Ngoại thành Hà Nội trong trạng thái bình thường mới

Theo Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 6 đến 21/9, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội được thực hiện theo ba phân vùng. Trừ 10 quận, huyện ở khu vực trung tâm, các quận, huyện còn lại thuộc phân vùng 2 và phân vùng 3 được nới lỏng các biện pháp phòng dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 (Gia Lâm) trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: MINH HÀ
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 (Gia Lâm) trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: MINH HÀ

Việc thực hiện Chỉ thị số 20 diễn ra đúng thời điểm các huyện ngoại thành chuẩn bị thu hoạch lúa mùa, khiến nông dân rất phấn khởi. Trong khi đó, các doanh nghiệp được tạo điều kiện để phục hồi sản xuất.

Theo cách phân vùng của TP Hà Nội, "vùng vàng" là các quận, huyện phía đông và phía bắc thành phố gồm quận Long Biên, các huyện: Ðông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, "vùng xanh" gồm thị xã Sơn Tây và các huyện phía tây, phía nam thành phố. Ðây là những vùng sản xuất nông nghiệp và tập trung các khu, cụm công nghiệp lớn của Thủ đô.

Vụ mùa bội thu

Sau khi có quyết định về phân vùng trong phòng, chống dịch bệnh, các quận, huyện trong hai phân vùng trên đã tiếp tục phân vùng nguy cơ theo từng xã, phường, thị trấn để xây dựng các kịch bản sản xuất, chống dịch phù hợp.

Những cánh đồng lúa ở huyện Mỹ Ðức đã chín vàng. Ðây là một trong những địa bàn có diện tích gieo trồng lúa lớn nhất của Hà Nội với hơn 7.100 ha. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Ðức Trương Anh Tuấn cho biết:

"Năm nay, dự kiến vụ lúa mùa của huyện bội thu, năng suất đạt từ 62 đến 63 tạ/ha. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc ra đồng, thu hoạch phải bảo đảm nhanh, gọn. Do đó, tất cả các hợp tác xã (HTX) đã ký hợp đồng thuê máy gặt đập liên hợp, với 79 máy công suất lớn".

Huyện Chương Mỹ có tổng diện tích gieo cấy gần 7.300 ha. Nhìn chung, lúa được mùa, năng suất đạt hơn 60 tạ/ha. Tổng sản lượng dự kiến đạt khoảng 44.330 tấn. Ðể thu hoạch nhanh, gọn theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", huyện đã xây dựng kế hoạch thu hoạch lúa và rau màu vụ mùa, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nông dân, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Dù mới bắt đầu thu hoạch vụ mùa, nhưng huyện đã lên kế hoạch cho vụ đông, với diện tích gieo trồng 2.250 ha rau màu, trong đó, diện tích trồng rau các loại là 1.185 ha, ngô 500 ha, khoai lang 230 ha… Riêng đối với diện tích rau các loại, huyện khuyến khích và hướng dẫn nông dân trồng cây vụ đông sớm, tăng lứa; mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ tại các địa phương có đất vùng bãi, diện tích chuyên canh rau màu.

Trở về trạng thái bình thường mới cũng có ý nghĩa rất lớn đối với nông dân huyện Ðan Phượng, bởi đây là "vựa rau" của Hà Nội. Trung bình mỗi ngày, huyện cung cấp khoảng 45 tấn rau, củ cho thị trường. Huyện Phúc Thọ năm nay thu hoạch lúa sớm hơn so với nhiều địa bàn khác. Một số xã đã cơ bản hoàn thành. Các xã còn lại sẽ thu hoạch đến hết tháng 9. Huyện bố trí gần 60 máy gặt đập liên hợp và giao cho các HTX nông nghiệp tổ chức khâu dịch vụ, điều tiết máy gặt theo các nhóm hộ gia đình và từng xứ đồng. Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Xuân Ðình cho biết: "Lúa chín đều, rất thuận lợi cho thu hoạch bằng máy. Chưa đầy nửa tiếng, bốn sào lúa của gia đình tôi đã được thu hoạch xong. Gia đình chỉ cần cử người ra nhận thóc". Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Ðình Sơn cho biết, huyện đã giao UBND các xã, thị trấn chỉ đạo HTX nông nghiệp, trưởng thôn theo dõi từng khu vực để điều tiết máy gặt. Các hộ dân đăng ký ngày gặt với HTX và sẽ được phát phiếu, bảo đảm dưới 10 người có mặt tại thửa ruộng và thực hiện các quy định phòng dịch. Nhiều địa bàn bố trí mỗi cánh đồng một chốt kiểm tra y tế và tăng cường lực lượng dân quân sẵn sàng hỗ trợ nông dân thu hoạch trong trường hợp cần thiết. Ðến nay, việc thu hoạch lúa mùa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Doanh nghiệp áp dụng mô hình "hai tại chỗ"

Huyện Ðông Anh là địa bàn vừa có diện tích đất nông nghiệp lớn, đồng thời cũng là địa bàn có nhiều khu công nghiệp. Nằm trong "vùng vàng" - vùng có nguy cơ về dịch, cho nên mọi phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được tính toán kỹ càng. Ngày 5/9, UBND huyện Ðông Anh ban hành Công văn số 2798/UBND-KT hướng dẫn các doanh nghiệp, địa phương thực hiện các phương án sản xuất bảo đảm an toàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết: "Với quy định mới, ngoài các doanh nghiệp ở vùng nguy cơ cao, nguy cơ rất cao trên địa bàn huyện phải áp dụng nguyên tắc "ba tại chỗ", các doanh nghiệp khác được áp dụng phối hợp nguyên tắc "hai tại chỗ" với "một cung đường, hai điểm đến".

Ngoại thành Hà Nội trong trạng thái bình thường mới -0

Sản xuất đồ gia dụng ở nhà máy Tập đoàn Sunhouse (Khu công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: MINH HÀ 

Chuyên gia, người lao động đang cư trú tại vùng vàng, vùng xanh của huyện Ðông Anh và các quận, huyện vùng 2, vùng 3 của Hà Nội được phép thực hiện nguyên tắc "hai tại chỗ" (làm việc và ăn uống tại chỗ), nhưng phải cam kết với cơ quan, đơn vị, UBND huyện về bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch; ghi chép đầy đủ lịch trình di chuyển đến nơi làm việc... Quy định mới khiến các doanh nghiệp phấn khởi sau hơn một tháng chỉ được hoạt động với 50% công suất. Giám đốc Công ty Giầy Ðông Anh Nguyễn Việt Tiến cho biết: "Những ngày đầu tháng 9, năng suất, sản lượng lao động của công ty đã tăng hơn trước. Việc áp dụng "ba tại chỗ" khiến tâm lý mọi người mệt mỏi vì phải xa gia đình. Khi áp dụng mô hình "hai tại chỗ", công nhân yên tâm làm việc hơn". Cũng nằm trong phân vùng 2, huyện Mê Linh linh hoạt áp dụng các phương án làm việc trong điều kiện mới. Tại Khu công nghiệp Quang Minh, nơi có 278 doanh nghiệp đang hoạt động, nhiều công nhân được về nhà hằng ngày, giảm áp lực cho doanh nghiệp, cũng như chính công nhân.

Các địa phương nằm trong phân vùng 3 như: thị xã Sơn Tây, các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Thường Tín, Chương Mỹ... sản xuất thuận lợi hơn khi được trở lại trạng thái bình thường mới là điều kiện để các doanh nghiệp tăng tốc khôi phục sản xuất. Nhiều đơn vị đã đạt từ 90 đến 100% năng lực sản xuất. Không khí lao động, sản xuất tại cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai) những ngày gần đây sôi động hẳn lên.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH B.Braun Việt Nam - đơn vị sản xuất thiết bị y tế trong cụm công nghiệp Thanh Oai cho biết, hơn 1.500 cán bộ, nhân viên công ty đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1. Ðể bảo đảm an toàn, tất cả công nhân được làm xét nghiệm PCR ba ngày/lần và tiếp tục thực hiện "một cung đường, hai điểm đến". Hiện công ty đã khôi phục toàn bộ các dây chuyền, công suất sản xuất. Tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, suốt 40 ngày qua, Công ty cổ phần Công nghệ cao Thái Minh vốn chỉ duy trì hoạt động với 40% cán bộ, công nhân, nhưng nay hơn 90% cán bộ, công nhân đã trở lại làm việc trong trạng thái bình thường mới. Ðại diện lãnh đạo công ty cho biết, việc phân vùng mức độ nguy cơ, nới lỏng biện pháp phòng dịch tại các huyện ở phân vùng 3 đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Các doanh nghiệp đều xác định chỉ an toàn mới có thể sản xuất, cho nên đều tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.

Mặc dù vậy, tại một số địa phương, việc đi lại của công nhân vẫn gặp khó khăn do các quận, huyện có quy định khác nhau. Ðể tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, ngày 13/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu các quận, huyện phải liên thông giải quyết ngay những khúc mắc này theo tinh thần: An toàn mới được sản xuất, sản xuất phải an toàn, đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, cùng các sở, ngành liên quan rà soát lại phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là cho giai đoạn sau ngày 15/9 và sau 21/9, thời điểm hết hiệu lực của Chỉ thị 20 của UBND thành phố Hà Nội.