Vị trí đúng của môi trường

TẠI Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V mới đây, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kể từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường chuyển biến rất mạnh mẽ, từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động, chuyển từ bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00

Đặc biệt, tuyên bố mạnh mẽ về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường "xanh".

Tuy vậy, công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là chất lượng môi trường tuy được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường tiếp tục bị ô nhiễm; một số sự cố môi trường lớn vẫn xảy ra. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã vẫn đang diễn biến phức tạp… Nguyên nhân ngoài chủ quan và khách quan thì sâu xa là do nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân ở một số địa phương về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi.

Trong khi đó, theo Liên hợp quốc, môi trường, các hệ sinh thái trên trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, chạm ngưỡng không thể đảo ngược do sự gia tăng dân số và những áp lực của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Các số liệu do Diễn đàn liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái công bố cho thấy thực trạng đáng lo ngại: Một triệu trong tổng số tám triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm.

Phục hồi xanh đang là xu thế chung của toàn cầu. Phát triển đất nước theo hướng bền vững mà một trong ba trụ cột là bảo vệ môi trường, đang đòi hỏi ngành môi trường cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên trong những năm tiếp theo. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

CÙNG đó phải đẩy nhanh đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường; phát triển, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Áp dụng các rào cản kỹ thuật để ngăn ngừa các tác động tiêu cực về môi trường từ quá trình hội nhập. Các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có khí methane; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước