XÃ LUẬN

Thực hiện tốt việc lấy ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hôm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng công bố toàn văn Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Đây là công việc quan trọng của các kỳ đại hội Đảng. Việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh thông tin khác, là tập hợp và phát huy trí tuệ, tâm huyết, quyền làm chủ của nhân dân, tham gia đóng góp với Đảng trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng, phát triển đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động; giúp các cấp ủy hiểu rõ tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm sâu sắc thêm truyền thống “ý Đảng hợp lòng Dân”.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được gửi đến các đảng bộ cơ sở (bản tóm tắt) và cấp huyện, tỉnh và tương đương (bản toàn văn) để đóng góp ý kiến. Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, làm suy thoái kinh tế toàn cầu, tác động lớn đến kinh tế - xã hội nước ta, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương tiếp thu các ý kiến, đóng góp xác đáng, bước đầu thu nhận được từ đại hội đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở, đồng thời nghiên cứu, cập nhật, phân tích, đánh giá lại tình hình, điều chỉnh bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sao cho phù hợp hơn với thực tế. Dự thảo công bố hôm nay cũng đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 13 (khóa XII) dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể, hoàn thiện thêm một bước. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Trung ương cho rằng, các dự thảo mới được chuẩn bị rất công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; đã kế thừa, bổ sung phát triển đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng ta trong 35 năm qua với nhiều nội dung đổi mới và điểm nhấn quan trọng. 

Về nhận thức, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Về tầm nhìn, dự thảo đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển mới trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, dự thảo dành một mục riêng đề cập năm quan điểm chỉ đạo, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung quan trọng của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ đại hội. Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo đã bám sát tình hình và xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với nhiều nội dung đổi mới quan trọng. 

Để đông đảo nhân dân nắm được những nội dung cơ bản và những điểm mới trong các dự thảo văn kiện, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị cần tổ chức thật tốt việc phổ biến, quán triệt mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân. Các địa phương, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể để có những hình thức tổ chức lấy ý kiến phù hợp, khoa học, sáng tạo, thiết thực. Cần có kế hoạch thực hiện cụ thể, nghiêm túc, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng diễn đàn thảo luận, lấy ý kiến nhân dân để kích động, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa ra những quan điểm sai trái, tiêu cực, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, chống phá đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng cuối của năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015-2020). Đây là những công việc rất khẩn trương, quan trọng, đòi hỏi tinh thần tự giác rất cao, ý thức trách nhiệm rất lớn của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Chúng ta trân trọng đón nhận những ý kiến quý báu, tâm huyết, trí tuệ của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ trong nước và đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước, đồng thời thể hiện tình cảm, niềm tin, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.