Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10)

Xứng đáng là những người con ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng!

Xúc động biết bao, vào tháng 5-1968, chuẩn bị về với “thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng bổ sung vào Dự thảo Di chúc: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo... Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Ảnh: KHÁNH AN
Ảnh: KHÁNH AN

Có thể nói, tư tưởng giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ bình đẳng với nam giới luôn canh cánh trong suốt quá trình Bác chỉ đạo cách mạng nước ta. Năm 1966, đúng dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam, Bác đến thăm và nói chuyện thân tình với đông đảo đại biểu phụ nữ cả miền bắc về dự mít-tinh. Ngay câu mở đầu bài nói, Bác khẳng định “Hội Phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 năm và ngày càng phát triển”. Tiếp đó, Bác ca ngợi những tấm gương anh hùng của phụ nữ nước ta từ thế kỷ thứ nhất đã có Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi ngoại xâm, tạo dựng truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Từ ngày thành lập Đảng, xuất hiện những anh hùng mới, như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu... Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, không sợ sóng to gió lớn, suốt ngày đêm chèo thuyền đưa bộ đội và cán bộ qua sông để chiến đấu. Mẹ Cán, người Thái ở Sơn La có sáu con, thì hai đi bộ đội, bốn vào du kích, bản thân mẹ cũng hăng hái vào bạch đầu quân. Mẹ Đích ở Thái Bình đã cho cả bốn con trai và con rể vào bộ đội. Ở miền nam, đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ đều là phụ nữ, hình thành “đội quân tóc dài” làm cho kẻ thù khiếp sợ, mà người tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Định, sau này là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền nam. Đã xuất hiện hàng chục, hàng trăm anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, như các chị Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Lý, Trần Thị Vân... Ở miền bắc lúc đó, có mười phụ nữ công, nông, binh được tuyên dương Anh hùng; hàng vạn chị em trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch ủy ban hành chính, bí thư chi bộ đảng, v.v. Bác Hồ cũng biểu dương các thanh niên gái đã nêu gương sáng trong sản xuất và chiến đấu, như tổ cầu đường Trần Thị Lý ở Quảng Bình, tiểu đội 9, đại đội TNXP 874 đã bảo đảm giao thông dưới mưa bom bão đạn; đội dân quân gái ở Nam Ngạn đã góp phần bắn được nhiều máy bay Mỹ, v.v.

Đi liền việc biểu dương, Bác luôn nhắc nhở “bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Ngoài việc làm tốt trách nhiệm vai trò người vợ, người mẹ, cần nêu cao tinh thần vượt khó, tham gia công tác đoàn thể, xã hội. Bác rất vui và chính tay Người đã ký tặng Huy hiệu Bác Hồ cho hàng nghìn, hàng vạn phụ nữ có thành tích xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” thời thắng Mỹ xâm lược. Người nhắc lại, Hiến pháp năm 1946 đã tuyên bố trước toàn thế giới: “Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”, nay trở thành hiện thực sinh động. Chúng ta tự hào trong những năm đổi mới đất nước, ngày càng có thêm nhiều gương “người tốt việc tốt” là phụ nữ trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Hàng chục chị đang là Ủy viên Trung ương Đảng, trong số đó có ba chị là Ủy viên Bộ Chính trị. Trong cuộc phấn đấu để thể hiện vai trò của nữ giới không thua kém nam giới, Bác luôn căn dặn phụ nữ “phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”.

Thiết nghĩ, làm tốt những lời chỉ bảo quý báu nêu trên, mỗi phụ nữ chúng ta, ai cũng có thể trở thành người con ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng - như mong mỏi của Bác Hồ kính yêu trước lúc đi xa!