Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục (9-10%/năm), vượt lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ năm 2010. Trong hơn 10 năm qua, mặc dù chịu tác động của tình hình thế giới biến đổi nhanh, dịch Covid-19 bùng phát và áp lực đi xuống của kinh tế trong nước, song Trung Quốc vẫn đạt được những thành tựu mang tính lịch sử, hoàn thành nhiệm vụ thoát nghèo và xây dựng toàn diện xã hội khá giả đúng kế hoạch (“mục tiêu 100 năm thứ nhất”), chuyển sang phát triển chất lượng cao. Với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 6,2%, GDP của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 54.000 tỷ nhân dân tệ (NDT) (khoảng 8.500 tỷ USD) năm 2012 lên tới 114.000 tỷ NDT (khoảng 18.000 tỷ USD) năm 2022, chiếm tỷ trọng 18,5% kinh tế thế giới.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2017) tới nay, Trung Quốc đã xác lập “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” làm tư tưởng chỉ đạo. Đại hội XX (tháng 10/2022) đã đề ra đường lối chiến lược dài hạn phát triển đất nước Trung Quốc đến giữa thế kỷ này, nhấn mạnh nhiệm vụ sứ mệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời đại mới là hoàn thành xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện “mục tiêu 100 năm thứ hai”, thúc đẩy toàn diện phục hưng dân tộc Trung Hoa bằng việc hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc.
Hơn 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1951), quan hệ Việt Nam-Trung Quốc có thăng trầm nhưng hữu nghị hợp tác là dòng chảy chính. Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991 và thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30/10 đến 1/11/2022). Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước bước vào giai đoạn mới, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao được tích cực triển khai: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tại Bắc Kinh, Trung Quốc (tháng 10); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân, Trung Quốc (tháng 6); dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) lần thứ 20 tại Quảng Tây (tháng 9)… Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch.
Theo đà tin cậy chính trị được củng cố, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước duy trì tăng trưởng. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD. Trong 10 tháng tính từ đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đạt 49,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD, chiếm 33,5% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Đầu tư của Trung Quốc đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ tư tại Việt Nam.