Vui buồn những kỷ lục mới

Rất nhiều cột mốc mới đã được thiết lập trong tuần qua, đòi hỏi chính phủ các nước phải hành động khẩn cấp nhằm ổn định kinh tế hay môi trường, vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Quốc hội Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục.
Quốc hội Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục.

Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục, lên đến 107.600 tỷ yên (900 tỷ USD), cho tài khóa 2022 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ an sinh xã hội và tăng chi tiêu quốc phòng. Thượng viện Nhật Bản đã phê chuẩn dự thảo ngân sách cho tài khóa bắt đầu từ ngày 1/4/2022, sau khi dự thảo này được Hạ viện "bật đèn xanh" vào cuối tháng 2. Đây sẽ là năm thứ 10 liên tiếp, mức ngân sách của Nhật Bản tiếp tục chạm mốc mới. 

Theo dự thảo, ngân sách sẽ phân bổ 36.270 tỷ yên - khoản chi lớn nhất từ trước đến nay cho an sinh xã hội để giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh của Nhật Bản. Ngân sách dành 5.400 tỷ yên cho chi tiêu quốc phòng, cũng là một con số cao kỷ lục, trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển các công nghệ mới phục vụ an ninh quốc gia. Dự kiến, sau khi ban hành dự thảo ngân sách tài khóa năm 2022, chính phủ sẽ soạn thảo một gói cứu trợ nhằm giải quyết tình trạng chi phí nhiên liệu ngày càng tăng.

2 Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng 0,25% như lần tăng mới nhất để kiềm chế lạm phát. FED đánh giá lạm phát của Mỹ đang ở mức quá cao, đe dọa tới sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Giá tiêu dùng tại Mỹ đã chạm mốc trần mới, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phải đối mặt lạm phát tăng cao, và tình trạng này có khả năng còn kéo dài do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 cao hơn 7,9% so cùng kỳ năm ngoái. Bộ Lao động Mỹ cho biết đây là mức gia tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1982 khi giá dầu, lương thực và nhà ở đều tăng. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cảnh báo nước Mỹ đang bên bờ vực của "lạm phát kèm suy thoái" - xảy ra khi nền kinh tế trải qua cả tình trạng đình trệ kinh tế, sản lượng đi ngang hoặc giảm và lạm phát lên cao.

3 Business France trong tuần qua cho biết, Pháp đã cấp 1.600 giấy phép đầu tư nước ngoài trong năm 2021, tăng 32% so năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đặc biệt là cao hơn nhiều so 1.468 dự án được đón nhận vào năm 2019 - từng được xem là "đỉnh cao". Đáng chú ý, Đức đã vượt Mỹ trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Pháp, với gần 300 dự án, chiếm 18% trong tổng số.

Theo giới phân tích, con số đầu tư nước ngoài ấn tượng này cho thấy cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã không thể ngăn cản sức hấp dẫn của Pháp. Đây cũng là một trong những "sợi chỉ đỏ" trong chính sách kinh tế của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của ông, và cũng là bằng chứng cho thấy Chính phủ Pháp đã không chệch hướng trong thời kỳ đại dịch.

Vui buồn những kỷ lục mới -0
Diện tích băng trên biển Nam Cực đã giảm xuống mức hai triệu km2. 

4 Khu vực phía đông của Nam Cực đã ghi nhận những mức nhiệt cao bất thường trong tuần qua, cao hơn khoảng 30 độ C so với mức nhiệt thông thường. Các chuyên gia từ cơ sở nghiên cứu Concordia ở Dome C của Nam Cực đã đo được nhiệt độ ở mức âm 11,5 độ C - ở thời điểm mà thông thường, nhiệt độ sẽ giảm khi mùa hè ở phía nam kết thúc. Trong tháng 3 này, trạm quan sát Dumont d’Urville ở Nam Cực cũng liên tục ghi nhận mức nhiệt cao choáng váng, có lúc lên 4,9 độ C trong thời điểm mà thông thường nhiệt độ đã phải giảm xuống mức âm. 

Các mức nhiệt cao chưa từng có được ghi nhận sau khi trung tâm dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ cho biết diện tích băng trên biển Nam Cực đã giảm xuống mức 2 triệu km2 vào cuối tháng 2, mức thấp nhất kể từ năm 1979.