Vụ bê bối liên quan tế bào gốc

Trong nhiều năm liền, kết quả nghiên cứu giả mạo về khả năng điều trị bệnh tim bằng tế bào gốc đã giúp một nhà khoa học người Mỹ trở nên nổi tiếng. Đi cùng với đó, ông này cũng nhận được rất nhiều tiền tài trợ từ cả chính phủ và tư nhân.
0:00 / 0:00
0:00
TS Anversa cùng các cộng sự tại phòng thí nghiệm. Ảnh: The New York Times
TS Anversa cùng các cộng sự tại phòng thí nghiệm. Ảnh: The New York Times

“Phát hiện đột phá”

Theo Reuters, năm 2011, nhà khoa học phân tử trẻ người Italy, Mario Ricciardi được chọn để làm việc cùng với TS Piero Anversa - một trong những nhà khoa học thành công nhất của Trường đại học Y Harvard. TS Anversa bắt đầu nổi lên trong giới khoa học vào năm 2001, khi ông ta và các cộng sự công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng The Nature kết quả công trình nghiên cứu, khẳng định một loại tế bào gốc trưởng thành có nguồn gốc từ tủy xương đã được chứng minh giúp tái tạo mô tim bị tổn thương ở chuột. Luận điểm này đi ngược lại những giả định vốn được hầu hết các nhà khoa học duy trì trong suốt nhiều thế kỷ qua, cho rằng trái tim không giống như da hoặc cơ, không thể tự phục hồi.

Tại Mỹ, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Vì vậy, dù chưa được xác thực trên người, nhưng phát hiện của TS Anversa và các cộng sự vẫn mở ra kỳ vọng về khả năng tế bào gốc trưởng thành có thể tái tạo trái tim hoặc thậm chí giúp chữa khỏi được bệnh tim. Nghiên cứu của ông này được những tạp chí khoa học tiếng tăm nhất thế giới đăng tải. Năm 2003, Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA), tổ chức phi lợi nhuận tài trợ lớn nhất cho các nghiên cứu về bệnh tim mạch tại Mỹ, đã trao cho Anversa giải thưởng “Nhà khoa học xuất sắc”, ca ngợi ông ta là một “nhà nghiên cứu tiên phong”.

Năm 2001, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush cũng cho rằng, tế bào gốc trưởng thành là một giải pháp thay thế “đầy hứa hẹn”. Đi cùng với danh tiếng cá nhân của Anversa, Chính phủ Mỹ và các đơn vị tư nhân đã tài trợ hàng triệu USD cho các phòng thí nghiệm của ông ta.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nghiên cứu về tế bào gốc cũng được khẩn trương tiến hành. Theo một phân tích của Học viện khoa học quốc gia của Anh, vào năm 2007, giá trị vốn trên toàn thế giới của các công ty giao dịch công khai trong lĩnh vực y học tái tạo là 4,7 tỷ USD, cao hơn 15 lần so bốn năm trước đó. Trong số này, giá trị vốn của các công ty tập trung nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành, không chỉ ở các bệnh nhân có bệnh về tim, đã chiếm hơn 60% thị trường.

Đầu năm 2011, Anversa và các cộng sự đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng tế bào gốc trưởng thành để điều trị bệnh tim trên người, với dự án có tên SCIPIO. Trong giai đoạn đầu, nhóm đã tiêm tế bào gốc vào tim của 16 bệnh nhân. Tại hội nghị của AHA vào tháng 11 năm đó, Anversa đã trình bày kết quả ban đầu, cho thấy sự gia tăng chức năng tim và giảm mô sẹo ở những người bệnh. Nhóm nghiên cứu khẳng định, kết quả nghiên cứu ở giai đoạn đầu này mở ra “cuộc cách mạng lớn nhất trong y học tim mạch” mà họ từng chứng kiến.

Sự thật được phơi bày

Tuy nhiên, trong suốt một năm trời kể từ khi được nhận vào phòng thí nghiệm của TS Anversa, dù đã rất cố gắng làm việc nhưng nhà khoa học trẻ Mario Ricciardi và các cộng sự vẫn không thể lặp lại những phát hiện quan trọng của người sếp nổi tiếng của mình. Dần dần, họ bắt đầu nảy sinh nghi ngờ, cho rằng dữ liệu và hình ảnh tế bào trong thử nghiệm của TS Anversa đã bị làm giả để hỗ trợ cho các khẳng định mà nhóm nghiên cứu của ông ta đã công bố. Đặc biệt, họ đã cố để phân lập các tế bào gốc trưởng thành có đặc tính tái tạo từ mô tim, nhưng vẫn không thể tìm thấy các tế bào gốc vốn là phát hiện đột phá của Anversa.

Khi họ nêu ra những thắc mắc của mình, cả Anversa và cấp phó của ông ta đều thẳng thừng bác bỏ. Vì muốn có câu trả lời chính xác nên Ricciardi và các cộng sự tiếp tục trình bày quan ngại của mình đến lãnh đạo Bệnh viện Brigham. Kết quả là, sau một cuộc điều tra kéo dài gần sáu năm, Bệnh viện Brigham và Trường đại học Y Harvard đã đưa ra một tuyên bố ngắn, xác nhận họ đã phát hiện “những dữ liệu giả mạo hoặc bịa đặt” trong 31 bài viết khoa học mà TS Anversa và các cộng sự của ông ta là tác giả. Trong thời gian này, một số nghiên cứu cho rằng, các tế bào gốc trưởng thành có đặc tính tái tạo trong các mô của con người cũng bị rút khỏi các tạp chí vì nghi ngờ về tính xác thực.

Vào tháng 4/2017, Bộ Tư pháp Mỹ công bố kết luận trong một cuộc dàn xếp dân sự với Bệnh viện Brigham, theo đó khẳng định rằng phòng thí nghiệm của TS Anversa đã dựa vào “việc ngụy tạo dữ liệu và hình ảnh” để tìm kiếm các khoản tài trợ của chính phủ và có hành vi “lưu trữ hồ sơ một cách vô tình hoặc cố ý theo hướng gây hiểu lầm”. Ít nhất sáu trong tổng số 19 tạp chí đã đăng tải về kết quả nghiên cứu của TS Anversa đã rút lại các bài báo mà họ từng đăng tải, trong đó có những tạp chí nổi tiếng về “tiêu chuẩn vàng” trong việc đăng tải các nghiên cứu như The Lancet hay Tạp chí y khoa New England.

Tuy nhiên, theo Reuters, trong hơn hai thập kỷ qua, bất chấp các cáo buộc gian lận và bịa đặt chống lại TS Anversa và những người khác, những khoản tài trợ của chính quyền liên bang và tư nhân vẫn tiếp tục được đổ vào các thử nghiệm dựa trên phát hiện “bom tấn” của TS Anversa về khả năng tái tạo hoặc chữa lành trái tim của tế bào gốc trưởng thành. Trong đó, chỉ riêng Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) từ năm 2001 đến nay đã chi ít nhất 588 triệu USD cho nghiên cứu theo hướng này.

TS Charles Murry, người đứng đầu một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành tại Đại học Washington cho rằng, việc làm giả kết quả nghiên cứu của ông Anversa đã làm vấy bẩn lên khoa học. Theo ông Murry, đây là một vết nhơ khủng khiếp đối với lĩnh vực nghiên cứu của ông. Sau khi có kết luận của Bộ Tư pháp Mỹ, Bệnh viện Brigham đã đồng ý trả lại NIH 10 triệu USD, bằng khoảng một phần tư số tiền mà phòng thí nghiệm của TS Anversa nhận được kể từ năm 2008 cho nghiên cứu tế bào gốc. Năm 2015, phòng thí nghiệm của Anversa đã phải đóng cửa.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu và những đánh giá dựa trên tài liệu y khoa chỉ ra rằng, cho đến nay, chưa có nhà khoa học nào đưa ra được bằng chứng xác thực khả năng tái sinh của tim người. Điều này đã dấy lên cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu về tế bào gốc, cho rằng việc tiền của chính phủ đến nay vẫn đổ vào những thí nghiệm này là hành vi lãng phí. “Đến nay, chúng ta đã xác nhận rằng tế bào gốc trưởng thành không tái sinh trái tim và nghiên cứu nói trên là sai. Vậy, tại sao những nghiên cứu như vậy vẫn tồn tại?”, ông Jeffery Molkentin, Giám đốc về sinh học phân tử tại Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati đặt câu hỏi.

Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý khác là đồng tác giả với Anversa trong nghiên cứu gây tranh cãi năm 2001 là Bernardo Nadal-Ginard, từng là người đứng đầu khoa tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng Boston. Những năm 1990, người này từng phải ngồi tù chín tháng vì tội biển thủ công quỹ tại Tổ chức Tim mạch trẻ em Boston, bị buộc phải hoàn trả gần 6,6 triệu USD cho tổ chức từ thiện này. Nadal-Ginard từng bị các thẩm phán tại tòa án hình sự Mỹ tuyên bố là “một tên trộm khét tiếng”. Sau khi ra tù, người này thường xuyên đứng tên đồng tác giả trong nhiều công trình nghiên cứu của Anersa, trong đó có hai bài báo được Bệnh viện Brigham và Trường đại học Y khoa Harvard sau khi điều tra kết luận là có vấn đề.

Vai trò quan trọng của các công trình nghiên cứu khoa học là điều không thể tranh cãi. Những nghiên cứu đó giúp thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực y học, biến đổi khí hậu, vật lý… Tuy nhiên, các thống kê cũng chỉ ra rằng, điều đáng buồn là những hành vi sai trái trong lĩnh vực khoa học cũng đang gia tăng theo thời gian. Vì vậy, cần xem xét vấn đề gian lận khoa học và ngụy tạo dữ liệu một cách nghiêm túc. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những chế tài hình sự nghiêm khắc để ngăn chặn tác động tiêu cực của hành vi gian lận này.