Giải pháp căn cơ phát triển thị trường lao động bền vững

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ mọi mặt về kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới. Ðối với Việt Nam, đại dịch làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ; đặc biệt tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực..., đòi hỏi phải có những giải pháp để xây dựng và phát triển thị trường lao động bền vững.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy luyện đồng Lào Cai. (Ảnh ANH SƠN)
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy luyện đồng Lào Cai. (Ảnh ANH SƠN)

Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề khi chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, theo báo cáo gần đây, riêng trong quý I năm 2022 đã xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở các ngành: dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Thị trường lao động thiếu bền vững

Tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Lê Văn Thanh cho biết, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại, theo đó, thị trường lao động dần phục hồi.

Nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so năm 2021, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%). Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động quay trở lại chiều hướng tích cực, trong đó giảm lao động trong khu vực nông nghiệp và tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ so quý IV năm 2021 (tỷ lệ lao động nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ hiện tại lần lượt là 27,8%-33,5%-38,7%)...

Vấn đề được nhiều lãnh đạo bộ, ngành, chuyên gia quan tâm đề cập là trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư...; bên cạnh đó, khả năng kết nối cung-cầu, giới thiệu việc làm cũng chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã khiến cho những hạn chế của thị trường lao động Việt Nam bộc lộ rõ ràng hơn, trầm trọng hơn, đó là một thị trường lao động thiếu bền vững, một lực lượng lao động thiếu bền vững. Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động như tập trung bảo đảm an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung-cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực...

Tuy nhiên để phát triển bền vững thị trường lao động cũng như giảm thiểu tác động từ những "cú sốc lớn" trong tương lai, cần phải có những giải pháp có tính trọng tâm, trọng điểm và có tính phát triển dài hạn nhằm phục hồi và phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao

Tại cuộc gặp gỡ và đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân, lao động năm 2022, tổ chức tại tỉnh Bắc Giang ngày 12/6 vừa qua, công tác đào tạo nghề; các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân, lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trong 10 nhóm vấn đề trọng tâm mà người lao động cả nước gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển thị trường lao động bền vững. Hiện, thị trường lao động và việc làm đang ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Ðiều đó không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số.

Ðiều đó đòi hỏi Chính phủ phải ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19, bởi thực tế đa số doanh nghiệp hiện nay không có khả năng ngân sách cho nhiệm vụ này...

Chia sẻ tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung cho biết: Sức ép về công ăn việc làm, đào tạo nghề cho công nhân, lao động hiện nay tạo ra áp lực rất lớn. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 70% số công nhân, lao động được đào tạo nghề, nhưng thực chất chỉ có hơn 24,5% số lao động này có chứng chỉ nghề nghiệp, được đào tạo từ 3 tháng trở lên. So với khối ASEAN thì nước ta là một quốc gia có tỷ lệ nhân lực được đào tạo thấp. Vì vậy, đào tạo nhân lực được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược của quốc gia để phát triển nhanh.

Vì vậy, riêng về vấn đề lao động, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; đồng thời ban hành Quyết định số 176/QÐ-TTg ngày 5/2/2021 của Thủ tướng về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và Quyết định số 1446/QÐ-TTg ngày 30/8/2021 phê duyệt Chương trình "Ðào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư" với mục tiêu: Tăng số lao động có kỹ năng phù hợp nhu cầu thị trường; Tạo việc làm tốt hơn cho người lao động; Xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam...

Mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội cho người lao động

Tại hội thảo "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau dịch Covid-19", TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế (Economica Việt Nam) cho rằng, Nhà nước cần quy định tất cả lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội để được bảo vệ quyền lợi khi ốm đau, tai nạn lao động... Việc tham gia bảo hiểm xã hội cần được xem là yếu tố bắt buộc với người lao động, tương tự nghĩa vụ đóng thuế.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quý I năm 2022, số lao động có việc làm là 50 triệu người nhưng chỉ hơn 16,4 triệu người đóng bảo hiểm xã hội. Việc không tham gia bảo hiểm xã hội đã khiến phần lớn người lao động khó chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già... Theo TS Lê Duy Bình, những người có thu nhập và khả năng chi trả ở ngưỡng phải chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhóm này gồm chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương..., nhưng hơn 95% nhóm này không tham gia bảo hiểm xã hội. Ðối với nhóm lao động tự do, đặc biệt là đối tác kinh doanh của các hãng có nền tảng công nghệ hay người lao động trình độ, kỹ năng nghề cao, tham gia bảo hiểm xã hội là điều kiện bắt buộc khi ký kết các hợp đồng công việc, thuê khoán, chuyên gia..., nhưng hơn 98% nhóm lao động nêu trên không tham gia. TS Lê Duy Bình cho rằng, để thu hút người lao động đóng bảo hiểm xã hội, ngành bảo hiểm xã hội cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng phục vụ người tham gia bảo hiểm với các sản phẩm, chế độ phù hợp, đa dạng... Ðồng thời, nếu các biện pháp được thực hiện quyết liệt, số người đóng bảo hiểm xã hội dự kiến sẽ tăng lên 23 triệu người vào năm 2023 và 32,4 triệu người vào năm 2030.

Nhanh chóng mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội cho người lao động ở Việt Nam cũng là khuyến cáo quan trọng mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra. Bởi một trong những thách thức lớn nhất để mở rộng phạm vi bao phủ của an sinh xã hội tại Việt Nam là việc xác định cách tiếp cận nhóm bị bỏ sót trong khoảng trống chính sách-những người không nằm trong diện bao phủ của bảo hiểm xã hội hoặc trợ giúp xã hội. Ðó phần lớn là những người lao động khu vực phi chính thức, tình trạng không rõ ràng trong quan hệ việc làm khiến họ khó tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc như được thiết kế hiện nay trong khi họ không có bất kỳ mức trợ cấp nào.

Hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tập trung rà soát, sửa đổi toàn diện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trong đó, hướng tới giảm dần thời gian đóng bảo hiểm, trước đây quy định 20 năm, dự thảo mới quy định rút dần xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm để bảo đảm cho người lao động có thể tiếp cận được lương hưu. Việc người lao động đóng và hưởng dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít; bình đẳng, chia sẻ. Tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm chính sách bảo hiểm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ðặc biệt, sẽ xây dựng chính sách để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, có chế tài xử lý nghiêm người lợi dụng khó khăn của công nhân lao động để mua bán sổ bảo hiểm xã hội...