Tiếp sức người dân vượt qua dịch bệnh

Sau gần ba tháng căng mình chống dịch, đến nay, tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố miền trung cơ bản được kiểm soát.

Ðà Nẵng cấp phát gạo hỗ trợ người dân.
Ðà Nẵng cấp phát gạo hỗ trợ người dân.

Hiện nay, TP Ðà Nẵng và các tỉnh trong khu vực miền trung như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… cơ bản cắt được các chuỗi lây nhiễm, có cơ sở xác định, đánh giá được các vùng có nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, linh hoạt. Bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân là nhiệm vụ được chính quyền các địa phương thực hiện với quyết tâm cao nhất. 

Hỗ trợ kịp thời, đúng thời điểm

TP Ðà Nẵng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 suốt hai năm qua. Khi làn sóng dịch thứ tư xuất hiện, chỉ tính từ ngày 10/7 đến nay, Ðà Nẵng ghi nhận hơn 4.670 ca mắc Covid-19. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề lên mọi mặt kinh tế - xã hội, hai năm liên tiếp kinh tế Ðà Nẵng tăng trưởng âm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm có hơn 540 doanh nghiệp giải thể, 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, gần 22 nghìn lao động phải dừng việc làm, hơn 26 nghìn lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động. Chính quyền TP Ðà Nẵng đã quyết định hy sinh lợi ích kinh tế, đóng cửa toàn thành phố, thực hiện cấp độ phòng, chống dịch trên mức Chị thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16).

Ðồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Ðà Nẵng, cho biết, ngoài việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, tính đến thời điểm này, thành phố triển khai 10 chính sách hỗ trợ riêng cho người dân và sẽ chi thêm hơn 200 tỷ đồng để giúp đỡ hộ kinh doanh cá thể, người mất việc làm. Ðây là chính sách kịp thời, giàu tính nhân văn, quan tâm các đối tượng yếu thế và toàn dân, không chỉ đối với 301 nghìn hộ dân của Ðà Nẵng mà còn hỗ trợ 161 nghìn hộ dân thuê nhà, phòng trọ, sinh viên... "TP Ðà Nẵng đã chi hơn 790 tỷ đồng trích từ ngân sách dự phòng để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Rất mừng là thành phố có tích lũy từ sự phát triển lâu nay nên có nguồn lực tài chính để đáp ứng kịp thời các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân", đồng chí Phó Bí thư Thành ủy khẳng định.

Tại tỉnh Phú Yên, TP Tuy Hòa, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 đã đặc biệt quan tâm ổn định đời sống nhân dân, khẩn trương hỗ trợ túi an sinh cho người dân tại 31 khu phong tỏa trên địa bàn. Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa Cao Ðình Huy cho biết, địa phương quyết định phân bổ kinh phí hơn 667,8 tỷ đồng hỗ trợ 2.226 túi an sinh kịp thời giải quyết các khó khăn cho toàn bộ số hộ trong các khu phong tỏa, cách ly y tế nhiều ngày. Ông Nguyễn Thanh Hòa, lao động tự do (trú phường 9, TP Tuy Hòa) bày tỏ: "Chúng tôi là lao động tự do, chuyên chạy xe ba gác, dịch bệnh khiến tôi mất việc nhiều tháng qua, đời sống rất khó khăn. Ðược nhận hỗ trợ từ Chính phủ là rất mừng". Theo ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, mục tiêu của địa phương là các nhóm đối tượng theo quy định của Chính phủ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải được nhận hỗ trợ. Hiện, toàn tỉnh đã có 57.916 người được nhận hỗ trợ, tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng và có 2.087 hồ sơ đang được trình thẩm tra để được nhận hỗ trợ. Tại Quảng Ngãi, cùng với nguồn hỗ trợ của cộng đồng, tỉnh Quảng Ngãi phân bổ hơn 692,7 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 15.272 hộ gia đình, 46.183 khẩu ở 13 huyện, thị xã, thành phố. Ðối tượng trợ cấp gạo là các hộ gia đình thiếu đói, người lao động mất việc, không bảo đảm đời sống và có nguy cơ thiếu đói.

Tiếp sức người dân vượt qua dịch bệnh -0

Huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) trao tiền hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. 

Ổn định đời sống an sinh

Trường mầm non tư thục Bảo An là cơ sở đầu tiên trên địa bàn TP Ðồng Hới (tỉnh Quảng Bình) được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình ký hợp đồng tín dụng giải ngân cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Hiệu trưởng nhà trường Trần Thị Tuân cho biết, Nghị quyết 68 là một chính sách đầy nhân văn, thể hiện sự động viên, giúp đỡ kịp thời của Chính phủ đối với những doanh nghiệp khó khăn. Trường được vay 117,6 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 12 lao động, góp phần động viên doanh nghiệp và giáo viên tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Hiện nay, tại TP Ðà Nẵng tiếp tục rà soát các hộ dân gặp khó khăn và dự kiến hỗ trợ cho 65 nghìn lao động tự do, thợ nề, công nhân xây dựng, lái xe ôm, taxi, grab, giáo viên trường mầm non không có hợp đồng lao động, ngư dân, với số tiền khoảng 103 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đang tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI như đơn giản hóa thủ tục hành chính; miễn giảm, giãn thuế; miễn giảm tiền thuê đất...

Mặc dù các địa phương đã nỗ lực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân vượt qua dịch bệnh, nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn kinh phí để hỗ trợ cho hàng nghìn lao động tự do, người dân về từ vùng dịch các tỉnh phía nam. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Hữu Dũng cho biết, khó khăn lớn nhất của tỉnh là tìm nguồn kinh phí hỗ trợ các đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Dự kiến tổng kinh phí hơn 137,2 tỷ đồng để chi hỗ trợ cho hơn 137.200 người. Ðây là kinh phí vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Tại tỉnh Quảng Bình, hiện số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, vừa tập trung cho công tác phòng, chống dịch vừa triển khai chính sách gặp nhiều khó khăn khi lập hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ, chi trả hỗ trợ, dẫn đến chậm, ảnh hưởng đời sống an sinh.

Từ thực tế này, các địa phương kiến nghị cần bổ sung, tháo gỡ một số quy định trong Nghị quyết 68 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bổ sung hỗ trợ đối với người cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động, người lao động, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ đối với hàng nghìn lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19.