Trang mới trong quan hệ Việt Nam - Ba Lan

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Ðại Quang, Tổng thống CH Ba Lan A.Ðu-đa và Phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp nhà nước tới nước ta. Chuyến thăm này mở ra một trang mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương.

Kể từ khi gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU), kinh tế Ba Lan phát triển tích cực. Ba Lan là nước duy nhất không chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2009; xếp thứ 20 về GDP trên thế giới và là nền kinh tế đứng thứ sáu của EU. Chính phủ Ba Lan nỗ lực cải cách kinh tế, đa dạng hóa các nguồn cung và loại hình năng lượng, tăng cường đầu tư vào đổi mới, nghiên cứu và phát triển. Năm 2016, tăng trưởng GDP của Ba Lan đạt 3,1%. Sau khi gia nhập EU và NATO vào năm 2004, Ba Lan ưu tiên tiếp tục hội nhập sâu vào những tổ chức này, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với Mỹ. Gần đây, Ba Lan chủ trương thúc đẩy hợp tác tiểu khu vực trong khuôn khổ tổ chức Visegrad (gồm Ba Lan, Séc, Xlô-va-ki-a và Hung-ga-ri), Hội đồng các nước biển Ban-tích cũng như Sáng kiến tam giác biển (gồm 16 nước Trung Ðông Âu). Ba Lan hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.

Việt Nam và Ba Lan lập quan hệ ngoại giao ngày 4-2-1950. Nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao sự ủng hộ nhiệt tình, sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Ba Lan trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Ba Lan là nước duy nhất có mặt trong cả hai Ủy ban đình chiến sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 và Hiệp định Pa-ri năm 1973. Hàng nghìn sĩ quan và cán bộ Ba Lan đã tham gia hai Ủy ban này. Chúng ta vui mừng nhận thấy, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, quốc phòng… Mối quan hệ tốt đẹp được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên mà nổi bật gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ð.Tút-xcơ năm 2010 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Ba Lan năm 2013.

Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung Ðông Âu, Việt Nam là bạn hàng thứ bảy của Ba Lan ngoài EU. Kim ngạch thương mại song phương những năm qua tăng khá nhanh và chủ yếu là nước ta xuất siêu. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 790 triệu USD (trong đó Việt Nam xuất khẩu 598 triệu USD). Chín tháng năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 730 triệu USD. Giai đoạn 2014-2017, đầu tư của Ba Lan và Việt Nam tăng mạnh, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, chế biến, dịch vụ. Tính đến tháng 10-2017, Ba Lan có 14 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 182 triệu USD. Việt Nam có bốn dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn 6 triệu USD thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm. Tháng 7-2014, phía Ba Lan thông báo cấp khoản tín dụng ưu đãi trị giá 250 triệu ơ-rô dành cho các dự án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan trong các lĩnh vực khác như an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, trùng tu di tích cũng đạt kết quả tốt. Giai đoạn 1960-1990, Ba Lan đã đào tạo hơn 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học Việt Nam, hơn 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 40 nghìn người, đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực. Một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có trường dạy tiếng Việt mang tên Văn Lang thu hút khoảng 100 trẻ em Việt Nam đến học hằng tuần. Ngoài ra, cộng đồng cũng thường xuyên tổ chức hoạt động từ thiện hướng về Tổ quốc. Những năm gần đây, số lượng người Ba Lan sống và làm việc tại Việt Nam cũng tăng mạnh.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống CH Ba Lan A.Ðu-đa và Phu nhân nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là về tài chính, giáo dục - đào tạo, truyền thông, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp... Chuyến thăm còn tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu thị trường, tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của nhau.