Tích cực đóng góp ứng phó thách thức chung, thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực

Nhận lời mời của Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản) Chư-y-ô-si Ha-xê-bê, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26, do Nikkei tổ chức trực tuyến trong hai ngày 20 và 21-5. Ðây là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng, khẳng định Việt Nam đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào công việc chung, nhất là ứng phó thách thức, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững tại khu vực.

Ðược khởi xướng năm 1995 và tổ chức định kỳ hằng năm, Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á là một trong những diễn đàn đa phương có uy tín cao ở châu Á, thu hút sự quan tâm và tham dự của các nhà lãnh đạo, chính khách, học giả và doanh nghiệp các nước châu Á, cùng đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Hội nghị thảo luận về các vấn đề khu vực, về vai trò và tiềm năng của châu Á, cũng như các giải pháp nâng cao vị thế của khu vực. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực, Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á và thường xuyên tham dự, đóng góp ý kiến ở cấp cao vào nhiều nội dung tại Hội nghị.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011) và mời Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng (năm 2016). Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2014). Quan hệ hai nước được đánh giá đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất, với sự tin cậy cao, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản phát triển tích cực. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nhà tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài số hai, đối tác du lịch thứ ba và đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 gây tác động sâu rộng trên toàn cầu, ảnh hưởng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhiều sự kiện đối ngoại, hợp tác giữa hai nước phải hủy, hoãn. Song, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức, hỗ trợ lẫn nhau phòng, chống Covid-19. Việt Nam hỗ trợ Nhật Bản khẩu trang y tế; Nhật Bản hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam, thông qua cơ chế song phương và các tổ chức quốc tế.

Với chủ đề "Ðịnh hình kỷ nguyên hậu Covid-19: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu", Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 tập trung thảo luận các nội dung nổi bật, như hợp tác ứng phó đại dịch, kết nối các nền kinh tế khu vực, phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo và vai trò của châu Á trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Trong hai ngày làm việc trực tuyến, Hội nghị gồm các phiên thảo luận chuyên đề: Tái kết nối khu vực thông qua hoạt động trao đổi văn hóa; Châu Á và chính quyền mới ở Mỹ; Phát triển bền vững và những thay đổi ở châu Á; Những lĩnh vực đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên hậu Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, nêu bật quan điểm của Việt Nam về các vấn đề lớn của châu Á; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng phó thách thức chung của khu vực, nhất là nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần này tiếp tục thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Hội nghị; khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.

Ðồng thời, khẳng định Việt Nam và Nhật Bản không ngừng củng cố sự tin cậy chính trị, coi trọng tăng cường quan hệ Ðối tác chiến lược sâu rộng, thúc đẩy hợp tác hai nước trong các lĩnh vực. Ðây cũng là dịp quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, giới thiệu các chính sách, mục tiêu phát triển mới của đất nước, cũng như thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản và thế giới.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 là bước tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại, trên tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng; khẳng định Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương; tham gia, đóng góp có trách nhiệm và hiệu quả đối với các vấn đề hòa bình và phát triển ở châu Á và trên thế giới.

NHÂN DÂN