XUNG LỰC MỚI

THÚC ĐẨY QUAN HỆ
GIỮA VIỆT NAM
VỚI AUSTRALIA
VÀ NEW ZEALAND

Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines và Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 30/11 đến 6/12. Chuyến thăm nhằm góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand trên mọi mặt, đưa các mối quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, thiết thực.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand đang phát triển thuận lợi và đạt hiệu quả. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, là chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Australia và New Zealand kể từ sau khi Việt Nam và hai quốc gia Nam Thái Bình Dương mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

NÂNG TẦM QUAN HỆ
VIỆT NAM-AUSTRALIA

Việt Nam và Australia đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/2/1973. Để triển khai hợp tác hiệu quả, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2009 và Đối tác toàn diện tăng cường năm 2015. Trên cơ sở những thành tựu đạt được, hai bên nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2018. Trải qua chặng đường gần nửa thế kỷ, quan hệ hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ và thu được nhiều thành quả.

QUAN HỆ ĐỐI TÁC GẦN NỬA THẾ KỶ

Trong những năm qua, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày một gần gũi, tin cậy thông qua việc duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc trên tất cả các cấp, các kênh. Các cơ chế hợp tác song phương, như họp cấp bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng…, được triển khai linh hoạt kể cả trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Lãnh đạo các cấp Việt Nam đều nhấn mạnh mong muốn không ngừng củng cố và phát triển quan hệ với Australia, Đối tác chiến lược của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Phía Australia coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong ASEAN và khu vực, đồng thời luôn chú trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Hợp tác kênh nghị viện phát triển tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước. Thời gian qua, hai bên trao đổi thông tin trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, đồng thời thống nhất cùng tăng cường phối hợp, đôn đốc, thúc đẩy và giám sát các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã được ký giữa hai nước.

Hợp tác thương mại trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại song phương lần đầu vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 12,4 tỷ USD trong năm 2021. Trong chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 12 tỷ USD, tăng 31,5% so cùng kỳ năm 2021.

Australia luôn dành cho Việt Nam nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ổn định. Trong giai đoạn 2019-2020, Australia dành hơn 78 triệu AUD hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực, như cải cách kinh tế, bình đẳng giới, cải thiện sinh kế. Theo ngân sách năm tài khóa 2022-2023, Australia tăng ODA dành cho Việt Nam lên 92,8 triệu AUD, so với mức 78,9 triệu AUD của năm tài khóa 2021-2022.

Hai nước đã dành cho nhau sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, quý báu trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Là nhà tài trợ vaccine ngừa Covid-19 lớn thứ hai của Việt Nam, Australia đã cung cấp hơn 26,4 triệu liều vaccine, trong đó có 14,4 triệu liều cho trẻ em. Sự hỗ trợ này của Australia đã giúp Việt Nam đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, sớm trở lại trạng thái bình thường để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế. Đáp lại sự hỗ trợ quý báu này, Việt Nam cũng đã trao tặng Australia số vật tư y tế trị giá 50.000 USD.

Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, lao động… đều được tích cực thúc đẩy.

Với hơn 350.000 người, cộng đồng người Việt Nam tại Australia là một cộng đồng lớn, có những đóng góp tích cực cho sở tại. Cùng với sự phát triển của cộng đồng, trong những năm qua, ngày càng có nhiều tổ chức hội, đoàn của người Việt tại Australia được thành lập, quy tụ nhiều trí thức, doanh nhân… duy trì nhiều hoạt động tích cực hướng về quê hương, đồng thời đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của quan hệ hai nước.

Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Australia phối hợp tốt và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Tại các diễn đàn liên nghị viện, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF)…, hai bên cũng tăng cường trao đổi và phối hợp chặt chẽ về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Australia coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Australia-ASEAN; tiếp tục quan tâm tăng cường hợp tác với tiểu vùng Mekong.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong

Việt Nam và Australia đều tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việc hai bên phối hợp chặt chẽ nhằm thực thi hiệu quả các hiệp định này sẽ góp phần tăng cường hợp tác thương mại giữa hai bên, đồng thời đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski tại Nhà Quốc hội, ngày 18/11/2022. Ảnh: Duy Linh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski tại Nhà Quốc hội, ngày 18/11/2022. Ảnh: Duy Linh

DẤU MỐC HỢP TÁC MỚI

Hướng tới 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023, Việt Nam và Australia đang tích cực phối hợp chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm, trong đó có việc tổ chức các chuyến thăm cấp cao, các hoạt động văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, hai bên cũng đang đẩy mạnh hợp tác, góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Việt Nam và Australia còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa hợp tác trên tất cả các kênh, các lĩnh vực. Hai bên đang nỗ lực triển khai hiệu quả các văn kiện hợp tác quan trọng đã ký kết, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia giai đoạn 2020-2023 và Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES).

Trong bối cảnh hai nước đã mở cửa trở lại từ đầu năm 2022, hai bên cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư trên cơ sở tận dụng các lợi thế và tiềm năng của hai nước, trong đó có việc mở rộng thị trường do các hiệp định thương mại tự do mang lại; tạo điều kiện hơn nữa cho hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau. Hợp tác giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch cần được đẩy mạnh, qua đó củng cố hơn nữa giao lưu nhân dân hai nước.

Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên tích cực nghiên cứu, đề xuất mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, tiềm năng, như chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski, ngày 18/11/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski, ngày 18/11/2022.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Australia lần thứ tư, ngày 12/9/2022.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Australia lần thứ tư, ngày 12/9/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski, ngày 18/11/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski, ngày 18/11/2022

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 12/9/2022

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 12/9/2022

Item 1 of 4

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski, ngày 18/11/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski, ngày 18/11/2022.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Australia lần thứ tư, ngày 12/9/2022.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Australia lần thứ tư, ngày 12/9/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski, ngày 18/11/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski, ngày 18/11/2022

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 12/9/2022

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 12/9/2022

LÀM SÂU SẮC HỢP TÁC
VIỆT NAM-NEW ZEALAND

Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975. Kể từ khi được nâng tầm lên Đối tác toàn diện năm 2009 và sau đó là Đối tác chiến lược năm 2020, quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả. Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ Đối tác chiến lược với New Zealand. New Zealand cũng xem trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam, một trong những đối tác chiến lược then chốt của New Zealand trong ASEAN và khu vực.

ĐÀ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ
ĐƯỢC TIẾP NỐI

Trong những năm qua, quan hệ hai nước tiếp tục được thúc đẩy phù hợp lợi ích và tầm nhìn chung. Hai bên thường xuyên tiến hành trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp. Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo hai bên đều khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Các cơ chế hợp tác, như Tham khảo chính trị, Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại, Đối thoại chính sách quốc phòng, Đối thoại nông nghiệp cấp cao… được duy trì linh hoạt, kể cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này góp phần giữ vững đà hợp tác giữa hai nước, tạo tiền đề cho những bước phát triển tích cực trong thời gian tới.

Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ với New Zealand, một Đối tác chiến lược của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương, đồng thời là Đối tác chiến lược của ASEAN.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược. Kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm. Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2020. Trong chín tháng năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,1 tỷ USD, tăng 13,6% so cùng kỳ năm 2021.

Về đầu tư, tính đến tháng 10/2022, New Zealand có 49 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 210,18 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký đạt 38,4 triệu USD.

New Zealand luôn quan tâm và dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng giai đoạn, tập trung các lĩnh vực, như giáo dục đào tạo, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững... New Zealand đã thông qua quỹ ODA cho Việt Nam giai đoạn 2021-2024 là 26,7 triệu NZD. Nguồn ODA của New Zealand góp phần giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hợp tác trong các lĩnh vực, như quốc phòng-an ninh, lao động, nông nghiệp… phát triển tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng để khai thác.

Mối quan hệ Đối tác chiến lược được xây dựng trên cơ sở hợp tác toàn diện và những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại-kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng-an ninh, phát triển và giao lưu nhân dân.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson

Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và New Zealand đều là thành viên của các tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế, như Liên hợp quốc, APEC… và phối hợp trong một số cơ chế hợp tác của ASEAN. Hai bên đã dành cho nhau sự ủng hộ mạnh mẽ khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, cũng như khi New Zealand đảm nhiệm trọng trách chủ nhà APEC năm 2021. New Zealand cũng ủng hộ Việt Nam ứng cử thành công vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Các cơ quan lập pháp hai nước duy trì tiếp xúc các cấp bên lề các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, như IPU, AIPA, APPF... Các đoàn đại biểu Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11/2022. Ảnh: Duy Linh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11/2022. Ảnh: Duy Linh

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC THỰC CHẤT

Nhằm thúc đẩy hợp tác xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược trong tình hình mới, Việt Nam và New Zealand đang nỗ lực triển khai các văn kiện đã ký kết. Với nội dung phong phú và sâu rộng, Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2021-2024 đang được hai nước thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Hai bên đang tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, thương mại-đầu tư, nông nghiệp... Việt Nam và New Zealand là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau và cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do, như CPTPP, RCEP... Tận dụng hiệu quả những lợi thế này, hai bên đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD vào năm 2024.

Về các lĩnh vực hợp tác mới, hai bên cho rằng cần nghiên cứu, thúc đẩy các lĩnh vực phù hợp tiềm năng và yêu cầu, mục tiêu của hai bên, như chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải theo hướng hiện thực hóa các cam kết Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26); bảo tồn và phát triển rừng, phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, hợp tác nghề cá và bảo vệ môi trường biển…

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và hai bên mở cửa trở lại, hợp tác giáo dục-đào tạo tiếp tục được thúc đẩy. Hiện có khoảng 2.700 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại New Zealand. Đều nhận thức rõ giao lưu nhân dân là nền tảng của quan hệ hữu nghị, hai bên cho rằng cần tăng số lượng sinh viên Việt Nam sang du học tại New Zealand, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam khóa XV tiếp tục thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-New Zealand, trong khi Quốc hội New Zealand cũng thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này góp phần tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, cũng như tình hữu nghị giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11/2022

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ nhất, ngày 14/9/2022

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ nhất, ngày 14/9/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ New Zealand Tredene Dobson, ngày 14/6/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ New Zealand Tredene Dobson, ngày 14/6/2022.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe, ngày 14/9/2022.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe, ngày 14/9/2022.

Item 1 of 4

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11/2022

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ nhất, ngày 14/9/2022

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ nhất, ngày 14/9/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ New Zealand Tredene Dobson, ngày 14/6/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ New Zealand Tredene Dobson, ngày 14/6/2022.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe, ngày 14/9/2022.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe, ngày 14/9/2022.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tạo động lực góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam với hai đối tác chủ chốt tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Trên cơ sở các thành tựu đạt được trong những năm qua, cũng như kết quả của chuyến thăm này, Việt Nam cùng Australia và New Zealand tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược, đóng góp hiệu quả vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.

Ngày xuất bản: 29/11/2022
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG
Nội dung: Ninh Sơn - Như Ngọc
Ảnh: Duy Linh, Bộ Ngoại giao
Trình bày: Diệu Thu - Ngọc Bích