Xã Luận

Ðưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe đã đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức nước ta. Diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược, chuyến thăm nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đưa quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu.

Pháp là cường quốc kinh tế lớn thứ năm thế giới, đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu dịch vụ. Pháp có truyền thống lâu đời trong phát minh công nghiệp, hệ thống giáo dục chất lượng cao, đội ngũ nghiên cứu trình độ cao, đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu - phát triển, năng suất lao động thuộc loại hàng đầu thế giới. Là nước đứng đầu châu Âu về sản xuất và xuất khẩu nông sản, hằng năm Pháp xuất siêu khoảng 6,6 tỷ USD hàng nông sản. Pháp triển khai chính sách ngoại giao toàn diện, giữ vai trò cầu nối hoặc đi đầu trong các vấn đề toàn cầu và tại các điểm nóng khu vực và quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, quảng bá thương hiệu "sản phẩm Pháp" thông qua các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, di sản, du lịch và thể thao; quảng bá hình ảnh nước Pháp. Viện trợ phát triển của Pháp kết hợp chính sách xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững trong cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Pháp đóng góp 10% tổng giá trị viện trợ phát triển và xếp thứ tư trên thế giới.

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 4-1973. Từ cuối những năm 1980, Pháp đi đầu các nước phương Tây trong khai thông quan hệ và xóa nợ cho Việt Nam, giúp nước ta giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên CLB Paris. Nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2013, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà nổi bật gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande năm 2016 và chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3-2018. Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác, nổi bật có Ðối thoại chiến lược an ninh quốc phòng và Ðối thoại cấp cao hằng năm về kinh tế.

Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Pháp đang phát triển tốt đẹp. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 4,6 tỷ USD. Trao đổi thương mại hai chiều trong sáu tháng đầu năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD. Năm 2017, Pháp đứng thứ ba trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỷ USD. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp chín dự án với tổng vốn đầu tư hơn ba triệu USD.

Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và nước ta đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Ðến nay, Pháp đã cung cấp và cho Việt Nam vay ưu đãi 2,2 tỷ ơ-rô. Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục - đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới... Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có hơn 7.000 sinh viên. Pháp đứng thứ bảy trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường du lịch trọng điểm. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, an ninh - quốc phòng, hợp tác địa phương, y tế có nhiều dấu ấn. Ðều là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ.

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp được hình thành sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đến Pháp trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, tổng số hiện nay là hơn 300.000 người, phần lớn đã có quốc tịch Pháp. Tri thức là thế mạnh của cộng đồng Người Việt Nam tại Pháp với khoảng 40.000 Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học. Hội Người Việt Nam tại Pháp có bề dày truyền thống, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu thị trường, tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của nhau. Chúc chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Édouard Philippe thành công tốt đẹp, góp phần vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.