Vun đắp quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Campuchia

Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21 đến 22/12. Chuyến thăm là sự kiện chính trị quan trọng của hai nước, khởi đầu các hoạt động hướng tới Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam và kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2022.

Chương trình văn nghệ Kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia năm 2017. Ảnh: dangcongsan.vn
Chương trình văn nghệ Kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia năm 2017. Ảnh: dangcongsan.vn

Là hai nước láng giềng, cùng nằm trên bán đảo Ðông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mê Công, cùng có nguồn gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời ở Ðông Nam Á và đều là thành viên ASEAN, Việt Nam và Campuchia luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Mối quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia được thử thách và khẳng định qua hơn nửa thế kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1967-2021), phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.

Hai bên luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, trong đó quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước. Các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao được duy trì thường xuyên; trong bối cảnh đại dịch, lãnh đạo hai nước có nhiều cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, khẳng định quyết tâm hợp tác chặt chẽ, làm sâu sắc mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia.

Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, các lĩnh vực hợp tác đều được đẩy mạnh. Hợp tác quốc phòng-an ninh ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Về vấn đề biên giới chung, hai bên phối hợp, trao đổi thông tin, tăng cường phổ biến nội dung, ý nghĩa và thúc đẩy triển khai hai văn kiện pháp lý quan trọng là Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư ghi nhận kết quả phân giới cắm mốc đất liền đạt 84%.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư có bước phát triển tích cực. Campuchia đứng thứ 3 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam nằm trong tốp 5 nước có đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Trong 10 tháng từ đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước tăng 87,5% so mức cùng kỳ năm 2020. Hai bên phối hợp triển khai tốt các hiệp định giữa hai chính phủ, các thỏa thuận đạt được tại kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật Việt Nam-Campuchia.

Hai bên ủng hộ và tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác tiểu vùng và khu vực, như Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GSM), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM)...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai nước phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ lẫn nhau. Việt Nam hỗ trợ Campuchia tài chính và vật tư y tế phục vụ chống dịch. Campuchia tặng Việt Nam vắc-xin, thiết bị phòng, chống Covid-19. Hai bên duy trì phối hợp, hỗ trợ cộng đồng người Campuchia gốc Việt ổn định cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển đất nước Campuchia, làm cầu nối thiết thực thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước tới Campuchia trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục đà phát triển. Ðây là bước tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Ðại hội XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, hữu nghị truyền thống. Chuyến thăm cũng thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với các hoạt động quan trọng sắp tới của Campuchia, như đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022, tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội năm 2023.

Chúc chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia thành công tốt đẹp, tiếp tục vun đắp tình hữu nghị, củng cố tin cậy chính trị, đưa hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia thực chất, hiệu quả hơn, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nhân Dân