Vĩnh Long ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực

Trong năm 2021, song song với việc ứng dụng hiệu quả nhiều nền tảng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long còn tích cực xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản và triển khai công tác quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh ở nhiều lĩnh vực.

 Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đơn vị nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Bá Dũng).
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đơn vị nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Bá Dũng).

Từ chủ trương này, đã khuyến khích và hỗ trợ được nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế xã hội, đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực về công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số; triển khai Chính quyền điện tử, ứng dụng dịch vụ phục vụ nội bộ và người dân, doanh nghiệp; ứng dụng chuyên ngành và triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

Nhiều nền tảng ứng dụng hiệu quả:

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long, đến nay mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống mạng hoạt động ổn định thông suốt. 100% sở, ban, ngành, địa phương có xây dựng hệ thống mạng LAN kết nối mạng WAN của tỉnh, tỷ lệ máy tính kết nối Internet đạt 98%. Hệ thống tường lửa (firewall) đảm bảo an toàn thông tin được triển khai, 100% sở, ban, ngành, huyện, xã vận hành ổn định và đảm bảo an toàn hệ thống; triển khai hệ thống họp trực tuyến kết nối với Chính phủ đến 107/107 xã, phường, thị trấn.

Tháng 8/2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Vĩnh Long đã nâng các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4. Hiện nay, có 18 sở, ban, ngành; 8 huyện, thị xã, thành phố; 107/107 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, mức 3 và mức 4 trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh (https://dichvucong.vinhlong.gov.vn; https://motcua.vinhlong.gov.vn).

Kết quả, đến ngày 31/10/2021, đã cấu hình, cập nhật dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 cho 1081/1081 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, đạt tỷ lệ 100%. Hiện tại, tích hợp và hoàn thành kiểm thử 737 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2021, tỷ lệ 68,17%, dự kiến ngày 20/12/2021 hoàn thành 100%. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối, liên thông 3 cấp trên toàn tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia qua Trục kết nối, liên thông của tỉnh (LGSP) theo quy định. Đến tháng 11/2021, đã hoàn thành 5 kết nối, chia sẻ dữ liệu; đang thực hiện 4 kết nối, chia sẻ dữ liệu; chuẩn bị thực hiện 4 kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Vĩnh Long ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực -0
Vĩnh Long kết nối họp trực tuyến từ Trung ương đến tận 107 xã phường trong tỉnh. (Ảnh: Bá Dũng) 

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai đến 100% cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống thư điện tử tỉnh triển khai đến 100% đơn vị; tổng số hộp thư điện tử hiện đang hoạt động là 11.101 hộp thư; cấp 2.078 chứng thư số cho 100% cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã; xây dựng cổng/trang thông tin điện tử 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã…

Triển khai nền hệ thống https://covid.yte.gov.vn/ và bản đồ thông tin dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh (bandocovid.vinhlong.gov.vn); nền tảng quản lý lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm tại các huyện, thị xã, thành phố; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng truy vết. Các nền tảng, ứng dụng được liên kết, tích hợp vào ứng dụng “Smart Vĩnh Long”, hệ thống giám sát điều hành dịch vụ đô thị thông minh. Nền tảng tiếp nhận phản ánh người dân trên PC-Covid, trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19; hệ thống Giám sát camera tại các điểm kiểm dịch, khu cách ly, chợ…; hệ thống Quản lý chuỗi lây nhiễm; quản lý người lao động tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Thực hiện Quyết định số 3613/QĐ-UBND, ngày 31/12/2020 của ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long, hiện tại, các ứng dụng trong thí điểm Dịch vụ đô thị thông minh đều kết nối và chia sẻ, tập trung và thông suốt cho người sử dụng; tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin sẵn có, tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các hệ thống sẵn có về Trung tâm Giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh. Ứng dụng App công dân cung cấp thông tin chính quyền, điểm tin, một số tiện ích đối với 20 lĩnh vực.

Đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử

Sở Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ các sở, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai sàn giao dịch điện tử. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 sàn thương mại điện tử do Sở Công thương và Sở Nông nghiệp, phát triển nông thôn chủ trì nhằm quảng bá các loại nông sản, sản phẩm OCOP và các sản phẩm khác là www.trade.vinhlong.gov.vn (thu hút trên 230 cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, với gần 1.000 sản phẩm) và Sàn giao dịch nông sản tỉnh Vĩnh Long (www.nsvl.com.vn). Ngoài ra, Viettel Post Vĩnh Long và Bưu điện Vĩnh Long đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn; số sản phẩm đưa lên sàn của 2 sàn là: 42 sản phẩm (33 sản phẩm lên sàn của voso.vn, 9 sản phẩm đưa lên sàn của Postmart.vn) hỗ trợ tiêu thụ được trên voso.vn hơn 100 tấn nông sản và đã góp phần đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.

Vĩnh Long ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực -0
 Đưa nông sản lên sàng giao dịch điện tử mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Đăng ký sàn thương mại điện tử Voso gắn giá trị sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng gia đình, từng hộ nông dân với sản lượng đơn hàng là 2.200, doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2021 là 1.416.900.386 đồng, tăng trưởng 153% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng đơn hàng tăng trưởng 244% (6 tháng năm 2020: 900 đơn hàng; năm 2021: 2.200 đơn hàng).

Hỗ trợ xây dựng 25 website cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh (trong đó 10 hỗ trợ miễn phí và xây dựng trên nền IPv6 theo chương trình phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam - VNNic); tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, 4 lớp đào tạo kỹ năng cho các cơ sở, doanh nghiệp; tổ chức cuộc thi tìm hiểu thương mại điện tử với 887 lượt tham dự.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long, Huỳnh Hoàng Thành, cho biết: “Về lĩnh vực công nghệ thông tin thì tỉnh Vĩnh Long đã tập trung xây dựng chính quyền điện tử ngày càng phát triển mang lại hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước và sự tiện lợi cho người dân. Hạ tầng từng bước được đồng bộ, ứng dụng trong cơ quan nhà nước tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính phục vụ tốt cho nhân dân”.

“Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được hình thành tạo nền tảng phát triển ứng dụng công nghệ. Việc triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh bước đầu mang lại hiệu quả trong công tác quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội do tác động của dịch bệnh Covid-19 phải làm việc trực tuyến từ Trung ương đến tận xã. Thông qua hệ thống giám sát, nắm bắt và giải quyết kịp thời những phản ánh hiện trường của tổ chức, doanh nghiệp và người dân”, ông Huỳnh Hoàng Thành nhấn mạnh.