Nhìn lại 60 ngày giãn cách xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Đến ngày 18/9, đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua hơn 60 ngày, với ít nhất 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống, dịch Covid-19. Toàn vùng có hơn 70.000 ca nhiễm, trong đó cao nhất là Long An 29.570 ca, Tiền Giang 12.642 ca, Đồng Tháp 8.099 ca, TP Cần Thơ 5.118 ca…

Hơn 60 ngày giãn cách, TP Cần Thơ vẫn chưa đạt mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19, tiếp tục giãn cách trên quy mô 5 quận.
Hơn 60 ngày giãn cách, TP Cần Thơ vẫn chưa đạt mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19, tiếp tục giãn cách trên quy mô 5 quận.

Ca bệnh đầu tiên của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận ngày 28/5 (theo công bố của Bộ Y tế) tại tỉnh Long An, liên quan đến ổ dịch Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng (chưa được phép hoạt động) tại TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, TP Cần Thơ là địa phương cuối cùng của đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại chợ đầu mối Tân An, quận Ninh Kiều vào ngày 8/7 nhưng dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp.

Giãn cách kéo dài

Ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản khẩn chỉ đạo 19 tỉnh, thành phía nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Lúc bấy giờ, dịch bệnh đã lan rộng, lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng, khó kiểm soát.

Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu 19 tỉnh, thành phía nam tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong thời gian 14 ngày (lần thứ 2), bắt đầu từ ngày 1/8. Đến ngày 15/8, hầu hết các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội lần thứ ba, với thời gian từ 7 - 10 ngày, tùy tình hình diễn biến dịch bệnh của địa phương.

Qua 2 đợt giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với hơn 30 ngày, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát, xuất hiện nhiều ổ dịch mới. Đến 17 giờ ngày 25/8, 13 tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận 47.200 ca nhiễm Covid-19.

25/8 là ngày cuối cùng của đợt thứ 3 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, trong 7 ngày đã xuất hiện 5 chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới tại TP Vĩnh Long, huyện Vũng Liêm, huyện Trà Ôn và huyện Bình Tân. Đến sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ký quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đợt 4 thêm 10 ngày, đến hết ngày 4/9.

Trước đó, ngày 23/8, qua thực hiện xét nghiệm nhanh để tầm soát người bệnh và người nhà chăm sóc bệnh nhân ở đơn vị thận nhân tạo Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp qua đó phát hiện 72 người dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 54 bệnh nhân và 18 người nhà bệnh nhân. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ký quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đợt 4, đến 0 giờ ngày 5/9.

Cần Thơ thực hiện chiến dịch xét nghiệm toàn dân, sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, mục tiêu đến ngày 25/8, toàn thành phố sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến ngày 24/8, Cần Thơ ghi nhận 28 ca mắc mới, trong đó có 7 ca xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã có văn bản tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đợt 4 thêm 14 ngày, từ 0 giờ ngày 25/8 - 8/9. Sau đó, địa phương này tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần thứ 5 thêm 10 ngày, đến 0 giờ ngày 18/9.

Nơi bình thường mới, chỗ vẫn loay hoay

Đến ngày 18/9, đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua hơn 60 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều tỉnh từng là “tâm dịch” với số ca nhiễm cao trong vùng nhưng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, “hạ” mức độ giãn cách từ Chỉ thị 16 về Chỉ thị 15, dần tiến tới trạng thái bình thường mới.

Mặc dù là tỉnh có đường biên giới Tây Nam tiếp giáp với nước bạn Campuchia, xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng khá sớm, lây lan, diễn biến phức tạp, nhưng bằng nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh sát thực tế, đến ngày 7/9, toàn tỉnh An Giang đã áp dụng giãn cách toàn tỉnh theo Chỉ thị 15.

Hơn nữa, tỉnh này vừa xuất hiện các ổ dịch Covid-19 mới tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân; 3 ổ dịch tại thị trấn Long Bình và xã Khánh An với cả trăm ca nhiễm cộng đồng, nhưng vẫn duy trì thực hiện Chủ thị 15 tại các huyện trên; chỉ áp dụng Chỉ thị 16 đối với phạm vi xã Khánh An và thị trấn Long Bình.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Sóc Trăng là tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, với nhiều giải pháp sát hợp thực tế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ. Sóc Trăng cũng là tỉnh đầu tiên trong vùng lập lại trạng thái bình thường từ 0 giờ ngày 16/9, đưa nhịp sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh sang một bước ngoặt mới.

Trong khi đó, vẫn còn một số địa phương vẫn loay hoay chưa kiểm soát được dịch bệnh và phải tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội trên phạm quận, huyện. Đặc biệt, tối 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp trực tuyến để chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang phải nắm sát diễn biến tình hình dịch bệnh, có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh trước ngày 30/9.

Ngày 17/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Phó Thủ tướng đánh giá đã hơn 2 tháng giãn cách, các lực lượng và nhân dân đã có nhiều cố gắng thực hiện theo quy định để giảm nguy cơ lây bệnh. “Nhưng với tinh thần không thể giãn cách mãi, vì vậy Kiên Giang phải xác định mốc thời gian cụ thể để chấm dứt. Trong thời gian Kiên Giang thực hiện giãn cách cho thấy nơi này, nơi nọ thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng người ở nơi khác về nhưng chưa phát hiện kịp thời. Vì vậy, cần quán triệt thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Tổ Covid cộng đồng, lực lượng công an cơ sở để quán lỷ địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tối 17/9, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường ban hành văn bản số 4007 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian 7 ngày (đến 25/9) trên phạm vi toàn quận đối với 5 quận: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt. Như vậy 3 quận trung tâm Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy tiếp tục thực hiện đợt giãn cách thứ 6 (tính từ ngày 12/7) với tổng thời gian lên đến 76 ngày (tính đến ngày 25/9).

Nhìn lại 60 ngày giãn cách xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long -0
5 quận giãn cách theo Chỉ thị 16 với 300 khu vực thì chỉ có 41 khu vực nguy cơ, nguy cơ cao.

Bức tranh kinh tế màu xám

Chiều 18/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên và tổ công tác đặc biệt Chính phủ đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 TP Cần Thơ. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao việc Cần Thơ đưa 4 huyện giảm mức độ giãn cách xuống theo chỉ thị 15. “Không chỉ ở những huyện “vùng xanh”, Cần Thơ có thể mạnh dạn nới lỏng giãn cách, cho phép các hoạt động trở lại ở các xã, ấp “vùng xanh” nằm trong quận “vùng đỏ”, cho người dân trở về tình trạng bình thường mới, chỉ hạn chế một số hoạt động có nguy cơ cao”, ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm, lưu lượng giao thông qua lại đông nên rất rủi ro. Tuy nhiên, việc thành phố giữ được 4 huyện “vùng xanh” là đáng khích lệ. Theo Phó Thủ tướng, không riêng Cần Thơ mà một số tỉnh, thành phía nam đang đứng trước sức ép lớn là sức khỏe người dân và mở cửa sản xuất.

“Giãn cách lâu, người dân khó khăn, doanh nghiệp khó khăn. Cần làm từng bước, chắc chắn, an toàn, nhưng phải mạnh dạn. Tập trung làm nhanh hơn, đúng trọng tâm trọng điểm. Đối với khu vực xanh, an toàn, đi vào sản xuất, nhưng phải cẩn thận. Đã mất nhiều công sức, hiện đã có 4 huyện xanh, phấn đấu vài tuần nữa thành phố về bình thường mới. Nếu đã an toàn, không đẩy mạnh sản xuất là không tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Các chuyên gia cho rằng, bức tranh kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trải qua thời gian giãn cách kéo dài đã trở nên xám, hàng chục ngàn doanh nghiệp rời khỏi thị trường, phá sản, chỉ còn chưa tới 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong tổng số 75.000 doanh nghiệp lớn nhỏ toàn vùng.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, đồng Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, nếu địa phương không “mở cửa” thì tình hình sản xuất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn. “Mở cửa” mà không có sự đồng bộ, 1 tỉnh không mở thì doanh nghiệp cũng không thể hoạt động. Nên mở cửa lại, sớm 1 ngày thì hay 1 ngày, đồng bộ cả vùng, cả nước.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, hằng năm, lượng hàng xuất khẩu tăng vào tháng 9-10 vì các nhà nhập khẩu nước ngoài đặt hàng bán dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không có hàng thì họ tìm hàng nước khác.

“Cần Thơ là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long mà không được hoạt động bình thường mới sớm thì kinh tế cả vùng sẽ bị thiệt hại”, Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định.