Vòng tròn gian dối

NDO -

NDĐT - Tôi nhớ kỳ thi tốt nghiệp THCS cách đây đã một phần tư thế kỷ. Trước khi thi một ngày, thầy cô triệu tập chúng tôi dặn dò hết sức tỉ mỉ. Trong lời căn dặn ấy, có một chi tiết rất đáng chú ý, xuất hiện vào phút cuối cuộc họp: Những em học kém nên chuẩn bị ít tài liệu, bí quá không làm được bài thì ra nhà vệ sinh xem.

Một hình thức gian lận trong thi cử. (Ảnh: internet)
Một hình thức gian lận trong thi cử. (Ảnh: internet)

Kỳ thi diễn ra, trong những cái bắt tay nồng nàn giữa lãnh đạo nhà trường với cán bộ coi thi nơi khác cử về. Cùng với những khuôn mặt rạng rỡ, thì cũng có những khuôn mặt tái dại, đờ đẫn khi giám thị công bố đề thi. Nhiều đứa bạn cùng phòng đã nhăn nhó "xin đi vệ sinh", và trở về với nét mặt tươi tắn hẳn lên so với lúc rời đi. Tan cuộc mới biết, có những đứa may mắn được dúi vào tay đáp án của đề thi...

Câu chuyện tôi kể diễn ra vào cái thời mà hầu như năm học nào cũng chứng kiến một vài học sinh bị ở lại. Bạn bè tôi tụt lại phía sau khá nhiều. Và một lớp học 40 đến 50 đứa, hiếm khi có quá ba học sinh giỏi.

Ngay ở cái thời mà người ta vẫn tin còn "sống thật" như thế, thì các thầy cô với lòng "nhiệt tình" của mình cũng đã kịp tìm ra những "kẽ hở" để "giúp đỡ" học sinh của mình đạt kết quả cao hơn.

Giờ đây, hệ thống giáo dục gần như đã "đảo chiều". Bây giờ, muốn ở lại lớp trở thành khó hơn lên giời. Học sinh chưa biết đọc, biết viết vẫn liên tục được "đôn" từ lớp này lên lớp khác. Còn muốn đạt lực học trung bình, thì phải có những nỗ lực... phi thường. Rất nhiều lớp học, có 100% học sinh đạt loại giỏi vào cuối năm học.

Bởi thế, cũng như nhiều người, tôi không sốc khi xem clip thầy Đỗ Việt Khoa quay cảnh giáo viên bỏ vị trí coi thi, nhân viên phục vụ thi vào tận phòng phân phát bài giải sẵn cho thí sinh tại Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ) cách đây hơn mười năm. Cũng không mấy ngạc nhiên khi hàng trăm bài thi của các thí sinh Hà Giang được đồng loạt nâng điểm. Chỉ "thán phục" ông Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) Vũ Trọng Lương về tốc độ sửa bài, trung bình 6 giây/ bài thi và độ "bạo gan", khi nâng nhiều bài thi điểm liệt vọt lên thành điểm giỏi.

Sự việc thầy Đỗ Việt Khoa và ông Vũ Trọng Lương, tình cờ, lại có điểm tương đồng. Đấy là “sự kiện” buộc mọi người phải nhìn vào thực tế của nền giáo dục Việt Nam.

Liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Công cuộc cải cách giáo dục sẽ được đẩy mạnh hơn? Công tác tổ chức thi cử sẽ tiếp tục được siết chặt? Sẽ đổi từ một kỳ thi quốc gia thành hai? Tìm thêm các biện pháp để đánh giá năng lực học sinh?... Không riêng tôi, hẳn nhiều người đều tin rằng, tất cả những biện pháp ấy cũng chỉ là loại thuốc giảm đau dành cho căn bệnh đã di căn.

Cái gốc gác là căn bệnh thành tích đã thấm sâu vào mọi ngõ ngách. Câu chuyện "xin đi vệ sinh" mà thầy cô dặn chúng tôi mấy chục năm trước, không gì khác hơn là mong một "tỷ lệ đẹp" về học sinh tốt nghiệp. Bây giờ, những kỹ năng để tạo nên "thành tích đẹp" đã được nâng lên những tầm cao mới. Chẳng phải kỳ thi tốt nghiệp, mà nó diễn ra hằng ngày trong hệ thống giáo dục - đào tạo. Không ít học sinh ngỡ ngàng khi cuối năm có những điểm số "bất ngờ" xuất hiện trong học bạ. Nhưng mấy ai dại gì "thưa ông tôi ở bụi này", khi điểm số ấy cao hơn học lực vốn có?

Căn bệnh ấy gặp "người tri kỷ, tri âm" là "văn hóa khoa cử", hay đúng hơn là tâm lý sính bằng cấp của người Việt. Thầy cô "có lòng" thì phụ huynh cũng "có dạ". Thầy cô không ngại nâng điểm thì phụ huynh cũng luôn sẵn sàng tư thế "chạy điểm, chạy trường".

Những em học sinh hôm nay sẽ lớn lên, trở thành những công dân trong xã hội. Có thể chính những em đã, đang, và sẽ được nâng đỡ như vụ sửa điểm, hay "hỗ trợ thi cử" vừa rồi sẽ là những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, hay những cán bộ quản lý... Sẽ ra sao nếu họ cứ nối tiếp nhau dùng "kiến thức ảo" để làm việc thật trong xã hội? Và ai dám chắc họ sẽ không tiếp nối "truyền thống" trong thi cử của chính mình?

Sau sự kiện thầy Đỗ Việt Khoa, ngành giáo dục rộ lên phong trào "Hai không": Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. Vài năm sau, mọi việc lại đâu vào đấy. Thậm chí, bệnh thành tích và tiêu cực biến hình tinh vi hơn.

Chẳng phải cải cách thi cử, cải tiến sách giáo khoa, hay những bài diễn văn hào hùng về nói không với tiêu cực. Rốt cục, cái một nền giáo dục cần chính là thầy cô và phụ huynh dám sống thật, nhìn vào sự thật. Không có những con người trung thực, làm sao có thể chống lại cái ảo, làm sao đào tạo được những thế hệ học sinh sống thật? Nếu không, những trang lịch sử giáo dục, sẽ là những vòng tròn lặp lại, như đã từng xảy ra.