Xứ sở

hạt gạo
“ngon nhất thế giới”

Xưa nay, tỉnh Sóc Trăng vốn nổi tiếng là lẫm lúa lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loại gạo ngon vang danh khắp Nam kỳ. Những năm qua, lúa gạo Sóc Trăng không chỉ có sự tăng trưởng đáng kể về sản lượng, mà còn hấp dẫn thị trường thế giới bởi sự cải thiện vượt trội về chất lượng.

Dấu ấn nổi bật là năm 2019, tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới tại Manila (Philippines), gạo ST 25 - được lai tạo bởi nhóm nhà khoa học Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương - đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019”.

Noi gương tiền nhân

Nói về quá trình phát triển lúa gạo, Tiến sĩ Trần Tấn Phương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tâm đắc: Thành tựu của ngành trồng lúa hôm nay là nhờ sự đóng góp không nhỏ từ việc du nhập kiến thức, tiến bộ khoa học và kỹ thuật.

Trong đó có một phần công sức của Giáo sư, Tiến sĩ Anh hùng lao động Lương Định Của. Giáo sư sinh ra và lớn lên ở xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, học tại Trường đại học Kyushu và đạt học vị tiến sĩ tại trường đại học hoàng gia Kyoto (Nhật Bản). Giáo sư là nhà tạo giống cây trồng nông nghiệp mang các thương hiệu Việt Nam đầu tiên, với giống lúa mang tên Nông Nghiệp. Công trình đầu tiên về tạo giống lúa là thực hiện tổ hợp lai xa giữa giống lúa Kun Ko- Nhật Bản và Ba Thắc của Sóc Trăng tạo ra giống lúa mang tên Nông Nghiệp 1 được đưa vào sản xuất trên đồng ruộng từ thập niên 1960. Từ giống IR8, ông đã chọn ra dòng NN8- 388 góp phần bảo đảm an ninh lương thực ở phía bắc Việt Nam trong kháng chiến.

Tượng Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động Lương Định Của- nhà tạo giống cây trồng nông nghiệp mang các thương hiệu Việt Nam đầu tiên, với giống lúa mang tên Nông Nghiệp.

Tượng Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động Lương Định Của- nhà tạo giống cây trồng nông nghiệp mang các thương hiệu Việt Nam đầu tiên, với giống lúa mang tên Nông Nghiệp.

Noi gương Giáo sư, Tiến sĩ Anh hùng lao động Lương Định Của trong chọn tạo giống, tỉnh Sóc Trăng đã hình thành nhóm nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm đặc sản, do Kỹ sư-Anh hùng lao động Hồ Quang Cua làm trưởng nhóm. Suốt từ năm 1991-2002, bất chấp những trở ngại, ông Hồ Quang Cua cùng các cộng sự sưu tầm hàng chục giống lúa thơm, phối hợp với Đại học Cần Thơ tổ chức thí nghiệm so sánh năng suất, phẩm chất giữa các giống lúa, chọn những dòng lúa thơm ưu tú nhất, phát triển những giống lúa thơm không quang cảm từ việc sưu tập, du nhập nguồn gen hoặc do chọn lọc từ biến dị.

Được sự ủng hộ các trang thiết bị cần thiết tối thiểu ban đầu, sự tin tưởng của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, nhóm nghiên cứu đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm mới nhằm phục vụ tốt hơn cho nông nghiệp Sóc Trăng và mở rộng ra toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

“Muốn chọn tạo giống lúa thành công và bền vững thì trước hết phải có nguồn gen kháng phong phú. Tập đoàn các giống lúa địa phương thường mang nhiều đặc tính quý về các khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận và sâu bệnh hại. Đây chính là nguồn cung cấp gen kháng sâu bệnh phong phú và rất có ý nghĩa cho công tác chọn tạo giống chống chịu sâu bệnh. Vì vậy, thu thập và bảo tồn tập đoàn giống lúa đặc sản, lúa mang gen quý trong nước và trên thế giới theo yêu cầu nghiên cứu lai tạo giống lúa mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu” - Tiến sĩ Trần Tấn Phương cho biết.

Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu về giống lúa ST25 tại trại thực nghiệm. (Ảnh: TTXVN)

Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu về giống lúa ST25 tại trại thực nghiệm. (Ảnh: TTXVN)

Nhóm nguyên cứu đã thu thập hơn 2.723 giống lúa mang đa dạng các đặc tính như gen năng suất cao, kháng bệnh cháy bìa lá (bạc lá), kháng đạo ôn, kháng rầy nâu, chịu hạn, ngập, mặn, nóng, lạnh và các đặc tính về chất lượng quan trọng khác. Đặc biệt là bộ lúa thơm (251 giống) chất lượng cao có mùi thơm đậm trên thế giới và bộ lúa ma (lúa hoang) 621 giống. Trong bộ sưu tập, có một giống lúa của Việt Nam là giống lúa Tẻ tép với nguồn gen kháng đạo ôn ở mức độ cao đã được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng trong chương trình tạo giống của họ để lai tạo ra nhiều giống lúa cao sản đang phổ biến rộng trong sản xuất. Với giống lúa này, Việt Nam vinh dự được coi là một trong các trung tâm khởi nguyên về lúa.

Kỹ sư Hồ Quang Cua và bảng vàng vinh danh gạo ngon nhất thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Kỹ sư Hồ Quang Cua và bảng vàng vinh danh gạo ngon nhất thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Ông Hồ Quang Cua, cha đẻ gạo ST25, nhận hoa chúc mừng từ ban tổ chức. (Ảnh: VFA)

Ông Hồ Quang Cua, cha đẻ gạo ST25, nhận hoa chúc mừng từ ban tổ chức. (Ảnh: VFA)

Vang danh thế giới

Việc Tỉnh ủy Sóc Trăng đưa ra chủ trương phát triển lúa thơm một năm sau ngày tái lập tỉnh Sóc Trăng cách đây 30 năm là hướng đi táo bạo và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này tưởng chừng như không thể trong giai đoạn an ninh lương thực quốc gia còn rất bấp bênh. Tuy nhiên, sau đó chủ trương này lan tỏa tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Chính phủ tán đồng, và nay được phát triển ở các tỉnh có điều kiện trong cả nước.

Bên cạnh đó là việc đưa cây lúa thơm cải tiến xuống vùng đất mặn có nuôi tôm. Ban đầu, chủ trương này có nhiều ý kiến trái chiều nhưng dần dần trở thành hướng đi đúng, được nông dân đồng tình ủng hộ và có tiếng nói trên các diễn đàn sáng tạo khoa học công nghệ thế giới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen cho nhóm lai tạo giống lúa gồm anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen cho nhóm lai tạo giống lúa gồm anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Kỹ sư Hồ Quang Cua bộc bạch: “Cách đây hơn 20 năm, khi Thái Lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang, tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không? Việc lai tạo giống của nhóm lai tạo lúa thơm tiến hành từ năm 2002, sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ. Vừa lai, chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Giống bố mẹ thu thập từ Đài Loan, Bangladesh, Thái Lan, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), các tỉnh Bắc Bộ, Nam Bộ... Các tổ hợp được lai phức hợp gồm nhiều giống bố mẹ. Riêng ST20 có đến 7 bố mẹ và đến ST24, ST25 còn nhiều hơn”.

Hình ảnh cánh đồng lúa ST đang chuẩn bị thu hoạch.

Hình ảnh cánh đồng lúa ST đang chuẩn bị thu hoạch.

Để minh chứng kết quả nghiên cứu, nhóm đã đăng ký dự thi Gạo ngon nhất thế giới và trong hai lần đầu đã đoạt “Top” ba vào năm 2017, 2018. Năm 2019, ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”, nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên thế giới. Hiện giống lúa ST25 do Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đầu tư kinh phí nghiên cứu và được cấp bằng bảo hộ độc quyền sản xuất, kinh doanh.

Lúa ST25 có thể gieo cấy được hai vụ trong năm, thời gian sinh trưởng vụ xuân 105-115 ngày, vụ mùa 102- 110 ngày. Chiều cao cây lúa khoảng 105- 110cm dạng hình đẹp, ưa thâm canh, đẻ nhánh trung bình, bộ lá đứng, bông to dài, nhiều hạt, hạt đóng khít, vỏ trấu vàng, hạt gạo thon dài, trắng trong, cơm mềm thơm, vị đậm. ST25 là giống lúa có đặc tính chịu mặn, kháng đạo ôn cấp 2 và bệnh bạc lá, thân cứng chống đổ tốt, phổ thích nghi rộng, năng suất trung bình đạt từ 6,5- 7,0 tấn/ha, thâm canh cao có thể đạt hơn 7,0 tấn/ha.

Đoàn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến làm việc với nhóm nghiên cứu lúa thơm Sóc Trăng.

Đoàn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến làm việc với nhóm nghiên cứu lúa thơm Sóc Trăng.

Tính chuyện đường dài cho lúa gạo

Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng đã được triển khai qua 2 giai đoạn (2012-2015 và 2016-2020), qua đó giúp diện tích lúa đặc sản, lúa thơm tăng dần. Từ 66.000ha năm 2012, đến năm 2020 tăng lên hơn 178.000ha, vượt 40.500ha so với kế hoạch; sản lượng lúa tăng hơn 1 triệu tấn, vượt kế hoạch dự án 35,5%. Giai đoạn 2022-2025, Dự án Phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu đủ lớn để xây dựng thương hiệu cho gạo thơm đặc sản Sóc Trăng. Dự kiến đến năm 2025 đạt 195.000 ha, chiếm 60% diện tích gieo sạ lúa toàn tỉnh; sản lượng lúa đặc sản và chất lượng cao đạt hơn 80% sản lượng lúa toàn tỉnh và ưu tiên phát triển nhóm giống lúa ST.

Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt hơn 250 triệu đồng/ha vào năm 2025. Trong số đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, Sóc Trăng đã đề ra kế hoạch phát triển thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị lúa-gạo đặc sản của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung các giống lúa đặc sản nhóm lúa thơm ST (ST24, ST25), lúa Tài Nguyên mùa, thơm nhẹ theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. Cùng với định hình 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản, xây dựng 17 mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án Phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng chú trọng củng cố các hợp tác xã, nâng cao chất lượng mạng lưới sản xuất, cung ứng giống lúa đặc sản tại địa phương, nhất là đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Thu hoạch lúa ST25 tại Sóc Trăng.

Thu hoạch lúa ST25 tại Sóc Trăng.

Ngày xuất bản: 27/10/2022
Tổ chức thực hiện: Hà Quốc Việt
Nội dung: Nguyễn Phong
Trình bày: Hạnh Vũ