Vòng xoáy nguy hiểm

Ngày 18/7 vừa qua, các Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp nhất trí về gói trừng phạt thứ bảy chống lại Nga. Vòng trừng phạt mới được đưa ra nhằm gây áp lực mạnh hơn nữa lên nền kinh tế Nga, khiến nhiều ý kiến lo ngại Moscow sẽ trả đũa bằng cách khóa van các đường ống cung cấp khí đốt và dầu mỏ cho “lục địa già”.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RODRIGO DE MATOS
Biếm họa: RODRIGO DE MATOS

Reuters cho hay, vòng trừng phạt mới không bao gồm các biện pháp trừng phạt liên quan ngân hàng Gazprombank của Nga. Tuy nhiên, EU đã có một số điều chỉnh như lệnh cấm vận đối với vàng nhập từ Nga, hạn chế buôn bán các “sản phẩm lưỡng dụng” được sử dụng trong công nghiệp quân sự và quốc phòng, cũng như áp đặt thêm các hạn chế trong mua bán công… Ngoài ra, gói trừng phạt lần này cũng bổ sung 48 cá nhân và chín tổ chức tư nhân của Nga vào danh sách trừng phạt trước đó, trong đó có một Phó Thủ tướng Nga và một số các nhà lãnh đạo chính trị khác.

Bộ trưởng Ngoại giao CH Czech, quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của EU cho biết, EU cần xác định lại mối quan hệ với Moscow sau cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine. Theo Bộ trưởng Jan Lipavsky, trước những hành động gần đây của Nga, các nguyên tắc và cách tiếp cận của EU đối với Moscow dựa trên cơ sở cũ không còn được áp dụng nữa, EU cần xem xét một chiến lược dài hạn trong việc đối phó với Nga.

Trả lời báo giới sau cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao EU, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt của khối lên Moscow không nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, mà là để phá hủy nền kinh tế Nga. “Lệnh trừng phạt của EU sẽ không ngăn chặn các hành động quân sự ở Ukraine mà sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế Nga”, ông Borrell nói. Cao ủy EU cũng cho biết, các tác động của gói trừng phạt có thể không xảy ra tức thời, nhưng hiệu quả từ các biện pháp trừng phạt này có thể dễ dàng thấy được trong tương lai gần.

Từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, các vòng trừng phạt của EU đã khiến hầu hết hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Nga sang liên minh bị cấm. Do nhiều nước châu Âu hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, nên ngày càng nhiều lo ngại các biện pháp trừng phạt cũng ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Năng lượng chính là “át chủ bài” của Nga, giúp Moscow vẫn đứng vững trong vòng xoáy trừng phạt của phương Tây. Với gói trừng phạt mới, không ai có thể loại trừ khả năng Moscow sẽ kích hoạt thứ vũ khí lợi hại này nhằm trả đũa.

Trong bối cảnh đó, những quốc gia EU phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt Nga đã bày tỏ sự quan ngại. Ngày 15/7 vừa qua, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho rằng, EU cần tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, vì hòa bình là giải pháp duy nhất cho các khó khăn về kinh tế hiện nay của khối. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Kossuth, Thủ tướng Orbán nhận định, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga không có tác dụng và trên thực tế, EU chịu thiệt hại nhiều hơn. Ông Orbán nhấn mạnh, chính các biện pháp trừng phạt chống Nga đang khiến nền kinh tế châu Âu rơi vào khó khăn, đồng thời làm kéo dài cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông cho rằng, trong tình hình hiện nay các nhà lãnh đạo EU cần đàm phán hòa bình với Moscow, tránh để căng thẳng leo thang.

Chính quyền của Thủ tướng Viktor Orbán cũng như các chính phủ khác trong EU đang phải vật lộn đối phó với những tác động của tình trạng giá nhiên liệu và năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, giới chức EU một mặt lo ngại song mặt khác vẫn thể hiện sự cứng rắn trước Nga, khi khẳng định các biện pháp trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine đang hoạt động hiệu quả, dù đe dọa các nguồn cung năng lượng cho EU. Cao ủy EU Josep Borrell cho rằng, những quyết định trừng phạt không phải sai lầm và EU cần tiếp tục áp dụng các biện pháp này. Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg, ông Jean Asselborn cũng bác bỏ ý tưởng ngừng áp đặt trừng phạt, khi cho rằng thông thường EU sẽ theo đuổi con đường ngoại giao nhưng hiện không phải thời điểm bình thường.

Các gói trừng phạt mà EU áp đặt với Nga chưa biết khi nào dừng lại, song điều này không phải là giải pháp hữu hiệu để hạ nhiệt căng thẳng hiện nay, ngược lại chỉ khiến hai bên ngày càng lún sâu vòng xoáy trừng phạt - trả đũa nguy hiểm.