Nông nghiệp hữu cơ, những điều gợi mở…

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một xu hướng phát triển sản xuất và ẩm thực xanh, sạch, không sử dụng các loại hóa chất và phân bón tổng hợp trong quá trình từ sản xuất đến bàn ăn.

Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: NGỌC BẰNG
Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: NGỌC BẰNG

Nếu lựa chọn của Việt Nam là theo đuổi phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC), chúng ta có cơ hội để tạo nên sự tăng trưởng bền vững. Lựa chọn Xanh ấy còn là con đường để bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc.

Hai xu thế đối lập

Năm 1939, No-thơ-bơn (Northbourne) lần đầu đưa ra thuật ngữ NNHC. Ngay sau đó, phong trào NNHC được bắt đầu như là một phản ứng gay gắt của xã hội đối với nông nghiệp hóa học và ô nhiễm môi trường. Theo Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), NNHC là phương pháp nuôi, trồng, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào, như: thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hóa học, các loại phân hóa học, các chất kích thích sinh trưởng, kháng sinh tổng hợp, chất bảo quản hóa học… Sản xuất hữu cơ đặc biệt coi trọng bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, duy trì và nâng cao sức khỏe của con người trong tất cả các khâu từ canh tác, chế biến, phân phối đến tiêu dùng.

Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại hai xu hướng đối lập, đấu tranh ngày càng khốc liệt với nhau. Đó là hai quá trình “cháy” và “xanh hóa”. Cháy là tổng hợp các quá trình đốt, phân hủy, chế biến nhiên liệu, nguyên liệu, các chất hữu cơ trên trái đất. Xanh hóa là quá trình ngược lại nhằm tạo ra thảm xanh thực vật, khôi phục đa dạng sinh học, kiến tạo vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên và quan hệ hài hòa của thiên nhiên với con người và giữa con người với nhau. Quan hệ biện chứng giữa hai quá trình “cháy” và “xanh hóa” sẽ quyết định sự tồn vong của trái đất và tương lai của các quốc gia. Không chỉ đơn thuần là sản xuất hữu cơ, nó còn là một trào lưu tư tưởng; một xu hướng của sản xuất và ẩm thực; một lối sống và một đạo lý sống có trách nhiệm của con người hiện đại.

Xu hướng phát triển NNHC bao hàm các chủ trương, chính sách, các đạo luật, các giải pháp quản lý phát triển công nghiệp, nông nghiệp và đô thị. Nó còn bao hàm các triết lý, quy tắc đạo đức, để bảo đảm cho sự cân bằng ổn định, sự trường tồn của hệ sinh thái và sự sống trên trái đất. Để sản xuất hữu cơ được thực hành, trách nhiệm đầu tiên của Nhà nước là phải ban hành được bộ luật và chính sách quản lý, giám sát hóa học; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, trả lại nước sạch, đất sạch và không khí trong lành cho nông nghiệp; đồng thời buộc các nhà sản xuất và thương mại hóa chất, kinh doanh xây dựng đô thị phải đóng thuế nhiều hơn cho phát triển nông nghiệp, trong đó có NNHC.

Tuy nhiên, NNHC không chỉ là một nền sản xuất nông nghiệp hoài cổ, nó cần một sự tiếp cận nhanh với các giống mới, các công nghệ nông nghiệp mới nhất trên thế giới để giảm dần sử dụng các loại hóa chất độc hại.

Một lựa chọn gắn liền giá trị truyền thống

Đối với Việt Nam, phát triển NNHC sẽ không tách rời những tinh hoa của nông nghiệp và ẩm thực truyền thống. Đầu bếp Dương Huy Khải đã được trao Huy chương vàng ở Hội thi ẩm thực tại Bắc Kinh và được ghi danh ở “Đại lộ danh vọng”. Cựu Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn (Bill Clinton) và phu nhân khi đến Hà Nội đã dành thời gian hai lần thưởng thức phở Việt Nam. Mới đây, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (B.Obama) cũng không bỏ qua cơ hội thưởng thức bún chả Hà Nội. Người làm phim chuyên về ẩm thực toàn cầu, nhà văn, đầu bếp nổi tiếng An-thô-ni Buốc-đên (Anthony Bourdain) đã nhân chuyến thăm của ông Obama để quảng bá ẩm thực Việt Nam trên kênh truyền hình CNN. Một giáo sư người nước ngoài, bạn tôi từng nói: “Du lịch Việt Nam có thể tăng trưởng gấp nhiều lần nhờ các món ăn độc nhất vô nhị của các bạn. Ẩm thực Việt Nam là “ẩm thực sức khỏe” số một thế giới. Người Việt không chỉ mang đến cho chúng tôi những món ăn ngon hàng đầu thế giới, mà còn mang đến tình người, nền văn hóa và một không khí thư giãn”.

Hiện nay, một số tổ chức khoa học trên thế giới đang quan tâm nghiên cứu ẩm thực Việt Nam. Họ có các viện, phòng thí nghiệm nghiên cứu nước tương, nước mắm, phở,… văn hóa ẩm thực Việt Nam. Có thể không xa nữa, phở, bún chả, nước mắm,… ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… sẽ ngon hơn, dinh dưỡng hơn, sạch hơn, an toàn hơn chính các sản phẩm ở Việt Nam. Vậy nếu chúng ta bỏ mặc người nông dân và các thương gia trong tình trạng yếu thế cả về tri thức lẫn khả năng cạnh tranh, chúng ta sẽ làm tổn thương các giá trị văn hóa và cơ hội kinh tế của đất nước.

Cơ hội làm giàu

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thị trường NNHC nước này đã tăng trưởng ổn định, trung bình 10%/năm trong 10 năm (2001-2011); năm 2004 mới đạt 11,5 tỷ USD, đến năm 2015 đã lên 37 tỷ USD. Về chủng loại, rau quả là mặt hàng NNHC được tiêu thụ nhiều nhất. Khoảng 51% số các gia đình Mỹ cho biết, họ mua sản phẩm NNHC năm sau nhiều hơn năm trước.

Trên thế giới có hơn 25.000 doanh nghiệp lớn hoạt động sản xuất và chế biến NNHC ở 120 quốc gia. Không nơi nào đông dân, tầng lớp trung lưu và giàu có phát triển nhanh cả về số lượng và thị trường tiêu dùng như ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, các nước Bắc Á, ASEAN. Vậy nên, thị trường nông sản tinh hoa và NNHC đang rộng mở.

Việt Nam có vị trí địa lý khí hậu đặc thù, nằm giữa vùng lạnh (hàn đới) và vùng nóng (nhiệt đới), rất giàu chủng loại rau quả, có thể sản xuất và xuất khẩu cho cả các vùng nóng phía nam và vùng băng giá phía bắc. Bên cạnh đó, công nghiệp và đô thị ở nước ta mới phát triển; môi trường còn tương đối sạch; truyền thống NNHC đang còn. Hơn nữa, ở các vùng núi và trung du, nông dân còn giữ truyền thống sản xuất rất ít sử dụng hóa chất. Vấn đề đặt ra là tổ chức hệ thống để khai thác thế mạnh quốc gia vào sản xuất rau quả hữu cơ có thương hiệu ổn định, thí dụ như “gạo núi”, “rau núi”, “rau cải Mường”, “gà núi”, “gà đồi”, trứng sữa đồi rừng,...

Thị trường rau quả toàn cầu rất lớn và đang tiếp tục tăng trưởng. Theo cơ sở dữ liệu thống kê thương mại của Liên hợp quốc, thương mại trái cây và rau quả đã tăng từ 90 tỷ USD năm 2000, lên 218 tỷ USD vào năm 2010; chiếm gần 21% tổng giá trị thương mại các sản phẩm nông nghiệp toàn cầu. Năm 2010, nhập khẩu rau vào Nhật Bản tăng mạnh, đạt xấp xỉ 2,5 triệu tấn.

Xuất khẩu rau quả ở nước ta trong những năm gần đây đã tăng trưởng ngoạn mục, khả năng đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD năm 2016. Do vậy, chúng ta có cơ sở để tin rằng nông sản hữu cơ, trong đó rau quả hữu cơ chắc chắn sẽ trở thành một mặt hàng thế mạnh.