Đoàn kết, sẻ chia để cùng đón Tết cổ truyền an lành

Trong những ngày này, nhân dân cả nước chào mừng sự kiện đặc biệt của đất nước là Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng và chờ đón Tết Nguyên đán cổ truyền Xuân Tân Sửu đang đến gần.

Mâm cơm miền Bắc được tái hiện trong không gian Tết nhà Việt. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Mâm cơm miền Bắc được tái hiện trong không gian Tết nhà Việt. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Những ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng xuất hiện buộc Việt Nam thêm lần nữa triển khai cấp bách các biện pháp chống dịch. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có những phương án tốt nhất, hành động kịp thời, chuẩn xác nhất để có thể khống chế dịch Covid-19 nhanh nhất, với hy vọng tạo điều kiện để người dân có thể yên tâm đón Tết cổ truyền an lành và ấm áp.

Nhìn lại năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân thất nghiệp, tình trạng thiếu việc làm... Ðây cũng là năm mà thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường trên cả nước, khi lũ lụt, sạt lở đất xảy ra tại một số tỉnh miền trung và miền núi phía bắc; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng... ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu phải ứng phó đại dịch, Việt Nam đã trở thành điểm sáng của thế giới khi kiểm soát thành công dịch bệnh ở nhiều phương diện, vừa phục hồi và duy trì ổn định phát triển kinh tế - xã hội, là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020. Bên cạnh đó, cả nước phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu lĩnh vực giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), bình quân giảm 1,43%/năm, tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,43% (năm 2015) xuống còn 24% (năm 2020), đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giao. Các cấp, các ngành và người dân đã nỗ lực, thi đua thực hiện Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau"; phong trào thoát nghèo đã được nhiều người dân thực hiện trên phạm vi cả nước với nhiều tấm gương, điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Kết quả là thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được nâng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, làm thay đổi diện mạo địa bàn nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn.

Ðể ứng phó dịch bệnh, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QÐ-TTg ngày 24-4-2020 về các biện pháp và chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đến hết năm 2020, đã thực hiện giải ngân 12.823,32 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ 12.917.660 người và 30.569 hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, T.Ư MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tỉnh, thành phố, trong năm 2020 đã vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân đã ủng hộ 5.833 tỷ đồng. Trong đó, vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương và đăng ký thực hiện an sinh xã hội số tiền hơn 2.338 tỷ đồng; tại địa phương đã vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và an sinh xã hội được hơn 3.494 tỷ đồng...

Ðặc biệt, khi cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch bệnh, khi các tỉnh miền trung chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của thiên tai, cũng là lúc tinh thần "tương thân, tương ái" của người Việt Nam lên cao hơn bao giờ hết. Ðó là việc lập những quầy hàng từ thiện với thông điệp "Nếu khó khăn cứ lấy một phần - Nếu bạn ổn xin nhường người khác", những cây ATM gạo ở khắp mọi nơi giúp người nghèo, người yếu thế trong những ngày đại dịch căng thẳng; là những đoàn thiện nguyện không kể khó khăn vất vả khi đi vào vùng lũ...

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần. Những ngày này, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, chăm lo, động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất các gia đình hưởng chính sách, người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ, người dân gặp khó khăn, không thể bảo đảm mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các hoạt động ý nghĩa này cần bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng đều có quà và nhận được quà trước Tết. Cần bảo đảm chăm lo Tết chu đáo, an toàn, lành mạnh đối với những đối tượng chính sách đang được chăm sóc tại các cơ sở điều dưỡng người có công và các cơ sở trợ giúp xã hội.

Nhân dân cả nước tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của mỗi người dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh và người dân Việt Nam sẽ đón Tết cổ truyền trong an vui và hạnh phúc.