Kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu

NDO -

Sáng ngày 21/4, tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022).

Các đại biểu cắt băng khánh thành trùng tu, tôn tạo Đền thờ Lê Văn Hưu.
Các đại biểu cắt băng khánh thành trùng tu, tôn tạo Đền thờ Lê Văn Hưu.

Lê Văn Hưu sinh năm 1230 ở làng Phủ Lý, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Được nuôi dưỡng, trưởng thành từ quê hương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, trọng học, mến tài, Lê Văn Hưu đã khẳng định tố chất, tài năng của mình qua thi cử, ông đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (năm1247) đời vua Trần Thái Tông, khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa bảng dưới chế độ phong kiến Việt Nam.

Ông có công biên soạn, hoàn thiện bộ quốc sử “Đại Việt sử ký” từ Triệu Vũ Đế (năm 207 trước Công nguyên) đến đời Lý Chiêu Hoàng (năm 1244) gồm 30 quyển, được vua Trần Thánh Tông hết sức khen ngợi và các nhà khoa học đương đại ghi nhận ông là thủy tổ của ngành chính sử nước nhà.

Ngoài việc viết sử, Lê Văn Hưu còn nghiên cứu tìm hiểu sâu rộng và có những đóng góp trong lĩnh vực địa lý, phong thủy, giáo dục, trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng, bảo vệ đất nước, quê hương. Ông mất năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông được bảo tồn ở xã Thiệu Trung.

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: Nhiều lời bình sử của Lê Văn Hưu thấm đẫm tinh thần tự tôn, tự hào về sự trường tồn của dân tộc Việt, đề cao khí phách các anh hùng dân tộc Việt, đặt vị trí dân tộc sánh ngang với các đế chế phương bắc. Tư tưởng thân dân, ý thức dân tộc của Nhà sử học Lê Văn Hưu luôn là nền tảng tinh thần to lớn, là giá trị đạo đức cao quý nhất trong thang bậc các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Tiếp nối là chương trình nghệ thuật sử thi “Lê Văn Hưu-người khởi dựng quốc sử Việt Nam” gồm 3 chương: Địa linh sinh thành trang tuấn kiệt; Đại Việt sử ký mở đường cho quốc sử Việt Nam; Tiếp nối những trang sử vàng làm rạng danh dân tộc, được các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện sinh động, hào sảng dưới hình thức sân khấu hóa.

Trước đó, huyện Thiệu Hóa tổ chức lễ khánh thành việc trùng tu, tôn tạo, đưa di tích Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung vào khai thác, phát huy giá trị di tích. UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” làm sáng rõ thêm thời đại, quê hương, sự nghiệp sử học, di sản Lê Văn Hưu, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản và gợi mở tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ sở, dữ liệu, đề cử công nhận Lê Văn Hưu là danh nhân văn hóa thế giới.