Chống ngập đô thị:

Yếu, thiếu và lạc hậu

"Cứ mưa lớn lại ngập" đang trở thành tình trạng phổ biến ở rất nhiều đô thị. Căn nguyên nào dẫn đến tình trạng này, và đâu là giải pháp có thể giải quyết dứt điểm? Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với chuyên gia hạ tầng kỹ thuật xây dựng, PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến - Ủy viên Thường vụ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) phải ngưng thi công do vướng mắc thủ tục. Ảnh: P.T
Cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) phải ngưng thi công do vướng mắc thủ tục. Ảnh: P.T
Yếu, thiếu và lạc hậu ảnh 1

- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng mưa lớn, lún đô thị đang diễn ra trên diện rộng, hay tiến trình đô thị hóa làm mất đi các mặt phủ thấm nước và dòng chảy tự nhiên... là những nguyên nhân gây ngập lụt sau mưa lớn tại đô thị? Ông nhìn nhận vấn đề đó như thế nào?

- Nhiều nhà khoa học, quản lý đã giải thích khá đầy đủ nguyên nhân của ngập úng tại đô thị hiện nay. Ngoài các yếu tố khách quan (như biến động của điều kiện tự nhiên, tác động của biến đổi khí hậu bất thường, khó dự báo; năng lực của hệ thống thoát nước…) thì yếu tố chủ quan-gốc rễ của vấn đề, đó là: Năng lực quản lý đô thị yếu kém dẫn đến mất kiểm soát trong quản lý phát triển đô thị: Đô thị hóa nhanh, quá tải hạ tầng kỹ thuật trong đó có hệ thống thoát nước; cho phép san lấp ao hồ tràn lan, bê-tông hóa bề mặt và hệ thống kênh mương…; việc quan tâm đầu tư cho hạ tầng thoát nước của các cấp chính quyền (bao gồm đầu tư mới và đầu tư cho duy tu, duy trì hệ thống thoát nước hiện có) rất hạn chế, quá chậm, quá ít và không đồng bộ.

Bên cạnh đó, nội dung Quy hoạch thoát nước và các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, đặc biệt các phương pháp xác định và tính toán thiết kế hệ thống thoát nước với nhiều thông số, chỉ tiêu đã thay đổi, do tác động bất thường của biến đổi khí hậu. Nhưng, trong thực tế, các quy chuẩn và nhiều tiêu chuẩn vẫn cũ, lạc hậu, thiếu cập nhật, chậm ban hành mới… dẫn đến nhiều dự báo thiếu chính xác, ảnh hưởng đến chất lượng thiết kế, tính khả thi hạn chế. Nguồn vốn quá thiếu, quá ít trong khi đó nhu cầu rất lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2006-2016, Nhà nước Việt Nam đầu tư khoảng 6,4 tỷ USD cho ngành nước để thực hiện 140 dự án, chương trình. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư hiện tại vẫn cao, ước tính khoảng 2,7 tỷ USD mỗi năm, trong khi nguồn tài chính thật sự lại rất thấp, chỉ khoảng một tỷ USD…

- Thời gian qua, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều đầu tư, đưa ra nhiều giải pháp chống ngập với mức đầu tư lớn, song vẫn không hiệu quả. Theo ông, thực tế đó do đâu?

- Phải nói khách quan, đã có rất nhiều giải pháp chống ngập được triển khai thực hiện tại các thành phố lớn nhưng hiệu quả chưa cao. Cụ thể: Giải pháp chống ngập tại các đô thị không đa dạng, thường là các công trình dự án có quy mô lớn, diện rộng nhưng triển khai quá chậm, kéo dài, có dự án gần chục năm. Thiếu vốn, hồ sơ và thủ tục hành chính, công tác đấu thầu, đặc biệt công tác giải phóng đền bù chậm không theo kịp tốc độ phát triển đô thị.

Cùng đó, thoát nước bề mặt gắn liền với quy hoạch và quản lý sử dụng đất, định hướng phát triển và quản lý không gian đô thị… nhưng quy hoạch, quản lý và định hướng này vốn không được kiểm soát chặt chẽ sau khi được phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị còn bất cập, thiếu kinh phí hoặc kinh phí không đầy đủ, dẫn đến không bảo đảm chi phí cho khối lượng nạo vét hệ thống thoát nước hằng năm. Theo quy định, cho đến nay nhiều địa phương vẫn chưa ban hành giá dịch vụ thoát nước, việc triển khai quá chậm cũng là một trong những nguyên nhân thiếu nguồn kinh phí cho công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước hiện có. Công tác quản lý vận hành các hồ điều hòa, hồ chứa thiếu sự phối hợp, chưa mang tính chủ động, còn nhiều hạn chế trong sự phối hợp đồng bộ với công tác dự báo, cảnh báo sớm.

- Từ quan điểm của chuyên gia hạ tầng kỹ thuật xây dựng, theo ông cần có những giải pháp nào để giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị hiện nay?

- Kéo giảm và tiến đến kiểm soát cũng như nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị, dưới tác động của biến đổi khí hậu và ngập úng hiện nay, phải là mục tiêu hành động của chính quyền đô thị các cấp trước mắt và lâu dài. Các nhiệm vụ này cần được xem xét trong bài toán phân tích chi phí, lợi ích tổng thể của xã hội (đối tượng bị ngập, khả năng chống chịu) cũng như chi phí đầu tư xây dựng và lợi ích kinh tế, xã hội mà các giải pháp chống ngập đem lại.

Tập trung nghiên cứu, đổi mới, cập nhật và ban hành kịp thời các quy định của pháp luật liên quan thoát nước đô thị (luật, quy hoạch, các quy chuẩn, các tiêu chuẩn…). Các quy định quản lý thoát nước của địa phương phải trở thành nội dung quan trọng trong thẩm tra, thẩm định đồ án quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị. Trong đó, lưu ý bắt buộc việc quy hoạch hệ thống thoát nước mặt tại một khu vực không được làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước mặt của các khu vực chung quanh, và mỗi khu vực cần bảo đảm tỷ lệ lượng nước mưa được kiểm soát tại nguồn theo quy hoạch.

Sau cùng, ưu tiên kiểm soát nước mưa tại nguồn (hộ gia đình, công trình) với các giải pháp kỹ thuật thu gom và tái sử dụng nước mưa. Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp xây dựng hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa (giảm thuế, hỗ trợ thiết bị trữ nước...). Xây dựng và triển khai thực hiện giá dịch vụ thoát nước; thu đúng, thu đủ để làm cơ sở tăng cường công tác bảo dưỡng hệ thống thoát nước, bảo đảm hệ thống hoạt động đúng theo thiết kế. Xây dựng kế hoạch vận hành các hồ điều hòa, hồ chứa, liên kết và đồng bộ các công trình thoát nước khác của đô thị, vận hành phối hợp với dự báo, cảnh báo sớm. Nâng cao chất lượng công tác dự báo thời tiết, dự báo mưa tại các khu vực để kịp thời huy động lực lượng ứng phó và cảnh báo tới người dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!