Dồn toàn lực tấn công dịch Covid-19

TP Hồ Chí Minh đang tận dụng "thời gian vàng" thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để dồn toàn lực tấn công dịch Covid-19 phấn đấu sớm đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.

Lực lượng chức năng kiểm soát trật tự giao thông và việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV
Lực lượng chức năng kiểm soát trật tự giao thông và việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Phòng, chống dịch đúng hướng

Nhằm ứng phó dịch, thành phố thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 để theo dõi, xử lý nhanh chóng các tình huống; thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 để điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm SARS-Cov-2 với phương châm "rõ - chắc - nghiêm - nhanh". Cùng với đó, phong trào thi đua "mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19" cũng được phát động với mục tiêu vận động toàn thể nhân dân, cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng, chung sức, nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19 trong vòng 15 ngày. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Dương Anh Ðức cho biết, phần lớn ca nhiễm Covid-19 hiện nay trên địa bàn thành phố được ghi nhận tại các khu cách ly, phong tỏa. Thế nhưng, khi tầm soát cộng đồng mở rộng, các khu vực xét nghiệm sàng lọc ở bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn những trường hợp F0 lẩn khuất.

Hiện nay, ngoài 14 khu cách ly F1 ban đầu do thành phố quản lý (trong đó đã chuyển ba khu thành khu điều trị F0) với quy mô 7.000 người, UBND thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện còn quản lý 88 khu cách ly tập trung với sức chứa 10 nghìn người và đã vận động 55 khách sạn thực hiện cách ly có thu phí với sức chứa khoảng 4.000 người. Ðến nay, thành phố đã sẵn sàng ứng phó tình huống khi có 20 nghìn ca nhiễm Covid-19. Qua bốn đợt tổ chức, đã có hơn 991 nghìn người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong đó có 943.215 người tiêm mũi một và 48.657 người được tiêm đủ hai mũi…

Ðồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã chuyển biến kịp thời, có sự phân công điều hành rõ ràng, liền mạch, nhất là trong việc phối hợp các ngành trung ương, huy động nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống dịch. Với chiến lược xét nghiệm tầm soát có trọng tâm, trọng điểm, một số địa bàn đã kiềm chế được F0 trong cộng đồng, cơ bản ngăn chặn nguồn lây chính, giảm phát tán mầm bệnh trong cộng đồng.

Dồn toàn lực tấn công dịch Covid-19 -0

Người dân mua thực phẩm tại một siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Chính phủ và Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Ðiều quan trọng nhất bây giờ là nỗ lực phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được và chủ động khắc phục những bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ thành phố đến cơ sở.

Tận dụng "thời gian vàng" còn lại

Với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, không để người dân bị thiếu thốn và không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót để nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay. Thể hiện tinh thần ấy, cùng với những biện pháp quyết liệt khác, từ 0 giờ ngày 16/7, Thường trực HÐND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của cử tri qua tổng đài 1022. Trước mắt, ưu tiên ghi nhận những phản ánh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Chính quyền thành phố sẽ tiếp thu, xem xét và triển khai ngay các giải pháp hiệu quả hơn trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ðồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, trong những ngày còn lại thực hiện Chỉ thị 16, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đẩy mạnh công tác xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, hiệu quả trong công tác xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng. Thành phố phải ngăn chặn những ca lây nhiễm mới bằng cách thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nghiên cứu, triển khai nhanh các biện pháp mới của Bộ Y tế trong việc phân loại các cấp độ của F0, F1 và triển khai nhanh, phối hợp gia đình để cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà theo phương châm: Hướng dẫn đầy đủ, theo dõi sát, xử lý nhanh khi cần thiết…

Ðể người dân yên tâm, đồng lòng cùng thành phố chống dịch, một trong những vấn đề quan trọng là phải bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cùng với những biện pháp thực hiện hiệu quả trong những ngày qua, từ ngày 16/7, một số hệ thống phân phối hàng chuyên ngành cũng tham gia bán lẻ thực phẩm thiết yếu. Dự kiến, trong những ngày tới, thành phố có thể bổ sung thêm 1.000 điểm bán hàng hóa thiết yếu; xem xét tổ chức lại hoạt động kinh doanh thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống đang tạm đóng cửa.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh, đến ngày 16/7, có 25 doanh nghiệp (DN) với khoảng 1.975 người lao động đăng ký và thực hiện phương án "ba tại chỗ" để vừa bảo đảm chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Vướng mắc cần sớm tháo gỡ khi DN thực hiện "ba tại chỗ" là ở khâu sản xuất, ăn uống sinh hoạt và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, Lưu Kim Hồng đề nghị các sở, ngành tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, nắm bắt tình hình để có phương án điều phối, giải quyết phù hợp thực tế hiện nay. Cần nhất là điều tiết nguồn lực lao động từ nơi thừa (các DN bị đóng cửa) qua nơi thiếu; điều phối hàng hóa từ các nhà cung cấp đến các cơ sở cung cấp suất ăn; kết nối DN sản xuất thực hiện "ba tại chỗ" với các DN sản xuất nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu cao hiện nay.

Với tinh thần "không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau", tính đến ngày 16/7, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã chi trả hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng số tiền hơn 330 tỷ đồng, đạt hơn 95% số lao động tự do được thống kê. Thành phố cũng đang triển khai thực hiện gói an sinh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, trong đó, tập trung chi trả hỗ trợ cho người lao động bị hoãn việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người lao động đang bị cách ly... Tất cả đều thể hiện quyết tâm cao quyết đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa TP Hồ Chí Minh trở về trạng thái bình thường mới…