Mùa cá linh non - đặc sản Đồng Tháp

NDO -

NDĐT - Như thông lệ hàng năm, cứ đến khoảng rằm tháng 7 âm lịch, khi con nước từ thượng nguồn sông Mê Công ngầu đục, đỏ nặng phù sa cuồn cuộn đổ về, thì người dân vùng thượng nguồn châu thổ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu vào mùa khai thác mới: Mùa cá linh non, một đặc ân tự nhiên của dòng Mê Công ban tặng.

Đánh bắt cá linh bằng dớn trên đồng.
Đánh bắt cá linh bằng dớn trên đồng.

Năm nay, theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, nước lũ và cá linh non về sớm hơn mọi năm nên có khả năng người dân vùng ĐBSCL sẽ có một mùa lũ đẹp.

Cá linh lên ngôi

Ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự, ông Trần Văn Tư, một nông dân kỳ cựu với hơn hai mươi năm chuyên đóng đáy cá ở Thường Thới Hậu A cho biết, cá linh non về tới đây đã gần mười ngày nay rồi, hiện mỗi ngày ông đổ được từ 15-20 kg. Ông Tư cho biết thêm, mấy ngày đầu bạn hàng ngoài chợ Hồng Ngự vô mua cá giá khá cao từ 140.000 -150.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 100.000 đồng/kg tùy theo lượng cá đổ được ít hay nhiều. Ngoài đánh bắt bằng cách đóng đáy, người dân còn đánh bắt cá linh bằng hệ thống dớn, loại đăng làm bằng lưới cước ni lông.

Anh Lê Văn Tùng thành phố Cao Lãnh, chủ hai miệng đáy ngoài sông Tiền khu vực gần bến phà Cao Lãnh cho biết, do cách xa Hồng Ngự hơn 50 km nên cá linh về trễ mà số lượng cũng chưa nhiều. Do mặt hàng cá linh đầu mùa đắt hàng nên chỉ trong một buổi sáng, anh Tùng đã bán sạch hết lượng cá trên 40 kg chứa trong chiếc ghe đục ngay tại dốc cầu Tân Việt Hòa, không kịp chuyển cá lên tới chợ.

Mùa cá linh non - đặc sản Đồng Tháp ảnh 1

Cá linh non bán ở chợ Hồng Ngự.

Tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự giá cá linh là vậy, nhưng về đến các chợ ở thành phố Cao Lãnh, giá cá đã tăng lên rất cao. Tại các chợ ven sông Tiền, ngay từ 2 - 3 giờ sáng cá linh đã được các chủ ghe mang đến để cung cấp cho các chợ trong nội ô thành phố và các huyện lân cận. Chị Nguyễn Thị Hoa, một “đại lý” tại chợ Tân Việt Hòa, thuộc Phường 6 cho biết: “Mới bắt đầu khoảng hơn tuần nay thôi, ghe đục chở cá đem vào tới chợ tôi thu gom hết, cá linh đầu mùa giá 150.000 đồng/kg, ra tới chợ Cao Lãnh “sang tay” lại cho những người bán lẻ, mỗi ký lô tôi lời từ 4.000 đến 5.000 đồng”.

Sau khi làm ruột, những ngày đầu mùa giá cá linh non bán lẻ tại thành phố Cao Lãnh lên tới 170.000 - 200.000 đồng/kg nhưng vẫn đắt như tôm tươi. Hai ngày nay, do lượng cá về nhiều hơn nên tùy theo cá mới hay cá cũ, giá chỉ còn từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg. Và từ chợ trung tâm thành phố Cao Lãnh, cá linh tiếp tục được các “thương lái di động” chuyển đến hầu hết các chợ nhỏ lẻ, vào trong các quán ăn từ cao cấp đến bình dân.

“Liên khúc” cá linh

Hơn một tuần nay, ở Nhà khách tỉnh Đồng Tháp và nhà hàng Á Châu kề bên, trong các bữa cơm chiêu đãi khách đều có thêm đặc sản cá linh đầu mùa. Tại các quán ăn bình dân trong thành phố, trong thực đơn có thêm một trang viết tay mới được cập nhật với nhiều món ăn được chế biến từ duy nhất cá linh, nào là cá linh nhúng dấm, cá linh kho mắm ăn với rau đồng, đến cá linh kho lạt chấm với xoài bằm hay cá linh lăn bột chiên chấm nước mắm tỏi…

Có lẽ vì thế mà khoảng hơn tuần nay, từ các quán cơm, các quán nhậu bình dân đến những nhà hàng sang trọng, nơi đâu cũng đông khách bởi những món ăn dân dã này, trong khi giá cả rất mềm. “Chỉ khoảng 120.000 đồng là bốn người có thể ăn thoải mái”, một chủ quán ăn cho biết.

Cá linh non đầu mùa là vậy, bước sang tháng 8 âm lịch, cá đã lớn gấp đôi, cỡ bằng ngón tay. Thời điểm này, cá ngon nhất là món canh chua nấu với bông điên điển và bông súng đồng, hay chiên giòn chấm nước mắm me cũng có thể “chấp nhận được”. Đến khi lũ rút, chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông-Xuân thì cá linh mới thật sự hết “mùa”…

Trong những ngày đầu lũ này, mỗi khi có dịp về ĐBSCL, du khách phương xa đừng nên bỏ qua “khúc biến tấu” từ đặc sản cá linh, một đặc ân tự nhiên chỉ tìm thấy duy nhất do dòng Mê Công ban tặng.