Ý thức phòng, chống dịch

Tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 đang có thêm những diễn biến phức tạp mới trong bối cảnh nhiều người dân và địa phương đang có những biểu hiện chủ quan, lơ là.
0:00 / 0:00
0:00

Đáng ngại nữa là thời gian vừa rồi, bệnh sốt xuất huyết, cúm A đang có dấu hiệu lây lan nhanh, kèm những cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập. Người dân được tiếp tục khuyến cáo, nhắc nhở và các cơ quan chức năng tiếp tục được yêu cầu nâng cao trách nhiệm, hành động, ý thức tự thân trong phòng, chống dịch Covid-19 tái bùng phát.

Nhìn lại công tác tuyên truyền, ứng phó với dịch, thì việc tự thân, tự nguyện là hết sức quan trọng. Nó cho thấy sự nghiêm túc trong nhận thức và sự tự trọng trong đạo đức của người dân khi đứng trước vấn đề liên quan sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là vấn đề đó đang có tính cấp bách. Rõ ràng, những quy định đưa ra từ ngành chức năng là rất cần thiết để hướng dẫn, yêu cầu người dân thực hiện; và giám sát việc thực hiện nhằm bảo đảm mục tiêu an toàn chung. Và trong nhiều trường hợp, những quy định đó còn phải có tính bắt buộc. Như việc yêu cầu bảo đảm 5K suốt thời gian dài. Hay những hình thức tuần tra, thanh kiểm tra, xử phạt các đối tượng sai phạm để răn đe trước xã hội. Nhưng từ những ràng buộc mang tính pháp lý ấy, từ nhận thức ngày càng cao lên trong cộng đồng, khi có thể chuyển hóa thành ý thức, trách nhiệm tự thân của mỗi người, rằng phải phòng, chống dịch một cách thực chất, cụ thể, không đối phó, không hình thức, thì nguy cơ dịch bệnh mới được thanh toán triệt để hơn.

Vậy, làm thế nào để người dân ngày càng tự giác, tự nguyện hơn trong việc phòng, chống dịch; tích cực làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; chủ động phòng dịch cho mình và mọi người từ gia đình cho đến không gian công cộng, công sở, đơn vị…; vừa tiếp tục bảo đảm công việc vừa không quên các thao tác, kỹ năng cụ thể ngăn ngừa dịch bệnh?

Vấn đề này, lại tiếp tục cần được đặt ra với các cơ quan chức năng của ngành y tế, truyền thông, văn hóa, chính quyền địa phương… trong việc phối hợp xây dựng, sáng tạo những nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, đặc sắc, cuốn hút, từ câu chữ, hình ảnh, minh họa, địa điểm truyền tải nhằm giúp người dân lĩnh hội nhanh, rõ, sâu sắc. Thậm chí cả những cách thức có thể tác động mạnh về tình cảm, nhận thức nhằm cảnh báo mạnh mẽ đối với những ai lại tiếp tục đánh giá thấp nguy cơ dịch bệnh.

Nhiều cách thức cùng được thúc đẩy thực hiện lâu dài, liên tục, thì mới mong có thể dần tạo dựng được thói quen phòng dịch, chuyển thành ý thức phòng dịch thường xuyên, thành một phần nếp sống với tác phong sẵn sàng đề phòng, ứng phó với những nguy cơ dịch bệnh.

Vì như thực trạng thời gian qua mà chúng ta chứng kiến: Lúc nguy ngập thì ý thức phòng, chống dịch cùng lên rất cao. Nhưng sau khi dịch bệnh tạm lắng, thì nhiều thứ lại trở nên lỏng lẻo.