Hướng tới một nền công nghiệp phim truyền hình

NDO - Đã có thời gian, phim truyền hình nước ngoài gần như chiếm toàn bộ "giờ vàng" phát sóng trên các kênh của các đài truyền hình Việt Nam.

Tuy nhiên, gần đây, sự lấn át của phim ngoại đã và đang giảm dần khi lượng phát sóng của phim truyền hình trong nước sản xuất gia tăng đáng kể, chiếm tới gần 50% trên sóng các đài truyền hình lớn, nhất là sau khi Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV) có hẳn một chương trình ưu tiên phát sóng những phim truyền hình trong nước buổi tối trên hai kênh VTV1 và VTV3. Ðiều này phần nào đã khuyến khích các "nhà đài" khác noi theo, mặc dù chưa phải là tất cả, đồng thời cũng động viên phong trào làm phim truyền hình trong cả nước, từ Trung ương đến địa phương và cả các nhà làm phim tư nhân cùng tham gia.

Ðây là một sự chuyển biến nhanh và đáng phấn khởi so với vài năm trước, nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận lại thì sự phát triển này chưa thật lạc quan, bởi sự tăng vọt về số lượng (đặc biệt là khi nhiều hãng phim tư nhân cũng dự vào "cuộc chơi" và tung phim ra ồ ạt) không đi cùng sự nâng cao về chất lượng làm phim. Bên cạnh một số bộ phim hay, thu hút được công chúng, phần lớn phim truyền hình Việt Nam vẫn còn yếu, cả về tính nghệ thuật cũng như chất lượng kỹ thuật, dàn dựng, quay phim. Ðề tài thể hiện của phim truyền hình trong nước không có nhiều đột phá, đơn điệu và nhàm chán, dễ lặp lại khi chỉ xoay quanh các thể loại tâm lý xã hội và hài kịch, thiếu vắng những kịch bản hay, phản ánh hiện thực cuộc sống và các vấn đề nóng bỏng mà xã hội quan tâm. Khâu kiểm duyệt cũng chưa thật sự nghiêm túc và có nghề khi cho phát sóng nhiều bộ phim truyền hình yếu kém về chất lượng, nội dung nhợt nhạt, chủ yếu là để khoe dàn diễn viên là những người mẫu "chân dài" hay các "ngôi sao" của showbiz Việt là chính. Sự nghiệp dư của các diễn viên này khiến chất lượng phim đi xuống là điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất phim truyền hình nước ta dường như giậm chân tại chỗ với kỹ thuật thực hiện lạc hậu, sử dụng phim lồng tiếng chứ chưa thể có được các trường quay, diễn xuất và quay phim, thu thanh trực tiếp. Nói một cách chính xác hơn, chúng ta mới chỉ đang chập chững ở những bước đi ban đầu xây dựng nền công nghiệp phim truyền hình và còn thiếu nhiều bộ phận chuyên môn mang tính chuyên nghiệp.

Ðể có thể hình thành một nền công nghiệp phim truyền hình Việt Nam đích thực và tạo ra các bộ phim chất lượng, yếu tố đầu tiên cần quan tâm là phải tạo được một đội ngũ những người làm phim truyền hình trong nước chuyên nghiệp, yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là phải có các đạo diễn làm phim chuyên biệt ở lĩnh vực này, bên cạnh những khâu chuyên môn khác như xây dựng kịch bản, viết lời thoại, lo kinh phí sản xuất, chọn bối cảnh, rồi diễn xuất, âm thanh, hình ảnh và nhiều yếu tố kỹ thuật khác, kể cả khâu duyệt phim. Giống như một bộ máy trong hệ thống, khi đã có ý tưởng đề tài hay thì cả bộ máy đó sẽ phải khởi động hoàn hảo để đưa dự án vào thực hiện. Ðó là cả một quá trình mang tính chuyên nghiệp, theo tác phong công nghiệp và sự hỗ trợ của công nghệ cao. Cùng với quá trình này, các nhà làm phim truyền hình phải tiến hành nghiên cứu kỹ thị trường, tâm lý người xem, coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng các nội dung phim phù hợp. Ðã có không ít bộ phim truyền hình ăn khách ở các nước, được các nhà làm phim trong nước mua bản quyền về sản xuất phát sóng, song không mang lại hiệu quả, cho thấy thành công của bộ phim còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cộng hưởng như đã nói ở trên, chứ không thể cứ bắt chước, bê nguyên xi như phim nước ngoài làm vào là được. Một yếu tố quan trọng là cơ sở sản xuất phim phải được đầu tư với các trường quay bảo đảm có thể cùng lúc thực hiện được nhiều thể loại phim truyền hình cùng khâu hậu kỳ, hoàn thiện hiện đại.

Nâng cao chất lượng phim trong nước, từng bước xây dựng một nền công nghiệp phim truyền hình Việt Nam, đòi hỏi cần có thời gian, sự đầu tư đồng bộ ở nhiều khâu, nhiều bộ phận, trong đó không thể thiếu sự quan tâm, chỉ đạo và định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ và bảo đảm đầu ra, giúp các nhà làm phim yên tâm tập trung sản xuất những sản phẩm đạt chất lượng cao. Cũng không thể xem nhẹ việc học hỏi kinh nghiệm từ các nhà sản xuất phim truyền hình nước ngoài,  hợp tác   thực hiện các bộ phim truyền hình với nước ngoài sẽ giúp các nhà làm phim truyền hình Việt Nam tiếp thu được các công nghệ mới nhất và có những bước tiến nhanh, vững chắc.

NGUYÊN ANH