS Nguyễn Cảnh Vinh, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh lo ngại: Ở một số nơi môi trường đang bị phá hoại nghiêm trọng. Trong khi đó, nhu cầu NNL phục vụ cho dịch vụ công liên quan phòng, chống ô nhiễm và bảo vệ biển, đảo đang là thách thức lớn.

Đề xuất những giải pháp trong triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nói chung và trong đào tạo NNL biển nói riêng, các nhà quản lý và chuyên gia chiến lược, các chuyên gia về biển, các nhà khoa học có chung một quan điểm: Chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước không thể giải quyết chỉ ở tầm vi mô, riêng lẻ ở cấp tỉnh. Cần tiến hành điều tra tổng hợp, đánh giá về tiềm năng biển, trên cơ sở đó có chính sách phù hợp và mang tầm quốc gia.

Ngân sách cho đào tạo NNL biển cần được đầu tư thỏa đáng, phân cấp cho các địa phương và vận động các doanh nghiệp cùng tham gia. Mỗi người làm nghề biển phải biết phát huy những truyền thống tốt đẹp của ngành nghề mình và gắn bó với biển. Môi trường làm việc trên biển sẽ là trường học lớn cho mỗi cá nhân.

- Chiến lược biển Việt Nam đã đề ra, đến năm 2020, kinh tế biển đảo và ven biển sẽ chiếm khoảng 50-53% tổng GDP của cả nước. (Nghị quyết Trung ương 4 về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020).

 Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội KHKT Biển TP Hồ Chí Minh: Cần thành lập một Ban điều hành vĩ mô về kinh tế biển, có sự tham gia của các vị lãnh đạo Nhà nước cao cấp và các bộ liên quan.

KS Ðoàn Mạnh Dzũng, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Biển TP Hồ Chí Minh:  Trong đào tạo NNL, phải biết khơi dậy những đức tính cao đẹp vốn có của nghề biển: tình yêu thiên nhiên, yêu thương con người, sự đùm bọc, ý chí vượt khó...