Vinh danh những “bóng hồng” trong khoa học

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của LHQ (UNESCO) và Quỹ L’Oréal mới đây tôn vinh 45 nhà khoa học nữ xuất sắc đến từ hơn 35 quốc gia và các khu vực trên thế giới, tại lễ trao giải thưởng quốc tế dành cho các nhà khoa học nữ. TS Hồ Thị Thanh Vân từ Việt Nam là một trong những gương mặt nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” năm nay. 

TS Hồ Thị Thanh Vân nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới. Ảnh: NDĐT
TS Hồ Thị Thanh Vân nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới. Ảnh: NDĐT

Thông cáo báo chí của UNESCO nhấn mạnh, ba năm qua là một trong những giai đoạn thách thức nhất đối với nghiên cứu khoa học. Trong đó, những người phụ nữ có mặt ở trên hầu khắp các tuyến đầu, giải quyết cuộc khủng hoảng y tế như đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu và những vấn đề toàn cầu cấp bách khác. Mặc dù các nhà khoa học nữ đóng vai trò hết sức quan trọng và không thể thay thế, song sự đóng góp của họ vẫn chưa được phản ánh đầy đủ. Lễ vinh danh lần này là hoạt động để ghi nhận thành tích của các nhà khoa học nữ xuất sắc, đồng thời thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu nữ trên toàn thế giới vượt qua các trở ngại để góp phần phục vụ cuộc sống và giải quyết những thách thức toàn cầu.

Tại lễ vinh danh, 15 nhà nghiên cứu xuất sắc đã được ghi nhận vì những thành tựu khoa học xuất sắc của họ trong những năm gần đây, cùng 30 nhà khoa học nữ trẻ đã được bình chọn trong ba năm từ 2020 đến 2022 giành được danh hiệu “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới”. Trong đó, TS Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng Giám khảo giải thưởng bầu chọn là một trong những gương mặt nữ làm khoa học trẻ tài năng nhất năm 2022, với công trình nghiên cứu phát triển vật liệu mới để sản xuất hydro xanh. 

TS Hồ Thị Thanh Vân hiện là Trưởng phòng Khoa học công nghệ và quan hệ đối ngoại, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh. Công trình nghiên cứu của TS Vân tiếp cận những vấn đề về năng lượng và môi trường, trong đó tập trung vào năng lượng hydro và nhiên liệu sạch có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày, đây là nguồn năng lượng sạch có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ môi trường. TS Vân là nhà khoa học nữ Việt Nam thứ ba được UNESCO trao giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới”. Trước đó, TS Trần Hà Liên Phương (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và TS Nguyễn Thị Hiệp (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã được nhận giải thưởng này lần lượt vào các năm 2015, 2017.

Theo số liệu gần đây của UNESCO, số lượng phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học đang tăng nhẹ. Cứ ba nhà nghiên cứu trên toàn cầu thì có một người là phụ nữ. Tuy vậy, trong giới nghiên cứu vẫn tồn tại khoảng cách lớn về giới khi chỉ 14% vị trí học thuật cấp cao ở châu Âu do phụ nữ nắm giữ và chỉ 4% giải Nobel khoa học được trao cho phụ nữ. Bà Alexandra Palt, Giám đốc điều hành của Quỹ L’Oréal cho rằng: “Trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã thấy các nhà khoa học nữ đóng vai trò sống còn để ứng phó các mối đe dọa hiện hữu. Nhưng họ vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng và thường gặp phải những trở ngại lớn trong sự nghiệp và trong nghiên cứu”.

Các nhà khoa học nữ tài năng được vinh danh năm nay đều có nghiên cứu đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực tiên phong, chẳng hạn như hệ thống lưu trữ năng lượng, hệ thống nhiên liệu xanh hay quang học lượng tử - lĩnh vực nghiên cứu đang mở đường cho máy tính thế hệ mới có thể tiết kiệm năng lượng hơn. 

Trợ lý Tổng Giám đốc về Khoa học tự nhiên của UNESCO, bà Shamila Nair-Bedouelle nhận định: “Các nhà khoa học nữ đã có đóng góp thầm lặng trong mọi lĩnh vực nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của họ vẫn không được công nhận xứng đáng. UNESCO với tư cách là cơ quan phụ trách khoa học của LHQ, coi bình đẳng giới là ưu tiên hàng đầu, chúng tôi quyết tâm hành động để chấm dứt những bất bình đẳng này và mong muốn sẽ có nhiều hành động tích cực hơn nữa, để thúc đẩy tiếng nói của các nhà khoa học nữ, qua đó phát triển thành tựu của họ để giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay”.