Chinh sách & cuộc sống

Bảo đảm bữa ăn ca đủ dinh dưỡng

Nhằm thiết thực chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, chủ động tham gia với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn ca đối với người lao động, tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ bảy (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 07c về "Chất lượng bữa ăn ca của người lao động".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, mục tiêu từ năm 2016, các công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể, cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất là 15 nghìn đồng, khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn.

Qua báo cáo của các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, ngành và hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát hằng năm, các cấp công đoàn đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết, đạt kết quả quan trọng. Nhận thức và hành động của người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn có chuyển biến tích cực. Số lượng doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca ngày càng tăng lên. Có 66,15% số công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động, tăng 3,8% so với trước khi ban hành Nghị quyết. Trong đó có 92,3% số đơn vị có giá trị bữa ăn ca đạt từ 15 nghìn đồng trở lên, tăng 15,5%. Số công nhân, lao động được thụ hưởng bữa ăn ca ngày càng được mở rộng.

Các hình thức đối thoại, thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể về bữa ăn ca của người lao động được thực hiện thiết thực, hiệu quả. Nhiều chính sách kịp thời, mô hình hay, hiệu quả của tổ chức công đoàn hỗ trợ, tham gia tổ chức bữa ăn của người lao động giúp sức khỏe người lao động bảo đảm, tái tạo sức lao động, phấn chấn hơn trong công việc, giúp năng suất lao động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, quá trình triển khai thực hiện còn một số hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Số doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca có giá trị thấp hơn 15 nghìn đồng còn nhiều. Còn hàng triệu công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chưa được hỗ trợ bữa ăn ca. Chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, ký thỏa ước lao động tập thể về bữa ăn ca còn hạn chế.  Một số lãnh đạo và cán bộ công đoàn chưa nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ bảo đảm bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho người lao động. Năng lực, kỹ năng đối thoại thương lượng tập thể của cán bộ công đoàn còn hạn chế.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh: Nghị quyết 07c đặt ra mục tiêu giá trị bữa ăn ca từ 15 nghìn đồng trở lên chỉ phù hợp trong giai đoạn 2016-2018. Từ năm 2019 đến nay, giá trị bữa ăn ca đang áp dụng tại hầu hết các doanh nghiệp, phổ biến từ 16 đến 20 nghìn đồng/bữa/người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lấy lý do Nghị quyết đề ra 15 nghìn đồng nên chỉ thực hiện giá trị bữa ăn ca ở mức đó, gây khó khăn cho các cấp công đoàn khi đề xuất, đối thoại, thương lượng. Với giá cả thực phẩm và các chi phí khác tăng qua các năm, mức 15 nghìn đồng không bảo đảm chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. Tại một số doanh nghiệp đông công nhân, lao động, việc bố trí bữa ăn chủ yếu qua các nhà cung cấp. Các vấn đề liên quan thất thoát, thiếu cơ chế giám sát của công đoàn cơ sở, khiến giá trị thực chất của bữa ăn ca còn thấp hơn mức Nghị quyết đề ra. Do vậy, việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 07c là cần thiết, phù hợp thực tiễn.

Ðể bữa ăn ca bảo đảm chất lượng cho công nhân, lao động, mục tiêu của tổ chức công đoàn từ nay đến năm 2025 là đưa vào thương lượng tập thể mức ăn ca được tính theo các vùng lương tối thiểu.

Theo đó, tại vùng 1 và vùng 2, tổ chức công đoàn cần cố gắng thương lượng mức ăn ca trị giá ít nhất 20 nghìn đồng/suất đối với doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn ca; 25 nghìn đồng/suất với doanh nghiệp có đơn vị cung cấp suất ăn. Ðối với vùng 3, vùng 4, cố gắng đặt mục tiêu đạt 18 đến 22 nghìn đồng/suất.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra thông tư liên tịch về nội dung này nhằm bảo đảm sức khỏe và chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động. Ðồng thời tiếp tục đề xuất, kiến nghị Nhà nước và các cơ quan chức năng xem xét, quy định trách nhiệm doanh nghiệp phải tổ chức hoặc có hình thức hỗ trợ bữa ăn ca phù hợp cho người lao động, ban hành định mức bữa ăn ca đối với người lao động nói chung và một số ngành nghề, công việc nói riêng làm căn cứ tổ chức và hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động và phục vụ hoạt động xác định, đề xuất tiền lương tối thiểu vùng.