Việc tiết kiệm và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng vừa giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Chuyên đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - nền tảng phát triển bền vững” cung cấp thông tin thực tiễn từ áp dụng công nghệ mới cho tới chiến lược, kế hoạch tổng thể mà Việt Nam và một số quốc gia đi đầu trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã triển khai và gặt hái thành công.

Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải là mục tiêu chiến lược để Trung Quốc xây dựng nền kinh tế carbon thấp phát triển bền vững. Trong quá trình ấy, việc sử dụng nguồn năng lượng mới thay thế cho năng lượng hóa thạch trong giao thông là một trong những biện pháp hữu hiệu và tất yếu, dẫu rằng đường đi sẽ dài và khó khăn...

CON SỐ BIẾT NÓI

Vào cuối năm 2020, ngành công nghiệp xe năng lượng mới của Trung Quốc đạt một dấu mốc quan trọng mới, với 4,92 triệu xe đang lăn bánh trên các tuyến đường của Trung Quốc, chiếm 1,75% tổng lượng xe của cả nước. Mười năm trước, cả Trung Quốc mới có khoảng 20 nghìn chiếc. Tám năm trước, Trung Quốc đã xây dựng Chiến lược phát triển trung hạn ngành công nghiệp sản xuất xe năng lượng mới, với mục tiêu đến cuối năm 2025 số lượng xe bán ra thị trường đạt 5 triệu chiếc. Điều này có nghĩa là trong một thập kỷ, sản lượng xe năng lượng mới của Trung Quốc tăng trưởng khoảng 250 lần.

Không chỉ sớm có thể đạt được mục tiêu 5 triệu xe bán ra, mà Trung Quốc đã trở thành thị trường xe Plug-in (Plug-in Hybrid Electric Vehicles - PHEV) lớn nhất thế giới. Vào năm 2020, gần một nửa sản lượng xe Plug-in của thế giới là ở Trung Quốc.

Không chỉ thành công trong việc sản xuất và đưa ra thị trường một số lượng ngày càng tăng xe năng lượng mới, Trung Quốc còn phát triển một chuỗi cung ứng sản xuất pin xe trong nước tương đối hoàn chỉnh. Theo số liệu của Bộ Công an Trung Quốc, tháng 4/2021, Trung Quốc xây dựng được 65 nghìn trạm sạc điện, 644 trạm đổi sạc và 187 trụ sạc điện, phủ khắp 176 thành phố trên cả nước, trải dài trên cung đường dài 50 nghìn km.

Trong số các nhà sản xuất ô-tô điện thành công nhất thế giới có nhiều tập đoàn ô-tô của Trung Quốc. Bốn trong số đó là BYD, BAIC, Geely và SAIC. Riêng năm 2019, BYD đã bán được hơn 753 nghìn xe điện và trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Tesla (doanh số cộng dồn 900 nghìn chiếc). 

Xe năng lượng mới chiếm hơn 10% doanh số bán ô-tô mới ở Trung Quốc trong tháng 3 và tăng lên 11.4% vào tháng 5/2021. Tỷ lệ thâm nhập thị trường sẽ tăng lên hơn 70% vào năm 2030.
Tại Hội nghị ô-tô Trùng Khánh, Trung Quốc được tổ chức vào ngày 12 và 13/6/2021, ông Vương Truyền Phúc, người sáng lập BYD cho biết.

Một trong bốn doanh nghiệp xe năng lượng mới lớn nhất Trung Quốc - BYD luôn có báo cáo kinh doanh rất tốt. Doanh số bán xe năng lượng mới trong tháng 10/2021 đạt 81 nghìn xe, tăng 249,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xe năng lượng mới trong tổng doanh số bán xe của BYD tăng lên 90,1%. Trong mười tháng đầu năm nay, tổng doanh số bán xe năng lượng mới của BYD là 419 nghìn chiếc, tăng 212,03% so với cùng kỳ năm ngoái.

William Li, người sáng lập và CEO của Công ty ô-tô điện Nio tỏ ra lạc quan hơn. Ông dự đoán rằng, ô-tô điện thông minh sẽ chiếm 90% doanh số bán ô-tô của hãng này vào năm 2030.

Theo Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, tháng 5/2021, mẫu Sedan Han nằm trong số 5 xe năng lượng mới bán chạy nhất ở Trung Quốc, chỉ sau Model 3 và Model Y của Tesla.

Về nghiên cứu và phát triển công nghệ, Trung Quốc sở hữu nhiều bằng sáng chế công nghệ nhất về sạc nhanh và sạc không dây tính đến năm 2019. Nhiều thành phố của Trung Quốc đã trở thành thị trường xe năng lượng mới hàng đầu thế giới. Năm 2020, 14 trong số các “thủ đô xe năng lượng mới” trên thế giới là ở Trung Quốc.

TRUNG QUỐC LÀM ĐIỀU ĐÓ

NHƯ THẾ NÀO?

Trên cơ sở một tầm nhìn rõ ràng, Trung Quốc đã xây dựng chiến lược nhất quán, với những mục tiêu cụ thể, nhằm hướng tới mục tiêu cốt lõi là xây dựng "nền kinh tế carbon thấp".

1 Trung Quốc ngay từ đầu đã đưa ra những chiến lược và kế hoạch quốc gia rõ ràng, như các Kế hoạch 5 năm công tác tổng hợp về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải do Quốc Vụ viện đề ra đã xác định các lĩnh vực đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải, mà cụ thể hơn là sử dụng năng lượng mới cho phương tiện giao thông, thay thế dần cho nhiên liệu hóa thạch, đồng thời hỗ trợ xây dựng các công trình phụ trợ liên quan. Bắc Kinh đặt ra các chỉ tiêu cụ thể cho phát triển phương tiện sử dụng năng lượng mới, bao gồm quy mô thị trường, tỷ lệ sử dụng công nghệ, các chính sách và kinh phí liên quan,...

Thí dụ, Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 đặt chỉ tiêu trong 5 năm lượng tiêu thụ xe năng lượng mới đạt 5 triệu chiếc vào năm 2025, Dự án thí điểm "Mười thành phố, nghìn phương tiện", cũng như các chương trình trợ giá, giảm thuế đều phát triển từ các kế hoạch cấp vĩ mô này.

2 Tập trung xây dựng chuỗi cung ứng trong nước: Ngay từ đầu trong chiến lược phát triển xe năng lượng mới, Trung Quốc đã tập trung vào việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của riêng mình. Mấy năm gần đây, Trung Quốc đầu tư hơn 200 nghìn NDT cho ngành công nghiệp xe năng lượng mới. Hiện nay, Trung Quốc vượt Hoa Kỳ và châu Âu về sản xuất pin xe và đã xây dựng được một chuỗi cung ứng xe năng lượng mới tương đối hoàn chỉnh và mạnh mẽ.

Trung Quốc không chỉ phát triển một chuỗi cung ứng sản xuất pin xe trong nước tương đối hoàn chỉnh mà còn xây dựng một mạng lưới sạc công cộng lớn nhất thế giới. Cứ 10 bộ sạc xe điện công cộng trên thế giới thì có 6 bộ được sản xuất ở Trung Quốc.

Hệ thống sạc điện trên đường phố.

Hệ thống sạc điện trên đường phố.

Theo Reuters, Geely của Trung Quốc (GEELY.UL) đặt mục tiêu thiết lập 5.000 trạm thay pin cho xe điện (EV) trên toàn cầu vào năm 2025, khi doanh số bán hàng của hãng này đang tăng trưởng tại thị trường xe lớn nhất thế giới. Nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc Nio Inc (NIO.N) thì lên kế hoạch xây dựng 4.000 trạm thay pin trên toàn cầu vào năm 2025.

3 Chính sách đổi mới: Trung Quốc cũng xây dựng một bộ công cụ chính sách sáng tạo để giúp khởi động thị trường xe năng lượng mới lớn nhất chỉ trong một thập kỷ, bao gồm các chương trình thí điểm, hỗ trợ mua xe năng lượng mới, giảm thuế, đặt nhiệm vụ sản xuất xe năng lượng mới cho các hãng xe với chương trình "tích điểm kép" và một loạt các biện pháp khác phù hợp với điều kiện.

Chương trình “Mười thành phố nghìn phương tiện”được đưa ra vào tháng 1/2009, mục đích là thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính, trong khoảng 3 năm, mỗi năm chọn ra 10 thành phố, mỗi thành phố sẽ đưa 1.000 xe năng lượng mới vào sử dụng thí điểm trong các hoạt động giao thông công cộng, cho thuê, công vụ, hành chính, bưu chính và các lĩnh vực khác, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2012 quy mô vận hành xe năng lượng mới trên toàn quốc chiếm 10% thị phần của ô-tô truyền thống. 

Để thúc đẩy thị trưởng xe năng lượng mới, Bắc Kinh cũng chi ra hàng nghìn tỷ NDT để hỗ trợ người mua xe hoặc thực hiện chính sách miễn thuế mua xe cho người mua xe.

Theo Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc, từ năm 2016 đến năm 2020, BYD nhận được 3.98 tỷ NDT tiền hỗ trợ cho 155 nghìn xe năng lượng mới của hãng này. Nhờ đó, số lượng tiêu thụ xe năng lượng mới của hãng này tăng cao. Năm 2016 đạt hơn 100 nghìn chiếc, tăng 234.7% so với cùng kỳ; năm 2017 đạt 110 nghìn chiếc, tăng 70%; năm 2018 đạt 247 nghìn 800 chiếc, chiếm 47.59% tổng số lượng xe tiêu thụ của hãng; năm 2019 đạt 219.353 chiếc, chiếm 50% tổng số xe tiêu thụ và năm 2020 đạt 189.689 chiếc, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Vào giữa năm 2020, Trung Quốc phát động Chiến dịch “xe năng lượng mới về nông thôn” nhằm mục đích huy động và thúc đẩy ngành xe năng lượng mới phát triển ở thị trường nông thôn. Chính sách này đã tạo động lực cho thị trường các xe năng lượng mới nhỏ, với giá cả phải chăng hơn và giúp doanh số bán hàng xe năng lượng mới của quốc gia phục hồi trong nửa cuối năm.

Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 10/2020, số lượng xe năng lượng mới tiêu thụ luỹ kế đạt 901 nghìn chiếc, trong đó 3 tháng gần nhất lần lượt đạt 109 nghìn chiếc, 138 nghìn chiếc và 160 chiếc, tăng 25,8%, 67,7% và 104,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường nông thôn là một thị trường rộng lớn. Ban đầu các hãng xe không mấy lạc quan về việc đưa xe năng lượng mới về nông thôn. Một số cho rằng, khi nhà nước không trợ cấp người tiêu dùng nữa, thì việc đưa xe về nông thôn không có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng, hiệu quả đạt được tốt hơn nhiều so với kỳ vọng.
Hứa Hải Đông, Phó Kỹ sư trưởng Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc.

Bên cạnh đó,  các thị trường hàng đầu như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã phát triển các chính sách mạnh mẽ tạo động lực cho ngành này phát triển. Thâm Quyến triển khai đội xe buýt điện và taxi điện, giúp thành phố đạt được chất lượng không khí đẳng cấp thế giới và góp phần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch. 

Năm 2020, mức thâm nhập thị trường của các sản phẩm xe năng lượng mới tại Liễu Châu đạt 24%, điều này nhờ vào các chiến dịch thu hút người tiêu dùng và nỗ lực mạnh mẽ trong việc bảo đảm và cung cấp chỗ đậu xe miễn phí cho xe năng lượng mới.

Các phương tiện năng lượng mới sẽ thống trị thị trường ô-tô lớn nhất thế giới trong khoảng 10 năm nữa, đó là dự đoán gần đây của hai giám đốc điều hành từ các công ty ô-tô điện lớn của Trung Quốc.

HIỆU QUẢ RÕ RỆT

KHÓ KHĂN CÒN NHIỀU

Hiệu quả rõ rệt

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, cứ mỗi 100 triệu xe năng lượng mới được đưa vào sử dụng sẽ giúp làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu tương ứng1,2 triệu thùng mỗi ngày. Sau năm 2025, mức tiêu thụ dầu trên toàn thế giới của xe con sẽ đạt đỉnh, khoảng 23 triệu thùng/ngày. Vào năm 2040, ngay cả khi sản lượng ô-tô toàn cầu tăng 80%, lượng tiêu thụ dầu sẽ giảm trở lại mức hiện tại. Mặc dù số lượng xe năng lượng mới hiện tại còn hạn chế, nhưng hiệu quả tiết kiệm năng lượng ngày càng rõ rệt.

Năm 2019, việc sử dụng xe buýt điện trên toàn cầu giúp giảm lượng tiêu thụ dầu thô là 233 nghìn thùng. Cộng thêm mức tiêu thụ năng lượng do xe năng lượng mới tiết kiệm được, lượng dầu thô tiêu thụ mỗi ngày giảm 279 nghìn thùng, gần tương đương với lượng dầu mà Hy Lạp tiêu thụ hằng ngày. Ước tính đến năm 2040, sẽ có khoảng 300 triệu xe năng lượng mới được đưa vào sử dụng, giúp giảm 3 triệu thùng dầu tiêu thụ mỗi ngày.

Năm 2020, xe năng lượng mới giúp thay thế 2.511 triệu tấn dầu, đến năm 2030 là hơn 12,2 triệu tấn, tương đương với 10% sản lượng dầu hằng năm. 

Theo số liệu về mức sở hữu ô-tô của Trung Quốc năm 2020 là 140 triệu chiếc, thì có thể tiết kiệm và thay thế 63,39 triệu tấn dầu, tương đương với việc giảm nhu cầu dầu ô-tô là 22,7%. Trước năm 2020, việc tiết kiệm và thay thế xăng dầu sẽ được thực hiện bằng việc phát triển các loại xe chạy bằng động cơ diesel tiên tiến và xe hybrid.

Đến năm 2030, việc phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng mới sẽ giúp quốc gia này tiết kiệm được 73,06 triệu tấn dầu, thay thế 91 triệu tấn dầu, tiết kiệm và thay thế tổng cộng 164,06 triệu tấn dầu, tương đương với việc giảm 41% nhu cầu dầu ô-tô. Khi đó, nhiên liệu sinh học và pin nhiên liệu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thay thế xăng dầu ô-tô.

Báo cáo của hãng BYD cho biết, tháng 11/2020, hãng bán được 25.553 chiếc xe năng lượng mới dân dụng, nâng tổng số xe sản xuất và bán ra là gần 900 nghìn chiếc. Với đà đó, trung bình mỗi năm giảm khoảng 9.42 triệu tấn khí phát thải, tương đương với việc trồng thêm 942 triệu cây xanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh xe năng lượng mới cũng không ngừng đầu tư cải thiện mức tiêu thụ điện của xe, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh mà còn nâng cao giá trị sạch của sản phẩm.

Theo tính toán của các chuyên gia, mức tiêu thụ điện trung bình của xe chạy điện ước tính sẽ giảm xuống 12kWh/100km vào năm 2025, trong khi doanh số xe năng lượng mới sẽ tăng đến 20% tổng doanh số bán xe. Sự tiện lợi của việc sạc lại hoặc thay thế hệ thống điện sẽ tăng lên đáng kể so với cùng kỳ. Mức tiêu thụ điện năng trung bình hiện nay của xe điện thuần túy (NEV) là hơn 15kWh /100km, trong khi doanh số NEV chiếm khoảng 5% tổng mức tiêu thụ. Việc giảm mức tiêu thụ điện đi cùng với tăng lượng xe tiêu thụ sẽ góp phần tiết kiệm đáng kể năng lượng.

Có thể thấy việc đưa xe năng lượng mới vào sử dụng là một trong những biện pháp tất yếu giúp Trung Quốc thực hiện mục tiêu chiến lược giảm khí phát thải, tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao năng lượng hóa thạch,… và ngành công nghiệp ô-tô năng lượng mới sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp xe năng lượng mới sẽ trở thành một trong những ngành chủ chốt trong tương lai, bởi giá trị ngành đem lại là rõ ràng về cả mặt lợi ích kinh tế lẫn việc giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững. Song con đường thực hiện mục tiêu đã định còn nhiều khó khăn và thử thách.

Thách thức không nhỏ

Mặc dù, xe năng lượng mới được xác định trở thành ngành công nghiệp trụ cột trong tương lai của Trung Quốc, và là bước đi quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược "Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải", tiến tới xây dựng nền kinh tế Carbon thấp, song để thực hiện được mục tiêu đó, ngành này phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

Cạnh tranh nhiều mặt: Xe năng lượng mới sẽ phải cạnh tranh với xe truyền thống vốn vẫn đang chiếm thị phần chính. Chi phí sản xuất xe năng lượng mới hiện còn cao, dẫn đến giá thành cao, đặc biệt sau khi Trung Quốc dừng các chính sách hỗ trợ mua xe năng lượng mới, thì đây chính là yếu tố cản trở sự cạnh tranh của dòng xe này với dòng xe truyền thống.

Năm 2020, Tập đoàn sản xuất ô-tô Trường An đã giảm 4000 NDT tiền lợi nhuận vì chính sách “tích điểm kép”, xe năng lượng mới vận hành tốt hơn, tiện hơn xe truyền thống, nhưng lại không vì thế mà tạo ra giá trị chênh hơn. 
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sản xuất ô-tô Trường An Châu Hoa Vinh.

Đó còn chưa nói đến câu chuyện các hãng xe điện cạnh tranh lẫn nhau trong bối cảnh thị trường vẫn còn giới hạn.

Niềm tin của người tiêu dùng với xe năng lượng mới chưa cao, cộng thêm việc thay đổi thói quen lựa chọn ô-tô cần một thời gian và nhiều yếu tố khác.

Điều người tiêu dùng quan tâm nhất không còn chỉ là vấn đề về pin, giá cả hay mức tiết kiệm năng lượng mà còn cân nhắc về độ an toàn và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt khi chọn xe gia đình, người dùng càng cẩn trọng. Vậy nên, để đẩy mạnh phát triển xe năng lượng mới, tính an toàn của sản phẩm cần được khẳng định.

Ý thức được vấn đề này, hãng xe điện Chery không tập trung vào việc bán hàng mà tập trung vào việc bảo hành sau bán hàng cho người dùng. Trước đây, chế độ bảo hành hệ thống xe điện nói chung là 8 năm hoặc 120 nghìn km, thì nay hãng này đưa ra lời hứa bảo hành trọn đời cho toàn bộ xe, nhằm cung cấp cho người dùng sự bảo đảm sau bán hàng toàn diện và an toàn hơn trên cơ sở bảo hành trọn đời về pin, động cơ và điều khiển điện tử.

Xe điện Chery với sự bảo hành trọn đời từ hãng đã phần nào lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Xe điện Chery với sự bảo hành trọn đời từ hãng đã phần nào lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Các hãng xe khác nhau cần có những cách thức khác nhau để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình nhằm lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Bản thân đây cũng là một cuộc cạnh tranh gay gắt đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các hãng xe.

Hiệu suất pin: Sự phát triển đột phá trong công nghệ pin, một trong những công nghệ cốt lõi, còn chậm, phần nào ảnh hưởng đến quyết định mua xe của người tiêu dùng. Đầu tư phát triển kỹ thuật để nâng cao hiệu suất pin là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của ngành này, song đây thực sự cũng là một bài toán.

Đòi hỏi đầu tư lớn: Trung Quốc sẽ cần đầu tư nhiều hơn nữa để mở rộng phạm vi sử dụng trên toàn quốc, bao gồm hệ thống lưới điện, sạc điện, quá trình tiếp thị để thay đổi tư duy tiêu dùng người dân,... Đây sẽ là một khoản đầu tư lớn và ắt hẳn phải là kế hoạch dài hạn.

Chính sách dài hơi

Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành “Quy hoạch phát triển ngành sản xuất xe năng lượng mới (2021-2035)” (sau gọi tắt là “Quy hoạch”), trong đó xác định thúc đẩy ngành sản xuất xe năng lượng mới phát triển bền vững, chất lượng cao, đẩy nhanh mục tiêu trở thành cường quốc ô-tô.

Quy hoạch xác định rõ, đến năm 2025, mức tiêu thụ điện năng trung bình của các loại xe điện giảm xuống còn 12,0 kWh / 100 km, doanh số bán xe chạy bằng năng lượng mới đạt khoảng 20% ​​tổng doanh số bán xe ô-tô nói chung. Đến năm 2035, xe điện sẽ trở thành loại hình phương tiện chủ yếu, điện hóa toàn bộ các xe công cộng, thực hiện việc ứng dụng thương mại đối với các loại xe chạy pin nhiên liệu, triển khai quy mô lớn các loại xe tự lái, nâng cao hiệu quả công tác tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.

Cụ thể, năm 2020 Trung Quốc dừng các khoản hỗ trợ mua xe năng lượng mới, chuyển sang hỗ trợ quá trình vận hành và cơ sở hạ tầng tương ứng; nâng cao yêu cầu về tiêu hao năng lượng; nới rộng các hạn chế về tỷ lệ góp vốn trong ngành xe năng lượng,  mở cửa rộng hơn ngành sản xuất xe năng lượng mới và pin xe, ủng hộ cạnh tranh chất lượng cao.

Việc dừng hỗ trợ cho người mua xe tuy sẽ làm giảm phần nào lượng tiêu thụ xe năng lượng mới, song đó lại là cách tính về lâu dài của Bắc Kinh. Bởi điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ chuyển chi phí hỗ trợ người mua xe sang chi phí cho cơ sở hạ tầng - yếu tố quan trọng cho sự phát triển lâu dài của ngành.

Ở một khía cạnh khác, Trung Quốc yêu cầu các hãng xe thực hiện nhiệm vụ "tích điểm kép", tức áp một tỷ lệ nhất định cho các hãng xe trong việc sản xuất và tiêu thụ xe năng lượng mới. Mặc dù có thể đây là áp lực cho các hãng xe, song sẽ là cách để các hãng xe - những nhân tố quan trọng góp trách nhiệm trong việc điện hóa giao thông.

Bên cạnh đó, quốc gia này cũng yêu cầu các doanh nghiệp ô-tô nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, tăng tốc độ đột phá các thiết bị sản xuất chủ chốt, cải thiện quy trình và hiệu quả sản xuất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, nhằm đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp xe năng lượng mới.

Là bước đi tất yếu để thực hiện Chiến lược "Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải", tiến tới nền kinh tế carbon thấp, Trung Quốc quyết tâm phát triển ngành công nghiệp xe năng lượng mới và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chặng đường phải đi vẫn còn dài và nhiều khó khăn. Bất luận điều đó, nhiều chuyên gia tin rằng, thậm chí Trung Quốc có thể thực hiện trước thời hạn những mục tiêu và kế hoạch đề ra. Trở thành thị trường lớn nhất thế giới về xe năng lượng mới, đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ có thể thành công đi đầu trên con đường tiết kiệm năng lượng.


Ngày xuất bản: 11/11/2021
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: MINH THU, HỒNG VÂN
Trình bày: MINH THU, PHAN ANH
Dữ liệu: Quốc Vụ viện Trung Quốc, Bộ Công an Trung Quốc, Hiệp hội xe ô-tô Trung Quốc,...
Ảnh: Reuters, BYD, baidu