Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Thời gian qua, xảy nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng, thương tâm mà nguyên nhân xuất phát từ những lái xe không làm chủ tốc độ do uống bia, rượu.
0:00 / 0:00
0:00

Tối 12/8, một chiếc xe ô-tô đã bất ngờ lao vào một cây xăng trên đường Láng (quận Ðống Ða) khi đang có nhiều người và phương tiện xếp hàng mua xăng. Hậu quả là tám người bị thương được đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân do người điều khiển ô-tô có nồng độ cồn vượt nhiều lần so với mức vi phạm tối đa được quy định tại Nghị định số 100/2019/NÐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ðáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt, còn không ít người vẫn tự lái ô-tô, xe máy dù đã sử dụng bia rượu, gây nguy hiểm cho người chung quanh.

Mới đây, tối 15/8, Ðội Cảnh sát giao thông số 6 lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Lê Ðức Thọ (quận Nam Từ Liêm) đã kiểm tra ô-tô biển kiểm soát 30H-582.xx do ông N.H.Ð (sinh năm 1976, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển. Qua kiểm tra, nồng độ cồn của ông N.H.Ð ở ngưỡng 1,41 miligam/1 lít khí thở. Ðây là mức vi phạm nồng độ cồn rất cao, gấp 3,5 lần mức vi phạm cao nhất theo quy định (trên 0,4 miligam/1 lít khí thở). Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt lái xe Ð. 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Mặc dù các ngành chức năng vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa quyết liệt xử lý như vậy, nhưng tình trạng nêu trên vẫn còn rất phức tạp. Liên tiếp trong những ngày qua, lực lượng chức năng đã phải xử lý khá nhiều trường hợp vi phạm, cả ở nội thành và ngoại thành. Ai cũng có lý do vì "quá vui", "do cả nể", rồi "bị ép", chỉ đến khi gây tai nạn hoặc bị xử phạt thì mới hối hận vì đã không giữ được tỉnh táo. Theo đại diện Ðội Cảnh sát giao thông số 6, việc tăng cường xử lý ở tuyến đường, khu vực có nhiều quán bia rượu, nhà hàng nhằm răn đe những trường hợp vi phạm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế, không ít quán ăn, nhà hàng, quán bia cho bảo vệ, quản lý đi theo dõi lại tổ công tác. Nếu thấy lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ họ sẽ báo cho khách di chuyển theo hướng khác, tránh bị phạt.

Còn nhớ, thời điểm Nghị định số 100/2019/NÐ-CP mới có hiệu lực, nhiều quán nhậu đã nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện, bố trí nơi giữ xe cho khách. Khách hàng cũng chủ động sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe riêng. Nhiều hoạt động truyền thông "Ðã sử dụng rượu, bia - không lái xe" được tổ chức rầm rộ, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt. Do đó, thời gian tới, lực lượng chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với người vi phạm và gắn cả trách nhiệm đối với những cơ sở kinh doanh bia, rượu. Có như vậy, tình trạng vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông mới được hạn chế và không còn những tai nạn đáng tiếc xảy ra.