Xây dựng sản phẩm du lịch nội thành

Ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch nội thành nhằm thu hút du khách đến thành phố. Nhiều tua trải nghiệm gần đây ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố cho thấy, những sản phẩm du lịch này hoàn toàn có thể “làm nên chuyện” nếu được đầu tư đúng mức.

Cuối tháng 5 vừa qua, Sở Du lịch thành phố phối hợp quận Tân Phú cho ra mắt tua du lịch “Tân Phú-Đi là nhớ”. Điều này khiến nhiều người bất ngờ khi trước nay Tân Phú chưa phải là một quận có tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, với những điểm đến trong chương trình “Tân Phú-Đi là nhớ”, du khách trong và ngoài thành phố có thể tìm thấy những điều hấp dẫn mà Tân Phú mang lại. Du khách sẽ được ghé thăm địa đạo Phú Thọ Hòa, một công trình đầy sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Lộc Hòa, Phú Thọ vừa được chỉnh trang, tu bổ và bổ sung nhiều hạng mục. Tiếp đến là chùa Pháp Vân được xây dựng năm 1965. Tòa tháp cao 14 tầng (64m) tại ngôi chùa này đang nắm giữ ba kỷ lục Việt Nam, gồm tượng Bồ Tát Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt (ở thế đứng) bằng đồng cao nhất Việt Nam; cặp kỳ lân bằng đá hoa cương lớn nhất; kinh Bát Nhã bằng tiếng Việt được khắc lộng vào bộ cửa bằng gỗ sao lớn nhất. Tham quan khu vực chợ vải sầm uất dọc tuyến đường Phú Thọ Hòa; tham quan Bảo tàng sâm Ngọc Linh, nơi trưng bày hơn 400 hiện vật về giống sâm quý của Việt Nam. Ngoài tua khám phá quận Tân Phú, nhiều đơn vị lữ hành đã bắt đầu khai thác những điểm đến mới tại các quận, huyện ở thành phố như quận 5, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn,… kết hợp với những chuyến tham quan tại các tỉnh, thành phố lân cận. Những sản phẩm du lịch này đã góp phần làm mới các điểm đến tại thành phố, mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch. Mỗi quận, huyện đều có những nét đặc sắc có thể đầu tư, phát triển thành điểm đến thú vị cho du khách gần, xa. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thành phố chỉ mới là điểm “trung chuyển” của du khách trong và ngoài nước mà chưa phát huy được tiềm năng của một điểm đến an toàn, hấp dẫn với những thế mạnh riêng của mình. Nhận ra được điều đó, đặc biệt, khi tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, việc phát triển du lịch nội địa vẫn là thế mạnh trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố đã chú trọng, đầu tư mạnh mẽ để mỗi quận, huyện đều có những sản phẩm du lịch, trở thành một điểm đến mang nhiều điều mới lạ cho du khách.

Để thành phố Hồ Chí Minh trở thành một điểm đến hấp dẫn, giữ chân được du khách, ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn tại các quận, huyện, thành phố cần đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng, cải thiện hơn nữa về vấn đề môi trường ở các điểm đến. Thành phố cần nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo hướng phù hợp với thị hiếu của du khách sau đại dịch. Công tác truyền thông cần được đẩy mạnh, có sức lan tỏa hơn nữa để người dân thành phố, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn những sản phẩm du lịch nội thành.