Việt Nam kêu gọi Mali tăng cường hòa hợp dân tộc, giải quyết khác biệt

NDO -

Tại cuộc họp về tình hình Mali của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam kêu gọi các bên tăng cường các nỗ lực hòa hợp dân tộc, kiềm chế và giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại trong bối cảnh Mali phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.

Hiện trường một vụ tấn công tại Gao, Mali, ngày 13/11/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Hiện trường một vụ tấn công tại Gao, Mali, ngày 13/11/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 30/10, theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp về tình hình Mali với sự tham dự của ông El-Ghassim Wane, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Mali.

Tại đây, Việt Nam kêu gọi các bên tăng cường các nỗ lực hòa hợp dân tộc, kiềm chế và giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại trong bối cảnh Mali phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ông Wane đánh giá cao kết quả của đoàn công tác của Hội đồng Bảo an tới Mali ngày 24-25/10 vừa qua, trong đó Hội đồng Bảo an đã thể hiện sự coi trọng đối với vai trò của Phái bộ của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) cũng như với những hy sinh của nhiều binh sĩ của Phái bộ trong 8 năm qua.

Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký cho biết tình hình an ninh tại miền bắc, trung và nam Mali thời gian qua tiếp tục xấu đi, khó khăn nhiều mặt về kinh tế, xã hội, chính trị tại Mali ngày càng trầm trọng hơn.

Tình hình nhân đạo hiện nay rất đáng lo ngại với 4,7 triệu người cần sự giúp đỡ và 400.000 người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú. 

Đại diện đặc biệt khẳng định Phái bộ MINUSMA trong những tháng vừa qua đã tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của mình trong bối cảnh có nhiều thách thức về môi trường hoạt động và nguồn lực, đặc biệt là các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang phi chính phủ nhằm vào Phái bộ và các lực lượng an ninh quốc tế ngày càng tăng.

Về việc thực hiện Hiệp định hòa bình 2015, ông Wane đánh giá không có nhiều tiến triển trong các lĩnh vực như giải giáp, giải ngũ và tái hoà nhập lực lượng thuộc các nhóm vũ trang trước đây, cũng như trong cải cách thể chế và phát triển.

Đa số các thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về tình hình Mali hiện nay, đồng thời nhấn mạnh cần bảo đảm thực hiện lộ trình chuyển tiếp chính trị đúng hạn ở Mali, đặc biệt là việc tổ chức các cuộc bầu cử trước tháng 3/2022.

Các nước cũng lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các binh sĩ thuộc Phái bộ MINUSMA. 

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Phan Hồ Thế Nam, Điều phối viên Chính trị của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với những thách thức nhiều mặt về an ninh, phát triển và nhân đạo mà Mali đang phải đối mặt; kêu gọi các bên tăng cường các nỗ lực hòa hợp dân tộc, kiềm chế và giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại và ủng hộ các nỗ lực của MINUSMA đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ người dân Mali, trong đó bao gồm việc giải quyết các thách thức nhân đạo.