Đồng Tháp: Chống dịch phải “Cao hơn một mức, nhanh hơn một bước”

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, chưa bao giờ Đồng Tháp có số ca nhiễm vượt quá 200 ca mỗi ngày. Vậy mà suốt hai tuần nay, địa phương này liên tiếp có số ca nhiễm từ 300 đến gần 500 ca mỗi ngày.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Dịch lây lan rộng tất cả huyện, thành phố trong tỉnh. Hàng chục ổ dịch đang xuất hiện tại các cụm dân cư, khu vực chợ, trong doanh nghiệp, cơ sở y tế. Nhiều cán bộ đang công tác ở các sở, ngành và tuyến cơ sở đã nhiễm Covid-19.

Ý thức cộng đồng khiến dịch lây lan rộng

Tỉnh Đồng Tháp liên tiếp lập “kỷ lục” buồn về số ca nhiễm Covid-19 trong ngày. Đặc biệt, ngày 13/11, Đồng Tháp ghi nhận 459 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay. Tổng số ca dương tính đến cuối giờ chiều 16/11 ở Đồng Tháp là 14.200 ca.

Phân loại cấp độ dịch, Đồng Tháp thuộc nhóm nguy cơ trung bình; có 11 huyện, thành phố thuộc nhóm nguy cơ trung bình và huyện Châu Thành thuộc nguy cơ cao. Tỉnh có đến 43 xã, phường, thị trấn nằm trong nhóm nguy cơ cao và rất cao.

Tại huyện Lai Vung xuất hiện 3 ổ dịch với nhiều ca F0 ở 2 xã Long Hậu, Long Thắng và thị trấn Lai Vung; chủ yếu là do người dân làm công nhân tại một công ty ở thành phố Sa Đéc trở về nhà ở huyện không thực hiện tốt khuyến cáo 5K làm lây lan dịch bệnh.

Trước tình hình số ca nhiễm tăng cao, có 3 xã, thị trấn trở thành “vùng cam”, “vùng đỏ”, huyện Cao Lãnh đã cho tầm soát 100% người dân trên địa bàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh Lê Chí Thiện đánh giá, những ngày qua người dân có tâm lý chủ quan, di chuyển nhiều nhưng không thực hiện tốt khuyến cáo 5K; thực hiện khai báo y tế không nhiều, không kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp Lê Thành Công cho biết: Qua nắm tình hình, tỷ lệ người dân thực sự chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch là 60%; tỷ lệ 40% người dân còn chủ quan, lơ là như thế rất nguy hiểm.

Cần nhanh chóng giảm dần ca lây nhiễm

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các địa phương ở Đồng Tháp đã nỗ lực trong phòng, chống dịch. Hàng loạt giải pháp được triển khai như: tăng tốc tiêm vaccine, sàng lọc cộng đồng, sớm đưa F0 đi cách ly, điều trị… Tuy nhiên, số ca mắc mới mỗi ngày vẫn còn cao khiến cho nhiều người không khỏi lo lắng. “Số ca trong cộng đồng và khu vực phong tỏa mỗi ngày đều ở mức rất cao. Thích ứng với dịch nhưng cũng phải an toàn, chứ buôn bán làm ăn đi lại mà dịch bệnh nhiều khiến tôi lo quá!”. Chị Nguyễn Thùy Trang ngụ phường 3, thành phố Cao Lãnh chia sẻ.

Do không ít người dân và một bộ phận cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh vẫn còn chủ quan trước dịch bệnh Covid-19 nên nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch và lây lan rộng ở Đồng Tháp vẫn luôn hiện hữu; nhất là ở các địa bàn có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư; địa bàn giáp ranh với các tỉnh, thành phố khác.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp, công tác phối hợp tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương có lúc, có việc còn chủ quan, lơ là, thiếu chặt chẽ. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện tốt phương châm “Cao hơn một mức, nhanh hơn một bước” trong tất cả mặt công tác phòng, chống dịch. Đề nghị Bí thư cấp uỷ các địa phương, đơn vị phải thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ; trực tiếp, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện trung bình mỗi ngày ở Đồng Tháp có hơn 200 ca nhiễm ở khu phong tỏa và trong cộng đồng. Để giảm dần số ca lây nhiễm, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu các địa phương khi phong tỏa thì phải hẹp nhưng cần thật nghiêm ngặt.

Đồng Tháp: Chống dịch phải “Cao hơn một mức, nhanh hơn một bước” -0
Các tiểu thương và khách tại chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp) thực hiện phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: HỮU NGHĨA) 

Đặc biệt chăm lo sức khỏe nhân dân

Qua những buổi đi thực tế giám sát và phân tích, đánh giá công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhận định nhiều địa phương vẫn chưa có sự bền vững trong kiểm soát địa bàn. Ý thức người dân, đặc biệt là thực hiện khuyến cáo 5K không triệt để. Sau giãn cách, tần suất người dân tiếp xúc nhiều nhưng cơ chế phòng vệ không có. Tính chủ động xử lý một số tình huống cụ thể còn lúng túng. Nếu không áp dụng ngay những biện pháp cấp thiết thì số ca sẽ tăng nhanh.

Đồng Tháp đang có tỷ lệ bao phủ vaccine ngày càng cao. Tuy nhiên, tỉnh có số ca mắc mới rất cao, dẫn đến nhiều áp lực trong điều trị. Đồng Tháp cũng đang gặp thách thức lớn giữa câu chuyện kiểm soát, quản lý và kiềm chế dịch. Việc kiểm soát các nhà máy phải đối diện không áp dụng 4 tại chỗ mà “1 cung đường, 2 điểm đến” thì kiểm soát khó hơn.

“Để nhanh chóng giảm dần số ca lây nhiễm, giai đoạn này, tôi yêu cầu các địa phương, sở ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội phải tăng cường phối hợp quản lý địa bàn; tuyên truyền hiệu quả thực hiện 5K, ngăn chặn tốc độ lây nhiễm, làm sao để người dân tự ý thức nhắc nhở nhau phòng dịch. Phải hạn chế số ca nhiễm, nhanh chóng giảm dần, phân tầng điều trị hợp lý, hạn chế thấp nhất ca tử vong”, đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị.

Trong việc hoàn thiện hệ thống y tế xã, Bí thư Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương phải đi kiểm tra y tế xã, thiếu tới đâu phản ánh về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Sở Y tế. “Nếu địa phương nào còn tư tưởng “khoán trắng” cho Trung tâm Y tế cấp huyện mà không tập trung đi kiểm tra, thấy thiếu mà không kiến nghị ngay, nếu xảy ra tình huống nào dẫn đến diễn biến phức tạp trên địa bàn, do năng lực y tế xã không kịp thời trang bị thì sẽ có phần trách nhiệm của địa phương trong đó”, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Về tiêm vaccine, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, hiện vaccine phủ mũi 1 không thiếu, nhưng phải làm sao cho tất cả người dân đang trong tỉnh đủ điều kiện tiêm vaccine thì đều phải được tiêm. Để công tác tiêm vaccine Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất, đội hình tiêm vaccine lưu động của tỉnh phải xuống địa phương giải quyết cuốn chiếu từng địa bàn. Địa phương nào có vaccine mà có người chưa tiêm thì kiểm điểm địa phương đó.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Phạm Thiện Nghĩa cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống dịch. “Chúng ta thích ứng với dịch thì cần có sự đổi mới hơn, để tránh bị động. Do đó, đề nghị các địa phương không thể nào chống dịch theo cách cũ, mà tận dụng những kinh nghiệm cách làm cũ để thực hiện cách làm mới cho phù hợp. Tránh chủ quan lơ là trong kiểm soát chặt địa bàn, bên cạnh đó phải củng cố hệ thống y tế cơ sở”.